Bán phá giá là gì?
Bán phá giá về bản chất được hiểu là hành động mà các nhà xuất khẩu bán hàng với giá thấp hơn nhiều so với giá của hàng hóa cùng loại ở quốc gia nhập khẩu.
Ví dụ: Gạo tại Việt Nam được bán với giá 20,000 đồng/kg, các công ty Trung Quốc xuất khẩu gạo sang Việt Nam và bán với giá 15,000 đồng/kg, thấp hơn giá tại thị trường nội địa, khi đó Trung Quốc có được coi là có dấu hiệu của hành vi bán phá giá.
Tại sao các quốc gia xuất khẩu lại bán phá giá?
Việc bán phá giá có thể tạo ra nhiều lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu và gây thiệt hại cho quốc gia nhập khẩu. Cùng một loại mặt hàng, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng giá rẻ, do đó những nhà xuất khẩu có thể dễ dàng chiếm thị phần trong nước. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa bị giảm doanh thu và khó phát triển.
Các quốc gia xuất khẩu có thể bán phá giá với một số mục đích như:
- Dễ dàng chiếm lĩnh thị phần tại một thị trường tiềm năng, nhu cầu người tiêu dùng cao nhằm mở rộng doanh thu và lợi nhuận.
- Thu hút nguồn ngoại tệ dễ dàng.
- Gây chiến tranh thương mại với quốc gia nhập khẩu.
Chính vì vậy, các quốc gia nhập khẩu phải đối phó với tình trạng bán phá giá, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Một trong những biện pháp mà các quốc gia nhập khẩu sử dụng là thuế chống bán phá giá.
Thuế chống bán phá giá là gì?
Tại Điều 4, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 loại thuế này được định nghĩa như sau:
Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Hay còn được hiểu là một loại chi phí mà các nhà bán hàng phải chịu, làm tỷ trọng chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên và làm giảm biên lợi nhuận. Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ít động lực xuất khẩu hơn, hạn chế tầm ảnh hưởng của các công ty nước ngoài đối với thị trường trong nước. Điều này giúp các doanh nghiệp trong nước được giảm áp lực cạnh tranh từ các công ty nước ngoài và có thể phát triển dễ dàng hơn. Do đó, thuế chống bán phá giá là một biện pháp giúp bảo vệ các doanh nghiệp nội địa khỏi hiện tượng bán phá giá đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá
Khi chính phủ ban hành thuế chống bán phá giá đối với một mặt hàng xuất khẩu từ một quốc gia, trước tiên họ cần làm rõ hành vi của nước xuất khẩu có thực sự là bán phá giá hay không. Tại Việt Nam, nếu giá nhập khẩu một mặt hàng thấp hơn từ 2% so với giá của mặt hàng đó trên thị trường trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị coi là bán phá giá và có thể bị đánh thuế chống bán phá giá.
Bộ Công thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan ban ngành của quốc gia xuất khẩu để điều tra hành vi chống bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thuế chống bán phá giá và ngành thủy sản
Ngành thủy sản Việt Nam tạo ra rất nhiều giá trị trên thị trường xuất khẩu. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 8.89 tỷ USD, trong đó Mỹ là điểm đến lý tưởng nhất với 2.05 tỷ USD nhập khẩu.
Tuy vậy, kể từ năm 2003 đến nay, các doanh nghiệp cá tra và cá basa tại Việt Nam luôn phải chịu thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, khi họ luôn bị điều tra về việc bán phá giá các sản phẩm cá tra và cá basa. Trong kỳ đánh giá mới nhất tại thời điểm thực hiện bài viết (2021) POR17, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và Nam Việt (ANV) là hai doanh nghiệp thủy sản niêm yết hiếm hoi tiếp tục được miễn loại thuế này giống như kỳ POR16 trước đó. Điều này là tin tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam và cũng khẳng định sự minh bạch, uy tín trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp khác phải chịu thuế $2.39/kg. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho VHC và ANV so với các doanh nghiệp cùng ngành và là yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu.
Happy Trading !