Mục lục

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku

Phân tích Kỹ thuật luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và nghiên cứu các xu hướng diễn biến của giá cổ phiếu hay tài sản trong tương lai. Việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật có tính cá nhân hóa cao và phụ thuộc khá nhiều vào sở thích của mỗi nhà giao dịch. Cá nhân tôi thường ưa thích các chỉ báo đơn giản và có ít các thành phần phải tính toán, tuy nhiên trong số các chỉ báo phức tạp của Phân tích Kỹ thuật, có một bộ chỉ báo mà tôi đặc biệt ưa thích vì độ hiệu quả cũng như “triết lý” phương Đông mà nó hàm chứa – chỉ báo Ichimoku.

Chỉ báo Ichimoku là gì?

Ichimoku Kinko Hyo là một kỹ thuật đồ thị được sáng chế bởi 1 phóng viên báo của người Nhật với bút danh là “Ichimoku Sanjin”, từ này trong tiếng Nhật có ý nghĩa là “người đàn ông vượt núi”. Đây là một chỉ báo đa năng và vô cùng toàn diện để xác định các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, xác định xu hướng, đo lường động lượng của xu hướng và cung cấp tín hiệu giao dịch. Từ “Ichimoku” có nghĩa là “cái nhìn thoáng qua”, từ “Kinko” có nghĩa là “trạng thái cân bằng” giữa giá và thời gian, còn “Hyo” theo tiếng Nhật có nghĩa là “đồ thị”. Ichimoku Kinko Hyo có thể được dịch là “cái nhìn thoáng qua về sự cân bằng của 1 đồ thị giữa giá và thời gian”. Chính vì vậy, đối với những nhà phân tích kỹ thuật am hiểu về Ichimoku, chỉ với một cái nhìn, họ có thể xác định được xu hướng và và tìm kiếm các cơ hội giao dịch tiềm năng trong xu hướng đó. Mặc dù chỉ báo Ichimoku nhìn có vẻ phức tạp khi xem trên biểu đồ giá, nhưng nó thực sự là một chỉ báo khá đơn giản với các khái niệm dễ hiểu và các tín hiệu giao dịch được xác định rõ ràng.

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì?

Tác giả của phương pháp này tên thật là Goichi Hosoda, người đã phát triển nên hệ thống này từ trước Thế Chiến lần thứ 2. Sau 20 năm nghiên cứu, Hosoda đã cho ra đời một cuốn sách viết về Ichimoku vào năm 1969. Tuy nhiên, các sách vở, tài liệu nguyên gốc về Ichimoku chưa bao giờ được dịch ra tiếng Anh và không ai có thể tìm được bản gốc nguyên bản, có lời đồn cuốn sách này đang được giấu kín bên trong Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Cấu tạo của chỉ báo Ichimoku

Chỉ báo Ichimoku bao gồm 5 thành phần chính:

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 1: Cấu tạo của chỉ báo Ichimoku

Đường Tenkan (Đường chuyển đổi)

Công thức tính đường Tenkan:

Đường Tenkan (Đường chuyển đổi) = (Giá cao nhất trong 9 phiên + Giá thấp nhất trong 9 phiên)/2

Do đường Tenkan có giá trị khá sát đường MA 9 kỳ, do đó, đường Tenkan có hướng đồng thuận với đường giá, vì vậy nó còn có tên gọi khác là đường tín hiệu. Mục đích của việc sử dụng đường tín hiệu này là để lọc bỏ các tín hiệu nhiễu trong đường giá.

Vì vậy, nếu giá và đường Tenkan gần nhau có nghĩa là xu hướng hiện tại đang diễn ra chậm và ít bị nhiễu.  Khi giá chạy quá xa đường Tenkan điều này cảnh báo một 1 cú hồi mạnh hoặc đảo chiều, đặc biệt trong trường hợp giá chạm đường Kijun.

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 2: So sánh giữa Đường Tenkan và Đường MA(9)

Ý nghĩa của đường Tenkan

Xác định xu hướng giá:

  • Xu hướng tăng khi giá nằm trên đường Tenkan.
  • Xu hướng giảm khi giá nằm dưới đường Tenkan.
  • Xu hướng hiện tại là sideway khi đường Tenkan đi ngang, đồng thời cảnh báo việc giá có thể sớm đảo chiều.

Khi xu hướng giá đang hoạt động, nếu giá cắt đường Tenkan theo hướng ngược với xu hướng thì có 3 kịch bản sẽ xảy ra:

  • Xu hướng hồi nhỏ, ngắn hạn: khi giá cắt đường Tenkan nhưng không cắt đường Kijun => sẽ nhanh chóng tiếp tục xu hướng ban đầu.
  • Xu hướng hồi mạnh: giá sẽ cắt cả đường Tenkan và Kijun theo hướng ngược xu hướng, sau đó tiếp tục xu hướng.
  • Xu hướng đảo chiều: giống kịch bản hồi mạnh nhưng giá sẽ không tiếp tục xu hướng. Giá sẽ lình xình hoặc sẽ tạo xu hướng mới.

Đường Kijun (Đường cơ sở)

Đây được coi là đường quan trọng nhất trong số 5 đường, và nó được xem như đường cân bằng.

Công thức của đường Kijun:

Đường Kijun (Đường cơ sở) = (Giá cao nhất trong 26 phiên + Giá thấp nhất trong 26 phiên)/2

Đường Kijun cũng có hướng đồng thuận với xu hướng. Độ dốc càng lớn thì xu hướng càng mạnh. Tuy nhiên, do đường Kijun được tính dựa trên 26 phiên, do đó thay vì bám sát đường giá như Tenkan, giá cần phải chạy một đoạn tương đối dài để ảnh hưởng tới đường Kijun.

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 3: So sánh giữa Đường Kijun và Đường MA(26)

Ý nghĩa của đường Kijun

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, nếu đường Tenkan biểu diễn cho xu hướng ngắn hạn, thì đường Kijun thường đóng vai trò phản ánh xu hướng trung hạn.

Đường Kijun đóng vai trò là đường hỗ trợ / kháng cự quan trọng (Tương đương với kháng cự Fibonacci 50%)

Khi giá cắt đường Kijun, xu hướng giá có thể thay đổi. Xu hướng hồi mạnh hay đảo chiều đều chưa thể xảy ra nếu giá chưa cắt đường Kijun.

Khi giá cắt đường Kijun, xảy ra 3 kịch bản tương tự như khi giá cắt đường Tenkan. Lưu ý chung:

Khi đường Tenkan nằm trên đường Kijun, báo hiệu xu hướng tăng. Ngược lại, khi đường Tenkan nằm dưới đường Kijun, đây là dấu hiệu cho xu hướng giảm.

Đường Chikou (Đường trễ)

Đường Chikou là đường có chu kì 26 phiên, biểu hiện quán tính hay động lượng (momentum) của giá. Đường Chikou còn gọi là đường trễ do nó thể hiện đường giá hiện tại nhưng dịch chuyển về 26 phiên trước đó.

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 4: Đường Chikou

Ý nghĩa của đường Chikou

Đường Chikou giúp nhận biết 3 xu hướng chính:

  • Tăng giá: Nếu đường Chikou nằm trên đường giá của 26 phiên trước.
  • Giảm giá: Nếu đường Chikou nằm dưới đường giá của 26 phiên trước.
  • Đi ngang: Nếu đường Chikou nằm rất gần đường giá của 26 phiên trước.

Ngoài ra, các đỉnh và đáy của đường Chikou đều là các mốc hỗ trợ và kháng cự mạnh.

Đường Senkou Span A và Senkou Span B

Hai thành phần cuối trong bộ chỉ báo Ichimoku là đường Senkou Span A và đường Senkou Span B. Hai đường này khá khác biệt với phần còn lại của Ichimoku.

Hai đường  và B hợp lại với nhau tạo thành 1 đám mây gọi là đám mây Kumo. Đám mây này là phần giữa của đường Senkou Span A và đường Senkou Span B. Nếu đường Senkou Span A nằm trên đường Senkou Span B thì đám mây sẽ có màu khác so với khi đường Senkou Span A nằm dưới đường Senkou Span B.

Công thức tính đường Senkou Span A:

(Giá trên đường Tenkan + Giá trên đường Kijun)/2 và đẩy về sau 26 phiên

Khi quan sát đường Senkou Span A, bạn phải để ý hai thứ: đó là phần hiện tại và phần tương lai của đường Senkou Span A. Phần hiện tại là trung bình của đường Senkan và đường Kijun trong 26 phiên trước đó. Phần tương lai là trung bình của đường Senkan và đường Kijun hiện tại. Khi đó, sự di chuyển hiện tại của giá sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Đỉnh/đáy của đường Senkou Span A là mức hỗ trợ và kháng cự mạnh.

Công thức tính đường Senkou Span B:

(Đỉnh cao nhất 52 phiên + Đáy thấp nhất 52 phiên)/2 và đẩy về sau 26 phiên.

Đường Senkou Span B cũng có hai phần như đường Senkou Span A nhưng mạnh hơn vì sử dụng nhiều dữ liệu quá khứ hơn.

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 5: Đường Senkou Span A và Senkou Span B

Ý nghĩa của Senkou Span

Cũng giống như đường Kijun thì đường Senkou Span B cũng rất hay phẳng và có sức hút rất mạnh. Khi có hiện tượng này, thì hãy tận dụng nó để đưa ra giao dịch ngắn hạn (Mục tiêu là lấy lợi nhuận ở đường Senkou Span B phẳng ở phía trước).

Khi có hiện tượng này xảy ra, thì giá có khuynh hướng bị hút trở về mây. Và khi đường Senkou Span B phẳng, nó sẽ tạo ra một mức cản rất mạnh. Một sự phá vỡ tại mức cản này rất là khó.

Muốn phá vỡ mức cản này cần một lực tác dụng rất lớn, tức là cần một hoặc nhiều cây nến dài và rất lớn. Khác với phiên breakout (Giá chạy theo xu hướng mới), khi giá phá vỡ đường Senkou Span B phẳng thì nó sẽ bị hút trở lại (Hay retest thêm lần nữa). Vậy nó có ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, khi nhìn đường Senkou Span B phẳng, ta biết giá sẽ sớm bị hút theo mây, và có thể dự đoán được giá có phá mây hay không khi nhìn cây nến và Price Action.

  • Nếu cây nến nhỏ thì chắc chắn nó sẽ bị mây cản lại và dội ra để tiếp tục đi theo xu hướng trước đó.
  • Nếu cây nến lớn thì có thể phá xuyên mây (dự đoán được 1 sự biến động lớn), nhưng chưa chắc nó sẽ đảo chiều để đi theo xu hướng khác mà có sự hồi lại do sức hút của đường Senkou Span B phẳng.

Thứ hai, không nên vào lệnh khi thấy giá phá mây ở chỗ đường Senkou Span B phẳng như chiến lược Kumo Breakout, bởi rất nguy hiểm mà hãy đợi nó retest tức bị hút trở về lại để xem tình hình thị trường rồi mới giao dịch. Như hình ở trên, giá hành động tương ứng với sức hút của đường Senkou Span B phẳng rất mạnh. Giá bị hút rồi lại bật lên rồi bị hút xuống rồi lại lên.

Có hai loại mây chính:

  • Mây Kumo: là mây nằm ở trên hoặc dưới đường giá.
  • Mây tương lai: là mây nằm trong vùng 26 phiên tiến về phía sau đường giá

Mây Kumo được tạo nên từ hai đường Senkou Span A và B, và có công dụng lớn khi phân tích Ichimoku.

Một số điểm lưu ý về đám mây Kumo

Dựa vào màu sắc và đám mây phía trước, ta có thể dự đoán được xu hướng cũng như tình hình biến động của thị trường.

Xu hướng hiện tại:

  • Tăng giá: giá nằm trên mây Kumo.
  • Giảm giá: giá nằm dưới mây Kumo.
  • Đi ngang: Giá nằm trong mây Kumo.

Xu hướng tương lai:

  • Tăng giá: đường Senkou Span A nằm trên đường Senkou Span B.
  • Giảm giá: đường Senkou Span A nằm dưới đường Senkou Span B.
  • Đi ngang: đường Senkou Span A bằng đường Senkou Span B.

Sức mạnh của đám mây Kumo tương lai được xác định bởi đường Senkou Span A tương lai và đường Senkou Span B tương lai. Có các kịch bản sau sẽ xảy ra:

  • Tăng giá mạnh: mây Kumo tương lai tăng và cả đường Senkou Span A tương lai và đường Senkou Span B tương lai đều hướng lên.
  • Tăng giá vừa: mây Kumo tương lai tăng, đường Senkou Span A tương lai hướng lên và đường Senkou Span B tương lai đi ngang.
  • Tăng giá yếu: mây Kumo tương lai tăng, đường Senkou Span A tương lai hướng xuống, đường Senkou Span B tương lai đi ngang. Lúc này có thể xảy ra hồi mạnh hoặc đảo chiều.
  • Giảm giá mạnh: mây Kumo tương lai giảm và cả đường Senkou Span A tương lai và đường Senkou Span B tương lai đều hướng xuống.
  • Giảm giá vừa: mây Kumo tương lai giảm, đường Senkou Span A tương lai hướng xuống và đường Senkou Span B tương lai đi ngang.
  • Giảm giá yếu: mây Kumo tương lai giảm, đường Senkou Span A tương lai hướng lên và đường Senkou Span B tương lai đi ngang. Lúc này có thể xảy ra hồi mạnh hoặc đảo chiều.

Đám mây về bản chất chính là sự hiện diện và phản ánh tâm lý thị trường:

  • Khi một đám mây dày, điều đó chứng tỏ rằng tâm lý thị trường cũng như tâm lý đám đông đang rất ổn định, muốn phá vỡ đám mây này cần một lực mua hoặc bán rất lớn.
  • Ngược lại, một đám mây mỏng thể hiện tâm lý yếu đuối, dễ thay đổi của thị trường.
  • Khi giá vượt quá xa đám mây, giá thường có xu hướng hồi lại vùng mây để cân bằng. Tính chất tương tự như đối với đường trung bình động.

Một số chiến thuật giao dịch với Ichimoku

Đường Tenkan và Đường Kijun cắt nhau

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 6: Đường Tenkan và Đường Kijun cắt nhau

Đây là chiến thuật truyền thống trong hệ thống Ichimoku. Tín hiệu của chiến thuật này là khi đường Tenkan cắt đường Kijun.

  • Nếu đường Tenkan cắt đường Kijun hướng lên => tín hiệu tăng giá.
  • Nếu đường Tenkan cắt đường Kijun hướng xuống => tín hiệu giảm giá.

Chiến thuật cắt nhau giữa đường Tenkan và đường Kijun còn có thể được chia làm 3 dạng chính:

Tín hiệu đường Tenkan và đường Kijun MẠNH

  • MUA khi đường Tenkan cắt lên đường Kijun ở bên trên mây Kumo.
  • BÁN khi đường Tenkan cắt xuống đường Kijun ở bên dưới mây Kumo.

Tín hiệu đường Tenkan và đường Kijun TRUNG BÌNH

  • MUA khi đường Tenkan cắt lên đường Kijun ở bên trong mây Kumo.
  • BÁN khi đường Tenkan cắt xuống đường Kijun ở bên trong mây Kumo.

Tín hiệu đường Tenkan và đường Kijun YẾU

  • MUA khi đường Tenkan cắt lên đường Kijun ở bên dưới mây Kumo.
  • BÁN khi đường Tenkan cắt xuống đường Kijun ở bên trên mây Kumo.

Chúng ta có thể áp dụng thêm đường Chikou để quyết định xu hướng trong bất cứ chiến thuật nào trong chỉ báo Ichimoku. Các trường hợp cắt nhau của đường Tenkan và Kijun có thể được phân loại kỹ hơn dựa vào mối liên hệ giữa đường Chikou và giá vào thời điểm cắt.

  • Nếu cắt là MUA và nếu đường Chikou nằm trên đường giá thì tín hiệu MUA đó càng mạnh.
  • Nếu cắt là BÁN và nếu đường Chikou nằm dưới đường giá thì tín hiệu BÁN đó càng mạnh.
  • Nếu vị trí của đường Chikou không thuận với tín hiệu cắt đường Tenkan và Kijun thì tín hiệu sẽ yếu hơn.

Đường giá cắt đường Kijun

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 7: Đường giá cắt đường Kijun

Chiến thuật này tương đối mạnh và tin cậy. Nó có thể dùng ở mọi khung thời gian (1 giờ, 4 giờ, 1 ngày…), nhưng khung thời gian càng nhỏ thì tín hiệu ít tin cậy hơn. Tín hiệu vào lệnh xuất hiện khi giá cắt đường Kijun.

  • Nếu giá cắt đường Kijun từ dưới lên => tín hiệu tăng giá.
  • Nếu giá cắt đường Kijun từ trên xuống => tín hiệu giảm giá.

Chiến thuật cắt nhau giữa đường giá và đường Kijun còn có thể được chia làm 3 dạng chính:

Tín hiệu đường giá cắt đường Kijun MẠNH:

  • MUA khi giá cắt đường Kijun trên mây Kumo
  • BÁN khi giá cắt đường Kijun dưới mây Kumo

Tín hiệu đường giá cắt đường Kijun TRUNG BÌNH:

  • MUA khi giá cắt đường Kijun trong mây Kumo
  • BÁN khi giá cắt đường Kijun trong mây Kumo

Tín hiệu đường giá cắt đường Kijun YẾU:

  • MUA khi giá cắt đường Kijun dưới mây Kumo
  • BÁN khi giá cắt đường Kijun trên mây Kumo

Có thể xem xét đường Chikou để tăng độ tin cậy tương tự như đối với chiến thuật đường Tenkan cắt đường Kijun.

Breakout đám mây Kumo

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 8: Giao dịch Phá vỡ (Breakout) mây Kumo

Đây là chiến thuật trade theo trend thuần tuý nhất trong hệ thống Ichimoku vì nó chỉ dùng mây Kumo và liên hệ giữa nó và giá để ra tín hiệu.

  • MUA khi giá đóng trên mây
  • BÁN khi giá đóng dưới mây.

Có thể kết hợp với xu hướng của mây Kumo để xác nhận tín hiệu.

  • Nếu xu hướng mây Kumo là tăng và giá nằm trên mây thì đó là tín hiệu MUA mạnh.
  • Nếu xu hướng mây Kumo là giảm và giá nằm dưới mây thì đó là tín hiệu BÁN mạnh.
  • Nếu xu hướng của mây Kumo ngược với vị trí giá so với mây thì ta nên đợi mây thuận với giá để vào lệnh.

Đường Senkou Span A & Đường Senkou Span B cắt nhau

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 9: Đường Senkou Span A & Đường Senkou Span B cắt nhau

So với chiến thuật Breakout mây Kumo ở trên, chiến thuật này thường ít được áp dụng trong hệ thống Ichimoku. Nó thường dùng như một sự xác nhận kèm với các chiến thuật khác hơn là sử dụng một mình.

  • MUA khi đường Senkou Span A cắt lên đường Senkou Span B.
  • BÁN khi đường Senkou Span A cắt xuống đường Senkou Span B.

Lưu ý: Tín hiệu này xảy ra trước giá 26 phiên do đường Senkou Span A và đường Senkou Span B đã được đẩy về sau 26 phiên.

Tín hiệu cắt có thể chia ra làm 3 dạng chính: mạnh, trung bình và yếu.

Giá cắt Chikou Span

Đây cũng là một chiến thuật ít giao dịch trong hệ thống Ichimoku. Chiến thuật này chủ yếu dùng để xác nhận trước khi vào lệnh.

  • Nếu đường Chikou cắt trên đường giá thì nó là dấu hiệu tăng giá
  • Nếu đường Chikou cắt dưới đường giá thì nó là dấu hiệu giảm giá

Cũng giống như các chỉ báo kỹ thuật khác, đôi khi việc sử dụng Ichimoku không nên quá máy móc mà còn phải đánh giá đến các yếu tố tiềm năng cơ bản của cổ phiếu. Các chỉ báo kỹ thuật chỉ góp phần giúp nhà đầu tư xác định điểm mua tốt của một cổ phiếu, ngoài ra không thể thay thế vai trò của phân tích cơ bản trong việc lựa chọn cổ phiếu.

Ứng dụng chỉ báo Ichimoku nâng cao

Sau khi hiểu được các phân cơ bản của ichimoku và có một chiến thuật giao dịch cơ bản của Ichimoku, chúng ta sẽ đến với một phần nâng cao hơn, để hiểu rõ hơn về chỉ báo này, ta cần phải hiểu kĩ về lịch sử ra đời của nó và các ý nghĩa cũng như những phương pháp luận của Hosoda.

Ichimoku Kinko Hyo – Cái nhìn thoáng qua một đồ thị cân bằng

Thường nhiều người không hiểu sẽ thấy chỉ báo của Ichimoku chẳng khác gì các đường MA và những chỉ báo khác, nhưng thực ra, nếu hiểu biết sâu về Ichimoku, ta có thể thấy Ichimoku là một công cụ khá “toàn diện”, nó có thể cho ta biết cả xu hướng, xác định cản, điểm vào, điểm ra, và đặc biệt hơn nữa Ichimoku là một chỉ báo có thể dự đoán trước tương lai, bằng chứng là “mây tương lai” là chỉ báo đã tính trước tương lai 26 ngày, khác với các chỉ báo khác đa số sẽ biến đổi ngang theo giá, nhưng “mây tương lai” của Ichimoku thực sự đã được tính toán trước và không repaint khi giá thay đổi.

Với Chikou là đường được lùi 26 ngày về quá khứ so với giá, Tenkan, Kijun chạy quanh giá và “mây tương lai” được tạo ra 26 ngày trong tương lai, vì vậy chỉ báo Ichimoku có thể cho chúng ta cái nhìn cả về Quá khứ, Hiện tại, và Tương lai, đó là lý do tại sao lại gọi Ichimoku là một chỉ báo “toàn diện” là vì thế.

Bản chất cái tên của Ichimoku kinko hyo khi dịch ra là “Cái nhìn thoáng qua một đồ thị cân bằng” đã nói lên cách để tạo ra nó. Nếu ta để ý kĩ, ta sẽ thấy đồ thị của Ichimoku là một đồ thị rất “cân bằng”. Cấu tạo của các đường trong ichimoku đều lấy giá cao nhất và thấp nhất. Tức nó chỉ quan tâm đến giá cao nhất và thấp nhất trong 1 khoảng đó mà thôi – hay nói cách khác đó là biên độ trên (Cao nhất) và biên độ dưới (Thấp nhất). Điều này tạo nên một “vùng cân bằng” mà tại đó đám mây sẽ là trung tâm của biên trên và biên dưới. Bởi vì, đám mây được cấu tạo nên 2 đường Senkou Span A và Senkou Span B (2 đường này cũng tính theo công thức giá cao nhất và giá thấp nhất).

Chỉ báo kỹ thuật Ichimoku là gì? Hướng dẫn toàn diện về chỉ báo Ichimoku
Hình 10: Vùng cân bằng của Ichimoku

Vì thế, nhìn vào hình trên, ta thấy giá cứ dao động lên xuống xung quanh vùng cân bằng. Một sự phá vỡ tại biên độ nào đó sẽ hình thành nên vùng cân bằng mới – tức hình thành đám mây mới. Như hình trên, ta thấy cây nến cao nhất đã phá vỡ biên trên. Điều này cho chúng ta thấy, vùng cân bằng đã thay đổi và dịch chuyển lên trên – đám mây màu xanh lá cây hiện ở phía trước. Nó sẽ nhanh chóng hút giá trở về thế cân bằng – tức gần đám mây. Giá quá xa – tức là ý muốn nói giá đã vượt ngưỡng biên độ cao nhất hay thấp nhất của khoảng trước đó.

Đặc biệt nếu chúng ta để ý Kijun và Senkou B rất hay bị phẳng, hiện tượng này xảy ra do công thức tính 2 đường này dựa vào giá cao nhất và thấp nhất, và khi nó xảy ra, có nghĩa là đã xuất hiện một “vùng cân bằng” sẽ tạo ra “sức hút” đến đường giá đã đi quá xa so với vùng đó, giá khi đi quá xa sẽ thường có xu hướng bị Sideway và trở về vùng cân bằng, nếu trong xu hướng mạnh, “vùng cân bằng” này rất ít khi xuất hiện, do đó khi xuất hiện vùng cân bằng tức xu hướng đang trở nên yếu dần và chuyển vì Sideway. Khi hiểu được bản chất của Ichimoku, ta có thể nhìn thoáng qua đồ thị và xác định ngay điểm cân bằng của nó, đúng như cái tên mà ông Hosoda đã đặt cho nó.

Hướng dẫn 04 bước nhìn nhanh đồ thị kỹ thuật bằng Ichimoku

Bước 1: Nhìn tương lai trước bằng cách nhìn vào Mây Kumo và xác định vùng cân bằng.

Bước 2: Nhìn về hiện tại bằng cách nhìn Đường Tenkai, Kijun và biên trên, biên dưới của giá.

Bước 3: Nhìn về quá khứ bằng cách nhìn Đường Chikou.

Bước 4: Quay trở lại hiện tại giá và đưa ra dự báo.

Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng

Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.

Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.

Happy trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed