Bạn có đang dự định thực hiện những phân tích cơ bản về một số doanh nghiệp mục tiêu nào đó mà bạn muốn đầu tư hay không? Nếu có, thì trước khi thực hiện, việc tính và đánh giá các tỷ lệ vòng quay sẽ là một bước đi hữu ích giúp bạn phân tích mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu.
Tỷ lệ vòng quay được sử dụng để kiểm tra hiệu quả hoạt động và cách mà doanh nghiệp sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu. Nó so sánh các số liệu kinh doanh với các tài sản khác nhau để chúng ta thấy được doanh nghiệp đã sử dụng bao nhiêu tài sản để tạo ra doanh số bán hàng.
Trong một doanh nghiệp, có nhiều loại tài sản được sử dụng để doanh nghiệp tạo ra doanh thu và từ đó duy trì hoạt động của mình. Chính vì vậy, nhóm các tỷ lệ về vòng quay thuộc nhóm tỷ lệ về hiệu quả (efficiency ratios). Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về một số tỷ lệ vòng quay được sử dụng phổ biến nhất.
Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho
Vòng quay hàng tồn kho là một tỷ số tài chính cho biết số lần một doanh nghiệp quay vòng hàng tồn kho so với giá vốn hàng bán (COGS) trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, một doanh nghiệp có thể chia số ngày trong kỳ, thường là năm tài chính, cho tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho để tính trung bình mất bao nhiêu ngày để bán hàng tồn kho của mình.
Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định hiệu quả hơn về giá bán, hoạt động sản xuất, tiếp thị và mua hàng. Đây là một trong những tỷ lệ được sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.
Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho có công thức tính như sau:
Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Bình quân hàng tồn kho
Mẫu số của tỷ lệ được tính bằng cách lấy giá trị trung bình của hàng tồn kho được sử dụng để bù đắp hiệu ứng thời vụ/chu kỳ (seasonality effect). Nó được tính bằng cách cộng giá trị của hàng tồn kho vào cuối kỳ này và cuối kỳ trước, sau đó chia tổng cho 2.
Giá vốn hàng bán (COGS) còn được gọi là chi phí bán hàng. Các nhà phân tích sử dụng giá vốn hàng bán thay vì doanh số bán hàng trong công thức tính vòng quay hàng tồn kho vì hàng tồn kho thường được định giá theo chi phí (valued at cost), trong khi doanh thu lại bao gồm cả khoản tăng giá của doanh nghiệp. Song trên thực tế, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng doanh thu thay vì giá vốn hàng bán trong phép tính và chính vì vậy sẽ có xu hướng làm tăng kết quả cuối cùng của tỷ lệ này.
Tỷ lệ vòng quay tài sản cố định
Tỷ lệ vòng quay tài sản cố định (Fixed Asset Turnover – FAT) là tỷ lệ so sánh doanh thu thuần (trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) với tài sản cố định (trên bảng cân đối kế toán) và đo lường khả năng tạo ra doanh thu thuần từ các khoản đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp, cụ thể là bất động sản, nhà máy và thiết bị (PP&E).
Công thức tính tỷ lệ này là:
Hệ số vòng quay tài sản cố định = Doanh thu thuần/ (Tổng tài sản cố định – Khấu hao lũy kế)
Tổng tài sản cố định được sử dụng trong công thức là con số cuối cùng sau khi đã trừ đi giá trị khấu hao lũy kế ròng. Tỷ lệ vòng quay tài sản cố định càng cao càng cho thấy rằng một doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư vào tài sản cố định để tạo ra doanh thu.
Tỷ lệ này thường được sử dụng làm thước đo trong các ngành sản xuất thâm dụng PP&E để gia tăng sản lượng. Khi một doanh nghiệp thực hiện các giao dịch mua với giá trị lớn như vậy, các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ theo dõi chặt chẽ tỷ lệ này trong những năm tiếp theo để xem tài sản cố định mới của doanh nghiệp có đổi lại bằng việc gia tăng doanh số bán hàng hay không.
Nhìn chung, các khoản đầu tư vào tài sản cố định có xu hướng chiếm phần lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ FAT được tính toán hàng năm để phản ánh mức độ hiệu quả của một doanh nghiệp hay cụ thể hơn là đội ngũ quản lý của doanh nghiệp đã sử dụng những tài sản quan trọng này ra sao để tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ này phù hợp khi sử dụng để đánh giá các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nặng, nơi một lượng vốn lớn được sử dụng vào các khoản đầu tư như hoạt động sản xuất. Do đó, tỷ lệ này cũng được sử dụng để so sánh các doanh nghiệp trong các ngành cụ thể.
Cần lưu ý rằng tỷ lệ này càng cao thì đồng nghĩa với việc tài sản cố định của doanh nghiệp được sử dụng càng hiệu quả, và hơn thế nữa là doanh nghiệp có thể tạo ra doanh thu với lượng tài sản cố định tối thiểu mà không cần huy động thêm vốn.
Tỷ lệ vòng quay khoản phải thu
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu đo lường số lần một doanh nghiệp thu hồi số dư các khoản phải thu trung bình của mình. Đây là một tỷ số định lượng về hiệu quả của doanh nghiệp trong việc thu hồi các khoản doanh thu chưa được khách hàng thanh toán và quản lý quy trình cấp tín dụng của doanh nghiệp.
Công thức tính tỷ lệ này là:
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu = Doanh số bán chịu ròng/Trung bình các khoản phải thu
Trong đó:
Doanh số bán chịu ròng là doanh số mà tiền mặt được thu hồi sau (ở một thời điểm nào đó trong tương lai). Cụ thể, doanh thu bán chịu ròng = Doanh thu bán chịu – Hàng bán bị trả lại – Chiết khấu doanh thu.
Trung bình các khoản phải thu là tổng của các khoản phải thu đầu và cuối kỳ tính toán (chẳng hạn như hàng tháng hoặc hàng quý), chia cho 2.
Một doanh nghiệp hiệu quả thường sẽ có tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu cao hơn và ngược lại đối với một doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Số liệu này thường được sử dụng để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành để đánh giá xem họ có ngang bằng với đối thủ cạnh tranh hay không.
Các khoản phải thu là các khoản cho vay không tính lãi, có bản chất ngắn hạn và được các doanh nghiệp gia hạn cho khách hàng của họ. Nếu một doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng, họ có thể gia hạn thời hạn thanh toán cho khách hàng đến 30 hoặc 60 ngày.
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu đo lường hiệu quả mà một doanh nghiệp có thể thu được từ các khoản phải thu hoặc khoản tín dụng mà doanh nghiệp mở rộng cho khách hàng. Tỷ lệ này cũng đo lường số lần các khoản phải thu của doanh nghiệp được chuyển đổi thành tiền mặt trong một khoảng thời gian nhất định. Tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu được tính toán trên cơ sở hàng năm, hàng quý hoặc hàng tháng.
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả là một thước đo thanh khoản ngắn hạn được sử dụng để xác định tốc độ mà một doanh nghiệp thanh toán cho các nhà cung cấp của mình. Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả còn được gọi là tỷ lệ vòng quay của các chủ nợ bởi nó đo lường số lần trung bình mà một doanh nghiệp thanh toán cho các chủ nợ của mình trong một khoảng thời gian cụ thể.
Tỷ lệ này có công thức tính như sau:
Tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả = Giá vốn hàng bán + Hàng tồn kho cuối kỳ – Hàng tồn kho đầu kỳ / Trung bình các khoản phải trả
Trong đó:
Các khoản phải trả là khoản nợ ngắn hạn mà một doanh nghiệp nợ các nhà cung cấp và chủ nợ của mình. Trung bình các khoản phải trả trong kỳ được tính bằng cách cộng số dư tài khoản phải trả đầu kỳ với số dư tài khoản phải trả cuối kỳ rồi chia cho hai.
Các nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ vòng quay các khoản phải trả để xác định xem doanh nghiệp có đủ tiền mặt hoặc doanh thu để đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn của mình hay không. Các chủ nợ có thể sử dụng tỷ lệ này để đo lường xem có nên mở rộng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp hay không.
Tỷ lệ vòng quay vốn thực hiện (Capital Employed Turnover Ratio)
Tỷ lệ này cho thấy hiệu quả bán hàng được tạo ra từ vốn mà doanh nghiệp sử dụng. Tỷ lệ này giúp các nhà đầu tư xác định khả năng tạo ra doanh thu từ vốn mà doanh nghiệp sử dụng và đóng vai trò là một yếu tố quyết định quan trọng để doanh nghiệp vay thêm tiền.
Tỷ lệ này được tính dựa trên công thức sau:
Tỷ lệ vòng quay vốn thực hiện = Doanh thu thuần/ Vốn sử dụng
Happy Trading!