Mục lục

EPS là gì? Tính EPS như thế nào?

Con số mà hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán sẽ quan tâm đầu tiên, khi xem xét kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận ròng hay còn gọi là lợi nhuận sau thuế. Đây là con số rõ ràng nhất để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp. Khi đó, chỉ số EPS hay thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ được xem xét để đánh giá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp thông qua việc so sánh với quá khứ và các doanh nghiệp trong cùng ngành. 

EPS là gì? Tính EPS như thế nào?
EPS là gì? Tính EPS như thế nào?

Chỉ số EPS là gì?

EPS là gì? Tính EPS như thế nào?

EPS (Earning per Shares) hay thu nhập trên mỗi cổ phiếu là khoản lợi nhuận sau thuế (earnings after tax) trên mỗi cổ cổ phiếu thường (common stock) mà cổ đông đang nắm giữ, sau khi đã trừ đi lượng cổ phiếu ưu đãi (preferred stock) hay điều chỉnh theo các chứng khoán có thể chuyển đổi (convertible securities) sang cổ phiếu thường.

Ví dụ: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đang có khoảng 182 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế (LNST) của công ty là 1,123 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp 182 triệu cổ phiếu trên là cổ phiếu thường, EPS của VHC sẽ là hơn 6,000 đồng trên một cổ phiếu. Con số này đồng nghĩa rằng với mỗi một cổ phiếu thường, VHC sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 6,000 đồng/năm.

Ví dụ trên là minh họa cho cách tính EPS trong trường hợp đơn giản nhất hay nói cách khác đó là khi cấu trúc vốn của doanh nghiệp chỉ bao gồm những cổ phiếu thường (simple capital structure).

Trên thực tế, cấu trúc vốn sẽ phức tạp hơn nhiều với sự xuất hiện của nhiều loại chứng khoán như cổ phiếu ưu đãi, các chứng khoán có thể chuyển đổi (convertible securities), quyền chọn cổ phiếu (stock options), chứng quyền (stock warrants) hay cổ phiếu ESOP, cấu trúc vốn của công ty khi đó được gọi là phức tạp (complex capital structure). Sự khác biệt trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp dẫn tới 2 phương pháp tính EPS phổ biến hiện nay, đó là EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS)

Phương pháp tính EPS

EPS cơ bản đề cập đến mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong trường hợp tất cả các cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của doanh nghiệp là cổ phiếu thường.

EPS cơ bản = (LNST – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/ Số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành

Trong khi đó, EPS pha loãng xét đến trường hợp những loại chứng khoán có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu thường được thực sự chuyển đổi. Với một công ty có cấu trúc vốn phức tạp, khi ta tiến hành chuyển đổi những loại chứng khoán này, phần lợi nhuận sẵn sàng cho cổ đông thông thường và tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó có thể khiến EPS mới được tính ra nhỏ hơn EPS cơ bản, hiện tượng đó được gọi là pha loãng (dilution). Công thức cụ thể như sau:

EPS pha loãng =  (LNST – Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi)/(Lượng cổ phiếu đang lưu hành + Lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi)

Xét riêng từng loại chứng khoán chuyển đổi, nếu sau khi chuyển đổi mà EPS mới nhỏ hơn EPS cơ bản, ta gọi loại chứng khoán này là dilutive. Ngược lại, nếu EPS mới lớn hơn EPS cũ, ta gọi chúng là anti-dilutive.

Như vậy, để tính toán được EPS, chúng ta đều cần phải có những dữ kiện cơ bản đó là:

  • Lợi nhuận sau thuế:

Để tính được phần này, chúng ta cần sử dụng dữ liệu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Profit & Loss Statement – PL) của doanh nghiệp. Nguyên tắc tính lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng rất đơn giản khi lấy doanh thu trừ đi tất cả các loại chi phí (hoạt động, khấu hao, lãi suất, thuế).

EPS là gì? Tính EPS như thế nào?
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi: 

Đây là mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của cổ đông ưu đãi. Thông thường, mức lợi nhuận này đã được doanh nghiệp ấn định trước theo kế hoạch như một sự cam kết của doanh nghiệp đối với các cổ đông ưu đãi. Tuy những cổ đông này sẽ được ưu tiên về mặt lợi nhuận song họ sẽ bị hạn chế về quyền biểu quyết trong các sự kiện quan trọng của doanh nghiệp mà cần đến ý kiến của các cổ đông (như đại hội đồng cổ đông).

  • Số lượng cổ phiếu đang lưu hành (shares outstanding): 

Thông thường chúng ta sẽ sử dụng số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hàng tại thời điểm tính toán để kết quả EPS được chính xác nhất. Dữ liệu về số cổ phiếu đang lưu hành có thể tìm thấy trên các trang web chứng khoán như Cafef, Vietstock…

EPS là gì? Tính EPS như thế nào?
Dữ liệu số lượng cổ phiếu VHC trên Cafef

Chỉ số EPS có ý nghĩa như thế nào?

Về mặt lý thuyết, chỉ số EPS cung cấp cho nhà đầu tư bức tranh thu nhỏ của lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên việc chỉ xem xét mình EPS sẽ không thực sự có ý nghĩa mà nhà đầu tư nên liên kết với các dữ kiện tài chính khác để đánh giá về một doanh nghiệp. Thông thường, nhà đầu tư có thể đánh giá EPS của doanh nghiệp theo chiều dọc (tức là từ trước tới nay nó thay đổi ra sao) hoặc so sánh nó với các đối thủ trong ngành. 

Tuy nhiên, EPS còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi nó được sử dụng trong việc định giá cổ phiếu thông qua chỉ số P/E. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ chỉ liệt kê ý nghĩa này và sẽ dành một bài viết cụ thể hơn để viết về phương pháp định giá P/E để qua đó cho bạn có một cái nhìn cụ thể hơn về mối quan hệ giữa P/E và EPS. 

Hạn chế của chỉ số EPS

Mặc dù được sử dụng nhiều bởi những nhà đầu tư, EPS vẫn tồn tại một số điểm hạn chế như sau:

Thứ nhất, EPS có thể mang giá trị âm (khi kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm) dẫn tới việc tính toán P/E không còn ý nghĩa.

Thứ hai, do dữ kiện để tính toán EPS nằm trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp, chính vì vậy mà kết quả EPS hoàn toàn có thể sai lệch trong trường hợp xảy ra tình trạng xào nấu (cook) số liệu kế toán. Điển hình nhất cho hạn chế này chính là trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) trong giai đoạn 2015-2016.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cấu trúc vốn của doanh nghiệp phức tạp khi thường xuyên phát hành những loại trái phiếu/cổ phiếu có thể chuyển đổi, kết quả EPS sẽ bị thay đổi theo dẫn tới những khó khăn trong tính toán và rủi ro khó lường đối với những nhà đầu tư.

Nhìn chung, EPS là chỉ số tương đối quan trọng và hữu ích đối với nhà đầu tư khi lựa chọn phân tích về một mã cổ phiếu nào đó. Tuy nhiên, việc phân tích nên được thực hiện sâu và rộng hơn trên nhiều phương diện của doanh nghiệp, chính vì vậy nhà đầu tư nên kết hợp xem xét EPS với đánh giá các chỉ tiêu khác để có thể đưa ra một quyết định đầu tư sáng suốt nhất.

Happy trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed