Giao dịch là một việc làm rất dễ dàng, bạn chỉ cần mở một tài khoản chứng khoán và nạp tiền vào là có thể bắt đầu. Tuy nhiên, để giao dịch có lợi nhuận lại là một chuyện khác, và thông kê thì điều này không hề dễ dàng đối với hơn 90% các nhà giao dịch cá nhân. Việc lựa chọn cho mình những thói quen và tư duy đầu tư tốt ngay từ khi bắt đầu, sẽ tạo ra sự khác nhau giữa người thành công và kẻ thua cuộc.
Tuân thủ chiến lược giao dịch của bạn
Trong kinh doanh, các ông chủ sẽ luôn phân tích hiệu quả sinh lời của công ty để đưa ra chiến lược phát triển trong tương lai và thúc đẩy đà tăng trưởng cao hơn nữa. Trong giao dịch cũng vậy.
Bạn đã dành hàng giờ, hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời để nghiên cứu một hệ thống giao dịch, và có vẻ nó đã giúp bạn đạt được xác suất thắng khá cao tới 60%. Tất nhiên, vì thị trường là ngẫu nhiên, nên không phải lúc nào 10 giao dịch đầu tiên của bạn cũng tuân theo quy luật 6 đúng – 4 sai, đôi khi rất có thể bạn sẽ sai cả 10 lệnh đầu. Nhà giao dịch dày dạn kinh nghiệm sẽ luôn hiểu rằng xác suất sẽ chỉ đúng trong dài hạn, khi bạn có một lượng giao dịch đủ lớn, miễn là hệ thống giao dịch và các phân tích của bạn thực sự đúng logic.
Tuy nhiên đối với các nhà giao dịch mới, họ sẽ đưa ra lựa chọn có vẻ hợp lý hơn là phân tích lại, sửa chữa và tối ưu hệ thống giao dịch. Đây là một phản ứng bình thường của con người để bảo vệ chính mình, đặc biệt là khi số tiền bạn nạp vào tài khoản của bạn đến từ sức lao động vất vả của chính bạn. Tuy nhiên, hành vi này thực ra là một cái bẫy, mỗi hệ thống giao dịch dù được tối ưu tốt đến đâu cũng chỉ có một xác suất đúng nhất định và không thể nằm ngoài quy luật của môt chuỗi thua liên tiếp (tôi sẽ nói kỹ hơn điều này trong Module 8 – Quản trị rủi ro). Điều bạn cần để để cho hệ thống giao dịch có đủ thời gian và cơ hội để chứng minh nó đúng.
Tôi không nói với bạn rằng hãy ngừng “học hỏi”. Bạn hãy tìm hiểu và học hỏi tất cả những gì bạn có thể, nhưng hãy cô đọng các kiến thức bạn học thành chiến lược giao dịch phù hợp nhất với bạn, sau đó hãy kiên nhẫn và kỷ luật với nó.
Chấp nhận rằng thị trường là ngẫu nhiên
Có bao giờ bạn cảm thấy mình đã làm tất cả, xem xét hầu hết các khía cạnh để dự đoán hành động tiếp theo của thị trường, tuy nhiên kết quá nhận được thường không như mong đợi. Đôi khi thị trường sẽ tuân theo phân tích của bạn, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều lần thị trường không tuân theo bất kỳ một điều gì cả. Đó là Mr. Market.
Khi giao dịch càng lâu, bạn sẽ càng nhận ra rằng phân tích của bạn chỉ nằm trong đầu bạn, và sẽ không có gì xảy ra nếu không một ai trên thị trường có suy nghĩ giống bạn. Chỉ khi nào thị trường có sự đồng điệu với bạn, giá sẽ chuyển động đúng như những gì bạn nghĩ. Hãy loại bỏ suy nghĩ “tôi đã phân tích mọi thứ đúng logic, thị trường chắc chắn phải chuyển động đúng như vậy”, thay vào đó, bạn nên hiểu rằng tất cả đều là trò chơi xác suất.
Đánh giá hiệu quả giao dịch của bạn
Một nhà giao dịch mới thường dành nhiều thời gian để phân tích từng lệnh giao dịch của họ để tìm ra cái sai trong các lệnh thua và thay đổi phương pháp, có thể là cải thiện trong cách đặt điểm dừng lỗ hoặc sử dụng một đường MA khác. Điều này có thể hữu ích, nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý giao dịch của bạn.
Các nhà giao dịch có kinh nghiệm thường ít quan tâm đến từng thua lỗ nhỏ. Họ chú ý hơn đến hiệu quả sinh lời trong cả một quá trình. Họ sẽ không quá chú trọng đến việc thua lỗ trên một giao dịch, mà điều họ quan tâm hơn là sau 1 tháng, 1 quý hay 1 năm họ có mức lợi nhuận ra sao. Để làm được điều này, chúng ta cần xây dựng một biểu đồ theo dõi tỷ suất lợi nhuận của mình.
Đường cong vốn của bạn trông như thế nào? Đó có phải là một đường dốc lên, dốc xuống hay đi zigzag?
Cảnh giác với các “chuyên gia”!
Trong thời đại của Internet và mạng xã hội ngày nay, bạn có thể sẽ đọc được vài bài viết kiểu như thế này trên facebook.
Những bài viết như thế này trên mạng xã hội có thể đến từ những người thực sự có kiến thức, hoặc những người chưa có nhiều vốn hiểu biết nhưng lại tự xưng là “chuyên gia”. Vì vậy, hãy thực sự cảnh giác với họ.
Bỏ qua các điều tiêu cực, bạn có thể lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia thực sự để học hỏi từ góc nhìn của họ, nhưng ngay cả những người giỏi nhất cũng có quan điểm bất đồng với nhau. Vì vậy bạn cũng cần có một nhận định riêng của mình và đưa bản thân vào thế tự chủ trên thị trường trên con đường giao dịch.
Nếu bạn cảm thấy bối rối bởi rất nhiều dòng trạng thái trên mạng xã hội, sợ chúng ảnh hưởng đến kế hoạch giao dịch của bạn, vậy cách tốt nhất là hãy ngừng theo dõi các diễn đàn, chuyên gia chứng khoán và bám sát vào chiến lược giao dịch của mình. Tôi không ngăn cản bạn học hỏi hay tham khảo các nhận định, nhưng nếu bạn là người không đủ mạnh mẽ để bảo vệ chính kiến riêng của mình, rời bỏ mạng xã hội là điều tốt nhất. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành thời gian để học hỏi những kiến thức thực sự và có ứng dụng cao trong việc tự lên kế hoạch và xây dựng ý tưởng giao dịch.
>>> Thư viện kiến thức chứng khoán miễn phí.
Đối diện với thua lỗ
Đã bao giờ bạn bán mất cổ phiếu của ngay khi thấy chúng vừa giảm, khi giá chưa vi phạm điểm cắt lỗ? Nếu bạn đã từng làm như vậy, mục đích đặt cắt lỗ của bạn là gì?
Có lẽ bạn cảm giác rằng giá cổ phiếu chuyển động không như những gì bạn suy nghĩ, và bạn sẽ muốn đóng chúng lại (dù chưa chạm mức cắt lỗ) trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Đây là một hành vi tâm lý rất nhiều người mắc phải. Hạ thấp khối lượng giao dịch xuống, để số tiền stoploss ở mức chấp nhận được và thoải mái với những thua lỗ không thể tránh khỏi chính là công thức của các trader thành công.
Đừng tham lam
Chúng ta đã nói về việc cắt lỗ. Vậy đối với chốt lời thì sao?
Bạn mua một cổ phiếu với giá hiện tại là 50,000 đồng, bằng việc thu thập và đánh giá các thông tin tài chính, bạn ước lượng giá trị thực cửa cổ phiếu có thể đạt 60,000 đồng. Tất nhiên, bạn nên mua vào, mức tỷ suất sinh lời 20% rất hấp dẫn phải không nào.
Vài ngày sau, giá cổ phiếu tăng mạnh và đạt mức 60,000 đồng rất sớm, bạn đã hoàn thành mục tiêu trong chiến lược giao dịch của mình. Tuy vậy, do cổ phiếu tăng quá nhanh, bạn lại có suy nghĩ “lực mua vẫn còn mạnh lắm, giữ tiếp xem sao”. Lúc này bạn bắt đầu tham lam và kỳ vọng giá cổ phiếu có thể đạt 70 hay 80,000 đồng, và bạn tiếp tục nắm giữ chúng. Con số bạn kỳ vọng trên là phi logic (vì bạn không có đủ lý lẽ để chứng minh) vì vậy điều này dường như bất khả thi. Rốt cuộc, giá cổ phiếu đã quay đầu và thay vì bạn có lợi nhuận, bạn thậm chí đã phải cắt lỗ.
Hãy trung thành với chiến lược giao dịch của bạn và đừng quá tham lam khi bạn không có đủ cơ sở. Bạn nên biết thời điểm chốt lời và tìm kiếm những cơ hội giao dịch mới trên các cổ phiếu khác.
“Nếu bạn không chốt lời, người khác sẽ làm điều đó thay bạn”
Chấp nhận rằng bạn đã sai
Hãy nhớ rằng, thị trường là hoàn toàn ngẫu nhiên, nên khi thua lỗ, hãy chấp nhận mình đã sai.
Chẳng hạn, nếu bạn đặt ra tỷ lệ risk:reward của mình là 1:3, hãy tuân thủ nó tuyệt đối. Vì tỷ lệ này đòi hỏi mức lợi nhuận cao, nên chắc chắn bạn sẽ có nhiều giao dịch lỗ hơn giao dịch lãi. Tuy vậy, chừng nào những lệnh thắng của bạn đạt mức lợi nhuận đúng như bạn đề ra (3 lần rủi ro), hệ thống giao dịch của bạn vẫn ổn. Bạn sẽ chấp nhận rằng những thua lỗ nhỏ và sửa sai ở những giao dịch mới, thay vì tiếp tục “gồng lỗ”.
Quan trọng hơn, bạn sẽ bắt đầu nghĩ đến thị trường giống như một trò chơi xác suất. Bạn sẽ luôn có X% xác suất chiến thắng, và (100 – X)% xác suất thua lỗ. Miễn là bạn duy trì được mức lợi nhuận kỳ vọng dương, bạn sẽ chiến thắng trên thị trường.
Quyết đoán với chiến lược giao dịch của mình
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, giao dịch là một trò chơi xác suất. Như chúng ta đã thảo luận trước đó, bạn có thể cảm thấy bị tổn thương bởi thua lỗ. Lý do khiến bạn luôn phải đắn đo ngay trước khi vào lệnh là do bạn không quản lý rủi ro đúng cách, hoặc, bạn đã đi ngược lại các quy tắc của mình.
Thị trường không quan tâm nếu bạn vừa mất nhiều tiền. Nó sẽ làm bất kỳ những gì nó muốnm, và bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ thua lỗ.
Thị trường luôn khiến chúng ta bối rối. Nó giống như việc bạn hẹn hò lần đầu với một cô gái xinh đẹp, mặc dù bạn đã chuẩn bị rất kỳ lưỡng ở nhà, nhưng bạn vẫn có thể “cứng họng” khi đối diện với cô ấy. Có khi nào bạn phân tích một cổ phiếu theo đúng hệ thống giao dịch của mình, và bạn chắc chắn đây là điểm mua tốt? Trên thực tế, bạn thường sẽ bối rối, luôn tự hỏi trong đầu liệu phân tích của mình đã đúng chưa, nếu ngày mai giá cổ phiếu giảm thì sao? v..vv
Nếu hệ thống của bạn đưa ra khuyến nghị mua hợp lý, bạn hãy mua nó, và đặt ra mức cắt lỗ và chốt lời theo đúng kế hoạch giao dịch. Hãy quyết đoán thực hiện và chấp nhận rủi ro. Nếu không, bạn sẽ tự tạo ra một tình huống căng thẳng cho chính mình.
Thị trường là vô hạn
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Phù thủy chứng khoán” (Market wizards), thì đây là một cuốn sách nói về tấm gương của các nhà giao dịch đã tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ trong nhiều năm qua. Nhiều người trong số họ đã biến vài nghìn USD thành hàng trăm triệu USD. Điểm chung của các nhà giao dịch này đó là họ luôn tuân thủ tuyệt đối chiến lược giao dịch của mình. Quan trọng hơn, họ không đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho bản thân (chẳng hạn như 1 năm phải lãi 20%).
Họ có hệ thống giao dịch của riêng mình và tuân thủ theo các nguyên tắc. Họ để thị trường làm bất kỳ những gì nó muốn. Nếu hệ thống giao dịch không cho tín hiệu mua, họ sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nó xuất hiện. Kỷ luật là điều cần thiết để chống lại sự ngẫu nhiên của thị trường ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch.
Tiết chế cảm xúc của bản thân
Đừng bao giờ quá tự hào về bản thân sau những chiến thắng liên tiếp mà ngó lơ những nguyên tắc giao dịch của mình. Đừng để cảm xúc của bạn tác động đến hệ thống giao dịch của bạn, điều này sẽ giúp bạn làm chủ tâm lý giao dịch của chính mình.
Ở chiều ngược lại, đừng quá chán nản khi bạn thua lỗ. Trong lúc này, hãy đọc sách, xem lại nhật ký giao dịch, tìm sự cố vấn của một chuyên gia để xem bạn có thể điều chỉnh gì cho chiến lược giao dịch nếu chúng bị trật khỏi đường ray. Hãy coi thua lỗ là một phần của trò chơi, không phải là mối đe dọa.
Tôi làm được!
Cuối cùng, bạn chỉ có thể tận hưởng cảm giác chiến thắng nếu bạn thực sự có một tinh thần lạc quan. Hãy luôn mang theo những năng lượng tích cực này theo từng giao dịch của bạn. Đừng từ bỏ mỗi khi bạn thất bại, hãy đứng dậy và tiếp tục vững tin với chiến lược giao dịch của mình, bạn sẽ thành công.
Đừng ngại inbox cho chúng tôi khi bạn cần tư vấn cho bất cứ vấn đề gì trong quá trình đầu tư và giao dịch cổ phiếu.
Happy trading !