Dựa theo tính tập trung của thị trường, TTCK có thể được chia làm 2 loại là thị trường tập trung và thị trường phi tập trung. Chắc hẳn nhiều bạn đọc đã quá quen thuộc với thị trường chứng khoán tập trung, được giao dịch thông qua các sàn giao dịch như HOSE và HNX. Vậy thị trường phi tập trung, hay thị trường OTC có điểm gì khác biệt?
Thị trường chứng khoán OTC
Thị trường chứng khoán OTC là thị trường chứng khoán phi tập trung, nơi người mua và người bán cổ phiếu giao dịch bằng hình thức thương lượng về giá, và được kết nối thông qua một tổ chức trung gian. OTC là viết tắt của over-the-counter, tức là giao dịch thông qua quầy, ở đây “quầy” chính là tổ chức trung gian.
Khi giao dịch trên thị trường OTC, nhà đầu tư sẽ đặt lệnh mua và bán cổ phiếu theo khối lượng mình muốn mua hoặc bán, sau đó tổ chức trung gian sẽ kết nối người mua và bán với nhau, hai bên sẽ thông qua thỏa thuận để chốt mức giá và khối lượng cổ phiếu. Mức giá được quyết định dựa trên việc “thuận mua, vừa bán” chứ không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố bên ngoài nào.
Tính chất của thị trường OTC
Nếu như các cổ phiếu niêm yết sẽ được giao dịch trên thị trường tập trung, qua các sàn như HOSE và HNX, thì thị trường OTC là nơi giao dịch của các cổ phiếu không niêm yết. Chính vì không niêm yết, nên các doanh nghiệp này sẽ ít được biết đến rộng rãi hơn với công chúng và ít chịu sự giám sát hơn, do đó thông tin mà NĐT được tiếp cận sẽ ít hơn. Tuy vậy, các cổ phiếu niêm yết cũng có thể được giao dịch thông qua thị trường OTC.
Thị trường chứng khoán OTC có thanh khoản tương đối thấp hơn so với thị trường tập trung do phương thức giao dịch thỏa thuận của nó, ngoài ra việc độ tiếp cận thấp cũng khiến lượng giao dịch các cổ phiếu này thấp. Vì vậy, mức độ rủi ro của thị trường OTC cũng cao hơn và khó phù hợp với tất cả các đối tượng NĐT.
Bên cạnh đó, phương thức giao dịch thỏa thuận cũng khiến việc xác định giá thị trường khó khăn hơn so với hình thức giao dịch tập trung. Nhằm tăng tính thanh khoản và tính hiệu quả cho thị trường, hiện nay các tổ chức trung gian cũng thực hiện vai trò chào giá ra thị trường, và các nhà giao dịch sẽ mua bán cổ phiếu trực tiếp với tổ chức trung gian.
Chẳng hạn, khi thấy nhiều nhà giao dịch đặt lệnh mua cổ phiếu với mức giá 50,000 đồng, tổ chức trung gian có thể thực hiện chào mua cổ phiếu với giá 50,000 đồng hoặc cao hơn, mức giá đó có thể được coi là giá thị trường tham khảo. Khi các nhà giao dịch muốn bán cổ phiếu đó, họ sẽ bán trực tiếp với tổ chức trung gian. Bên cạnh đó, họ cũng có thể đưa ra giá chào bán với mức cao hơn giá chào mua, và hưởng lợi từ chênh lệch 2 mức giá này.
Chính vì vậy, tổ chức trung gian trong thị trường OTC có thể đóng 2 vai trò: Làm trung gian cho giao dịch (broker) và tham gia giao dịch với các nhà đầu tư (dealer).
Cơ chế thanh toán cổ phiếu cũng khá đa dạng, có thể là T+0, T+1, T+2,… tùy vào cơ chế của từng thị trường và từng cổ phiếu. Thời gian giao dịch của thị trường này cũng không bị giới hạn giống như các sàn HOSE, HNX, bạn hoàn toàn có thể giao dịch vào buổi tối hay cuối tuần.
Sự hấp dẫn của thị trường OTC
Thứ nhất, tỷ suất sinh lời từ các cổ phiếu OTC thường cao hơn các cổ phiếu niêm yết, bởi các cổ phiếu trên thị trường này thường chưa được nhiều nhà đầu tư biết đến, khiến độ hiệu quả của thị trường kém hơn. Chính vì vậy bạn sẽ tìm được rất nhiều cổ phiếu hấp dẫn mà có mức giá thấp hơn nhiều giá trị thực của nó (undervalued).
Bên cạnh đó, các cổ phiếu chưa niêm yết thường là các cổ phiếu của các doanh nghiệp có tuổi đời còn non trẻ, mà thông thường tốc độ tăng trưởng của các công ty như vậy cao hơn nhiều so với các công ty niêm yết đã bão hòa.
Rủi ro khi giao dịch OTC là gì?
Bên cạnh lợi nhuận hấp dẫn, thị trường OTC cũng tồn tại khá nhiều rủi ro so với thị trường tập trung. Đầu tiên là rủi ro thanh khoản, với khối lượng giao dịch thấp và chênh lệch giá mua-bán cao, các NĐT sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn mua và bán cổ phiếu với mức giá gần nhất với giá thị trường.
Ngoài ra, với việc thị trường OTC không được giám sát chặt chẽ như thị trường tập trung, hành động làm giá cổ phiếu xảy ra nhiều hơn và gây thiệt hại tới nhiều nhà đầu tư. Độ tiếp cận các thông tin của doanh nghiệp thấp cũng gây khó khăn cho các nhà giao dịch khi muốn phân tích cổ phiếu, các doanh nghiệp không bắt buộc phải công bố các báo cáo tài chính hay báo cáo thường niên theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Giao dịch chứng khoán OTC như thế nào?
Để có thể giao dịch chứng khoán OTC, điều đầu tiên là bạn cần có tài khoản ở các tổ chức trung gian trên thị trường OTC. Hiện nay, một số tổ chức trung gian uy tín trên thị trường OTC tại Việt Nam có thể kể đến như Sanotc.com, Giacophieu.vn,…
Happy trading !