Chính xác thì xu hướng (trend) – thứ mà các nhà giao dịch muốn nắm bắt để tạo ra lợi nhuận là gì? Một xu hướng tăng (uptrend) xảy ra khi giá tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. Ngược lại, một xu hướng giảm (downtrend) xảy ra khi giá hình thành các đáy sau thấp hơn đáy trước và các đỉnh sau cũng thấp hơn đỉnh trước. Một xu hướng đi ngang (sideways hoặc flat trend) xuất hiện khi giá dao động trong một vùng giá nhất định mà không có sự dịch chuyển đáng kể theo hướng lên hoặc xuống.

Hình ảnh trên mô tả một ví dụ mang tính lý thuyết về xu hướng tăng, xu hướng giảm và xu hướng đi ngang. Tuy nhiên, việc xác định xu hướng của các tài sản trên thị trường thực tế lại không đơn giản như vậy. Diễn biến giá không tuân theo một đường liền mạch và liên tục.b Do đó, những chuyển động ngược xu hướng nhỏ bên trong một xu hướng lớn có thể khiến việc nhận diện xu hướng trở nên khó khăn. Ngoài ra, cần lưu ý rằng xu hướng có thể có độ dài khác nhau, những xu hướng ngắn hạn thường là thành phần của một xu hướng dài hạn hơn.
Từ góc nhìn của một nhà phân tích kỹ thuật, xu hướng là một chuyển động có hướng của giá, tồn tại đủ lâu để có thể được nhận diện và khai thác sinh lợi. Nếu một xu hướng chỉ được xác định sau khi nó đã kết thúc, thì ta không thể kiếm lợi nhuận từ nó. Nếu nó không được nhận ra kịp thời thì cũng không thể khai thác được lợi nhuận từ nó. Khi nhìn lại dữ liệu giá quá khứ, người ta có thể nhận thấy nhiều xu hướng với độ dài và biên độ khác nhau, nhưng đó chỉ là quan sát mang tính lịch sử. Để một nhà phân tích kỹ thuật có thể kiếm lời, xu hướng cần được xác định sớm và kéo dài đủ lâu để có thể hành động theo.
Làm thế nào để xác định xu hướng?
Có nhiều cách để nhận diện một xu hướng. Một trong những phương pháp là sử dụng hồi quy tuyến tính – linear least-squares regression. Tuy nhiên, phương pháp này lại không thực sự hữu ích với đa số các nhà giao dịch cá nhân, do nó đòi hỏi một lượng dữ liệu lịch sử đủ lớn để mang lại kết quả chính xác. Vấn đề ở đây là, khi dữ liệu quá khứ đủ nhiều để phân tích thì xu hướng có thể đã bắt đầu thay đổi.
Một số nhà phân tích sử dụng đường trung bình động (moving averages) để làm mượt và giảm thiểu tác động của những biến động nhỏ nằm trong xu hướng lớn hơn.
Một phương pháp phổ biến khác là quan sát biểu đồ giá để xác định các điểm cực trị – tức các đỉnh và đáy – được phân tách bởi các khoảng thời gian hợp lý, sau đó vẽ các đường nối giữa các điểm cực trị này. Các đường này được gọi là đường xu hướng (trend lines). Đây là một phương pháp truyền thống có từ thời chưa có phần mềm đồ họa và phải vẽ tay trên biểu đồ. Dù ngày nay đã có các công cụ hiện đại hơn, phương pháp này vẫn cho thấy hiệu quả của nó trong việc xác định xu hướng. Tuy nhiên, để áp dụng được phương pháp này, nhà phân tích cần xác định chính xác các điểm đảo chiều. Khi nối các đỉnh đáy lại với nhau, ta có thể cảm nhận được hướng đi của giá và các mức giới hạn của xu hướng. Chúng ta cũng có thể đánh giá được “độ dốc” hay tốc độ thay đổi giá. Các đường xu hướng có thể thiết lập giới hạn cho hành vi giá, và nếu bị phá vỡ, chúng có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng đang có khả năng thay đổi.

Xu hướng được tạo nên từ cung và cầu
Tất cả mọi thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu, vàng, bất động sản cho đến hàng hóa – đều tuân theo nguyên lý kinh tế cơ bản về tương tác giữa cung và cầu. Mỗi người mua (cầu) sẽ trả giá (bid) cho một khối lượng nhất định – tại một mức giá nhất định, và mỗi người bán (cung) sẽ chào bán (ask) một khối lượng nhất định – tại một mức giá nhất định.
Khi người mua và người bán đạt được thỏa thuận và thực hiện giao dịch, họ thiết lập một mức giá tại thời điểm đó. Lý do cho hành động mua hoặc bán có thể rất đa dạng — có thể người bán đang cần tiền, hoặc vừa nhận được tin xấu, hoặc người mua nghe được một tin đồn tốt về số liệu kết quả kinh doanh của công ty A. Dù lý do là gì, thì mức giá được thiết lập khi tất cả thông tin này được thu thập, phân tích và phản ánh thông qua hành động mua và bán.
Xu hướng giá là kết quả cuối cùng của tất cả những yếu tố không hoàn hảo đó, và là kết quả của cung và cầu tại một thời điểm cụ thể. Khi giá thay đổi, sự thay đổi đó xuất phát từ thay đổi về cung, cầu hoặc cả hai. Có thể người bán đang trở nên lo lắng hơn; hoặc người mua có nhiều tiền hơn để đầu tư — dù lý do là gì, thì giá sẽ phản ánh sự thay đổi đó trong cung hoặc cầu. Nhà phân tích kỹ thuật về cơ chỉ quan sát giá và không đặc biệt quan tâm đến lý do đằng sau sự thay đổi giá, bởi vì các lý do đó thường không thể xác định được một cách đầy đủ.
Nhà phân tích kỹ thuật và quan điểm về cung cầu
Hãy nhớ rằng, có vô số người tham gia thị trường vì nhiều lý do cá nhân khác nhau, dẫn đến sự hình thành của cung và cầu. Trong thị trường giao dịch, cung và cầu có thể đến từ nhà đầu tư dài hạn tích lũy hoặc phân phối một vị thế lớn, hoặc từ nhà giao dịch ngắn hạn cố gắng lướt sóng vài điểm.
Số lượng người tham gia và lý do khác nhau cho sự tham gia của họ vào cung và cầu là gần như vô hạn. Vì vậy, nhà phân tích kỹ thuật tin rằng việc phân tích từng thành phần của cung cầu là vô ích, ngoại trừ thông qua những gì giá thể hiện. Khi các thông tin kinh tế, thông tin doanh nghiệp hoặc tin tức khác ảnh hưởng đến giá thường đến muộn, không chính xác, hoặc đôi khi bị hiểu sai, thì giá cả là nguồn thông tin dễ tiếp cận nhất, và chính xác nhất. Không có cơ sở nào tốt hơn để nghiên cứu ngoài biến số quan trọng này.
Hơn nữa, với một người đầu tư hay giao dịch, điều quyết định lợi nhuận hay thua lỗ của chúng ta là giá, chứ không phải lợi nhuận doanh nghiệp hay chính sách của Ngân hàng Trung ương. Điều cốt lõi đối với nhà phân tích kỹ thuật là giá, và may mắn thay, giá có đặc tính di chuyển theo xu hướng.
Tính chất fractal của xu hướng
Xu hướng có thể tồn tại trong nhiều chu kì thời gian khác nhau, với cấu trúc tương đồng. Khả năng xu hướng lặp lại hành vi trên các khung thời gian khác nhau này được gọi là tính chất phân dạng (fractal).
Mẫu hình phân dạng tồn tại trong tự nhiên như sóng biển, bông tuyết,… Ví dụ, một bông tuyết luôn có sáu nhánh, và mỗi nhánh lại có cấu trúc sáu nhánh nhỏ tương tự như toàn bộ bông tuyết — tức là mẫu hình nhỏ lặp lại trong mẫu hình lớn.

Thị trường tài chính cũng tương tự như vậy, bất kể bạn nhìn ở khung thời gian dài, trung hạn hay rất ngắn hạn, thì đều hình thành những xu hướng có đặc điểm và mẫu hình giống nhau. Do đó, độ dài xu hướng là tương đối về mặt phân tích kỹ thuật, vì các nguyên lý kỹ thuật đều áp dụng cho tất cả các khung thời gian. Xu hướng mà một nhà đầu tư hoặc nhà giao dịch quan tâm hoàn toàn phụ thuộc vào khoảng thời gian đầu tư hoặc giao dịch của họ.
Do các xu hướng ngắn cấu thành nên các xu hướng dài, nên phân tích một khung thời gian bất kỳ cũng nên bao gồm cả xu hướng dài hơn và ngắn hơn xung quanh nó. Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến xu hướng trong khung tuần, thì bạn cũng nên phân tích xu hướng dài hơn (khung tháng), và cả xu hướng ngắn hơn (xu hướng trong khung ngày – có thể đưa tín hiệu sớm về sự đảo chiều của xu hướng tuần).
Do đó, dù nhà giao dịch hay nhà đầu tư chọn khung thời gian nào, thì xu hướng của khung thời gian bên trên và bên dưới cũng nên được phân tích.
Để phân loại, các nhà phân tích kỹ thuật chia xu hướng thành một số nhóm chính (mang tính tương đối):
- Xu hướng chính (primary) – đo bằng tháng hoặc năm.
- Xu hướng thứ cấp/trung hạn (secondary/intermediate) – đo bằng tuần hoặc tháng.
- Xu hướng ngắn hạn (short-term) – đo bằng ngày.
- Xu hướng trong ngày (intraday) – đo bằng giờ hoặc phút.
Ngoại trừ xu hướng trong ngày, Charles H. Dow – nhà sáng lập Dow Jones Company và tờ Wall Street Journal – là người đầu tiên đưa ra cách phân loại này từ thế kỷ 19. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đưa ra phương pháp kỹ thuật để xác định thời điểm xu hướng chính đảo chiều.
Vì những đóng góp lớn lao cho lĩnh vực này, Dow được coi là “cha đẻ” của phân tích kỹ thuật. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu về lý thuyết của Dow trong những bài viết tiếp theo, hẹn lặp lại.
Tham khảo Khóa học Phân tích kỹ thuật 1 kèm 1 cùng giảng viên chứng chỉ CMT Level 3 Tại đây.