Hiểu biết về các loại lệnh trên sàn chứng khoán là điều không thể thiếu để giúp bạn có được hiệu quả giao dịch tốt nhất. Mục tiêu của chúng ta sau khi đọc xong bài viết này, đó là biết cách để mua/bán được đúng số lượng cổ phiếu với mức giá mong muốn, tại thời điểm mà quyết định giao dịch được đưa ra.
Để thực hiện mua và bán trên thị trường chứng khoán, có hai hình thức bạn có thể thực hiện đó là khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận, trong đó khớp lệnh là hình thức giao dịch phổ biến nhất với các nhà đầu tư cá nhân.
Khớp lệnh
Giao dịch khớp lệnh là hình thức giao dịch bằng việc đặt các lệnh mua và bán lên sàn, sau đó sẽ dựa vào các sự tương khớp của lệnh mua và bán đối ứng để thực hiện giao dịch. Đơn giản, nếu một người đặt lệnh mua 1,000 cổ phiếu HPG với giá 57,000 đồng, một người khác đặt lệnh bán 1,000 cổ phiếu HPG với giá 57,000 đồng, thì hai lệnh này sẽ khớp và giao dịch sẽ được thực hiện. Để cụ thể hơn, chúng ta sẽ đi vào chi tiết các loại lệnh, sẽ được tôi trình bày ở phần dưới.
Về cơ bản, lệnh được chia làm 2 loại chính là lệnh mua và lệnh bán. Các loại lệnh này sẽ được chia làm nhiều loại nhỏ hơn, để làm rõ về các biến số của các lệnh.
Giao dịch khớp lệnh được thực hiện theo các nguyên tắc ưu tiên về giá, sau đó là về thời gian.
- Ưu tiên về giá: Các lệnh mua với giá cao sẽ luôn được ưu tiên hơn các lệnh mua với giá thấp, còn các lệnh bán với giá thấp sẽ được khớp lệnh trước các lệnh bán với giá cao. Điều này đơn giản do tâm lý của mỗi người, ai cũng thích mua ở giá càng rẻ càng tốt và bán ở giá càng cao càng tốt, nên những người mua sẵn sàng trả giá cao sẽ được ưu tiên, và ngược lại.
- Ưu tiên về thời gian: Đối với cùng một mức giá, người đặt lệnh trước sẽ được ưu tiên khớp lệnh trước.
Lệnh giới hạn LO
Lệnh LO (limit order, lệnh giới hạn) là một loại lệnh bao gồm 2 biến số là giá và khối lượng.
Ví dụ về lệnh LO:
- Mua 3,000 cổ phiếu TCB với giá 60,000 đồng.
- Bán 2,000 cổ phiếu VNM với giá 90,000 đồng.
Gọi là lệnh giới hạn vì tính giới hạn của nó. Chẳng hạn với ví dụ đầu tiên, lệnh này thể hiện bạn muốn mua cổ phiếu TCB với giá cao nhất là 60,000 đồng. Nếu có người bán cổ phiếu này với giá 60,000 đồng hoặc thấp hơn, bạn sẽ đồng ý mua và lệnh sẽ được khớp. Còn nếu có người khác bán cổ phiếu TCB với giá 61,000 đồng, lệnh của bạn sẽ không được khớp với người này. Nó giống như việc bạn mang theo 50 triệu đồng trong ví để đi mua iPhone 13 Pro Max vậy, bạn sẽ không thể mua được ở cửa hàng nào bán chiếc smartphone này với giá 50.5 triệu đồng hay 51 triệu đồng, mà bạn chỉ mua được nếu có cửa hàng bán nó với giá 49 triệu đồng hoặc 49.5 triệu đồng.
Lệnh bán cũng vậy, đối với ví dụ thứ 2, lệnh này thể hiện bạn muốn bán VNM với giá thấp nhất là 90,000 đồng. Bạn sẽ chấp nhận bán cho những người nào muốn trả giá bằng hoặc cao hơn giá mà bạn đưa ra, và không bán cho những người trả giá thấp hơn.
Do đó, khi bạn đặt lệnh LO, lệnh có thể sẽ được khớp ngay nếu có lệnh đối ứng, hoặc sẽ được nằm trong phần lệnh chờ nếu chưa có lệnh đối ứng. Như tôi đã giới thiệu ở phần bảng giá chứng khoán, các lệnh LO đang chờ khớp sẽ được hiển thị ở các cột Dư mua và Dư bán trong bảng giá chứng khoán.
Hãy lấy ví dụ ở bảng giá dưới đây. Tại cột Dư mua đối với cổ phiếu AAA, bạn có thể thấy giá 1 là 16,100 đồng tương ứng với khối lượng 102,500 cổ phiếu, có nghĩa là trong tất cả các lệnh mua LO đang chờ khớp, giá cao nhất là 16,100 đồng. Tổng khối lượng của tất cả các lệnh mua LO với giá này là 102,500 cổ phiếu, và lưu ý rằng đây là tổng khối lượng của nhiều lệnh mua chứ không phải là 1 lệnh mua 102,500 cổ phiếu. Tương tự, ở cột giá 2 và khối lượng 2, với mức giá 16,050 đồng, có nhiều lệnh chờ mua với tổng khối lượng 94,500 cổ phiếu. Giá 2 là mức giá cao thứ nhì trong tất cả các lệnh mua đang chờ khớp. Chúng ta cũng có giá 3 là mức giá cao thứ 3 trong tất cả các lệnh chờ mua, trong hình là 16,000 đồng, với tổng khối lượng chờ mua là 141,200 cổ phiếu.
Tương tự, ở cột Dư bán, trong tất cả các lệnh LO bán đang chờ khớp, mức giá thấp nhất là 16,150 đồng, được hiển thị ở giá 1, tương ứng với khối lượng chờ bán là 33,500 cổ phiếu. Cao hơn là các mức giá 2 và giá 3, như trong hình.
Hiển nhiên chúng ta thấy, mức giá mua 1 luôn thấp hơn mức giá bán 1, bởi nếu không, các lệnh này đều sẽ được khớp và không hiển thị ở các cột Dư mua và Dư bán (là các lệnh chờ khớp). Hơn nữa, theo nguyên tắc ưu tiên khớp lệnh, các lệnh mua và bán với giá 1 sẽ luôn được khớp trước.
Bây giờ tôi sẽ xét đến trường hợp, nếu một lệnh LO mới được đặt lên sàn, lệnh này sẽ được khớp như thế nào và bảng giá sẽ hiển thị ra sao.
Lệnh mua 10,000 cổ phiếu với giá 16,150 đồng: Vì trên sàn đã có lệnh bán với giá 16,000 đồng, nên lệnh mua của bạn sẽ được khớp ngay lập tức với các lệnh bán này. Khi đó, dư bán sẽ giảm đi 10,000 cổ phiếu. Bên cạnh đó, ở cột Khớp lệnh nằm giữa, lệnh của bạn đã được khớp và sẽ ngay lập tức hiển thị tại đó.
Lệnh mua 10,000 cổ phiếu với giá 16,200 đồng: Lệnh của bạn cũng sẽ được khớp ngay, và giá khớp lệnh là 16,150 đồng, thấp hơn giá bạn đặt. Các lệnh bán đối ứng được khớp sẽ là các lệnh bán với giá 16,150 đồng. Điều này dễ hiểu vì lệnh mua của bạn thể hiện bạn đồng ý mua cổ phiếu với giá thấp hơn hoặc bằng 16,200 đồng, và các lệnh bán với giá 1 sẽ được ưu tiên hơn.
Lệnh mua 10,000 cổ phiếu với giá 16,100 đồng: Trên sàn chưa có lệnh bán với giá này, vì vậy lệnh của bạn sẽ chưa được khớp và nằm ở phần chờ khớp. Dư mua với giá 1 sẽ tăng thêm 10,000 cổ phiếu. Nếu sau đó có nhà đầu tư đặt lệnh bán với giá 16,100 đồng, lệnh của bạn sẽ được khớp (trong trường hợp các lệnh mua với cùng giá trước đó được khớp, vì xét đến ưu tiên về thời gian).Lệnh mua 10,000 cổ phiếu với giá 16,050 đồng: Tương tự như trên, lệnh mua này cũng sẽ không được khớp ngay, và dư mua với giá 2 sẽ tăng thêm 10,000 cổ phiếu. Lệnh này sẽ có độ ưu tiên thấp hơn các lệnh mua với giá 1.
Lệnh bán 10,000 cổ phiếu với giá 16,100 đồng: Lệnh này sẽ được khớp ngay lập tức vì trên sàn đã có lệnh chờ mua với giá này.
Lệnh bán 10,000 cổ phiếu với giá 16,000 đồng. Lệnh sẽ nằm ở phần chờ khớp vì chưa có lệnh mua với giá này.
Như vậy bạn có thể thấy, lệnh LO đặt lên sàn sẽ được khớp ngay lập tức nếu:
- Lệnh mua: Giá đặt lệnh > Giá bán 1
- Lệnh bán: Giá đặt lệnh < Giá mua 1
Những lệnh mua và bán như trên được gọi là lệnh mua chủ động hoặc lệnh bán chủ động. Trong các trường hợp còn lại, lệnh của bạn sẽ nằm ở phần chờ khớp. Các lệnh chờ khớp sẽ chỉ được khớp nếu có một lệnh đối ứng với cùng giá.
Đối với trường hợp lệnh được khớp, có hai khả năng có thể xảy ra, đó là lệnh của bạn được khớp toàn bộ hoặc khớp một phần. Lệnh sẽ được khớp toàn bộ nếu các lệnh bán đối ứng có đủ khối lượng để đáp ứng lệnh mua của bạn. Lệnh sẽ được khớp một phần nếu khối lượng của các lệnh bán đối ứng thấp hơn khối lượng lệnh của bạn.
Chẳng hạn như tôi vừa trình bày ví dụ trên, lệnh mua 10,000 cổ phiếu với giá 16,150 đồng sẽ được khớp toàn bộ. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt một lệnh mua 40,000 cổ phiếu với giá 16,150 đồng, lệnh này sẽ chỉ được khớp một phần, bởi lệnh bán đối ứng với cùng mức giá chỉ có khối lượng 33,500 cổ phiếu, không đủ để đáp ứng lệnh mua nói trên. Do đó, khối lượng khớp cho lệnh này sẽ là 33,500 cổ phiếu, còn 6,500 cổ phiếu còn lại sẽ nằm ở phần lệnh chờ khớp.
Một trường hợp khác đó là lệnh mua 40,000 cổ phiếu với giá 16,200 đồng, quy tắc khớp lệnh sẽ khác một chút. Đầu tiên, 33,500 cổ phiếu sẽ được khớp với giá 16,150 đồng, sau đó 6,500 cổ phiếu còn lại sẽ được khớp với giá 16,200 đồng.
Trên các nền tảng giao dịch, việc đặt lệnh LO rất đơn giản. Bạn vào phần đặt lệnh, sau đó điền các thông tin về loại lệnh: mua hay bán, mã cổ phiếu, khối lượng và giá, hệ thống sẽ mặc định hiểu đó là lệnh LO.
Lệnh MP
Lệnh MP (market price, lệnh thị trường) là lệnh mua và bán với giá phù hợp nhất với thị trường. Khác với lệnh LO, lệnh này chỉ bao gồm một biến số là khối lượng, và sẽ được khớp ngay lập tức (trừ những trường hợp đặc biệt).
Lưu ý rằng, lệnh MP chỉ được thực hiện trên sàn HOSE, các sàn HNX và UPCOM không có lệnh này. Ngoài ra, lệnh MP chỉ được đặt trong phiên khớp lệnh liên tục.
Ví dụ về lệnh MP
- Mua MP 4,000 cổ phiếu STB
- Bán MP 1,000 cổ phiếu VJC
Khi bạn đặt lệnh MP, có nghĩa là bạn muốn mua hoặc bán cổ phiếu ngay lập tức với giá tốt nhất thị trường vào thời điểm đó. Có nghĩa là với lệnh mua, giá khớp lệnh sẽ là giá 1 của bên dư bán, còn với lệnh bán, giá khớp lệnh sẽ là giá 1 của bên dư mua. Lệnh MP luôn là lệnh chủ động.
Tiếp tục ví dụ trên. Tôi đặt lệnh MP mua 1,000 cổ phiếu AAA. Khi đó, tôi sẽ được mua ngay lập tức với giá 16,150 đồng, chính là giá bán thấp nhất.
Lệnh MP nó giống như việc bạn muốn tìm mua bằng mọi giá chiếc iPhone 13 Pro Max trên thị trường để tặng cho bạn gái của mình nhân dịp 20/10. Bạn sẽ đi check giá của tất cả các cửa hàng bán chiếc smartphone này, và sẽ mua tại cửa hàng bán với giá thấp nhất.
Nếu tôi đặt lệnh MP bán 1,000 cổ phiếu AAA, tôi sẽ được bán ngay lập tức với giá 1 của bên mua, là 16,100 đồng.
Nếu trong trường hợp khối lượng giao dịch đối với giá 1 không đủ cho lệnh MP, phần còn lại của lệnh MP sẽ được tiếp tục khớp với giá 2, sau đó là giá 3,… Trong trường hợp lệnh không thể khớp toàn bộ và chỉ được khớp một phần, phần còn lại của lệnh sẽ được chuyển thành lệnh LO với giá cao hơn một bước giá.
Ví dụ, nếu bạn đặt lệnh MP mua 40,000 cổ phiếu AAA, trước tiên bạn sẽ được khớp 33,500 cổ phiếu với giá 16,150 đồng, sau đó khi lượng lệnh chờ mua này hết, 6,500 cổ phiếu còn lại sẽ được khớp với giá 2 là 16,200 đồng.
Hoặc đối với cổ phiếu MCP có bảng giá như trong hình, bạn đặt lệnh bán MP 2,000 cổ phiếu. Vì tổng dư mua chỉ có 1,000 cổ phiếu, nên lệnh của bạn sẽ không được khớp hết. 1,000 cổ phiếu chưa được khớp sẽ chuyển thành lệnh LO với giá thấp hơn 1 bước giá, ở đây là 26,050 đồng, thấp hơn so với giá khớp thấp nhất là 26,100 đồng.
Một trường hợp đặc biệt đó là cổ phiếu đang ở trong trạng thái trắng bên mua hoặc trắng bên bán (không có lệnh chờ mua hoặc chờ bán, thường xảy ra khi cổ phiếu có giá trần hoặc giá sàn), trong trường hợp này, bạn không thể đặt lệnh MP. Hệ thống sẽ báo lỗi nếu bạn vẫn đặt lệnh trong trường hợp này.
Lệnh MOK
Lệnh MOK (match or kill, lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc hủy) là một lệnh thị trường tại sàn HNX. Lệnh này chỉ có một biến số là khối lượng, và sau khi bạn đặt lệnh này, sẽ chỉ có 2 kết quả: khớp toàn bộ hoặc không khớp.
Nếu như khối lượng đặt lệnh cao hơn tổng khối lượng chờ khớp của bên đối ứng, lệnh sẽ không được khớp và không có giao dịch xảy ra. Ngược lại, lệnh sẽ được khớp giống như lệnh MP.
Trong bảng giá của sàn HNX, có thêm hai cột thể hiện tổng lượng dư mua và dư bán, như ở trong hình. Qua đó bạn có thể biết được lệnh MOK của bạn có được khớp hay không.
Lấy ví dụ cổ phiếu GDW như trong hình. Bạn đặt lệnh MOK mua 5,000 cổ phiếu, tuy nhiên dư bán chỉ là 2,100 cổ phiếu, vì vậy lệnh của bạn sẽ không được khớp. Nếu bạn đặt lệnh MOK mua 1,000 cổ phiếu, bạn sẽ được khớp toàn bộ, và cách khớp lệnh sẽ giống như lệnh MP.
Lệnh MAK
Lệnh MAK (match and kill, lệnh thị trường khớp toàn bộ và hủy) là một lệnh thị trường tại sàn HNX. Lệnh này chỉ có một biến số là khối lượng, và có một chút khác biệt so với lệnh MOK nói trên.
Nếu như khối lượng đặt lệnh cao hơn tổng khối lượng chờ khớp của bên đối ứng, lệnh sẽ được khớp một phần, và phần còn lại sẽ bị hủy (đây là điểm khác biệt so với lệnh MOK). Ngược lại, lệnh sẽ được khớp giống như lệnh MP.
Tiếp tục ví dụ cổ phiếu GDW như trong hình. Bạn đặt lệnh MAK mua 5,000 cổ phiếu, tuy nhiên dư bán chỉ là 2,100 cổ phiếu, vì vậy bạn sẽ được khớp 2,100 cổ phiếu, và quy tắc khớp lệnh giống như lệnh MP tôi vừa trình bày. Phần 2,900 cổ phiếu chưa được khớp sẽ bị hủy.
Lệnh MTL
Lệnh MTL (market to limit, lệnh thị trường giới hạn) là một lệnh thị trường tại HNX. Lệnh này chỉ có một biến số là khối lượng, và có đặc điểm giống như lệnh MP. Trong trường hợp lệnh MTL chưa được khớp toàn bộ, phần dư sẽ được chuyển thành lệnh LO với cùng mức giá, đây là điều khác với lệnh MP, phần dư sẽ được chuyển thành lệnh LO với giá cao hơn hoặc thấp hơn 1 bước giá.
Giả sử bạn đặt lệnh mua MTL 1,000 cổ phiếu GMA như trong hình. Dư bán có 500 cổ phiếu, vì vậy bạn sẽ được khớp 500 cổ phiếu này. Phần 500 cổ phiếu chưa được khớp sẽ chuyển thành lệnh LO với mức giá 62,000 đồng, bằng với giá khớp cao nhất.
Lệnh PLO
Lệnh PLO (post limit order) là lệnh được sử dụng trong phiên khớp lệnh sau giờ tại HNX. Trong phiên giao dịch này, giá đóng cửa đã được xác định, vì vậy các nhà đầu tư sẽ chỉ có thể giao dịch với giá đóng cửa của phiên hôm đó. Do đó, giá khớp lệnh của lệnh PLO luôn là giá đóng cửa của phiên ATC cùng ngày. Lệnh sẽ chỉ có một biến số là khối lượng.
Cách thức khớp lệnh của phiên này cũng hết sức đơn giản. Lệnh PLO mua sẽ được khớp với lệnh PLO bán, giá khớp lệnh là giá ATC. Lệnh có thể được khớp ngay lập tức toàn bộ, khớp một phần hoặc chờ khớp.
Bảng giá trong phiên PLO sẽ chỉ hiển thị các lệnh dư mua và dư bán PLO. Chẳng hạn trong hình dưới đây, với mã cổ phiếu SHS trong phiên PLO, bạn có thể thấy ở phần dư mua là 6,100 cổ phiếu đang chờ khớp với giá PLO. Giá PLO chính là giá ATC, ở đây được thể hiện trong cột Khớp lệnh ở giữa là 36,500 đồng.
Nếu bạn đặt lệnh bán PLO 2,000 cổ phiếu, lệnh của bạn sẽ được khớp ngay vì đã có lệnh mua đối ứng. Còn nếu bạn đặt lệnh mua PLO, lệnh sẽ chưa được khớp và hiển thị ở phần chờ khớp.
Lệnh ATO và ATC
Cách thức khớp lệnh phiên ATO và ATC
Đây là hai lệnh sử dụng trong các phiên khớp lệnh định kỳ, là các phiên mở cửa (ATO, at the opening) và đóng cửa (ATC, at the closing). Bên cạnh đó, trong phiên này, các nhà giao dịch cũng có thể đặt lệnh LO.
Trong phiên khớp lệnh liên tục, nếu xuất hiện các cặp lệnh mua và bán đối ứng nhau, chúng sẽ được khớp ngay và giao dịch xảy ra. Tuy nhiên trong phiên khớp lệnh định kỳ thì không như vậy. Chẳng hạn tại một thời điểm, bạn sẽ thấy có lệnh mua và lệnh bán với cùng một giá xuất hiện, nhưng chúng đều không được khớp lệnh. Tên của phiên này đã nói rõ, tất cả các lệnh đặt lên sàn trong phiên này sẽ không được khớp ngay, mà chỉ được khớp vào một thời điểm duy nhất đó là cuối phiên.
Trong phiên này, các lệnh sẽ được đặt lên sàn, sau đó giá khớp lệnh sẽ được xác định là mức giá mà bên mua và bên bán gặp nhau nhiều nhất. Giá đó được gọi là giá ATO hoặc ATC, tùy thuộc vào việc chúng xảy ra ở phiên nào.
Hãy đi vào ví dụ dưới đây để chúng ta hình dung rõ cách thức khớp lệnh của phiên này.
Ví dụ với cổ phiếu AAA trong phiên ATC, giả sử trong phiên này có 10 người đặt lệnh, như bảng dưới đây:
Hiển nhiên các lệnh này sẽ chưa được khớp ngay trong phiên và chỉ được khớp vào thời điểm cuối phiên. Vậy trong thời điểm cuối phiên, giá khớp lệnh sẽ là bao nhiêu?
Chẳng hạn, nếu giá khớp là 16,200 đồng, như vậy các lệnh mua với giá lớn hơn hoặc bằng 16,200 đồng sẽ được khớp, và các lệnh bán với giá nhỏ hơn hoặc bằng 16,200 đồng sẽ được khớp. Trong ví dụ trên, tổng khối lượng mua đáp ứng điều này là 5,000 cổ phiếu, trong khi tổng khối lượng bán là 10,000 cổ phiếu, điều này có nghĩa là khối lượng khớp trong phiên ATC là 5,000 cổ phiếu nếu giá khớp lệnh là 16,200 đồng.
Nếu giá khớp lệnh là các mức giá khác, ta có bảng như dưới đây.
Như vậy, ở mức giá 16,150 đồng, bên mua và bên bán sẽ gặp nhau nhiều nhất, vì vậy đây sẽ là giá khớp lệnh, cũng là giá ATC, và khối lượng khớp là 7,000 cổ phiếu.
Lệnh ATO và ATC
Ví dụ trên tôi giả sử các lệnh đặt lên sàn là lệnh LO. Trên thực tế, các nhà giao dịch hoàn toàn có thể đặt các lệnh ATO và ATC trong phiên khớp lệnh định kỳ. Các lệnh này chỉ có một biến số là khối lượng.
Lệnh ATO hay ATC thể hiện rằng, bạn muốn mua hoặc bán cổ phiếu bằng mọi giá trong phiên mở cửa hoặc phiên đóng cửa. Vì vậy, độ ưu tiên của các lệnh này sẽ được xếp trên các lệnh LO truyền thống.
Thời gian giao dịch và đặt lệnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động trong khoảng thời gian từ 9h-15h vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, ngoại trừ các ngày lễ. Quãng thời gian trong mỗi phiên giao dịch (1 ngày) sẽ được chia làm các phiên nhỏ hơn, và cách thức giao dịch trong từng phiên sẽ khác nhau, các lệnh được phép đặt trong các phiên cũng khác nhau. Bảng dưới đây sẽ mô tả chi tiết về thời gian giao dịch và các lệnh được đặt.
Quy định sửa lệnh và hủy lệnh
Các lệnh đã khớp chắc chắn sẽ không được thay đổi. Vì vậy trước khi bạn đặt lệnh, đặc biệt là các lệnh như MP, MAK, MOK và MTL, hãy cân nhắc thật kỹ. Đối với các lệnh chờ khớp, một số lệnh có thể sửa hoặc hủy.
Trong các phiên khớp lệnh định kỳ, lệnh không được phép sửa và hủy.
Trong phiên khớp lệnh liên tục, HNX và UPCOM cho phép bạn hủy lệnh cũng như sửa lệnh (sửa giá và khối lượng). HOSE chỉ cho phép bạn hủy lệnh, vì vậy cách đễ bạn có thể gián tiếp sửa lệnh là hủy sau đó đặt lệnh mới. Điều này sẽ làm sự ưu tiên về thời gian của bạn thay đổi, trong khi tại HNX và UPCOM, sự ưu tiên về thời gian sẽ không bị thay đổi nếu lệnh được sửa.
Lệnh PLO không được phép hủy và sửa.
Happy trading !