Là một nhà đầu tư mới bắt đầu, trước khi nghĩ đến khoản lợi nhuận mà chứng khoán mang lại mà bạn thường được thấy thông qua lời kể của những người đi trước hay nhân viên môi giới, có lẽ chúng ta cần tỉnh táo hơn để suy nghĩ về phía còn lại: các khoản chi phí giao dịch chứng khoán.
Các loại chi phí này có tầm quan trọng rất lớn, khi chúng là nguyên nhân gây ra thua lỗ của hơn 50% số tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân, ngay trong những năm mà VNINDEX có mức tăng trưởng dương – theo một thống kê năm 2021 của Dragon Capital.
Chi phí giao dịch của công ty chứng khoán
Hiện nay chứng khoán đang là kênh đầu tư thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, để đáp ứng nhu cầu rất nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhiều chương trình và chính sách ưu đãi về phí. Mức thu phí của các công ty chứng khoán sẽ dao động từ 0.1 – 0.35%. Các công ty chứng khoán lớn, lâu đời có vị thế thường sẽ có mức phí cao hơn các công ty chứng khoán nhỏ do đã có tệp khách hàng ổn định.
Phí giao dịch thường được xét dựa trên 2 tiêu chí: giá trị giao dịch và có/không sử dụng broker hỗ trợ. Bạn sẽ tiết giảm được khá nhiều chi phí nếu “tự giao dịch” thay vì cần sự hỗ trợ của broker.
Ngoài ra, khi giá trị giao dịch của bạn càng lớn thì phí giao dịch sẽ càng thấp. Hãy xem bảng tổng hợp dưới đây về phí giao dịch của một số công ty chứng khoán lớn.
Một số lưu ý về chi phí giao dịch chứng khoán
Phí được tính cả khi MUA và khi BÁN: Khi mua cổ phiếu phí giao dịch được cộng trực tiếp và giá vốn do đó nhiều nhà đầu tư hay có thắc mắc rằng tại sao giá vốn của họ lại khác giá khớp. Ở chiều bán, tương tự bạn cũng mất phí như chiều mua,
Ví dụ: Bạn mua 1,000 cổ phiếu FPT giá 98,000đ/ CP với phí giao dịch là 0.35%. Giá trị giao dịch là 98,000,000đ phí mua sẽ là 343,000đ. Giả sử một tuần sau giá cổ phiếu tăng lên 100,000đ/ CP, và bạn muốn bán chốt lời. Lúc này tổng giá trị giao dịch của bạn sẽ là 100,000,000đ. Phí bán sẽ là 350,000đ. Tổng thương vụ bạn lãi 2,000,0000đ nhưng mất tận 693,000đ. Nếu mức phí giao dịch chứng khoán cao hơn thì bạn còn mất nhiều hơn. Đây là điểm cần lưu ý khi bạn đầu tư kiểu lướt sóng
Phí được tạm tính khi đặt lệnh và được thực thu khi khớp lệnh thành công: Phí giao dịch được hệ thống tạm tính ngay khi bạn đặt lệnh và được hiển thị cùng với giá vốn. Bạn chỉ mất phí khi khớp lệnh thành công. Nếu khớp lệnh không thành công hoặc bạn hủy lệnh thì hệ thống sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản của bạn.
Phần phí giao dịch trả Sở
Ngoài khoản phí giao dịch mà công ty chứng khoán thu, nhà đầu tư còn một khoản phí cố định trả sở giao dịch chứng khoán là 0.03%. Có một số công ty chứng khoán áp dụng chính sách 0% tuy nhiên nhà đầu tư vẫn phải trả khoản phí cố định này.
Phí duy trì tài khoản chứng khoán
Khi mở tài khoản chứng khoán, bạn sẽ không phải nộp bất kỳ một khoản tiền tối thiểu nào để duy trì tài khoản giống như tài khoản ngân hàng.
Lãi vay ký quỹ (Margin)
Một trong những khoản chi phí lớn nhất bên cạnh phí giao dịch, đó là lãi suất phải trả khi bạn thực hiện vay kỹ quỹ (vay margin). Green Chart đã có một bài viết chi tiết về vấn đề này tại đây.
Phí lưu ký chứng khoán
Đây là loại phí được thu để nhằm duy trì hệ thống lưu trữ thông tin cổ phiếu của nhà đầu tư. Loại phí này rất nhỏ so với giá trị chứng khoán mà khách hàng đang nắm giữ. Khoảng phí này được tính dựa vào số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ, cụ thể là 0.4đ/cổ phiếu/ tháng. Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ 1000 cổ phiếu HPG chẳng hạn thì mỗi tháng chỉ mất khoảng 400đ tiền phí lưu ký, một mức phí không đáng kể.
Thuế thu nhập khi bán cổ phiếu
Theo quy định hiện tại, khi chuyển nhượng cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải trả một phần thuế thu nhập là 0.1% giá trị BÁN cổ phiếu. Nói như vậy để hiểu rằng Thuế thu nhập này chỉ đánh lên người BÁN cổ phiếu, còn người MUA sẽ không phải chịu.
Ví dụ: Khi bán 1000 cổ phiếu FPT giá 100.000đ/cổ phiếu thì tổng giá trị giao dịch là 100.000.000đ. Với giao dịch này, nhà đầu tư sẽ mất 0.35% tiền phí giao dịch chứng khoán, tương đương 350,000đ. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ mất thêm phần Thuế thu nhập khi bán cổ phiếu là: 100,000,000*0.1% = 100,000đ. Như vậy, con số cuối cùng nhà đầu tư thu về là 100,000,000 – 450,000 = 99,550.000đ.
Thuế thu nhập từ cổ tức
Sau một năm hoạt động kinh doanh có lãi, Doanh nghiệp sẽ chia một phần hoặc toàn bộ lãi đó cho cổ đông sở hữu cổ phiếu của Doanh nghiệp. Phần lãi đó được gọi là cổ tức. 2 Hình thức trả cổ tức phổ biến là tiền mặt và cổ phiếu
Với trường hợp cổ tức tiền mặt
Cổ tức bằng tiền được coi như một nguồn thu nhập của nhà đầu tư nên nhà đầu tư sẽ phải trả thuế cho nguồn thu nhập đó. Theo quy định thì nhà đầu tư sẽ bị đánh thuế 5% trên giá trị cổ tức bằng tiền. Đây là loại thuế TNCN được áp dụng cho các cổ đông khi họ được nhận cổ tức. Mức thu cố định là 5%.
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất 5%.
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế x Giá tính thuế
Giá tính thuế:
Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) ≥Mệnh giá: Giá tính thuế = Mệnh giá
Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) < Mệnh giá: Giá tính thuế = Giá bán (giá chuyển nhượng).
Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế: Ưu tiên tính số lượng cổ phiếu từ việc nhận cổ tức cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Theo quy định, cục thuế yêu cầu công ty niêm yết chỉ trả 95% cho cổ đông, còn 5% cục thuế sẽ thu trực tiếp từ công ty niêm yết.
Với trường hợp cổ tức bằng cổ phiếu
Khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, phần thuế này chưa phải nộp ngay khi nhận cổ tức, mà sẽ thu khi nhà đầu tư bán số cổ tức bằng cổ phiếu này đi.
Các loại thuế, phí khác theo quy định
- Thuế phí liên quan đến vấn đề cho nhận, thừa kế chứng khoán.
- Phí chào mua công khai.
- Phí dịch vụ tin nhắn SMS, mua dịch vụ bảo mật Token.
- Phí khi khách hàng ứng tiền trước khi họ bán chứng khoán.
- Phí giao dịch ngoài sàn giao dịch.
Chi phí giao dịch chứng khoán phái sinh
Chi phí giao dịch qua công ty chứng khoán
Khoản phí này sẽ do từng công ty chứng khoán quy định, một số công ty miễn phí giao dịch nhưng thường mức phí sẽ nằm trong khoảng 1,000 – 10,000đ trên 1 hợp đồng. Phí được tính ở cả chiều mua và bán, do đó những nhà đầu cơ phái sinh nên đặc biệt lựa chọn công ty với mức phí phù hợp để tiết giảm chi phí giao dịch.
Phí dịch vụ trả Sở
Hiện tại HNX đang là bên trung gian điều phối các giao dịch đối ứng. Do đó khi giao dịch nhà đầu tư sẽ mất một khoản chi phí dựa trên số lượng hợp đồng khớp lệnh trong ngày nhân với mức giá 3,000đ/HĐ tính cả 2 chiều mua bán
Phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ
Giá trị của một hợp đồng khá lớn, vậy nên để đảm bảo tính thanh khoản và phổ biến đến các nhà đầu tư, UBCK đã quyết định chọn hình thức ký quỹ một phần. Nhà đầu tư khi giao dịch cần thông qua một bước đấy là nạp ký quỹ lên sở lưu ký (VSD).
Ví dụ, tại ngày T, phát sinh số dư ký quỹ Y
Giá trị dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ tại ngày T = Y x 0.003%
Giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ của tháng = Tổng của Giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ các ngày trong tháng nhưng không thấp hơn 320,000 đ/Tháng và không cao hơn 2,000,000 đ/Tháng
Phí dịch vụ quản lý vị thế
Vào cuối ngày, bạn chưa chốt vị thế mà muốn giữ đến ngày hôm sau, bạn sẽ phải trả một khoản phí cho sở lưu ký để giữ vị thế. Cụ thể: vào cuối ngày T, tài khoản của khách hàng còn Z vị thế mở:
Giá dịch vụ quản lý vị thế tại ngày T = Z x 3.000 đ
Thuế thu nhập cá nhân khi giao dịch phái sinh
Bắt đầu từ 10/8/2017, khi giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tính thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho tổ chức nước ngoài theo tỷ lệ 0,1%. Cụ thể:
Thuế TNCN = Giá chuyển nhượng từng lần x 0,1%, trong đó
Giá chuyển nhượng từng lần = (Giá thanh toán HĐTL x 100,000 x Số lượng HĐ x tỷ lệ ký quỹ ban đầu)/2
Với tỷ lệ ký quỹ ban đầu là tùy quy định của công ty chứng khoán, dao động từ 13-20%.
Ví dụ: NĐT khớp lệnh mua 1 hợp đồng VN30F1M với giá 1,000 điểm. Như vậy, số thuế nhà đầu tư A phải nộp là: 1,000 x 100,000 x 1 x 13%/2 x 0,1% = 6,500 đ.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng công thức tính nhanh như sau:
Thuế TNCN = 6.5 x Giá thanh toán hợp đồng tương lai
Happy trading !