Mục lục

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Hiện tại ở Việt Nam, thị trường phái sinh vẫn còn khá mới (bắt đầu được triển khai từ năm 2017) và các nhà đầu tư cá nhân mới chỉ được tiếp cận đến 3 loại sản phẩm chính, trong đó có hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có đảm bảo.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về sản phẩm phổ biến nhất: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Hiểu về Hợp đồng kỳ hạn (Forward)

Tôi lấy một ví dụ cơ bản về hợp đồng kỳ hạn (forwards). Nhà giao dịch A dự định sẽ mua 100 kg ngô sau 1 tháng. Giá ngô hiện tại là 7,000 đồng/kg, và anh ta dự tính 1 tháng sau, giá ngô sẽ tăng tới 9,000 đồng/kg. Hiện tại, nhà đầu tư A không đủ tiền để mua 100 kg ngô, nhưng nếu mua sau đó 1 tháng, giá sẽ tăng và nhà đầu tư này sẽ phải mua chúng với giá đắt. Do đó, nhà đầu tư A tham gia hợp đồng kỳ hạn với nhà đầu tư B, trong đó A cam kết sẽ mua ngô từ B với giá 7,500 đồng/kg sau 1 tháng. Khi đó sau 1 tháng, dù giá ngô đã tăng lên 9,000 đồng/kg, tuy vậy A chỉ cần phải mua 100 kg ngô với giá 7,500 đồng/kg như đã cam kết.

Theo đó, ngô là tài sản cơ sở, và hợp đồng kỳ hạn này sẽ có giá phụ thuộc vào giá ngô. Rủi ro của giá ngô (tăng, giảm) sẽ được trao đổi giữa cả 2 bên, trong đó A chịu rủi ro giá giảm, còn B chịu rủi ro giá tăng. Rủi ro của bên này sẽ là lợi nhuận của bên kia.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Đây chính là ví dụ sơ khai nhất về một hợp đồng ký hạn. Ngày nay, với sự phát triển của thị trường, thị trường phái sinh đã phát triển và vô cùng lớn mạnh, với nhiều loại tài sản khác nhau và có mức độ thanh khoản cao.

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận thể hiện nghĩa vụ mua tài sản cơ sở của bên mua tại một thời điểm được xác định trước trong tương lai, với một mức giá được xác định trước.

Hợp đồng tương lai về bản chất chính là hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa như: được giao dịch tập trung trên thị trường, các hợp đồng được chuẩn hóa, yêu cầu ký quỹ bắt buộc. Các đặc điểm của hợp đồng tương lai sẽ bao gồm:

  • Tài sản cơ sở được chuẩn hóa: Chẳng hạn 1 hợp đồng sẽ quy định nghĩa vụ với 100 kg ngô, thì bạn sẽ không bao giờ bắt gặp các hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là 50 kg hay 500 kg ngô (mà forwards có thể có) trên cùng một sàn giao dịch.
  • Ngày đáo hạn: Là ngày 2 bên của hợp đồng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đối với tài sản cơ sở. Sau ngày này, hợp đồng tương lai sẽ không còn được giao dịch trên thị trường nữa.
  • Được giao dịch tập trung trên thị trường: Các hợp đồng tương lai được giao dịch trên thị trường tập trung giống như thị trường chứng khoán, chịu sự quản lý của các sàn giao dịch. Do đó, giá của các hợp đồng tương lai thay đổi liên tục từng phút, từng giây, thậm chí nhanh hơn thị trường chứng khoán cơ sở. Đặc điểm này cũng dẫn đến giá trị lãi lỗ ước tính của các hợp đồng tương lai được xác định liên tục, giống như cổ phiếu.
  • Giao dịch hai chiều: Khác với thị trường truyền thống, hợp đồng tương lai cũng như các tài sản phái sinh khác có thể được bán khống. Điều này cho phép các nhà giao dịch có thể mở cả vị thế mua (Long) và bán (Short) mặc dù không nắm giữ tài sản, khác với cổ phiếu, bạn bắt buộc phải có cổ phiếu để bán.
  • Yêu cầu ký quỹ bắt buộc: Nếu như ở trường hợp forwards như ví dụ trên, “tiền trao cháo múc” sẽ chỉ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn, trước đó sẽ không phát sinh bất cứ một khoản giao dịch tiền mặt nào, thì futures sẽ có một chút khác biệt. Bạn vẫn sẽ không phát sinh một sự thay đổi nào về tiền mặt khi trạng thái vẫn còn mở trước ngày đáo hạn, tuy nhiên một khoản tiền nhất định trong tài khoản của bạn sẽ được sử dụng để ký quỹ (margin), tức là sẽ bị đóng băng. Nó sẽ được sử dụng để đảm bảo cho việc thanh toán vào thời điểm đáo hạn, hoặc khi đóng trạng thái. Do đó, hợp đồng tương lai sẽ không có rủi ro nợ xấu như hợp đồng kỳ hạn, bởi hợp đồng forwards không có một tài sản đảm bảo nào cả. Tỷ lệ ký quỹ sẽ được các sàn quy định, bằng số tiền yêu cầu ký quỹ chia cho giá trị của hợp đồng tương lai.
  • Sử dụng đòn bẩy: Nhà giao dịch không nhất thiết phải có đủ tiền bằng với giá trị của hợp đồng tương lai để mở vị thế. Họ chỉ cần có đủ số tiền để ký quỹ, theo đúng tỷ lệ ký quỹ được quy định.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Đây là sản phẩm phái sinh đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Về cơ bản, nó có tất cả các đặc điểm của hợp đồng futures như tôi vừa nêu, sử dụng chỉ số VN30 làm tài sản cơ sở. Các đặc điểm được chuẩn hóa đối với hợp đồng này là:

  • Giá của mỗi hợp đồng bằng với số điểm nhân với 100,000 đồng. Ví dụ, 01 HĐTL tại mức chỉ số VN30 đạt 1,500 điểm sẽ có giá 150 triệu VND.
  • 4 loại kỳ hạn: 1 tháng, 2 tháng, 1 quý, 2 quý. Các mã hợp đồng được quy định lần lượt là VN30F1M, VN30F2M, VN30F1Q, VN30F2Q.
  • Ngày đáo hạn: ngày thứ 5 của tuần thứ 3 trong tháng đáo hạn. Đối với các hợp đồng F1Q và F2Q, tháng đáo hạn chính là tháng cuối cùng của quý hiện tại và quý gần nhất sau đó. Theo đó, các mã hợp đồng được viết theo ngày đáo hạn sẽ có dạng: VN30FXXYY. Trong đó, XX là hai chữ số cuối của năm đáo hạn, còn YY là tháng đáo hạn. Ví dụ: VN30F2110 là hợp đồng tương lai đáo hạn vào ngày 21/10/2021 (ngày thứ 5 của tuần thứ 3 của tháng 10/2021).
  • Hình thức thực hiện nghĩa vụ thanh toán: Bằng tiền mặt, theo đó, các nhà giao dịch sẽ không phải bỏ tiền ra để mua chỉ số (không có sự giao dịch tài sản cơ sở), mà sẽ dựa vào giá trị của chỉ số VN30 vào ngày đáo hạn và so sánh với giá trị ban đầu bạn bỏ ra, để tính toán lãi và lỗ. Công ty chứng khoán sẽ làm nhiệm vụ chuyển tiền từ những tài khoản lỗ sang tài khoản lãi.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Lưu ý: Tại thời điểm viết bài là ngày 06/10/2021, các hợp đồng VN30F1M và VN30F2110 là giống nhau. Tuy nhiên về tổng thể, hai hợp đồng này không giống nhau. VN30F1M là hợp đồng tương lai tháng gần nhất, còn VN30F2110 là hợp đồng tương lai tháng 10/2021. Nếu ta xét tại thời điểm ngày 08/09/2021, hợp đồng VN30F2110 chính là hợp đồng VN30F2M, còn hợp đồng VN30F1M là VN30F2109. Điều đó có nghĩa, nếu bạn vẽ đồ thị VN30F1M trên biểu đồ kỹ thuật, nó sẽ là một biểu đồ tổng hợp của các hợp đồng tương lai có kỳ hạn khác nhau được roll lại.

Cách tính lãi lỗ khi giao dịch hợp đồng tương lai

Hãy đi vào ví dụ dưới đây. Bạn có thể đọc lại bài viết hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán phái sinh của tôi. Trong ảnh, bạn thấy hợp đồng VN30F2110 có giá là 1,452 điểm, tức là 145,200,000 đồng theo đúng quy tắc ở trên. Nếu tỷ lệ ký quỹ là 30%, bạn sẽ cần có một số tiền bằng 145,200,000 * 30% = 43,560,000 đồng trong tài khoản để ký quỹ và thực hiện giao dịch. Khi bạn mua hợp đồng này, có nghĩa là bạn đã cam kết tại thời điểm đáo hạn, bạn sẽ mua chỉ số VN30 với đúng mức giá 1,452 điểm.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì? Hướng dẫn đầy đủ nhất cho người mới bắt đầu

Giả sử nếu tại ngày 21/10/2021, chỉ số VN30 đóng cửa ở mức 1,467 điểm, mà giá bạn mua là 1,452 điểm. Khi đó, bạn đã có lãi 15 điểm (vì bạn đã mua rẻ hơn giá hiện tại 15 điểm), và bạn sẽ được thanh toán lãi bằng 15 * 100,000 = 1,500,000 đồng.

Còn nếu chỉ số VN30 đóng cửa ở mức 1,440 điểm. Bạn đã lỗ 12 điểm (vì bạn mua đắt hơn giá hiện tại 12 điểm), và công ty chứng khoán sẽ trừ 1,200,000 đồng trong tài khoản của bạn. Nếu như trước đây bạn Short hợp đồng này với mức 1,452 điểm, và đến ngày đáo hạn, VN30 đóng cửa ở 1,440 điểm, thì bạn sẽ lãi 12 điểm (hình dung là bạn bán ở giá 1,452 và mua lại ở 1,440).

Bên cạnh đó, giống như cổ phiếu, các nhà đầu tư cũng có thể kiếm lời từ chênh lệch giá hợp đồng tương lai. Hiện tại, bạn Long 1 hợp đồng ở mức 1,452 điểm, và nếu ngày mai, giá tăng lên 1,458 điểm và bạn Short 1 hợp đồng để đóng vị thế, bạn sẽ lãi 6 điểm. Nếu hiện tại, bạn Short ở mức 1,452 điểm, và ngày mai, bạn Long trở lại để đóng vị thế tại 1,441 điểm, thì bạn sẽ lãi 9 điểm, tương ứng với 900k/ hợp đồng.

Hướng dẫn giao dịch với hợp đồng tương lai

Trước tiên, hợp đồng tương lai được xây dựng với mục đích phòng hộ rủi ro (hedging) cho danh mục cơ sở. Ở ví dụ đầu bài, ông A lo sợ giá ngô sẽ tăng trong tương lai, ông đã Long forwards để phòng hộ rủi ro này. Còn đối với hợp đồng tương lai VN30, bạn cũng có thể sử dụng để phòng hộ rủi ro (hedging) cho danh mục đầu tư của bạn. Chẳng hạn bạn có một danh mục nhiều cổ phiếu, nhưng bạn lo sợ thị trường trong tương lai sẽ có những cú sập bất ngờ, thì bạn sẽ Short HĐTL chỉ số VN30, để nếu thị trường giảm, cổ phiếu của bạn lỗ nhưng bạn sẽ được bù đắp phần lãi từ vị thế Short hợp đồng tương lai ở trên. Sau đó khi thị trường ổn định trở lại, bạn có thể chốt lời vị thế Short kia để tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhờ việc giao dịch chênh lệch giá, hợp đồng tương lai cũng có thể được sử dụng để đầu cơ. Nếu bạn kỳ vọng giá lên, bạn sẽ mở vị thế Mua (Long) và ngược lại, nếu bạn kỳ vọng giá xuống, bạn sẽ mở vị thế Bán (hay còn gọi là Short trong chứng khoán) và kiếm lời từ những nhịp biến động giảm ngắn hạn của thị trường – đây cũng là cách gần như duy nhất để bạn kiếm lời khi thị trường giảm. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm cũng lớn tương ứng do việc sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao có thể dẫn đến những khoản thua lỗ lớn trong một thời gian ngắn.

Happy Trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed