Quỹ ETF – Quỹ hoán đổi danh mục là gì?
Quỹ ETF (Exchange – Traded Fund, hay quỹ hoán đổi danh mục) là một quỹ đầu tư thụ động, mà chứng chỉ quỹ được giao dịch trên thị trường thứ cấp tập trung (nên tên tiếng Anh được gọi là exchange-traded).
Danh mục của quỹ hoán đổi danh mục thường được tập trung vào một loại tài sản nhất định, như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ,…
Trong bài viết này chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về quỹ ETF cổ phiếu. Loại quỹ này có thể bao gồm:
- Quỹ hoán đổi danh mục mô phỏng chỉ số: Danh mục của quỹ sẽ bao gồm toàn bộ các cổ phiếu dùng để xây dựng chỉ số, với tỷ trọng tương đương. Chẳng hạn, quỹ VFM VN30 của Dragon Capital là quỹ hoán đổi danh mục mô phỏng chỉ số VN30.
- Quỹ hoán đổi danh mục ngành: Đầu tư vào các cổ phiếu thuộc một số ngành cụ thể như công nghệ, ngân hàng, bất động sản.
- Và còn nhiều loại quỹ hoán đổi danh mục khác có các tiêu chí đầu tư khác.
Quỹ hoán đổi danh mục hoạt động như thế nào?
Quỹ hoán đổi danh mục là một quỹ đầu tư thụ động, các nhà quản lý quỹ sẽ chỉ đơn giản mua cổ phiếu theo đúng danh mục của quỹ được quy định và nắm giữ trong thời gian dài. Điều này là khác so với các quỹ đầu tư chủ động, các nhà quản lý quỹ sẽ mua và bán chứng khoán để hướng tới lợi nhuận bằng sự chênh lệch giá, và mục tiêu lợi nhuận vượt chỉ số chuẩn (như VN-Index).
Còn quỹ hoán đổi danh mục chỉ đơn giản mô phỏng một danh mục cổ phiếu hoặc chỉ số, bằng việc nắm giữ trong thời gian dài, nên lợi nhuận khi bạn đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục cũng giống như mức tăng và giảm của chỉ số tham chiếu.
Do đó, tần suất mua bán của quỹ ETF sẽ ít hơn các quỹ chủ động. Quỹ ETF thường sẽ chỉ giao dịch tại một số thời điểm nhất định trong năm được quy định trước, được gọi là kỳ tái cơ cấu. Chẳng hạn, quỹ VFM VN30 sẽ tái cơ cấu vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, trùng với thời điểm tái cơ cấu của chỉ số VN30 bởi HOSE.
Quỹ hoán đổi danh mục hoạt động gần giống với quỹ mở, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể mua và bán chứng chỉ quỹ (CCQ) trực tiếp với quỹ. Chỉ có một số nhà đầu tư – tổ chức được quỹ ETF ủy quyền (Authorized Participants – APs) mới được phép giao dịch trực tiếp với quỹ, tại Việt Nam các APs thường là bộ phận quản lý danh mục ETF của các công ty chứng khoán.
Do đó, giá của CCQ thường sẽ sát với NAV của quỹ (không hoàn toàn bằng NAV nhưng sai số là không đáng kể). Đối với các quỹ hoán đổi danh mục mô phỏng chỉ số, giá của CCQ sẽ biến động song song với chỉ số tham chiếu.
Tạo mới và mua lại
Quỹ hoán đổi danh mục có thể điều tiết lượng CCQ được lưu hành nhờ các APs. Khi một quỹ ETF muốn phát hành thêm cổ phiếu, APs mua cổ phiếu trên thị trường theo đúng tỷ trọng danh mục của quỹ. Quỹ sau đó sẽ phát hành các CCQ mới và hoán đổi chúng với danh mục cổ phiếu của APs, theo giá trị tương đương. Đây được gọi là quá trình tạo mới, và bạn đã biết tại sao quỹ ETF được gọi là quỹ hoán đổi danh mục rồi đấy.
Ngược lại, APs cũng có thể mua CCQ trên thị trường, sau đó bán lại chúng cho quỹ ETF hoặc hoán đổi với một danh mục cổ phiếu tương đương, làm cho số lượng CCQ được lưu hành trên thị trường giảm đi.
Điều tiết giá thị trường
NAV của quỹ phụ thuộc vào giá của các tài sản trong danh mục, nhưng giá của CCQ lại phụ thuộc vào cung và cầu của thị trường đối với riêng loại tài sản này. Điều này tạo nên sự sai khác giữa NAV và giá của CCQ. Các AP sẽ tận dụng điều này để hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá (arbitrage) cũng như đưa giá của CCQ về sát với NAV của quỹ.
Ví dụ, nếu NAV của quỹ là 25,000 đồng/CCQ nhưng giá của CCQ là 24,000 đồng/CCQ, APs sẽ mua CCQ trên thị trường với giá 24,000 đồng, sau đó hoán đổi với các cổ phiếu trong quỹ ETF với mức NAV 25,000 đồng, cuối cùng họ bán các cổ phiếu này ra thị trường, hưởng lợi 1,000 đồng/CCQ từ hoạt động arbitrage. Việc giao dịch này của APs cũng làm cho cầu CCQ và cung cổ phiếu tăng, dẫn đến giá của 2 loại tài sản này tiến gần nhau hơn.
Chứng chỉ quỹ ETF
Chứng chỉ quỹ ETF là một loại chứng khoán thể hiện quyền sở hữu của bạn với một phần vốn của quỹ. Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết giao dịch trên thị trường tập trung giống như cổ phiếu. Bạn có thể đặt lệnh mua và bán CCQ ngay tại tài khoản chứng khoán của bạn một cách đơn giản.
Các quỹ ETF tại Việt Nam
Quỹ ETF nội
Đây là các quỹ ETF của các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, và được niêm yết trên HOSE. Hiện tại, có 8 quỹ ETF được giao dịch trên thị trường, và mô phỏng các chỉ số khác nhau (trừ hai quỹ SSIAM VN30 và VFM VN30 cùng mô phỏng chỉ số VN30).
Quỹ ETF ngoại
Bên cạnh các quỹ nội, một số quỹ ETF nước ngoài lớn cũng đầu tư vào các cổ phiếu tại Việt Nam. Chẳng hạn:
- FTSE Vietnam ETF: Quỹ ETF của FTSE Russell tại Anh, được niêm yết trên LSE, mô phỏng chỉ số VNAllShare Index (90% cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên HOSE).
- VanEck Vietnam ETF: Quỹ ETF của VanEck tại Mỹ, được niêm yết trên CBOE, đầu tư vào các cổ phiếu tại Việt Nam hoặc các cổ phiếu liên doanh của Việt Nam.
- iShares MSCI Frontier and Select EM ETF: Quỹ ETF của iShare tại Mỹ, được niêm yết trên NYSE, đầu tư vào các cổ phiếu thuộc thị trường cận biên và một số thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Khi nào thì bạn nên đầu tư vào ETF?
Nếu như bạn có một lượng vốn dồi dào nhưng vẫn mơ hồ về chiến lược đầu tư, bạn có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ. Đối với quỹ mở chủ động như đã giới thiệu ở bài viết quỹ mở, họ sẽ hướng tới chiến lược đầu tư chủ động để thu về lợi nhuận vượt các chỉ số chuẩn. Quỹ ETF chỉ đơn thuần mô phỏng các chỉ số chuẩn, nên lợi nhuận khi bạn đầu tư vào ETF cũng chỉ tương đương các chỉ số, tất nhiên đi kèm với một mức độ rủi ro thấp hơn so với việc đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ.
Việc đánh bại một chỉ số không phải dễ dàng. Số liệu dưới đây cho thấy các quỹ chủ động tại Việt Nam cũng không thể tạo ra lợi nhuận vượt trội so với chỉ số VN30.
Bên cạnh đó, CCQ ETF được giao dịch trên thị trường tập trung giống như một cổ phiếu, nên việc giao dịch cũng linh hoạt hơn. Bạn chỉ cần một số vốn nhỏ, mua và bán vào bất kỳ lúc nào bạn muốn, và mức phí quản lý tài sản thấp hơn rất nhiều so với các quỹ mở khác. Các quỹ mở sẽ đòi hỏi một số vốn ban đầu cao cũng như nhiều khoản phí và thủ tục mua bán.
Happy trading !