Báo cáo tài chính là nguồn thông tin đầu vào có thể nói là quan trọng nhất trong việc phân tích doanh nghiệp, đây là nơi cung cấp các số liệu về tình hình tài chính, cơ cấu tài sản, cũng như hiệu quả kinh doanh và khả năng doanh nghiệp đó tạo ra các dòng tiền.
Một bản báo cáo tài chính hoàn chỉnh tại Việt Nam bao gồm các thành phần như ví dụ bên dưới đây:
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào các cấu phần quan trọng nhất của một bản báo cáo tài chính, bắt đầu từ:
Báo cáo kiểm toán độc lập
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh, chúng ta chỉ nên đánh giá và phân tích một bản báo cáo tài chính, khi nó đạt được điều kiện tối thiểu: sự chấp nhận của kiểm toán viên. Thông thường, ý kiến của kiểm toán viên sẽ chia thành 4 cấp độ:
- Chấp nhận toàn phần
- Ngoại trừ
- Không chấp nhận
- Từ chối
Theo quan điểm của cá nhân tôi, sự khắt khe nên được đặt ở mức độ cao nhất trong việc lựa chọn cổ phiếu, vì vậy tôi sẽ chỉ lựa chọn xem xét những báo cáo đạt được 2 tiêu chí ban đầu sau:
- Được kiểm toán bởi công ty kiểm toán Big 4: Deloitte, PwC, E&Y và KPMG.
- Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Ví dụ bên dưới về báo cáo tài chính của VNM, được chấp nhận toàn phần bởi KPMG.
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán (hay còn gọi là Báo cáo tình hình tài chính) là một trong 3 báo cáo trong bản báo tài chính doanh nghiệp, phản ánh tổng quát được toàn bộ tài sản hiện có cũng như nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định (cuối quý hoặc cuối tháng).
Bảng cân đối kế toán mang tính chất thời điểm, như một bức tranh toàn cảnh tài chính của doanh nghiệp vào một thời điểm nhất định.
Bảng cân đối kế toán bao gồm 2 phần chính, đó là mục Tài sản và mục Nguồn vốn. Tài sản được thống kê trong bảng cân đối kế toán là tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty và mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Tài sản bao gồm tiền mặt, máy móc, nhà xưởng, hàng hóa tồn kho, thậm chí bao gồm một số tài sản vô hình khác như nợ phải thu, bằng sáng chế, phần mềm.
Nguồn vốn của một công ty bao gồm nợ phải trả (liability) và vốn chủ sở hữu (equity). Nợ phải trả là các nghĩa vụ của công ty đối với các bên liên quan khác. Vốn chủ sở hữu là phần chênh lệch giữa tổng tài sản và nợ phải trả của công ty, và đây chính là phần tài sản thuộc sở hữu của các cổ đông.
Như vậy, bảng cân đối kế toán luôn luôn tuân theo phương trình kế toán cơ bản như sau:
Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn
Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu.
Tài sản
Trong bảng cân đối kế toán, tài sản được phân loại dựa trên tính thanh khoản của tài sản (là khả năng quy đổi thành tiền mặt của tài sản nhanh hay chậm). Hai nhóm tài sản chính là tài sản ngắn hạn (current asset) và tài sản dài hạn (non-current asset). Trong các nhóm tài sản, các loại tài sản được phân loại thành nhiều loại nhỏ hơn.
Tài sản ngắn hạn
Việc đầu tiên chúng ta cần thống nhất trước khi tiếp tục, đó là theo chuẩn mực kế toán, thuật ngữ “ngắn hạn” được dùng để chỉ các khoản mục tài sản có thời hạn sử dụng – hiệu lực dưới 1 năm (12 tháng), và thuật ngữ “dài hạn” để chỉ thời hạn > 1 năm của các tài sản này.
Từ trên xuống dưới, các tài sản có tính thanh khoản giảm dần, và đây cũng là thứ tự được trình bày trong bảng cân đối kế toán.
- Tiền và tương đương tiền: “Tiền” thì đúng như cái tên của nó, là toàn bộ tiền mặt của công ty được cất trữ trong két sắt hoặc trong tài khoản thanh toán tại ngân hàng của công ty. Trong khi đó, tương đương tiền là các loại tài sản không phải tiền nhưng có chức năng thanh toán giống như tiền, chẳng hạn như séc, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
- Đầu tư tài chính ngắn hạn: Đây là các tài sản tài chính có thời hạn dưới 12 tháng, như tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng nhà nước, tiền gửi kỳ hạn ngắn.
- Khoản phải thu ngắn hạn: Là nghĩa vụ nợ ngắn hạn của khách hàng hoặc các bên liên quan đối với công ty. Chẳng hạn, khoản phải thu của khách hàng sẽ được phát sinh khi công ty bán sản phẩm nhưng khách chưa trả tiền (bán chịu). Bên cạnh đó, khoản tiền công ty trả trước cho nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp chưa bán nguyên vật liệu cho công ty, khoản tiền trả trước cũng được hạch toán vào khoản phải thu.
- Hàng tồn kho: Là sản phẩm của công ty nhưng chưa thể bán được cho khách hàng nên được lưu trong các kho chứa. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu chưa sử dụng đến cũng được tính vào hàng tồn kho.
Tài sản dài hạn
- Khoản phải thu dài hạn: Cũng như khoản phải thu ngắn hạn đã trình bày ở trên, nhưng với một kỳ hạn dài hơn.
- Tài sản cố định: Đây là các tài sản có thời gian sử dụng lớn hơn 1 năm, nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất và vận hành công ty, như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, văn phòng (tài sản hữu hình) hay phần mềm, bằng sáng chế, bản quyền thương hiệu (tài sản vô hình). Các loại tài sản này thông thường sẽ được thống kê theo giá trị đã khấu hao, bằng với nguyên giá trừ đi khấu hao. Khấu hao tài sản thể hiện sự ăn mòn vật lý của các tài sản cố định.
- Tài sản dở dang dài hạn: Nhà đất, nhà xưởng đang trong quá trình xây dựng và chưa được vận hành sử dụng. Hãy lưu ý đến khoản mục này vì chúng ta sẽ nhắc lại chúng trong các bài viết tiếp theo.
Nguồn vốn
Nợ phải trả
Nợ phải trả là nghĩa vụ nợ của công ty đối với các bên liên quan như ngân hàng, đối tác, người bán, người mua. Tương tự với tài sản, nợ cũng được phân loại dựa trên kỳ hạn của khoản nợ, bao gồm:
Nợ ngắn hạn
- Chi phí phải trả: bao gồm các chi phí phải trả người bán, người lao động (lương), nhà nước (thuế). Chi phí phải trả người bán phát sinh khi người bán đã cung cấp nguyên vật liệu đầu vào nhưng công ty chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nợ lương và nợ thuế được ghi nhận khi công ty chưa thực hiện chi trả chi phí vào đúng thời điểm thanh toán.
- Người mua trả tiền trước: là khoản tiền người mua đặt cọc hoặc thanh toán trước khi công ty thực hiện giao nhận sản phẩm cho người mua.
- Vay ngắn hạn: là khoản tiền mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả đối với ngân hàng. Lưu ý rằng, số tiền được ghi nhận trong khoản mục này là tiền gốc, lãi sẽ được hạch toán vào chi phí lãi vay trong bảng báo cáo lãi lỗ.
Nợ dài hạn
- Nợ dài hạn cũng bao gồm các khoản mục như nợ ngắn hạn, tuy vậy với kỳ hạn dài hơn 1 năm.
Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu chính là phần chênh lệch giữa tài sản và nợ, đây chính là phần thuộc về sở hữu của các cổ đông, bao gồm:
- Vốn góp của chủ sở hữu: là vốn điều lệ của doanh nghiệp được quy định trong điều lệ của công ty. Đây chính là số vốn mà các cổ đông ban đầu góp để thành lập công ty.
- Thặng dư vốn cổ phần: là phần chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu phát hành (thường là 10,000 VND/cổ phiếu và giá trị thực tế phát hành được. Ví dụ: công ty thực hiện phát hành thêm 10,000 cổ phiếu A mệnh giá 10,000 VND, tuy nhiên giá phát hành thực tế được các cổ đông chấp nhận mua là 15,000 VND/cổ phiếu, phần chênh lệch 5,000 VND/cổ phiếu đó sẽ ghi nhận vào khoản mục thặng dư vốn cổ phần.
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: Lợi nhuận ròng của công ty sẽ hoàn toàn thuộc về sở hữu của cổ đông. Một phần lợi nhuận có thể được rút ra khỏi công ty để chia cổ tức, và phần lợi nhuận được giữ lại sẽ được khi nhận vào khoản mục này. Lợi nhuận giữ lại với mục đích để tái đầu tư cho các dự án tiếp theo của doanh nghiệp. Mốt số khoản lợi nhuận chưa phân phối được phân bổ vào các quỹ, điển hình như Quỹ đầu tư phát triển.
- Cổ phiếu quỹ: hình thành khi công ty bỏ tiền ra mua lại chính cổ phiếu của mình, nhằm mục đích “trả tiền lại” cho cổ đông và làm giảm vốn chủ sở hữu.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (hay còn gọi là Báo cáo lãi lỗ), phản ánh tổng hợp tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ kế toán (1 quý hoặc 1 năm).
Hai thành tố chính của bảng báo cáo lãi lỗ là doanh thu và chi phí, và tuân theo một phương trình cơ bản:
Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu – Tổng chi phí
Hãy cùng lấy một ví dụ về một báo cáo lãi lỗ:
Bạn có thể thấy, báo cáo lãi lỗ được trình bày theo dạng một phép tính trừ từ trên xuống dưới: Doanh thu trừ đi các loại chi phí để thu được dòng cuối cùng là lợi nhuận sau thuế.
Hãy cùng tìm hiểu cụ thể và chi tiết hơn các khoản mục trong báo cáo này.
- Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính: Số tiền thu được về từ khách hàng, bằng cách bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Doanh thu thuần là doanh thu trừ đi một số khoản làm giảm doanh thu (như khách đổi trả hàng).
- Giá vốn hàng bán: Là các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất sản phẩm, bao gồm: nguyên vật liệu, lương nhân công, chi phí vận hành nhà máy, chi phí vận chuyển, khấu hao tài sản cố định,…
- Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán.
- Doanh thu hoạt động tài chính: Là doanh thu có được đến từ các hoạt động tài chính (không phải hoạt động kinh doanh chính), như lãi gửi tiền ngân hàng, cổ tức được chia.
- Chi phí tài chính: Bao gồm chi phí lãi vay và một số chi phí khác liên quan.
- Chi phí bán hàng: Các chi phí phục vụ cho việc bán sản phẩm sau khi được xuất khỏi nhà xưởng, như chi phí vận hành tại các đại lý, lương nhân viên bán hàng, chi phí marketing,…
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: phần lớn là lương cho các bộ phận quản lý doanh nghiệp, như giám đốc, trưởng phòng, chi phí cho khối văn phòng,…
- Lợi nhuận trước thuế: chính là doanh thu sau khi trừ đi tổng chi phí, chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Là mức thuế mà doanh nghiệp phải trả cho nhà nước, với biểu thuế được quy định bởi Tổng cục thuế (hiện nay là 20%).
- Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây chính là lợi nhuận sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu và liên quan trực tiếp đến lợi ích của cổ đông.
Đối với một doanh nghiệp có nhiều công ty con, họ sẽ phát hành 2 bản báo cáo tài chính riêng biệt:
- Báo cáo tài chính hợp nhất: Phản ánh tình hình tài chính của công ty mẹ và tất cả các công ty con.
- Báo cáo tài chính công ty mẹ: Phản ánh tình hình tài chính của riêng công ty mẹ.
Đối với báo cáo lãi lỗ, báo cáo tài chính hợp nhất sẽ biểu thị tổng doanh thu và tổng chi phí của công ty mẹ và tất cả các công ty con. Chính vì vậy, trong báo cáo tài chính hợp nhất, sẽ xuất hiện một khoản mục là “lợi ích của cổ đông thiểu số”. Đây là phần lợi nhuận mà sẽ được phân bổ cho các cổ đông thiểu số của công ty con ngoài công ty mẹ (đa số).
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trình bày sự di chuyển ra vào của dòng tiền thực tế phát sinh trong công ty, trong giai đoạn được thống kê (1 quý hoặc 1 năm).
Cơ sở của báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập dựa theo phương trình:
Tiền cuối kỳ – Tiền đầu kỳ = Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ
Khác với báo cáo lãi lỗ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ đánh giá dòng tiền thực sự trong doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi bạn bán chịu sản phẩm cho khách hàng, doanh thu từ việc bán sản phẩm sẽ được ghi nhận và có thể mang lại lợi nhuận, nhưng lượng tiền mặt của công ty sẽ không có gì thay đổi. Lợi nhuận cao nhưng dòng tiền thấp có thể phản ánh chất lượng lợi nhuận thấp, cũng như vị thế của doanh nghiệp. Do đó báo cáo lưu chuyển tiền tệ quan trọng bởi chúng đánh giá dòng tiền của công ty có thể đáp ứng thanh khoản để công ty có thể vận hành trơn tru hay không, bên cạnh đó, báo cáo này giúp doanh nghiệp đánh giá tính khả thi trong việc đầu tư các dự án mới, hoặc giúp chủ nợ đánh giá khả năng trả nợ.
Dòng tiền chảy vào doanh nghiệp (tiền thu) sẽ làm tăng tiền mặt của doanh nghiệp, còn dòng tiền chảy ra khỏi doanh nghiệp (tiền chi) sẽ làm giảm lượng tiền mặt của doanh nghiệp.
Dòng tiền của doanh nghiệp được chia làm 3 loại chính: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, từ hoạt động đầu tư và từ hoạt động tài chính.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO)
Đối với phần này, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 cách để ghi nhận, đó là trực tiếp và gián tiếp.
Theo hình thức trực tiếp, báo cáo sẽ trình bày dòng tiền của doanh nghiệp liên quan đến các chủ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh, như người mua, người bán, nhằm đánh giá dòng tiền một cách chân thực nhất. Đặc biệt, để ghi cần các dòng tiền ra vào thực tế, cần đi kèm với hóa đơn hay chứng từ biên nhận cụ thể đối với từng khoản thu – chi. Các khoản mục của phần này bao gồm:
- Tiền thu từ khách hàng: Bao gồm tiền khách hàng chi trả để mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ, cũng như các khoản tiền khách hàng trả trước.
- Tiền chi cho người bán: Là các khoản tiền doanh nghiệp thanh toán cho nhà cung cấp để nhập nguyên vật liệu, hoặc các chi phí trả trước khác.
- Tiền chi trả người lao động: Lương của người lao động trong doanh nghiệp.
- Tiền chi trả lãi vay.
- Tiền chi trả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hình thức gián tiếp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng nhiều hơn bởi việc lập báo cáo dòng tiền sẽ dễ dàng hơn, khi mà không phải khoản tiền nào cũng được lập hóa đơn, biên nhận để bộ phận kế toán có thể ghi nhận. Theo hình thức gián tiếp, các khoản mục trên bảng báo cáo lãi lỗ sẽ được điều chỉnh dựa theo số tiền mà doanh nghiệp đã thực sự chi trả hoặc thu về. Do đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ được lập theo công thức dưới đây:
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh = LNST + Khấu hao – Lãi từ hoạt động đầu tư – Thay đổi tài sản ngắn hạn (trừ tiền mặt, báo cáo sẽ trình bày thay đổi khoản phải thu và hàng tồn kho) + Thay đổi nợ ngắn hạn (trừ nợ vay, báo cáo sẽ trình bày thay đổi khoản phải trả, chi phí trả trước,…).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cần phải đủ lớn để có thể chi trả cho các hoạt động đầu tư tài sản, mở rộng công ty. Trong trường hợp công ty thiếu tiền mặt, trong ngắn hạn, dòng tiền sẽ đến từ hoạt động tài chính: tăng vốn hoặc đi vay nợ.
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI)
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư liên quan đến các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào chính công ty đó (đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng,…) hoặc đầu tư tài chính ra bên ngoài. Tiền đến từ hoạt động đầu tư trang thiết bị cho doanh nghiệp bao gồm hai khoản mục là Tiền chi mua tài sản và Tiền thu thanh lý tài sản. Đối với đầu tư tài chính, khoản tiền mà doanh nghiệp dùng để mua trái phiếu hoặc cho vay, sẽ được ghi nhận vào khoản Tiền chi cho vay, và tiền gốc thu hồi sẽ được ghi nhận vào khoản Tiền thu hồi cho vay. Tương tự, các khoản tiền liên quan đến đầu tư cổ phiếu sẽ được ghi nhận vào các khoản mục Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Những dòng tiền lãi trong thời kỳ đầu tư các tài sản trên, như lãi vay và cổ tức, sẽ được ghi nhận chung vào khoản mục Tiền thu lãi vay, cổ tức.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF)
Dòng tiền từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp có liên quan đến chủ nợ và cổ đông, làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Đối với chủ nợ, hai khoản mục được ghi nhận vào mục dòng tiền từ hoạt động tài chính là Tiền thu từ đi vay và Tiền trả nợ gốc vay.
Lưu ý rằng, dòng tiền trả lãi vay sẽ được thống kê vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Đối với cổ đông, dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ phát sinh khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn, được ghi nhận vào khoản Tiền thu phát hành cổ phiếu mới. Bên cạnh đó, Tiền chi trả cổ tức và Tiền chi mua cổ phiếu quỹ cũng là hai khoản mục liên quan đến nghĩa vụ đối với cổ đông được ghi nhận trong dòng tiền này.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau đi qua một bài viết khá dài về hướng dẫn cách đọc hiểu một bản báo cáo tài chính. Trong những phần tiếp theo, tôi sẽ cùng các bạn đi sâu hơn vào việc phân tích các chỉ số tài chính, để cùng rút ra những góc nhìn hữu ích về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Happy trading !