Chuỗi giá trị là gì?
Chuỗi giá trị (value chain) là một chuỗi các hoạt động làm tăng giá trị của sản phẩm tại mỗi bước trong một quy trình. Đối với một mặt hàng, chuỗi giá trị bao gồm các bước chuyển hóa từ ý tưởng thành một sản phẩm hoàn chỉnh, như thiết kế sản phẩm, khai thác và sản xuất nguyên vật liệu, chế tạo sản phẩm và giao đến tay người tiêu dùng.
Một công ty tiến hành phân tích chuỗi giá trị bằng cách đánh giá các thủ tục chi tiết liên quan đến từng bước trong hoạt động kinh doanh của mình. Mục đích của phân tích chuỗi giá trị là tăng hiệu quả sản xuất để công ty có thể mang lại giá trị tối đa với chi phí thấp nhất có thể.
Do sự cạnh tranh về mặt giá cả ngày càng tăng, các công ty phải liên tục kiểm tra giá trị mà họ tạo ra để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Chuỗi giá trị có thể giúp một công ty nhận ra những lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả của mình, sau đó thực hiện các chiến lược sẽ tối ưu hóa các quy trình của mình để đạt được hiệu quả và tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài việc đảm bảo rằng cơ chế sản xuất diễn ra liền mạch và hiệu quả, việc các doanh nghiệp phải giữ cho khách hàng cảm thấy tin tưởng và đủ an toàn để duy trì lòng trung thành cũng đóng vai trò quan trọng và các phân tích chuỗi giá trị cũng có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Nhìn vào chuỗi giá trị, chúng ta có thể dễ dàng thấy để có một sản phẩm hoàn chỉnh là một chiếc áo, cần bắt đầu từ thu hoạch bông để sản xuất sợi, sau đó sử dụng sợi để dệt vải, cuối cùng là may để tạo ra một chiếc áo đến tay người tiêu dùng. Các bước này đều làm tăng giá trị của sản phẩm (bông -> sợi -> vải -> áo) và tạo nên chuỗi giá trị ngành dệt may.
Phân tích chuỗi giá trị có lợi ích gì?
Bộ khung chuỗi giá trị giúp các doanh nghiệp hiểu và đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí. Tiến hành phân tích chuỗi giá trị có thể giúp doanh nghiệp theo những cách như sau:
- Hỗ trợ các quyết định cho các hoạt động kinh doanh khác nhau.
- Xác định những điểm chưa hiệu quả để có hành động khắc phục.
- Hiểu mối liên kết và sự phụ thuộc giữa các hoạt động và lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp. Ví dụ, các vấn đề về quản lý nguồn nhân lực và công nghệ có thể ảnh hưởng tới gần như tất cả các hoạt động kinh doanh.
- Tối ưu hóa các hoạt động để tối đa hóa sản lượng và giảm thiểu chi phí tổ chức.
- Có khả năng tạo ra lợi thế về chi phí so với đối thủ cạnh tranh.
- Hiểu được năng lực cốt lõi và các lĩnh vực cải tiến.
Phân tích chuỗi giá trị có thể mang lại những lợi ích quan trọng; tuy nhiên, vẫn cần quan tâm đúng mức đến chiến lược tổng thể của doanh nghiệp chứ không chỉ quan tâm đến một mình chuỗi giá trị.
Vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị
Sau khi phân tích chuỗi giá trị, nhà đầu tư có thể đánh giá vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dựa vào các hoạt động kinh doanh của họ. Chẳng hạn với ví dụ ngành dệt may ở trên, May 10 (M10) mua vải sau đó gia công sản xuất ra những bộ quần áo, do đó M10 được coi là doanh nghiệp hoạt động ở mảng may trong chuỗi giá trị.
Sợi Thế Kỷ (STK) nhập hạt nhựa nguyên sinh và xơ sợi để sản xuất sợi polyester tổng hợp, vì vậy doanh nghiệp này hoạt động ở mảng sợi, hay May Thành Công (TCM) hoạt động ở cả 3 mảng sợi, vải, may do đó có chuỗi giá trị hoàn thiện hơn 2 doanh nghiệp kia.
Rất ít doanh nghiệp trong ngành có thể đảm nhiệm tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị, vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành ở các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị đều là những mắt xích quan trọng để có thể tạo ra sản phẩm. Chẳng hạn, STK sản xuất sợi sau đó bán cho TCM để dệt vải, vải được sử dụng làm đầu vào cho M10 để may các sản phẩm quần áo, sau đó được cung cấp cho Adidas và được phân phối đến tay người tiêu dùng,…
Những công đoạn đầu trong chuỗi giá trị được phân loại là thượng nguồn, sau đó là trung nguồn và hạ nguồn. Các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hướng đến lợi nhuận nhờ vào giá trị gia tăng sản phẩm. Chẳng hạn, STK có lợi nhuận nhờ chênh lệch giá sợi và giá hạt nhựa nguyên sinh, Adidas có lợi nhuận nhờ giá trị thương hiệu.
Các thành phần của chuỗi giá trị
Theo lý thuyết chuỗi giá trị của Porter, các hoạt động của một doanh nghiệp được phân làm 2 mảng chính, là các hoạt động cốt lõi (primary activities) và các hoạt động hỗ trợ (support activities). Các hoạt động cốt lõi là các hoạt động chính làm tăng giá trị của sản phẩm, bao gồm:
- Logistics đầu vào (inbound logistics): Các hoạt động thu mua, lưu trữ và quản lý hàng tồn kho.
- Vận hành (operation): Các hoạt động sản xuất nhằm chuyển hóa các nguyên vật liệu đầu vào thành sản phẩm.
- Logistics đầu ra (outbound logistics): Phân phối sản phẩm đến khách hàng
- Marketing và Sales: Các hoạt động quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn tới sản phẩm.
- Dịch vụ (services): Các hoạt động nâng cao trải nghiệm của người dùng, như chăm sóc khách hàng, bảo hành.
Ngoài các hoạt động chính, chuỗi giá trị còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ giúp các hoạt động chính của doanh nghiệp được vận hành một cách trơn tru hơn, bao gồm 4 hoạt động thu mua, công nghệ, HR, cơ sở hạ tầng, cụ thể như sau:
Vai trò của các hoạt động hỗ trợ là giúp các hoạt động chính hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp nâng cao hiệu quả của bất kỳ hoạt động nào trong bốn hoạt động hỗ trợ, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho ít nhất một trong năm hoạt động chính. Các hoạt động hỗ trợ này thường được biểu thị là chi phí chung trên báo cáo kết quả kinh doanh của công ty:
- Hoạt động thu mua (Procurement): liên quan đến cách một công ty có được nguyên liệu thô.
- Phát triển công nghệ (Technical development): được sử dụng ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) của một công ty-như thiết kế và phát triển các kỹ thuật sản xuất và quy trình tự động hóa.
- Quản lý nguồn nhân lực (HR): liên quan đến việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên, những người sẽ thực hiện chiến lược kinh doanh của công ty và giúp thiết kế, tiếp thị và bán sản phẩm.
- Cơ sở hạ tầng (Infrustructure): bao gồm các hệ thống và thành phần đội ngũ quản lý nó của công ty-chẳng hạn như lập kế hoạch, kế toán, tài chính và kiểm soát chất lượng.
Phân tích chuỗi giá trị như thế nào?
Trong phân tích ngành và phân tích doanh nghiệp, việc phân tích chuỗi giá trị giúp nhà phân tích hiểu các yếu tố có thể tác động lên ngành và doanh nghiệp, và giúp các doanh nghiệp có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình. Các bước phân tích chuỗi giá trị bao gồm:
- Xác định chuỗi giá trị của sản phẩm và vị trí của công ty trong chuỗi giá trị.
- Xác định các yếu tố đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Chẳng hạn, M10 là doanh nghiệp may, sử dụng vải làm đầu vào, và quần áo thành phẩm là đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải mua vải đầu vào, vì vậy việc giá vải giảm sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận. Đầu ra là quần áo thành phẩm, vì vậy chúng sẽ phụ thuộc vào lượng đơn đặt hàng của các nhà phân phối.
- Quan sát biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành có thể đánh giá mức độ cạnh tranh. Ví dụ đối với ngành dệt may, phân khúc sợi thường có mức biên lợi nhuận thấp nhất do tập trung một số lượng lớn doanh nghiệp và có mức độ cạnh tranh cao. Điều này một phần đến từ chi phí đầu tư cơ bản đối với mảng sợi thấp hơn đáng kể so với mảng dệt và may.
Happy trading !