Thông thường, khi muốn mua bán, trao đổi một mặt hàng nào đó trên thị trường, chúng ta phải thực sự sở hữu mặt hàng đó về mặt vật lý. Chẳng hạn khi bạn muốn bán đi một chiếc điện thoại, bạn phải đang thực sự sở hữu nó, cầm nắm nó trên tay thì mới có thể bán được. Tuy vậy, trên thị trường tài chính có tồn tại một cơ chế, giúp bạn có thể bán mà không cần sở hữu tại sản, đó là bán khống.
Bán khống chứng khoán là gì?
Bán khống là một chiến lược đầu tư hoặc giao dịch mà trong đó, người giao dịch suy đoán về sự sụt giảm của giá cổ phiếu hoặc chứng khoán khác trong tương lai. Đây là một chiến lược nâng cao chỉ nên được thực hiện bởi các nhà giao dịch và nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Trong bán khống, một vị thế được mở bằng cách vay cổ phiếu của một cổ phiếu hoặc tài sản khác mà nhà đầu tư tin rằng sẽ giảm giá trị. Sau đó, nhà đầu tư bán những cổ phiếu đã vay này cho những người mua sẵn sàng trả theo giá thị trường. Trước khi phải trả lại cổ phiếu đã mượn, nhà giao dịch đang đặt cược rằng giá sẽ tiếp tục giảm và họ có thể mua chúng với giá thấp hơn. Rủi ro thua lỗ khi bán khống về mặt lý thuyết là không giới hạn vì giá của bất kỳ tài sản nào có thể tăng lên vô cùng.
Mục đích của bán khống chứng khoán
Lý do phổ biến nhất để nhà đầu tư thực hiện bán khống là nhằm mục đích đầu cơ và phòng ngừa rủi ro. Một nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trong tương lai. Nếu họ sai, họ sẽ phải mua lại cổ phiếu với giá cao hơn, đồng nghĩa với việc chịu thua lỗ. Do các rủi ro bổ sung từ việc sử dụng tiền ký quỹ khi bán khống, biện pháp này thường được tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn hơn và do đó có nhiều khả năng là một hoạt động được tiến hành để đầu cơ hơn là để phòng vệ.
Chẳng hạn ở ví dụ trên, bạn bán khống một cổ phiếu với giá 70,000 đồng, tương đương với việc bạn mượn cổ phiếu và bán nó, thu về 70,000 đồng. Trong tương lai, giá cổ phiếu này giảm về 50,000 đồng, bạn bỏ ra 50,000 đồng để mua lại cổ phiếu này, sau đó trả lại cổ phiếu bạn đã mượn, như vậy bạn đã có lãi 20,000 đồng. Điều này trái ngược với việc mua hay đầu tư vào một tài sản, các nhà giao dịch sẽ mua khi kỳ vọng giá của tài sản này tăng lên trong tương lai.
Vậy ở chiều ngược lại, khi giá cổ phiếu tăng lên 100,000 đồng thì sao? Trong trường hợp bạn mua lại cổ phiếu để trả lại người cho mượn, bạn sẽ bị lỗ 30,000 đồng. Như vậy, tính chất lợi nhuận và rủi ro của bán khống sẽ trái ngược hoàn toàn so với mua tài sản thông thường: nhà giao dịch sẽ có lời khi giá tài sản giảm, và lỗ khi giá tài sản tăng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể bán khống để phòng hộ cho một vị thế mua. Chẳng hạn, nếu bạn sở hữu các quyền chọn mua (là các vị thế mua), bạn có thể muốn bán khống vị thế đó để chốt lợi nhuận. Hoặc, nếu bạn muốn hạn chế thua lỗ mà không thực sự thoát khỏi vị thế mua cổ phiếu, bạn có thể bán khống cổ phiếu có liên quan chặt chẽ hoặc tương quan cao với nó.
Vị thế (Position) ròng
Vị thế (position) là lượng tài sản mà một nhà giao dịch sở hữu hoặc nợ.
Khi bạn mua 100 cổ phiếu, bạn sở hữu 100 cổ phiếu, khi đó bạn có vị thế mua 100 cổ phiếu, hoặc vị thế +100 cổ phiếu.
Vị thế chính là một khái niệm được mở rộng của từ “sở hữu”, bởi khái niệm này được sử dụng trong cả trường hợp bán khống. Chẳng hạn khi bạn bán khống 100 cổ phiếu, bạn sẽ có vị thế bán 100 cổ phiếu, hoặc vị thế -100 cổ phiếu. Vị thế âm thể hiện bạn đang nợ cổ phiếu, bởi bạn có nghĩa vụ trả lại cổ phiếu đã mượn trong tương lai, trong khi bạn không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào.
Vị thế ròng của một tài sản chính là tổng toàn bộ vị thế của bạn đối với tài sản đó. Ví dụ, bạn mua vào 500 cổ phiếu, và bán khống 200 cổ phiếu sau đó. Vị thế ròng của bạn sẽ là 500 – 200 = 300 cổ phiếu.
Đó cũng chính là sự khác nhau giữa hai khái niệm “sở hữu” và “vị thế”. Trong trường hợp trên, bạn vẫn sở hữu 500 cổ phiếu, nhưng lại có nghĩa vụ nợ 200 cổ phiếu, vì vậy vị thế ròng của bạn là dương 300 cổ phiếu.
Khái niệm vị thế ròng thể hiện mức tăng hay giảm của giá tài sản sẽ tác động như thế nào lên lợi nhuận hoặc lỗ của bạn.
Khi bạn có vị thế ròng dương, bạn sẽ có lợi nhuận khi giá tài sản tăng, và lỗ nếu giá tài sản giảm. Vị thế ròng càng lớn, lợi nhuận khi giá tăng càng lớn. Vị thế ròng dương còn được gọi là vị thế mua ròng (net long position)
Khi bạn có vị thế ròng âm, bạn sẽ có lợi nhuận khi giá tài sản giảm, và lỗ nếu giá tài sản tăng. Vị thế ròng càng nhỏ (vị thế bán ròng càng lớn), lợi nhuận khi giá giảm càng lớn. Vị thế này còn được gọi là vị thế bán ròng (net short position).
*Lưu ý: Trong tiếng Anh chuyên ngành tài chính, “buy” và “long” đều có thể được sử dụng là mua, “sell” và “short” có thể được sử dụng là bán. Tuy vậy, khi nói đến vị thế, người ta chỉ sử dụng “long” và “short”, chứ không dùng “buy” và “sell”.
Bán khống trên thị trường phái sinh
Để bán khống chứng khoán trên thị trường cơ sở, bạn bắt buộc phải mượn tài sản từ một nhà giao dịch khác sau đó mới có thể bán chúng. Tuy vậy trên thị trường phái sinh, việc bán khống chứng khoán đơn giản hơn rất nhiều, bạn không cần phải sở hữu tài sản mới có thể bán khống chứng khoán.
Chẳng hạn, khi bạn bán một hợp đồng kỳ hạn dầu thô với mức giá $90/thùng, điều đó có nghĩa bạn đã cam kết bán dầu thô cho người mua với giá $90/thùng vào thời điểm đáo hạn. Tại thời điểm ban đầu, không một giao dịch tiền mặt hay vật chất nào được diễn ra, chúng chỉ xảy ra vào thời điểm đáo hạn.
Các đặc điểm này cho thấy, bạn đã có một vị thế bán đối với dầu thô (vì trong tương lai bạn có nghĩa vụ bán) mà không cần sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, tính chất lợi nhuận và rủi ro của vị thế bán vẫn không có gì thay đổi: bạn có lời khi giá giảm và lỗ khi giá tăng.
Bạn có thể bán khống chứng khoán trên thị trường phái sinh một cách vô cùng đơn giản với hợp đồng kỳ hạn, tương lai và quyền chọn. Công cụ này được sinh ra với mục đích phòng hộ rủi ro. Chẳng hạn nếu bạn là một nhà sản xuất dầu thô, bạn lo sợ giá dầu trong tương lai sẽ giảm và ảnh hưởng đến lợi nhuận, bạn sẽ thực hiện bán hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng kỳ hạn dầu thô, để bạn có thể bán với giá được xác định trước bất chấp giá dầu trong tương lai giảm.
Tại Việt Nam có được phép bán khống chứng khoán không?
Đối với các nhà giao dịch hợp đồng tương lai, hẳn là bạn đã quá quen với việc này. Bạn có thể bán khống (short) các hợp đồng tương lai VN30 nhằm phòng hộ rủi ro cho danh mục cổ phiếu của bạn, thậm chí là đầu cơ khi thị trường đi xuống.
Hiện nay đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là tài sản duy nhất bạn có thể bán khống. Hiện nay tại Việt Nam chưa cho phép các cá nhân có thể bán khống cổ phiếu hay trái phiếu. Đối với các nhà giao dịch tổ chức, một số nghiệp vụ thị trường có thể cho phép họ bán khống một số tài sản.
Một thị trường khác đang phát triển tại Việt Nam và được cấp phép bởi Bộ Công thương đó là thị trường hàng hóa tương lai, là nơi các nhà đầu tư giao dịch các sản phẩm phái sinh hàng hóa tương lai theo cả 2 chiều: mua và bán khống.
Happy trading!