Mục lục

Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant) là gì? Hướng dẫn giao dịch chứng quyền tại thị trường Việt Nam

Chứng quyền là gì?

Chứng quyền là một hợp đồng quyền chọn (Options) cổ phiếu, mà người sở hữu có quyền (Nhưng không có nghĩa vụ) mua hoặc bán cổ phiếu tại một mức giá được xác định tại một thời điểm đã được ấn định trước, thường được phát hành bởi công ty chủ thể của cổ phiếu đó. Tại Việt Nam, chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) là một dạng chứng quyền mua, tuy nhiên khác với chứng quyền thông thường, CW (Chứng quyền có đảm bảo) được phát hành bởi các công ty chứng khoán. Từ phần này trở đi, nếu không có gì chú thích thêm, tôi sẽ mặc định gọi tắt là CW hoặc chứng quyền.

Chứng quyền có đảm bảo (CW) là gì? Hướng dẫn giao dịch chứng quyền tại thị trường Việt Nam
Chứng quyền có đảm bảo (CW) là gì? Hướng dẫn giao dịch chứng quyền tại thị trường Việt Nam

Các thông tin cơ bản của chứng quyền có đảm bảo

Chứng quyền có đảm bảo cũng giống như các loại hợp đồng quyền chọn khác trên thị trường, 5 thông tin dưới đây là các thông tin cơ bản nhất bắt buộc phải có:

  • Loại chứng quyền: Có hai loại chứng quyền chính trên thị trường, đó là chứng quyền mua (Call) cho phép người sở hữu có quyền mua cổ phiếu, và chứng quyền bán (Put) cho phép người sở hữu có quyền bán cổ phiếu. Ở Việt Nam, hiện mới chỉ có chứng quyền mua. 
  • Chứng khoán cơ sở (Underlying): Là một cổ phiếu được dùng làm tài sản cơ sở cho chứng quyền,  theo đó, quy định quyền mua của người sở hữu chứng quyền. 
  • Giá thực hiện (Strike price): là mức giá mà cổ phiếu cơ sở được giao dịch khi thực hiện quyền. Giá thực hiện được xác định sẵn từ thời điểm chứng quyền được phát hành. 
  • Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion ratio): Là tỷ lệ chuyển đổi chứng quyền thành cổ phiếu khi thực hiện quyền. Ví dụ 2 CW đổi 1 cổ phiếu.
  • Kỳ hạn chứng quyền (Maturity): là khoảng thời gian từ thời điểm phát hành đến thời điểm đáo hạn.

Bên cạnh đó, một số thông tin bổ sung để có thể làm rõ hơn về chứng quyền:

  • Ngày phát hành: Là ngày công ty chứng khoán phát hành chứng quyền, và các nhà đầu tư có thể bắt đầu đăng ký mua trên thị trường sơ cấp.
  • Ngày giao dịch đầu tiên: Là ngày chứng quyền bắt đầu được giao dịch trên thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư sẽ mua bán lẫn nhau. Ngày giao dịch đầu tiên không nhất thiết phải là ngày phát hành.
  • Ngày đáo hạn (Expiration date): Trong ngày này, các nhà giao dịch sẽ thực hiện quyền (hoặc không), sau đó CW (Chứng quyền) sẽ mất toàn bộ hiệu lực.
  • Ngày giao dịch cuối cùng (Last trading day): Là ngày trước ngày đáo hạn 2 ngày làm việc. Sau ngày này, toàn bộ nhà đầu tư đều không thể mua bán chứng quyền trên thị trường. Sở dĩ có quy định về ngày này là do luật T+2 của thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Tên chứng quyền: Được HOSE quy định là “CXXXYYZZ”, trong đó XXX là mã của chứng khoán cơ sở, YY là năm phát hành còn ZZ dùng để phân biệt các loại chứng quyền có cùng tài sản cơ sở và năm phát hành. Chẳng hạn, CFPT2106 là chứng quyền đối với cổ phiếu FPT, được phát hành vào năm 2021. Số 06 dùng để phân biệt các chứng quyền khác cùng loại, như CFPT2104 và CFPT2105.
  • Kiểu thực hiện quyền: Sẽ được nói rõ hơn ở phần dưới.
  • Hình thức thanh toán: Sẽ được nói rõ hơn ở phần dưới.
  • Khối lượng phát hành: Là tổng số chứng quyền được CTCK phát hành trong một đợt phát hành.
  • Khối lượng lưu hành: Là tổng số chứng quyền đang được lưu hành tự do trên thị trường. Công ty chứng khoán có thể không bán hết lượng CW mà họ phát hành.
Ví dụ về thông tin của một chứng quyền có đảm bảo (CW)
Ví dụ về thông tin của một chứng quyền có đảm bảo (CW)
Bảng giá giao dịch chứng quyền có đảm bảo trên sàn chứng khoán Việt Nam
Bảng giá giao dịch chứng quyền có đảm bảo trên sàn chứng khoán Việt Nam

Cách tính lãi lỗ của chứng quyền vào ngày đáo hạn

Thực hiện quyền 

Những người sở hữu chứng quyền có đảm bảo có thể lựa chọn thực hiện quyền (Exercise) hoặc không, khác với hợp đồng tương lai VN30, điều khoản mua hoặc bán là bắt buộc vào ngày đáo hạn. Chứng quyền tại Việt Nam được thực hiện theo kiểu châu Âu (European options), chỉ được thực hiện vào ngày đáo hạn. 

Nếu như nhà giao dịch lựa chọn không thực hiện quyền, chứng quyền có đảm bảo sẽ mất hiệu lực vào thời điểm đáo hạn, và người sở hữu chứng quyền sẽ không mất gì cả ngoài số tiền ban đầu bỏ ra để mua chứng quyền. 

Nếu như nhà giao dịch thực hiện quyền, theo hình thức thanh toán vật chất truyền thống, người sở hữu chứng quyền sẽ được mua cổ phiếu cơ sở từ người phát hành chứng quyền, với mức giá bằng đúng giá thực hiện. Tuy vậy, đối với hình thức thanh toán tiền mặt như tại Việt Nam, người nắm giữ sẽ được giả định mua cổ phiếu theo giá thực hiện và ngay lập tức bán nó với giá thanh toán (Settlement price), và chỉ thu về lãi hoặc thanh toán lỗ từ chênh lệch giá từ người phát hành. Như vậy, số tiền mà tổ chức phát hành thanh toán cho bạn bằng (Giá thanh toán – Giá thực hiện).  

Giá thanh toán được xác định là giá trung bình 5 phiên gần nhất trước ngày đáo hạn. 

Tỷ lệ chuyển đổi chứng quyền là gì

Một lẽ hiển nhiên, để có lợi nhuận tốt nhất, người nắm giữ chỉ thực hiện quyền khi giá thanh toán vượt giá thực hiện, ngược lại, họ sẽ không thực hiện quyền.

Ví dụ: Chứng quyền có đảm bảo của cổ phiếu ABC có giá 10,000 đồng/CW, tỷ lệ chuyển đổi chứng quyền là 4:1, giá thực hiện 50,000 đồng. Bạn sở hữu 200 CW, vậy sẽ được quy đổi thành 50 cổ phiếu nếu thực hiện quyền. Nếu: 

  • Giá thanh toán của cổ phiếu ABC là 100,000 đồng, như vậy bạn nhận được (100,000 – 50,000)*50 = 2,500,000 đồng. Trừ đi số tiền bạn bỏ ra để mua CW là 200*10,000 = 2,000,000 đồng, vậy kết quả bạn lãi 500,000 đồng. 
  • Giá thanh toán của cổ phiếu ABC là 40,000 đồng: Nếu bạn thực hiện quyền, bạn sẽ lỗ, do đó bạn sẽ không thực hiện quyền. Vì vậy bạn sẽ chỉ lỗ số tiền mà ban đầu bạn bỏ ra (2,000,000 đồng). 
  • Giá thanh toán của cổ phiếu ABC là 70,000 đồng, như vậy bạn nhận được (70,000 – 50,000)*50 = 1,000,000 đồng. Trừ đi số tiền bạn bỏ ra để mua CW, vậy kết quả bạn lỗ 1 triệu đồng. Dù lỗ nhưng bạn vẫn phải thực hiện quyền, bởi nếu không, số lỗ của bạn sẽ cao hơn, là 2 triệu đồng.

Giá thanh toán càng lớn, khoảng chênh lệch càng lớn và lợi nhuận càng lớn. Do đó, giá thanh toán và lợi nhuận sẽ có mối liên hệ như hình dưới đây. 

Mối liên hệ giữa khoản thanh toán (Payoff), lợi nhuận (Profit) so với giá thanh toán (ST)
Mối liên hệ giữa khoản thanh toán (Payoff), lợi nhuận (Profit) so với giá thanh toán (ST)

Như ví dụ tôi vừa trình bày và như biểu đồ này, bạn sẽ thấy rằng, CW sẽ có lợi nhuận khi thực hiện quyền nếu như giá thanh toán vượt giá thực hiện ở một mức có thể bù lại được số tiền mà bạn mua CW ban đầu. Mức giá thanh toán thấp nhất đảm bảo lợi nhuận cho bạn được gọi là điểm hòa vốn. Theo nguyên tắc trên, điểm hòa vốn được tính bằng công thức:

SBE = X + qc0 (trong đó SBE là giá hòa vốn, X là giá thực hiện, q là tỷ lệ chuyển đổi và c0 là giá CW vào thời điểm bạn mua).

Điều đó có nghĩa, khi bạn mua CW, hãy kỳ vọng rằng giá cổ phiếu cơ sở sẽ vượt điểm hòa vốn.

Các yếu tố ảnh hưởng tới giá Chứng quyền là gì?

Yếu tố … tăngGiá hợp đồng Mua (Put)Giá hợp đồng Bán (Call)
Giá chứng khoán cơ sởTăngGiảm
Giá thực hiện (Strike price)GiảmTăng
Thời gian đáo hạnTăngTăng
Biến động giá TăngTăng
Lãi suấtTăngGiảm
Bảng thể hiện các yếu tố ảnh hưởng tới biến động giá chứng quyền

Lợi ích và rủi ro khi giao dịch chứng quyền có đảm bảo là gì?

Lợi ích của giao dịch chứng quyền

Trên thị trường chứng quyền, các nhà giao dịch sẽ hướng tới lợi nhuận bằng một trong hai cách: Thực hiện chứng quyền, hoặc giao dịch để hưởng lợi từ chênh lệch giá.  

Về cơ bản, khi giá của cổ phiếu cơ sở tăng, giá của chứng quyền call sẽ tăng (Vì khi thực hiện quyền sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn), và ngược lại. Do đó các nhà giao dịch có thể sử dụng tính chất này để giao dịch chứng quyền và hưởng lợi dựa trên chênh lệch giá. 

Để sở hữu chứng quyền, bạn cần mua nó trên thị trường với mức giá premium. Sau đó, bạn có thể thực hiện chứng quyền khi bạn thấy có lợi nhuận. Trong trường hợp ngược lại, bạn hoàn toàn có thể không thực hiện chứng quyền. Như vậy, mức lỗ tối đa khi bạn Long chứng quyền chính bằng premium, hay nói cách khác, rủi ro của chứng quyền được giới hạn. 

Khi so sánh chứng quyền có đảm bảo với cổ phiếu cơ sở, giá của chứng quyền thường nhỏ hơn rất nhiều so với cổ phiếu cơ sở. Điều này sẽ giúp bạn có thể đầu cơ hưởng lại từ xu hướng của cổ phiếu cơ sở với một số tiền nhỏ hơn rất nhiều, mà vẫn có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá của cổ phiếu cơ sở. Nói cách khác, chứng quyền có đảm bảo là một công cụ có tính đòn bẩy. 

Hãy thử một ví dụ: Nhà đầu tư A mua 1 cổ phiếu với giá 50,000 đồng, nắm giữ trong 6 tháng, nhà đầu tư B mua CW cho cổ phiếu đó với giá 10,000 đồng, giá thực hiện 50,000 đồng, tỷ lệ chuyển đổi 1:1, cũng với kỳ hạn 6 tháng và nắm giữ đến ngày đáo hạn. Tôi sẽ so sánh tỷ suất lợi nhuận của 2 nhà đầu tư trong các trường hợp khác nhau, sau 6 tháng.

Giá cổ phiếu sau 6 tháng (đồng)Lợi nhuận của NĐT A (đồng)Tỷ suất sinh lời NĐT ALợi nhuận của NĐT B (đồng)Tỷ suất sinh lời NĐT B
100,00050,000100%40,000300%
70,00020,00040%10,000100%
55,0005,00010%-5,000-50%
35,000-15,000-30%-10,000-100%
20,000-30,000-60%-10,000-100%
Bảng so sánh tỷ suất lợi nhuận của 2 nhà đầu tư trong các trường hợp khác nhau, sau 6 tháng.

Như bạn đã thấy, tỷ suất lợi nhuận của chứng quyền cao hơn rất nhiều so với cổ phiếu cơ sở, trong khi mức rủi ro luôn được giới hạn ở mức 10,000 đồng, tuy nhiên yếu tố bị giới hạn ở đây là thời gian. Chúng ta sẽ phân tích rõ hơn điều này qua mô hình sau.

Rủi ro của giao dịch chứng quyền

Rủi ro về đòn bẩy, đòn bẩy là con dao hai lưỡi, việc mua vào một lượng lớn chứng quyền có đảm bảo sẽ giúp bạn gia tăng lượng lớn lợi nhuận khi có lãi nhưng ngược lại, đòn bẩy sẽ cuốn trôi tài sản ròng của bạn khi giá chứng quyền đi ngược lại với kỳ vọng ban đầu.

Rủi ro về thanh khoản, thị trường giao dịch chứng quyền có đảm bảo tại Việt Nam hiện nay còn rất sơ khai, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chưa được tiếp cận và hiểu rõ về khái niệm cũng như là cách thức giao dịch chứng quyền. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong giao dịch chứng quyền có đảm bảo (Mua, Bán) bởi thanh khoản trên thị trường rất nhỏ. 

Rủi ro về biến động giá, biên độ dao động giá của chứng quyền có đảm bảo lớn hơn của chứng khoán cơ sở rất nhiều bởi biên động dao động giá của chứng quyền hiện nay không bị giới hạn như chứng khoán cơ sở.

Giá trị chứng khoán quyền là gì? Định giá bằng mô hình Black-Scholes

Giống như các tài sản tài chính khác, chứng quyền có đảm bảo cũng được giao dịch trên thị trường tập trung, vì vậy nó cũng có giá trị thị trường (được gọi là premium). Ban đầu, chứng quyền có đảm bảo được phát hành bởi các CTCK, và được giao dịch trên thị trường sơ cấp bằng cách đăng ký mua, khi đó giá của chứng quyền có đảm bảo sẽ do CTCK quyết định, được gọi là giá phát hành. Sau đó, chứng quyền có đảm bảo được giao dịch tự do trên thị trường thứ cấp kể từ ngày giao dịch đầu tiên, và giá sẽ được quyết định bởi cung và cầu của thị trường. Theo quy định, giá phát hành của CW sẽ được định giá lần đầu thông qua mô hình Black – Scholes.

Đây là mô hình định giá quyền chọn nổi tiếng được phát minh vào năm 1973 bởi 3 nhà kinh tế học mang tên Fischer Black, Robert Merton, và Myron Scholes (đôi khi mô hình này còn được gọi tên là Black-Scholes-Merton). Áp dụng mô hình này để định giá chứng quyền, công thức của mô hình này được biểu diễn như dưới đây:

Mô hình định giá chứng quyền Black-Scholes
Mô hình định giá chứng quyền Black-Scholes

Trong đó:

  • C: là giá của chứng quyền mua (được điều chỉnh theo tỷ lệ chuyển đổi).
  • St: là giá hiện tại của cổ phiếu cơ sở.
  • K: là giá thực hiện của CW.
  • t: là kỳ hạn khả dụng (khoảng thời gian từ thời điểm hiện tại đến ngày đáo hạn).
  • σs: là biến động hàm ý của cổ phiếu.
  • r: là lãi suất phi rủi ro.
  • N: là phân phối chuẩn.

Nhìn công thức của mô hình trên chắc chắn bạn không thể nhớ nổi! Bạn cũng không cần nhất thiết phải nhớ nó vì chúng ta chỉ cần hiểu ý nghĩa của công thức này. Theo đó, giá của một chứng quyền là một hàm số của 6 biến số: giá cổ phiếu cơ sở, giá thực hiện, tỷ lệ chuyển đổi, kỳ hạn khả dụng, biến động hàm ý và lãi suất phi rủi ro, hay nói cách khác, 6 yếu tố trên ảnh hưởng đến giá của CW. Trong đó, có 3 yếu tố cố định là giá thực hiện, tỷ lệ chuyển đổi và lãi suất phi rủi ro (giả sử thời kỳ lãi suất không đổi), còn 3 yếu tố còn lại là các yếu tố biến đổi, cụ thể chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn về sự ảnh hưởng của chúng.

Giá cổ phiếu cơ sở

Khi giá cổ phiếu càng lớn, nó sẽ càng cách xa giá thực hiện và CW mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi thực hiện quyền. Điều này khiến CW hấp dẫn hơn, khiến cầu tăng và giá CW tăng.

Kỳ hạn khả dụng

Khi kỳ hạn của CW càng lớn, cổ phiếu sẽ có nhiều dư địa để vượt giá thực hiện hơn và sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi thực hiện quyền. Do đó giá CW kỳ hạn dài sẽ cao hơn giá CW kỳ hạn ngắn, nếu các yếu tố khác là giống nhau.

Đối với 1 CW nhất định, theo thời gian, kỳ hạn khả dụng sẽ giảm dần về 0, khi đó giá của CW sẽ tiến gần đến giá trị (giá cổ phiếu hiện tại – giá thực hiện), nói cách khác, lợi nhuận khi thực hiện quyền sẽ tiến gần về 0.

Biến động hàm ý

Đây chính là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với thị trường Options nói chung. Nếu như biến động lịch sử đo lường sự biến động của giá cổ phiếu trong quá khứ, thường là độ lệch chuẩn, thì biến động hàm ý thể hiện sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào độ biến động của giá cổ phiếu trong tương lai. Biến động hàm ý cao thể hiện các nhà đầu tư nghĩ rằng giá cổ phiếu trong tương lai sẽ có nhiều biến động.

Nếu biến động hàm ý cao, giá cổ phiếu trong tương lai sẽ có thể tăng cao vượt xa giá thực hiện, nhưng cũng có thể lao dốc. Đây có thể là một rủi ro đối với cổ phiếu, nhưng với CW là một câu chuyện khác. Trong kịch bản giá tăng, lợi nhuận khi bạn thực hiện quyền hiển nhiên sẽ tăng, nhưng trong kịch bản giá giảm, mức lỗ khi thực hiện quyền lại được giới hạn. Do đó, lợi nhuận kỳ vọng của chứng quyền sẽ tăng lên và làm cho CW hấp dẫn hơn, khiến chúng tăng giá. Vì vậy, giá CW và biến động hàm ý tăng và giảm cùng chiều nhau.

Mối liên hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng của CW với biến động hàm ý
Mối liên hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng của CW với biến động hàm ý

Thông qua tính chất này, chúng ta có thể minh chứng cho câu nói này của các nhà giao dịch options trên thế giới: “Giao dịch quyền chọn là giao dịch sự biến động hàm ý”. CW cũng vậy, bạn có thể giao dịch CW theo sự biến động hàm ý của cổ phiếu cơ sở. Nếu bạn nghĩ rằng trong tương lai cổ phiếu sẽ biến động hơn, bạn hãy mua CW.

Kết hợp với yếu tố về giá, bạn sẽ thấy rằng, CW sẽ thực sự tốt trong một xu hướng tăng rõ rệt. Bạn có tự tính toán giá trị CW thông qua mô hình Black – Scholes tại đây.

Hướng dẫn giao dịch chứng quyền 

Hiện tại đối với thị trường Việt Nam, chứng quyền vẫn là một sản phẩm khá mới mẻ, do đó chứng quyền hầu hết được sử dụng để đầu cơ. Những khẩu vị của nhà đầu tư dưới đây sẽ hợp với chứng quyền: 

  • Vốn đầu tư nhỏ: Do chứng quyền có đảm bảo có tính đòn bẩy cao, nên bạn chỉ cần một lượng vốn nhỏ là có thể sở hữu chứng quyền và hưởng lợi từ sự biến động của giá cổ phiếu.
  • Hạn mức rủi ro cố định: Do tính chất giới hạn rủi ro, chứng quyền sẽ rất phù hợp với những nhà giao dịch lo sợ rủi ro mà vẫn muốn đầu tư cổ phiếu, họ có thể đầu tư gián tiếp qua chứng quyền. 
  • Giao dịch theo biến động hàm ý: Như đã nói ở trên, nếu bạn nghĩ rằng cổ phiếu sẽ biến động hơn trong tương lai, hãy mua chứng quyền có đảm bảo.

Chứng quyền có đảm bảo có tính đòn bẩy, và có một mức rủi ro giới hạn, tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều nhược điểm, Ví dụ, nếu bạn giao dịch CW theo phong cách giao dịch chênh lệch giá, bạn sẽ biết rằng CW sẽ chỉ thực sự tốt trong một môi trường uptrend rõ rệt. Như trong ví dụ tôi nêu ở phần trên, nếu giá cổ phiếu là 55,000 đồng, nhà đầu tư A lãi trong khi nhà đầu tư B mua CW vẫn sẽ lỗ. Vì vậy, hãy chỉ đầu tư vào CW nếu bạn nghĩ rằng cổ phiếu trong tương lai sẽ tăng giá mạnh mẽ.

Một lưu ý quan trọng dành cho bạn đó là vấn đề Timing: Nên xem xét thời điểm xuất hiện các tin tức quan trọng của doanh nghiệp như công bố báo cáo tài chính, thông tin tăng vốn, thoái vốn hay các cập nhật về dự án mới, liệu chúng có thế xảy ra và tác động lên giá cổ phiếu, trước thời điểm chứng quyền có đảm bảo của bạn đáo hạn hay không?

Trên đây là toàn bộ thông tin về chứng quyền có đảm bảo mà Green Chart muốn cung cấp cho mọi người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho mọi người trong quá trình tìm hiểu về chứng quyền có đảm bảo nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.

Happy trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed