Vốn lưu động (working capital) là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng chi phí cho các hoạt động vận hành, như trả lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước,…
Công thức tính vốn lưu động
Vốn lưu động được tính bằng công thức:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Bạn có thể dễ dàng tính toán vốn lưu động dựa vào số liệu báo cáo tài chính của các công ty. Chẳng hạn với Vingroup (VIC), trong quý 3/2021, chúng ta có thể dễ dàng thấy tài sản ngắn hạn bằng 180,400 tỷ đồng, nợ ngắn hạn bằng 148,238 tỷ đồng, suy ra vốn lưu động của VIC sẽ bằng 180,400 – 148,238 = 32,162 tỷ đồng.
Qua công thức trên ta có thể thấy, sau khi công ty sử dụng tài sản ngắn hạn để trả hết nợ ngắn hạn, phần còn lại được gọi là vốn lưu động có thể được công ty sử dụng để chi trả cho bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp.
Ý nghĩa của vốn lưu động
Như đã trình bày ở trên, vốn lưu động đo lường lượng vốn mà công ty có thể sử dụng một cách tự do, nhằm đáp ứng cho các hoạt động kinh doanh của mình. Nếu một công ty có vốn lưu động dương, cơ cấu tài sản của công ty sẽ an toàn khi tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, khi đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sẽ diễn ra bình thường. Ngược lại, nếu vốn lưu động âm, tức là tài sản ngắn hạn của công ty không đủ để chi trả nghĩa vụ nợ ngắn hạn, cho thấy công ty có thanh khoản kém và chịu gánh nặng phải tạo ra dòng tiền để trả nợ đúng hạn.
Việc công ty duy trì một lượng vốn lưu động đủ lớn là rất quan trọng, dooanh nghiệp sẽ có những thời điểm gặp khó khăn, khi không thể tạo ra dòng tiền nhưng vẫn phải chi trả các chi phí. Vốn lưu động chính là nguồn lực giúp công ty có thể bù đắp chi phí trong các thời điểm này.
Tài sản của công ty được sử dụng để tạo ra dòng tiền, lợi nhuận, giúp tăng giá trị cho các cổ đông (vốn chủ sở hữu), bao gồm tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Toàn bộ tài sản dài hạn như máy móc, thiết bị, nhà xưởng có thể được công ty tận dụng để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, nhưng tài sản ngắn hạn lại không như vậy. Một phần tài sản ngắn hạn cần được sử dụng để trả nợ ngắn hạn khi đến thời điểm trả nợ, và công ty chỉ có thể tận dụng phần dư để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, chính là vốn lưu động. Do đó có thể nói, tài sản cố định và vốn lưu động là hai nguồn lực chính giúp công ty tạo ra dòng tiền.
Các chỉ số tài chính liên quan đến vốn lưu động
Chỉ số thanh toán hiện thời
Đây là một chỉ số tài chính quen thuộc đã được tôi giới thiệu trong bài viết về các chỉ số tài chính, được tính bằng cách lấy tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn. Mà hiệu của chúng chính là vốn lưu động, vì vậy chỉ số này cho ta biết lượng vốn lưu động của công ty nhiều hay ít, qua đó đánh giá độ an toàn vốn của công ty. Do đó trong nhiều trường hợp, chỉ số thanh toán hiện thời còn được gọi là tỷ lệ vốn lưu động.
Chỉ số thanh toán hiện thời càng lớn cho thấy công ty có một cơ cấu tài sản an toàn, càng nhiều vốn lưu động. Tuy vậy, theo tôi tỷ lệ này tốt nhất nằm trong phạm vi 1.2-2.0, thể hiện công ty có đủ vốn lưu động để có thể trang trải chi phí, và không quá thừa vốn lưu động. Việc duy trì quá nhiều vốn lưu động có thể làm chậm đà tăng trưởng của doanh nghiệp, bởi họ không đầu tư tài sản cố định để mở rộng sản xuất kinh doanh, có khả năng mang lại nhiều dòng tiền trong tương lai hơn.
Chẳng hạn đối với ví dụ VIC ở trên, chúng ta thấy tỷ lệ vốn lưu động bằng 180,400/148,238 = 1.22, cho thấy doanh nghiệp có một lượng vốn lưu động vừa đủ để vận hành doanh nghiệp trơn tru.
Vòng quay vốn lưu động
Chỉ số này đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động của công ty trong việc tạo ra doanh thu. Nó được tình bằng công thức lấy doanh thu thuần chia cho vốn lưu động bình quân của công ty. Chỉ số này càng lớn, khả năng sử dụng vốn lưu động của công ty càng hiệu quả.
Chỉ số vòng quay vốn lưu động có ý nghĩa giống chỉ số vòng quay tổng tài sản, tuy vậy chỉ số này không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được, bởi một số công ty có vốn lưu động âm.
Vốn lưu động phi tiền mặt
Doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng tiền mặt để chi trả bất cứ chi phí hay khoản nợ nào đến hạn, do đó việc đánh giá chất lượng của vốn lưu động là vô cùng quan trọng. Một công ty có vốn lưu động dương nhưng nếu phần lớn tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu và hàng tồn khi, thì điều này chưa hẳn đã tốt. Vì vậy, để đánh giá một cách chân thực nhất về dòng tiền của doanh nghiệp, người ta còn sử dụng vốn lưu động phi tiền mặt. Khi đó, công thức của vốn lưu động sẽ được điều chỉnh, bỏ đi khoản tiền mặt trong mục tài sản ngắn hạn và bỏ qua khoản nợ vay trong phần nợ ngắn hạn.
Nói cách khác, đối với vốn lưu động phi tiền mặt, chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến khoản phải thu và hàng tồn kho trong tài sản ngắn hạn, và khoản phải trả người bán cũng như người mua trả tiền trước trong nợ ngắn hạn. Đây là các yếu tố chính tạo nên vòng quay tiền mặt của công ty. Vốn lưu động phi tiền mặt còn được gọi là vốn lưu động điều chỉnh, hay vốn lưu động hoạt động của doanh nghiệp, vì chúng chỉ cân nhắc các yếu tố liên quan đến hoạt động của công ty.
Dưới góc độ doanh nghiệp, chắc chắn họ luôn muốn tận dụng khoản nợ chiếm dụng từ nhà cung cấp hay khách hàng càng lâu càng tốt (được mua chịu), và hạn chế tối đa các khoản phải thu (ví dụ như bán chịu), cũng như hàng tồn kho. Các doanh nghiệp lớn có vị thế có thể làm được điều này, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, với vị thế và mức độ uy tín thấp, nên để có thể ký kết hợp đồng với các khách hàng lớn hoặc nhà cung cấp lớn, họ chấp nhận bán chịu cho khách hàng, hoặc đặt cọc trước cho người bán, điều này làm vốn lưu động phi tiền mặt tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng phải nhập hàng với số lượng lớn sau đó mới bán cho khách hàng, cũng làm hàng tồn kho tăng lên và tăng vốn lưu động phi tiền mặt.
Vốn lưu động tác động đến dòng tiền như thế nào?
Khi doanh nghiệp bán chịu, họ vẫn được phép ghi nhận doanh thu và lợi nhuận như bình thường, nhưng họ không được nhận tiền mặt mà họ sẽ ghi nhận một khoản phải thu trong báo cáo tài chính của mình. Vì vậy, khoản phải thu tăng lên sẽ làm giảm dòng tiền của doanh nghiệp.
Đối với hàng tồn kho, doanh nghiệp bỏ tiền mua hàng tồn kho cũng khiến lượng hàng tồn kho tăng lên và giảm dòng tiền.
Trong trường hợp doanh nghiệp mua chịu từ nhà cung cấp, khoản phải trả người bán trong nợ ngắn hạn sẽ tăng lên. Nếu doanh nghiệp bán món hàng đó cho khách hàng, chi phí giá vốn hàng bán vẫn được ghi nhận, nhưng thực sự doanh nghiệp chưa phải chi trả một khoản tiền nào cho nhà cung cấp, điều này giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền.
Từ các điều tôi vừa trình bày, bạn có thể thấy, vốn lưu động phi tiền mặt tăng lên sẽ khiến dòng tiền thực của doanh nghiệp bị giảm đi. Tổng quát hóa, dòng tiền hoạt động (CFO) của doanh nghiệp có thể được tính bằng công thức dưới đây:
CFO = LNST + Khấu hao – Lãi thanh lý tài sản – Thay đổi vốn lưu động phi tiền mặt
Như tôi vừa trình bày, vốn lưu động hoạt động tăng sẽ làm giảm dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể làm việc được với các đối tác khách hàng lớn, doanh nghiệp phải chấp nhận để vốn lưu động hoạt động tăng lên và giảm dòng tiền. Dòng tiền hiện tại có thể giảm, nhưng với việc các hợp đồng lớn được ký kết, dòng tiền trong tương lai có thể lớn hơn. Chính vì vậy có thể nói, doanh nghiệp đang đầu tư vốn lưu động (working capital investment).
Tôi sẽ tính vốn lưu động của VIC như dưới đây.
Bạn có thể thấy, vốn lưu động của doanh nghiệp hầu như không thay đổi trong quý 2, nhưng tăng mạnh trong quý 3. Điều này làm giảm dòng tiền của doanh nghiệp trong quý 3, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào việc doanh nghiệp đang đầu tư vốn lưu động để có thể mang lại nhiều doanh thu hơn trong tương lai.
Tài sản cố định và vốn lưu động là 2 nguồn lực chính giúp công ty tạo ra dòng tiền trong tương lai. Doanh nghiệp có thể đầu tư tài sản cố định (mua sắm trang thiết bị, nhà xưởng) để đầu tư mở rộng sản xuất, và cũng đầu tư vốn lưu động (mua hàng tồn kho, tăng khoản phải thu) để bán được nhiều hàng hơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc đầu tư tài sản cố định và vốn lưu động phải chứng minh được sự hiệu quả, doanh thu của doanh nghiệp phải tăng trưởng. Nếu vốn lưu động cứ tăng mãi mà không đi kèm với sự tăng trưởng doanh thu hay dòng tiền, các nhà đầu tư cần phải cẩn trọng khi đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Happy trading !