“Vay ký quỹ” hay “Margin” là gì?
Margin, hay còn gọi là vay ký quỹ, là việc nhà đầu tư vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu.
Khác với vay tiền ngân hàng, vay ký quỹ yêu cầu bạn có sẵn một số tiền trong tài khoản chứng khoán (được sử dụng làm tài sản ký quỹ), và công ty chứng khoán sẽ cho bạn vay dựa trên số tiền đó, với một tỷ lệ % nhất định. Tài sản đảm bảo cho khoản vay được đặt trong chính tài khoản chứng khoán của bạn.
Nhờ có margin, bạn có thể mua được một lượng cổ phiếu lớn mà không cần quá nhiều tiền mặt trong tài khoản của bạn. Ví dụ: Cổ phiếu VIC đang được giao dịch với mức giá 90,000 đồng/cổ phiếu. Bạn có 900 triệu đồng trong tài khoản chứng khoán của bạn, như vậy bạn sẽ chỉ có thể mua tối đa 10,000 cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu CTCK cho phép bạn sử dụng margin, với tỷ lệ ký quỹ 50%, bạn có thể vay thêm tối đa 900 triệu nữa để mua thêm cổ phiếu này, do đó bạn sẽ có thể mua tối đa 20,000 cổ phiếu VIC. Một điều cần lưu ý rằng, trong trường hợp này bạn chỉ được phép vay tiền của CTCK để mua cổ phiếu VIC chứ không thể vay để làm việc khác.
Điều kiện vay ký quỹ
Để có thể vay ký quỹ, trước tiên bạn cần đăng ký với CTCK mà bạn đang sử dụng. Khi đó, CTCK sẽ cung cấp cho bạn một tài khoản ký quỹ (tiểu khoản ký quỹ) dưới tài khoản chứng khoán của bạn. Bạn sẽ cần chuyển một lượng tiền từ tài khoản chính của bạn sang tiểu khoản này, và chúng sẽ được sử dụng để ký quỹ. Chỉ có tiểu khoản margin mới được sử dụng để vay margin, còn tài khoản thông thường sẽ không thể vay margin.
Bên cạnh đó, số tiền mà bạn được phép vay cũng sẽ phụ thuộc vào số tiền trong tiểu khoản này của bạn. Các công ty chứng khoán sẽ quy định một tỷ lệ ký quỹ nhất định, dựa vào đó để quy định hạn mức cho vay.
Ngoài ra, không phải cổ phiếu nào trên thị trường cũng có thể được sử dụng để thế chấp vay ký quỹ. Các công ty chứng khoán đều có một danh mục cổ phiếu khác nhau có thể sử dụng để vay margin, với các tỷ lệ ký quỹ khác nhau. Danh mục này được cập nhật hàng tuần, và các cổ phiếu trong danh mục cũng như tỷ lệ ký quỹ sẽ được điều chỉnh trong từng đợt cập nhật, theo sự đánh giá của CTCK về rủi ro của cổ phiếu đó.
Tỷ lệ ký quỹ
Tỷ lệ ký quỹ là một chỉ số quan trọng đối với cả nhà đầu tư và CTCK khi sử dụng margin.
Lưu ý: Khái niệm tỷ lệ ký quỹ đang không được các CTCK có một định nghĩa thống nhất trong các tài liệu chính thức của họ. Vì vậy, khi bạn sử dụng margin ở công ty chứng khoán nào, hãy đọc thật kỹ cách tính tỷ lệ này.
Tỷ lệ ký quỹ tài khoản
Theo định nghĩa của CFA, cũng như của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (quyết định 87/QĐ-UBCK), tỷ lệ ký quỹ tài khoản được định nghĩa là giá trị tài sản ròng của bạn trên tổng giá trị danh mục trong tiểu khoản margin.
Tổng giá trị danh mục là giá trị của tiền mặt và cổ phiếu trong tài khoản của bạn, còn tài sản ròng bằng tổng giá trị danh mục trừ đi tổng nợ, nôm na nếu bạn coi tài khoản của bạn như một báo cáo tài chính doanh nghiệp, thì tài sản ròng là vốn chủ sở hữu, còn tổng giá trị doanh nghiệp chính là tổng tài sản.
Ví dụ, nếu tổng giá trị danh mục của bạn (tiền mặt + cổ phiếu) là 1 tỷ đồng, còn tổng dư nợ margin của bạn là 300 triệu đồng, thì tài sản ròng của bạn là 1,000 – 300 = 700 triệu đồng, và tỷ lệ ký quỹ tài khoản bằng 700/1,000 = 70%.
Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu
Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu (initial margin) là tỷ lệ ký quỹ tối thiểu mà nhà đầu tư cần có vào thời điểm ban đầu khi mua cổ phiếu. Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu thường dao động từ 50% đến 100%. Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu là 100% tức là bạn không thể vay margin để mua cổ phiếu.
Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu được quy định bởi các CTCK cho từng cổ phiếu khác nhau. Thông thường, các cổ phiếu ít rủi ro sẽ có tỷ lệ ký quỹ yêu cầu thấp, còn các cổ phiếu rủi ro cao hơn sẽ yêu cầu tỷ lệ ký quỹ cao.
Bạn có thể dễ dàng truy cập danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ trên website của các công ty chứng khoán.
Từ tỷ lệ ký quỹ yêu cầu, chúng ta có thể tính được giá trị ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ cho vay theo các công thức như dưới đây:
Trong ví dụ trên, chúng ta thấy tỷ lệ ký quỹ yêu cầu của cổ phiếu AGG là 70%. Giá cổ phiếu AGG trên thị trường là 40,000 đồng, và bạn giả định rằng bạn đang muốn mua 25,000 cổ phiếu. Nếu không sử dụng margin, bạn sẽ cần bỏ ra 1 tỷ đồng số dư tiền trong tài khoản của bạn. Tuy nhiên vì bạn sử dụng margin, nên giá trị ký quỹ yêu cầu để bạn mua 25,000 cổ phiếu AGG là 1 tỷ đồng × 70% = 700 triệu đồng, chính là số tiền tối thiểu bạn cần nạp vào tiểu khoản ký quỹ để mua đủ số cổ phiếu như trên.
Trong trường hợp này, bạn sẽ được vay thêm 300 triệu đồng nữa từ công ty chứng khoán, tỷ lệ cho vay khi đó là 7:3.
Bảng thống kê tài sản của bạn trong trường hợp này sẽ được hiển thị như dưới đây:
Trong trường hợp này, tài khoản của bạn đã vay tối đa 300 triệu đồng, bạn sẽ không thể vay thêm nữa, khi đó, tài khoản của bạn sẽ ở trạng thái hết hạn mức ký quỹ, hay còn được gọi là full margin.
Giá trị ký quỹ khả dụng
Giá trị ký quỹ khả dụng bằng với tài sản ròng của bạn trừ đi giá trị ký quỹ yêu cầu của các cổ phiếu trong danh mục của bạn. Giá trị này sẽ cho bạn biết bạn có thể tiếp tục vay margin hay không. Trong trạng thái full margin, giá trị này sẽ bằng 0.
Tiếp tục ví dụ ở trên. Tài khoản margin của bạn có 700 triệu đồng, và lần này bạn chỉ mua 20,000 cổ phiếu AGG, tương đương với 800 triệu đồng. Do đó, CTCK sẽ cho bạn vay 100 triệu đồng, và bạn mua được 20,000 cổ phiếu AGG. Tuy nhiên, đối với lượng cổ phiếu như trên, giá trị ký quỹ yêu cầu chỉ là 800 × 70% = 560 triệu đồng, có nghĩa là bạn chỉ cần nạp 560 triệu đồng vào tài khoản margin là có thể mua 20,000 cổ phiếu rồi. Tuy nhiên, bạn đã nạp 700 triệu đồng, vượt mức yêu cầu, điều đó có nghĩa là bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng margin để mua thêm các cổ phiếu khác. Giá trị ký quỹ khả dụng sẽ bằng 700 – 560 = 140 triệu đồng, tức là bạn có thể tiếp tục mua thêm các cổ phiếu khác với mức ký quỹ yêu cầu không vượt quá 140 triệu đồng.
Bạn tiếp tục mua 5,000 cổ phiếu HPG với giá 56,000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị 280 triệu đồng. Với tỷ lệ ký quỹ yêu cầu là 50%, giá trị ký quỹ yêu cầu sẽ bằng 280 × 50% = 140 triệu đồng, vừa bằng với số dư ký quỹ trong tài khoản. Do đó bạn có thể tiếp tục sử dụng margin để mua vào 5,000 cổ phiếu HPG.
Lưu ý thêm rằng, vì tiền mặt của bạn đã không còn, do đó CTCK sẽ cho bạn vay toàn bộ 280 triệu đồng để mua cổ phiếu HPG.
Lúc này, dư ký quỹ đã về 0, tức là tài khoản bạn đã full margin. Vì vậy bạn không thể tiếp tục mua thêm cổ phiếu nữa.
Sức mua
Sức mua được tính bằng giá trị ký quỹ khả dụng chia cho tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với một cổ phiếu mà bạn muốn mua. Sức mua thể hiện bạn có thể mua tối đa bao nhiêu cổ phiếu đó.
Chẳng hạn với ví dụ trên, khi tài khoản của bạn có số dư ký quỹ là 140 triệu đồng và bạn muốn mua HPG, với tỷ lệ ký quỹ ban đầu 50%, thì sức mua sẽ là 140/50% = 280 triệu đồng. Có nghĩa là bạn sẽ được mua tối đa 280 triệu đồng cổ phiếu HPG, tức là 5,000 cổ phiếu ở mức giá 56,000 đồng hiện tại.
Lãi suất margin
Trong các ví dụ tôi nêu ở trên, tôi đã giả định bạn được vay miễn phí và không có phí giao dịch (để đơn giản hóa vấn đề). Tuy vậy trong thực tế, bạn vay tiền của CTCK để mua cổ phiếu, cũng giống như các khoản vay khác, bạn cũng cần trả gốc và lãi vào kỳ hạn thanh toán. Lãi suất margin của các CTCK hiện tại thường dao động ở mức 13-15%, với kỳ hạn cho vay phổ biến là 90 ngày. Khi đáo hạn, bạn có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay cho công ty chứng khoán, bằng cách nạp thêm tiền vào tài khoản margin hoặc bán bớt một số cổ phiếu trong danh mục để tăng lượng tiền mặt.
Ngoài ra, một số CTCK có thể có các điều khoản hỗ trợ nhà đầu tư, như cho phép trả nợ sớm, hoặc cho phép vay quá hạn (sẽ được tính lãi suất quá hạn cao hơn lãi suất ban đầu). Lãi vay khi chưa được trả sẽ được tính luôn vào tổng nợ của tài khoản, điều này sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ ký quỹ của tài khoản cũng như giảm sức mua.
Tỷ lệ ký quỹ duy trì
Nếu như bạn giao dịch trên tài khoản thông thường, khi giá cổ phiếu giảm về 0, tiền của bạn sẽ mất hết. Tuy nhiên nếu bạn giao dịch ở tài khoản margin, vì CTCK cho bạn vay tiền, nên trong trường hợp giá cổ phiếu giảm về 0, không chỉ tiền của bạn mà tiền của CTCK cũng sẽ mất, và trong nhiều trường hợp họ không thể thu hồi vốn và chấp nhận nợ xấu không thể giải quyết. Do đó, các CTCK cũng đặt ra một mức an toàn cho tài khoản của bạn, và chỉ số được họ sử dụng là tỷ lệ ký quỹ duy trì.
Tỷ lệ ký quỹ duy trì (tỷ lệ ký quỹ an toàn, maintainance margin requirement) là tỷ lệ ký quỹ tối thiểu nhà đầu tư cần duy trì trong tài khoản ký quỹ. UBCKNN quy định tỷ lệ này không được thấp hơn 30%, nhưng các CTCK có thể yêu cầu nhà đầu tư một tỷ lệ ký quỹ duy trì cao hơn, nhằm đảm bảo an toàn hơn.
Tỷ lệ ký quỹ tài khoản luôn thay đổi khi giá cổ phiếu thay đổi vì tài sản ròng tăng và tổng giá trị danh mục tăng. Nếu giá cổ phiếu tăng, tỷ lệ ký quỹ tài khoản sẽ tăng và ngược lại, nếu giá cổ phiếu giảm, tỷ lệ ký quỹ tài khoản sẽ giảm. Nếu tỷ lệ ký quỹ giảm xuống mức thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, CTCK sẽ ngay lập tức liên hệ với bạn, yêu cầu bạn nạp thêm tiền vào tài khoản margin hoặc bán bớt cổ phiếu, nhằm đưa tỷ lệ ký quỹ tài khoản quay trở lại mức trên an toàn. Hành động này của CTCK còn được gọi là Call margin.
Quay trở lại về ví dụ về danh mục cổ phiếu AGG ở trên. Nếu giá cổ phiếu AGG giảm xuống 20,000 đồng, và CTCK bạn sử dụng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ duy trì là 45%, khi đó giá trị danh mục của bạn sẽ thay đổi như sau:
Tỷ lệ này đã thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, do đó bạn bị Call margin. Bạn cần bổ sung tiền mặt vào tài khoản này, hoặc bán bớt cổ phiếu, trong thời hạn được CTCK quy định. Nếu sau thời hạn này mà tỷ lệ ký quỹ tài khoản của bạn vẫn thấp hơn tỷ lệ duy trì, CTCK sẽ xử lý tài sản thế chấp, chính là danh mục cổ phiếu của bạn, họ sẽ bán giải chấp để đưa tỷ lệ ký quỹ về mức an toàn.
Tỷ lệ ký quỹ xử lý
Tỷ lệ này là tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, và nếu tỷ lệ ký quỹ tài khoản của bạn thấp hơn mức này, báo hiệu tài khoản của bạn đang gặp nguy hiểm và CTCK có thể sẽ mất nợ. Khi đó, ngay lập tức CTCK sẽ bán bắt buộc (force sell) danh mục cổ phiếu của bạn, nhằm đưa tỷ lệ ký quỹ trở lại mức an toàn.
Sử dụng margin ảnh hưởng như thế nào tới tỷ suất lợi nhuận?
Khi giá cổ phiếu tăng, giá trị danh mục của bạn cũng tăng lên, trong khi số tiền bạn vay không đổi, điều này sẽ làm giá trị tài sản ròng tăng lên. Lấy ví dụ trên, nếu giá cổ phiếu AGG tăng lên 50,000 đồng, giá trị của 2 danh mục với cùng số vốn ban đầu 700 triệu đồng sẽ thay đổi như sau (tôi vẫn giả định phí và lãi suất bằng 0 để đơn giản):
Qua đó bạn có thể thấy, với cùng một mức đầu tư ban đầu là 700 triệu đồng, việc sử dụng margin đã làm tăng tỷ suất lợi nhuận của bạn.
Tuy nhiên, margin cũng làm phóng đại rủi ro của bạn. Giả sử giá cổ phiếu AGG giảm xuống 30,000 đồng, giá trị của các danh mục sẽ thay đổi như sau:
Bạn thấy đó, margin đều phóng đại cả lợi nhuận và rủi ro cho danh mục của bạn. Tỷ suất lợi nhuận sẽ bị thay đổi theo công thức dưới đây:
Nó giống như công thức trong mô hình DuPont khi bạn phân tích báo cáo tài chính vậy:
ROE = ROA × Đòn bẩy tài chính
Việc bạn sử dụng margin cũng là một hình thức sử dụng đòn bẩy, nó giúp gia tăng lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng làm rủi ro tăng lên.
Hướng dẫn cách sử dụng margin hiệu quả
Qua phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy margin là một công cụ có thể giúp bạn gia tăng tỷ suất lợi nhuận cũng như giúp bạn tiết kiệm vốn. Tuy vậy, rủi ro cũng sẽ tăng lên nhiều lần. Điều tồi tệ nhất của các nhà giao dịch sử dụng margin có lẽ là force sell và call margin.
Điều này đòi hỏi bạn cần có một sự quản lý vốn kỷ luật và đưa ra những phân tích chuẩn xác. Do đó, nếu bạn chưa có kinh nghiệm, tốt nhất là bạn không nên sử dụng margin.
Bạn chỉ nên sử dụng margin nếu như bạn có kinh nghiệm trên thị trường khoảng 3 năm, và luôn có lãi trong mỗi năm. Hơn nữa, khẩu vị rủi ro của bạn phải lớn để có thể cho phép bạn sử dụng margin.
Ngoài ra, với lãi suất margin như hiện tại dao động trong khoảng 13-15%, thì tỷ suất lợi nhuận cho danh mục của bạn cũng cần phải lớn hơn thế để có thể bù đắp lại phần chi phí lãi vay.
Một lời khuyên cuối cùng của tôi, đó là bạn không nên sử dụng margin cho việc đầu tư dài hạn, bởi gánh nặng về lãi vay sẽ lớn hơn rất nhiều, trong khi hiếm có cổ phiếu nào tăng ổn định trong nhiều năm.
Happy trading !