Như đã làm rõ trong các bài viết trước về việc xây dựng kế hoạch nghỉ hưu, đầu tư đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong để xây dựng nền tảng tài chính cá nhân của bạn:
- Chống lại lạm phát: giá cả hàng hóa tăng do lạm phát sẽ khiến đồng tiền trong tay bạn mất dần giá trị theo thời gian. Nếu mức lạm phát đang là 5%, việc tạo ra mức sinh lời tối thiểu 5%/năm là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ giá trị tài sản của bạn, trước khi nghĩ đến chuyện làm gia tăng chúng.
- Xây dựng tích lũy: bên cạnh việc có một khoản tích lũy khi về hưu, bạn cũng cần đầu tư để tích lũy cho việc mua nhà, lập gia đình, trang trải học phí cho con,…và những nhu cầu cuộc sống khác.
- Tự do tài chính: giải thoát bản thân khỏi những lo âu về tiền bạc và hướng tới các mục tiêu cao hơn trong cuộc sống như gia đình, theo đuổi đam mê, sức khỏe,…
Bài viết này sẽ giới thiệu các kênh đầu tư phổ biến và tỷ suất lợi nhuận bình quân của chúng, như một gợi ý cho việc xây dựng danh mục đầu tư cá nhân.
04 Kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay
Có rất nhiều loại tài sản ứng với các kênh đầu tư tài chính khác nhau, và mỗi loại tài sản có một mức lợi nhuận và rủi ro khác nhau. Tùy vào khẩu vị của mỗi người, bạn có thể lựa chọn một kênh đầu tư phù hợp nhất với bạn, hoặc kết hợp nhiều kênh. Một số kệnh đầu tư phổ biến bao gồm:
Kênh đầu tư thu nhập cố định (Fixed-Income)
Trên lý thuyết đây là kênh đầu tư ít rủi ro nhất, trong khi lợi nhuận sẽ được chi trả với tỷ suất cố định ở các thời điểm được xác định trước (tỷ suất lợi nhuận còn được gọi là lãi suất). Đến cuối kỳ hạn, tiền vốn sẽ được hoàn trả cho bạn, bên cạnh các khoản lãi cố định được trả hàng kỳ (hàng năm hoặc hàng tháng).
Các loại hình đầu tư mang lại thu nhập cố định mà các nhà đầu tư tại Việt Nam có thể tiếp cận:
- Gửi tiết kiệm ngân hàng
- Trái phiếu chính phủ
- Trái phiếu doanh nghiệp
- Quỹ đầu tư trái phiếu
Đầu tư cổ phiếu
Đầu tư vào cổ phiếu là hình thức mua lại cổ phần của một công ty. Khác với loại hình thu nhập cố định, lợi nhuận (cổ tức) sẽ được chi trả nhưng với tỷ suất không cố định và cũng không có thời điểm xác định trước, thậm chí công ty có thể không trả cổ tức cho bạn để tái đầu tư số tiền đó vào hoạt động kinh doanh. Vì vậy rủi ro của cổ phiếu cao hơn trái phiếu hay gửi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn các loại hình kia.
Các hình thức đầu tư vào cổ phiếu mà nhà đầu tư tại Việt Nam có thể tiếp cận:
- Đầu tư vào cổ phiếu IPO, Private Equity.
- Đầu tư cổ phiếu niêm yết trên các sàn chứng khoán.
- Đầu tư vào các quỹ đầu tư cổ phiếu.
- Đầu tư vào các quỹ ETF.
Đầu tư bất động sản
Đầu tư bất động sản là các hoạt động bao gồm việc mua, bán đất nền, căn hộ, nhà đất, hoặc cho thuê các tài sản trên. Đầu tư bất động sản yêu cầu một số vốn lớn cũng như nhiều thủ tục pháp lý hơn cổ phiếu và trái phiếu. Bên cạnh đó thị trường bất động sản kém thanh khoản hơn so với hai thị trường trên, do đó sẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi lớn và nắm giữ một thời gian dài.
Đầu tư hàng hóa
Đầu tư vào thị trường hàng hóa cơ bản cũng là một kênh đầu tư được ưa chuộng từ lâu đời. Đây là những nhóm tài sản có giá trị thực tế trong các linh vực sản xuất kinh doanh, hoặc có khả năng lưu trữ giá trị tốt. Có 4 nhóm hàng hóa cơ bản chính thường được các nhà đầu tư ưa chuộng và có tính chuẩn hóa cao:
- Nhóm Nông sản: bao gồm các loại nông sản, ngũ cốc quan trọng như ngô, đậu tương, gạo, lúa mì,…
- Nhóm Nguyên liệu công nghiệp: điển hình như cao su, cà phê, đường, bông, cacao, dầu cọ,…
- Nhóm Kim loại: bao gồm các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim và kim loại chính phục vụ nhiều cho sản xuất công nghiệp như quặng sắt, đồng, chì, thiếc,…
- Nhóm Năng lượng: bao gồm dầu thô, khí tự nhiên và các chế phẩm khác như xăng,…
Một số hình thức đầu tư vào thị trường hàng hóa mà các nhà đầu tư tại Việt Nam có thể tiếp cận:
- Đầu tư vào hàng hóa vật chất, ví dụ như mua tích trữ vàng, bạc.
- Giao dịch hàng hóa phái sinh, thông qua Sở giao dịch hóa Việt Nam (MXV)
Tỷ suất sinh lời thực tế của các kênh đầu tư như thế nào?
Chúng ta sẽ cùng tham khảo tỷ suất sinh lời của các kênh đầu tư, thông qua một nghiên cứu của Dragon Capital về hiệu suất của các kênh tài sản tại Việt Nam trong 21 năm qua.
Chúng ta có thể thấy sự vượt trội trong tỷ suất sinh lời của cổ phiếu, với mức bình quân gần 16% trong suốt 21 năm qua, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Sự khác biệt còn rõ rệt hơn trong 5 năm gần nhất, khi tỷ suất sinh lời của cổ phiếu đạt 19.2%, cao hơn 7% so với kênh đầu tư hiệu quả thứ 2 là Bất động sản, và hoàn toàn vượt trội so với tiền gửi tiết kiệm.
Happy Trading !