Phân tích kỹ thuật dựa trên một giả định cốt lõi: Giá của các tài sản giao dịch tự do, nói chung, vận động theo xu hướng.
Dựa trên giả định này, các nhà giao dịch và nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mua một chứng khoán hay tài sản khi xu hướng tăng mới bắt đầu ở mức giá thấp, nắm giữ, và bán ra khi xu hướng kết thúc ở mức giá cao hơn. Mặc dù chiến lược này nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc thực thi nó lại vô cùng phức tạp.
Ví dụ: chúng ta đang nói đến xu hướng có độ dài như thế nào? Xu hướng của giá cổ phiếu kể từ thời kỳ Đại Suy Thoái? Xu hướng giá vàng kể từ năm 1980? Xu hướng của chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) trong năm vừa qua? Hay xu hướng cổ phiếu Tesla trong tuần trước? Xu hướng có thể tồn tại ở mọi khung thời gian – từ xu hướng dài hạn kéo dài hàng thập kỷ cho đến các xu hướng ngắn hạn diễn ra theo từng phút.

Các xu hướng ở những khung thời gian khác nhau lại thường có những đặc điểm tương đồng. Nói cách khác, một xu hướng trong dữ liệu theo năm có thể biểu hiện tương tự như xu hướng trên dữ liệu theo từng năm phút. Nhà giao dịch cần lựa chọn loại xu hướng phù hợp nhất với mục tiêu, sở thích cá nhân, cũng như khoảng thời gian mà họ có thể dành để theo dõi biến động giá. Một nhà đầu tư có thể quan tâm đến xu hướng của chu kỳ kinh doanh kéo dài nhiều năm, trong khi một người khác lại tập trung vào xu hướng trong sáu tháng tới, và một người thứ ba có thể chỉ quan tâm đến xu hướng ngắn hạn trong ngày. Mặc dù các nhà đầu tư và nhà giao dịch có khung thời gian đầu tư khác nhau, họ vẫn có thể áp dụng chung các phương pháp phân tích xu hướng, bởi lẽ giữa các xu hướng thuộc các khung thời gian khác nhau tồn tại những điểm tương đồng đáng kể.
Xu hướng chỉ rõ ràng khi từ hiện tại nhìn lại quá khứ, nhưng điều chúng ta muốn là phát hiện được xu hướng ngay từ khi nó bắt đầu, nhận diện được khi nó kết thúc. Tất nhiên, điều lý tưởng này hầu như không bao giờ xảy ra, trừ khi có sự may mắn. Nhà phân tích kỹ thuật luôn phải đối mặt với rủi ro của việc phát hiện xu hướng quá muộn và bỏ lỡ cơ hội lợi nhuận. Bên cạnh đó, nếu không nhận ra thời điểm kết thúc xu hướng, nhà giao dịch có thể sẽ giữ tài sản quá lâu sau khi giá đạt đỉnh, và từ đó đánh mất phần lợi nhuận tiềm năng. Ngược lại, nếu cho rằng xu hướng đã kết thúc trong khi thực tế nó vẫn còn tiếp diễn, và bán ra quá sớm, nhà giao dịch cũng có thể đánh mất lợi nhuận. Do đó, nhà phân tích kỹ thuật thường phải dành rất nhiều thời gian và công sức để cố gắng xác định điểm bắt đầu và kết thúc xu hướng càng sớm càng tốt. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần nghiên cứu biểu đồ giá, đường trung bình động, chỉ báo dao động, vùng hỗ trợ và kháng cự, cùng nhiều công cụ khác…
Việc giá cả có xu hướng đã được công nhận từ hàng nghìn năm trước. Giới học thuật từng tranh luận rằng thị trường về cơ bản là không có xu hướng, bởi nếu có thì điều đó sẽ đi ngược lại với các mô hình lý thuyết. Tuy nhiên, các nghiên cứu học thuật gần đây cho thấy các mô hình tài chính truyền thống gặp nhiều vấn đề khi áp dụng vào hành vi thực tế của thị trường. Trong khi đó, giới học thuật và các nhà nghiên cứu tài chính lại có xu hướng xem phân tích kỹ thuật như một điều cấm kỵ. Niềm tin gần như “tôn giáo” vào Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (Efficient Markets Hypothesis) đã trở thành một thứ giáo điều, với nhiều học giả không chịu chấp nhận khối lượng bằng chứng thực nghiệm ngày càng lớn chống lại giả thuyết này. Thực tế cho thấy, phân tích kỹ thuật là một kỹ năng đã được hình thành qua kinh nghiệm thực chiến trên thị trường, được nhiều nhà giao dịch vận dụng hiệu quả và mang lại lợi nhuận đáng kể cho những ai biết cách áp dụng nó đúng cách.
Nhà phân tích kỹ thuật kiếm tiền như thế nào?
Để chuyển hóa phân tích kỹ thuật thuần túy thành lợi nhuận, cần hội đủ một số điều kiện nhất định. Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là xác định được thời điểm xu hướng bắt đầu hoặc kết thúc. Lợi nhuận trong giao dịch chủ yếu đến từ việc “nhảy vào” một xu hướng càng sớm càng tốt. Về mặt lý thuyết, điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đạt được lợi nhuận một cách nhất quán và ổn định thì không hề dễ dàng.
Các chỉ báo và công cụ mà nhà phân tích kỹ thuật sử dụng để xác định xu hướng không phải là “quả cầu tiên tri” có thể dự đoán chính xác tương lai. Trong một số điều kiện thị trường nhất định, các công cụ này có thể không hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, xu hướng có thể đảo chiều đột ngột mà không có cảnh báo nào. Do đó, nhà đầu tư kỹ thuật cần nhận thức rõ rủi ro và xây dựng chiến lược bảo vệ tài khoản trước những biến động gây thua lỗ.
Xét về mặt chiến thuật, nhà phân tích kỹ thuật cần ra quyết định ở hai điểm then chốt: (1) khi nào tham gia vị thế, và (2) khi nào thoát khỏi vị thế. Việc thoát lệnh bao gồm hai khả năng: chốt lời khi giá đi đúng kỳ vọng, hoặc cắt lỗ khi giá đi ngược hướng dự báo. Nhà đầu tư khôn ngoan cần ý thức rằng xu hướng có thể không diễn ra như kỳ vọng. Việc xác định mức giá thoát lệnh và chấp nhận thua lỗ ngay từ trước khi vào lệnh là một cách để bảo toàn vốn trước những rủi ro lớn hơn.
Một trong những lợi thế lớn nhất của phân tích kỹ thuật – nhờ tập trung vào biến động giá – là nhà giao dịch có thể xác lập một ngưỡng giá mà tại đó có thể xác định liệu phân tích ban đầu là sai hoặc hành vi giá của tài sản đang diễn biến bất thường ngoài dự đoán. Do vậy, rủi ro thua lỗ có thể được định lượng ngay từ thời điểm vào vị thế, đây cũng là ưu điểm mà các phương pháp đầu tư khác không có được. Cuối cùng, vì rủi ro thực tế có thể đo lường được, các nguyên tắc quản lý vốn có thể được áp dụng nhằm giảm thiểu khả năng thua lỗ cũng như tránh nguy cơ “cháy tài khoản”.

Tóm lại, chiến lược cơ bản để kiếm lợi nhuận bằng phương pháp kỹ thuật bao gồm:
- “Trend is your friend” – Giao dịch theo xu hướng.
- Don’t lose – Kiểm soát rủi ro mất vốn.
- Manage your money – Quản trị rủi ro để tránh “cháy tài khoản”.
Phân tích kỹ thuật được sử dụng để xác định xu hướng, thời điểm xu hướng thay đổi, thời điểm vào lệnh, thoát lệnh và cả khi cần đóng vị thế do nhận định ban đầu đã sai. Ngắn gọn mà nói, mọi thứ chỉ đơn giản là như vậy.
Tham khảo Khóa học Phân tích kỹ thuật 1 kèm 1 cùng giảng viên chứng chỉ CMT Level 3 Tại đây.