Sau khi IPO và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, quá trình huy động vốn của doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là vấn đề thực tế và cần thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự khác nhau giữa 3 hình thức huy động vốn phổ biến nhất của các doanh nghiệp niêm yết:
- Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
- Phát hành, chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
- Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Các hình thức phát hành này thường được Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết Đại hội cổ đông hàng năm của doanh nghiệp.
Phát hành, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Khi có nhu cầu về vốn hoạt động, công ty có thể huy động thêm vốn từ các cổ đông hiện tại của mình bằng cách phát hành thêm và chào bán cổ phiếu đó cho cổ đông hiện hữu, thường với mức giá chiết khấu cao (thấp hơn so với giá thị trường). Công ty sẽ chào bán lượng cổ phiếu mới theo tỷ lệ cổ phiếu mà các cổ đông hiện tại đang nắm giữ.
Ví dụ: Phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:4, có nghĩa là cứ với 4 cổ phiếu đang nắm giữ thì cổ đông đó có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới được chào bán với mức giá ưu đãi.
Ưu điểm của hình thức này là giữ nguyên được cơ cấu và tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện tại – giúp gia tăng sự gắn bó của họ với công ty, tuy nhiên rủi ro có thể đến từ việc các cổ đông đó không muốn hoặc không có vốn để đầu tư thêm. Khi đó, các cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của mình (bán quyền mua) cho các cổ đông hiện hữu khác hoặc nhà đầu tư bên ngoài. Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông hiện tại và người có quyền mua đăng ký mua hết, thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại đó cho cổ đông của công ty hoặc nhà đầu tư khác. Khi đó, việc chào bán này có thể dẫn đến việc tạo ra các cổ phiếu mới được chào bán cho các cổ đông bên ngoài, làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông cũ, do phải nhường 1 phần “miếng bánh” cho các cổ đông mới tham gia.
“Game” tăng vốn
Thông thường, giá chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ thấp hơn khá nhiều so với thị giá của cổ phiếu trên sàn. Để khuyến khích các cổ đông hiện tại bỏ thêm tiền mua cổ phiếu đầu tư vào công ty, ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực hiện các động tác như “bơm thổi” tin tức tích cực, hoặc “kéo giá” cổ phiếu trên sàn, khiến mức chênh lệch giữa giá chào bán và giá thị trường của cổ phiếu hấp dẫn hơn.
Chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Ngược lại với hình thức phía trên, chào bán cổ phiếu riêng lẻ là hình thức chào bán cổ phần cho các đối tượng nhà đầu tư bên ngoài. Theo quy định tại thị trường Việt Nam, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ được giới hạn bởi số lượng dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Mức giá chào bán thông thường được căn cứ theo thị giá của cổ phiếu trên thị trường gần với thời điểm chào bán.
Ưu điểm của hình thức này là có thể mở rộng đối tượng cổ đông và huy động được một lượng vốn lớn hơn từ bên ngoài. Đối với trường hợp phát hành cổ phiếu cho các đối tác chiến lược, đặc biệt là các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính, năng lực quản trị sẽ giúp doanh nghiệp nhận được những quyền lợi như:
- Nhận chuyển giao các công nghệ mới.
- Sự hỗ trợ về năng lực quản lý, vận hành doanh nghiệp.
- Sự hỗ trợ về nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào.
- Sự hỗ trợ trong việc phát triển các thị trường tiêu thụ sản phẩm mới,…
Chúng ta có thể thấy những ví dụ điển hình trong ngành Dược, khi các công ty dược của Việt Nam được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ, bằng sáng chế và tiềm lực tài chính của các đối tác chiến lược là các tập đoàn dược phẩm lớn của nước ngoài.
Một hình thức phát hành khác của dạng này đó là doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư chiến lược, nghĩa là ban đầu sẽ vay nợ thông qua trái phiếu từ các nhà đầu tư chiến lược, đi kèm với điều khoản chuyển đổi thành cổ phiếu sau một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, hình thức tăng vốn này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu cổ đông hiện tại, gây ra sự khó khăn trong việc thống nhất quyết định điều hành doanh nghiệp giữa nhóm cổ đông cũ và mới.
Một dạng đặc biệt của kiểu phát hành tăng vốn này là Esop cổ phiếu (Employee Stock Ownership Plan) – phát hành một tỷ lệ cổ phiếu nhất định cho người lao động với mức giá ưu đãi, nhằm khen ngợi và tạo sự gắn bó của người lao động với công ty.
“Game” tăng vốn
Thông thường, khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông bên ngoài, doanh nghiệp thường căn cứ theo cơ sở mức thị giá trung bình của các số phiên giao dịch gần nhất trên thị trường (thông thường từ 10-30 phiên gần nhất), đây là động lực không nhỏ để doanh nghiệp đẩy giá cổ phiếu trên sàn sát thời điểm chốt giá chào bán, đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với cổ đông mới.
Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại
Đây là hình thức tăng vốn phổ biến và ít gây ảnh hưởng nhất đến cơ cấu cổ đông, khi doanh nghiệp sử dụng nguồn lợi nhuận tạo ra từ hoạt động kinh doanh để tái đầu tư, thay vì đem chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Việc tăng vốn này thường được thực hiện dưới hình thức phát hành cổ tức bằng cổ phiếu.
Chúng tôi đã trình bày vấn đề này rất chi tiết trong một bài viết khác về chủ đề cổ tức, mà bạn có thể tham khảo tại đây.
Happy trading !