Mục lục

Các nhóm chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích cổ phiếu

Qua các bài viết trước, chúng ta đã biết các đọc hiểu các khoản mục trong một bản báo cáo tài chính, công việc tiếp theo sẽ là đánh giá và phân tích chúng. Cách tốt nhất để phân tích báo cáo tài chính là nghiên cứu thông qua các chỉ số tài chính. Lý thuyết về các tỷ số tài chính được đưa ra bởi Benjamin Graham, người được nhiều người biết đến như là cha đẻ của phân tích cơ bản. Các chỉ số tài chính giúp giải thích sự hợp lý trong phân bổ tài sản, hiệu quả kinh doanh hay các hệ số an toàn vốn của doanh nghiệp, dựa trên cơ sở sự so sánh với số liệu trong quá khứ và các công ty khác trong cùng ngành.

Các nhóm chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích cổ phiếu
Các nhóm chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích cổ phiếu

Chỉ số tài chính là gì?

Các chỉ số tài chính cho thấy sự tương quan giữa các khoản mục trong báo cáo tài chính, như tương quan giữa Nợ và Vốn chủ sở hữu, hay Doanh thu với Tổng tài sản. Trước khi bắt đầu tìm hiểu về cách tính và ứng dụng, chúng ta cần hiểu một số đặc điểm cơ bản của các chỉ số tài chính.

Nếu chỉ đứng một mình, chỉ số tài chính của một công ty truyền đạt rất ít thông tin. Ví dụ, công ty A trong ngành dệt may có biên LNST là 15%, bạn nghĩ thông tin này hữu ích như thế nào? Tỷ suất lợi nhuận 15% là tương đối cao, hay là một mức thấp? Tuy nhiên, nếu chúng ta có thêm thông tin về việc các công ty trong cùng ngành dệt may có biên LNST trung bình là khoảng 10% chẳng hạn, thì chỉ số trên sẽ cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng. Rõ ràng, công ty A là công ty hoạt động mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức trung bình ngành, nguyên nhân có thể do sản phẩm của công ty A tốt hơn – dẫn đến giá bán cao hơn, hay ban lãnh đạo công ty có khả năng quản lý chi phí rất tốt.

Trong phạm vi của chuỗi bài viết “Các chỉ số tài chính”, chúng tôi sẽ có đề cập đến cách xây dựng và công thức tính toán, tuy vậy chúng ta không đi học tính toán các chỉ số này, bởi các dữ liệu trên Internet đều đã đề cập và tính toán cho chúng ta rồi, bạn có thể thu thập chúng dễ dàng thông qua các website chuyên dụng như cafef.vn, vietstock hay wichart.vn. Tuy nhiên, việc giới thiệu công thức tính sẽ giải thích giúp bạn hiểu rõ hơn  ý nghĩa và cách ứng dụng của chúng.

04 nhóm chỉ số tài chính cơ bản

Chỉ số khả năng sinh lời (Profitability ratios) giúp nhà phân tích đo lường khả năng sinh lời của công ty. Các chỉ số này cho biết công ty có thể hoạt động tốt hay không về khả năng tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận của một công ty cũng báo hiệu khả năng cạnh tranh của ban lãnh đạo. Vì lợi nhuận cần thiết để mở rộng kinh doanh và trả cổ tức cho các cổ đông của mình, nên khả năng sinh lời của công ty là một yếu tố quan trọng cần xem xét.

Chỉ số đòn bẩy (Solvency ratios) đo lường đo lường cấu trúc vốn của công ty (nợ + vốn chủ sở hữu), qua đó xác định mức độ an toàn và sự tối ưu trong phân bổ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chỉ số khả năng thanh toán (Liquidity ratios), còn được gọi là chỉ số thanh khoản, cho biết khả năng đáp ứng của công ty cho các nghĩa vụ nợ ngắn hạn, cũng được dùng để xác định độ an toàn vốn của công ty trong ngắn hạn.

Chỉ số hoạt động (Activity ratios) đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của công ty trong việc chuyển đổi thành doanh thu và lợi nhuận. Chỉ số này giúp chúng ta hiểu được mức độ hiệu quả của hoạt động quản lý công ty. 

Chúng ta sẽ cùng đi vào công thức tính cụ thể của từng bộ chỉ số.

Nhóm chỉ số khả năng sinh lời

  • Biên lợi nhuận gộp (gross profit margin) được tính bằng cách lấy lợi nhuận gộp chia cho doanh thu thuần, trong đó:

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

Nếu tính trên quy mô 1 sản phẩm, doanh thu chính là giá của sản phẩm và giá vốn hàng bán chính là các loại chi phí trực tiếp để sản xuất ra sản phẩm đó (đối với doanh nghiệp sản xuất) hoặc chi phí để nhập món hàng này (đối với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thương mại, bán lẻ, bán buôn). Như vậy, lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận gộp thể hiện sự chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán. 

Biên lợi nhuận gộp thể hiện rất nhiều điều, đầu tiên là khả năng cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Hãy tưởng tượng, trong bối cảnh suy thoái chung khiến tất cả các doanh nghiệp trong ngành phải hạ giá bán, rõ ràng doanh nghiệp sở hữu biên lợi nhuận gộp cao sẽ hạn chế được ít tổn thất hơn, thậm chí chiếm lại được thị phần của các doanh nghiệp yếu kém rời bỏ cuộc chơi. Tiếp đó, chỉ số này cũng phản ánh khả năng tận dụng tài nguyên của công ty và năng suất hoạt động, với một công ty có dây chuyền sản xuất tiên tiến, chi phí sẽ được giảm thiểu và biên lợi nhuận gộp tăng lên.

Biên lợi nhuận sau thuế (net profit after-tax margin, NPAT margin, hoặc net profit margin) được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho doanh thu thuần. Nó cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận ròng của doanh nghiệp dựa trên mỗi đồng doanh thu. Khác với biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận sau thuế tính đến các loại chi phí liên quan khác như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lãi vay và thuế để có thể tạo ra lợi nhuận. 

Bên cạnh đó, có một số chỉ số khác cũng hay được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời, như biên EBITDA, biên EBIT,…

ROE (return on equity), là tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế so với vốn chủ sở hữu trung bình. ROE là chỉ số thường được quan tâm đến đầu tiên, vì nó giúp nhà đầu tư đánh giá tỷ suất lợi nhuận sẽ được từ khoản vốn đầu tư vào công ty. Công thức của ROE:

ROE = LNST/ Vốn chủ sở hữu bình quân

đo lường hiệu quả của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư của cổ đông (chính là vốn chủ sở hữu). Do đó, đây là một chỉ số hết sức quan trọng để bạn đánh giá có nên đầu tư vào công ty hay không. 

ROA (return on asset) là tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế so với tổng tài sản. Điều này phản ánh sử dụng tài sản của công ty trong việc tạo ra lợi nhuận, do vậy sẽ thực sự phản ánh khả năng của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản và nguồn vốn để tạo ra lợi nhuận.

ROA = LNST / Tổng tài sản bình quân

Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính

Hầu hết các công ty muốn phát triển nhanh và đạt đến một quy mô nhất định thì không thể không sử dụng đến nợ. Nợ vay sẽ giúp doanh nghiệp có khoản tiền nhanh chóng để đầu tư vào các dự án mới, mở rộng quy mô của mình và gia tăng lợi nhuận. Tuy vậy, nợ cũng là một con dao hai lưỡi, nợ sẽ là gánh nặng khi doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ, hay lợi nhuận tăng thêm nếu không thể bù đắp được chi phí lãi vay.

Để đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ và gánh nặng nợ của doanh nghiệp, các nhà phân tích sử dụng các chỉ số đòn bẩy. Ba chỉ số đòn bẩy chính mà chúng tôi sẽ giới thiệu:

  • Đòn bẩy tài chính = Tổng tài sản trung bình/Vốn chủ sở hữu trung bình
  • Hệ số nợ vay/tổng tài sản
  • Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu

Thông qua các công thức trên, bạn có thể thấy: khi các khoản nợ của công ty tăng lên, các chỉ số đòn bẩy cũng tăng theo. Công ty mong muốn sử dụng đòn bẩy cao để tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên nếu chỉ số đòn bẩy quá cao, đi kèm với đó là rủi ro tín dụng. Các công ty có chỉ số đòn bẩy thấp sẽ gặp ít rủi ro này, nhưng lại không thể tăng trưởng nhanh chóng như các công ty sử dụng nợ. Do đó, các chỉ số này sẽ hữu ích khi so sánh rủi ro tín dụng của các công ty khác nhau, đi kèm với tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Nhóm chỉ số thanh toán

Các chỉ số thanh toán (thanh khoản) được xây dựng nhằm đánh giá khả năng trả nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Một cơ cấu tài sản ngắn hạn an toàn sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện thanh khoản.

  • Chỉ số thanh toán hiện hành: được đo lường bằng cách lấy tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn. Chỉ số này tốt nhất nên lớn hơn 1, thể hiện các tài sản có tính thanh khoản cao có thể đáp ứng được nợ ngắn hạn. Chỉ số này càng lớn sẽ càng thể hiện độ an toàn vốn của công ty.
  • Chỉ số thanh toán nhanh: Đối với một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm không có tính thanh khoản cao, lượng hàng tồn kho sẽ khó được tiêu thụ và chuyển đổi thành tiền một cách nhanh chóng. Do đó để loại bỏ sự không chắc chắn trong hàng tồn kho, các nhà phân tích sử dụng chỉ số thanh toán nhanh. 

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền mặt + Đầu tư tài chính ngắn hạn + Khoản phải thu)/Nợ ngắn hạn

  • Chỉ số thanh toán tiền mặt (tức thời): Lấy tiền mặt chia cho nợ ngắn hạn. Chỉ số này được sử dụng khi các khoản phải thu của doanh nghiệp không đáng tin cậy. Tuy vậy sẽ khá ít doanh nghiệp có thể duy trì chỉ số này lớn hơn 1.

Chỉ số thanh toán thông thường sẽ chỉ được ứng dụng để đánh giá tình hình thanh khoản của công ty so với chính nó trong quá khứ. Chỉ số thanh khoản tăng sẽ thể hiện khả năng quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp.

Để đánh giá gánh nặng lãi vay của doanh nghiệp, một chỉ số hay được sử dụng là hệ số khả năng thanh toán lãi vay, được tính bằng công thức:

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = EBIT/Lãi vay

Trong đó: EBIT = LNST + Thuế + Lãi vay

Hệ số này càng lớn cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp ít bị gánh nặng lãi vay, cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có nhiều khả năng hơn để thanh toán lãi vay.

Nhóm chỉ số hoạt động

Các chỉ số hoạt động đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của công ty, nhằm đánh giá liệu việc công ty đầu tư tài sản có giúp tạo ra hiệu quả kinh doanh hay không. Các chỉ số hoạt động chính bao gồm:

  • Chỉ số vòng quay tổng tài sản: Bằng doanh thu chia cho tổng tài sản bình quân, thể hiện doanh thu có thể quay được mấy vòng tổng tài sản. Chỉ số này càng lớn cho thấy khả năng tận dụng tài nguyên của công ty trong việc tạo ra doanh thu càng lớn. Bạn có thể thay Tổng tài sản bằng Tài sản cố định để tính toán hiệu quả hoạt động của nhóm tài sản này.
  • Chỉ số vòng quay khoản phải thu: Bằng doanh thu chia cho bình quân khoản phải thu. Chỉ số này càng lớn cho thấy doanh nghiệp ít phải chịu gánh nặng về việc “đòi nợ khách hàng”, giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Ví dụ, khi một công ty có vị thế kém trong ngành mong muốn hợp tác với một khách hàng lớn, công ty sẽ phải chấp nhận kéo dài thời gian thanh toán cho khách hàng, điều này sẽ làm tăng vòng quay khoản phải thu.
  • Chỉ số vòng quay hàng tồn kho: Bằng giá vốn hàng bán chia cho bình quân hàng tồn kho. Chỉ số này nôm na sẽ thể hiện trong một kỳ, lượng hàng được bán sẽ quay vòng được bao nhiêu lần hàng tồn kho. Chỉ số này càng lớn sẽ thể hiện khả năng quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp, cho thấy lượng hàng tồn kho nhanh chóng được tiêu thụ. 
  • Chỉ số vòng quay khoản phải trả: Bằng số tiền doanh nghiệp trả cho người bán chia cho nợ phải trả người bán. Chỉ số này càng thấp càng tốt, thể hiện vị thế của doanh nghiệp trong việc thanh toán cho người bán, công ty có thể thanh toán trong một thời gian dài và được mua chịu nhiều.

Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong các bài viết thú vị khác trong chuỗi chủ đề về Phân tích cơ bản cổ phiếu.

Happy trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed