Cảm xúc thường thúc đẩy hầu hết các quyết định của chúng ta, bao gồm cả vấn đề giao dịch. Các bài giảng trading trên mạng đầy ắp những ví dụ về mức độ ảnh hưởng của nỗi sợ hãi và lòng tham khiến các trader mua và bán sai thời điểm. Các nhà kinh tế học hành vi cũng tập trung vào việc làm thế nào để sự né tránh hối tiếc không khiến nhiều nhà giao dịch đưa ra các quyết định sai lầm. Để tránh cảm giác hối tiếc, chúng ta thường giữ các vị thế đang thua lỗ, hy vọng chúng sẽ quay đầu hoặc ngược lại bán sớm một vị trí đang có lãi vì lo sợ giá sẽ đảo chiều.
Sự tác động qua lại giữa cảm xúc và việc chấp nhận rủi ro khiến nhiều nhà giao dịch luôn ở trạng thái không chắc chắn về quyết định của họ. Thách thức của công việc giao dịch là nhận thức chính xác rủi ro, kiểm soát cảm xúc của bạn và thực hiện giao dịch một cách bình tĩnh và hợp lý. Tuy nhiên, những nhà giao dịch quá tự tin có thể không có khả năng đo lường chính xác cảm xúc của họ
Karin Tochkov và Edelgard Wulfert tại Đại học Albany, New York, đã kiểm tra khả năng dự đoán chính xác cảm xúc của các sinh viên đối với các thua lỗ tài chính. Nghiên cứu diễn ra theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các sinh viên đại học được yêu cầu tưởng tượng ra mình đang chơi một canh bạc và được yêu cầu đánh giá xem họ sẽ cảm thấy thế nào nếu bị thua. Ví dụ, họ được yêu cầu suy nghĩ, “Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu mất 150 đô la?” Họ đánh giá mức độ mà họ sẽ cảm thấy thất vọng.
Một tuần sau, trong giai đoạn thứ hai, họ được đưa trở lại phòng thí nghiệm để tiếp tục kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn thuần tưởng tượng như lần trước, họ đã thực sự tham gia đánh bạc và cảm nhận hậu quả thực sự của việc mất tiền. Kết quả thí nghiệm cho thấy, những người sinh viên hầu hết đã đánh giá sai trải nghiệm cảm xúc của họ. Họ đã đánh giá thấp mức độ thất vọng của họ sau khi thua cuộc thực sự, thay vì chỉ ngồi tưởng tượng. Khả năng dự đoán chính xác cảm giác của họ sau một lần thua cờ bạc thực sự có liên quan đến khả năng đánh giá rủi ro.
Những phát hiện này cho thấy rằng quá tự tin và giao dịch quá mức có thể là một hậu quả của việc không có khả năng dự đoán chính xác những hậu quả cảm xúc trong tương lai của những tổn thất tài chính. Một nhà giao dịch quá tự tin có thể sẽ nghĩ: “sẽ không quá tệ như vậy nếu tôi sai lệnh này”, hay thậm chí tự tin đến mức không nghĩ đến viễn cảnh thua lỗ khi thực hiện giao dịch. Nếu bạn không lường trước được cảm giác tồi tệ sau khi thua lỗ, bạn sẽ gặp vấn đề tâm lý khi chấp nhận rủi ro. Ngược lại, các nhà giao dịch gặp khó khăn khi vào lệnh thường dự đoán hậu quả của việc thua lỗ sẽ khó chịu hơn thực tế.
Nếu bạn đang thực hiện quá nhiều giao dịch rủi ro và đang phải trả giá cho nó, bạn có thể thử tập trung vào cảm giác thua lỗ. Có lẽ bạn đang không nghĩ đến những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn của việc mất mát. Tuy nhiên, nếu bạn tập trung vào việc bạn sẽ cảm thấy tồi tệ như thế nào sau khi thua lỗ, bạn sẽ dừng lại và suy nghĩ kỹ hơn về các quyết định giao dịch của mình. Và bạn sẽ có nhiều khả năng quản lý rủi ro và chờ đợi các thiết lập có xác suất cao, thay vì hấp tấp thực hiện một giao dịch tồi. Đôi khi cảm xúc của chúng ta cản trở khả năng thực hiện giao dịch một cách bình tĩnh và lý trí, nhưng nếu bạn có xu hướng tìm kiếm rủi ro, bạn có thể muốn tập trung vào hậu quả tiềm ẩn của việc thua lỗ. Nó sẽ ngăn bạn thực hiện các giao dịch có thể làm giảm số dư tài khoản của bạn.
Happy trading !