Trong quá trình đầu tư có lẽ nhà đầu tư nào cũng sẽ đạt ra ba câu hỏi sau: Khi nào thì nên đầu tư (thời điểm tham gia thị trường)? Đầu tư vào cổ phiếu nào? và Đầu tư bao nhiêu tiền? Hai phương pháp phân tích quan trọng trong phân tích chứng khoán là FA và TA sẽ giúp ban trả lời cho câu hỏi đó. Vậy hai phương pháp đó là gì? Hãy cùng Green Chart tìm hiểu về trong bài viết sau đây.
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis: FA)
FA là một cách tiếp cận được các nhà đầu tư sử dụng để xác định giá trị nội tại cơ bản (hay còn gọi là giá trị thực) của một công ty hoặc cổ phiếu thông qua các nghiên cứu về ngành, dữ liệu và báo cáo tài chính của công ty, ngoài ra còn có các yếu tố khác như chu kỳ kinh tế, tính thời vụ, …
Phương pháp này giúp nhà phân tích biết được giá trị nội tại so với giá thị trường, từ đó xác định được giá cổ phiếu đang được định giá cao hay thấp ở thời điểm hiện tại. Đối với những nhà đầu tư sử dụng phương pháp phân tích cơ bản lý tưởng nhất khi mục đích đầu tư vào một công ty trong khi cổ phiếu của nó đang được đánh giá giá thấp hơn giá trị nội tại.
Đặc điểm của phân tích cơ bản
Các nhà phân tích thường nghiên cứu tình trạng tổng thể của nền kinh tế, tiếp sau đó là sức mạnh của từng ngành cụ thể rồi mới tập trung vào hoạt động của từng công ty, từ đó mới xác định giá trị thị trường hợp lý cho cổ phiếu.
Nhà đầu tư sử dụng phân tích cơ bản với mục đích là đánh giá được giá trị nội tại của chứng khoán, khi định giá song nó sẽ được đem ra so sánh với giá hiện tại trên thị trường để xem liệu chứng khoán đó bị định giá thấp hay được định giá cao. Dựa vào đó nhà đầu tư mới ra quyết định mua vào hay bán ra cổ phiếu.
Đối với cổ phiếu, phân tích cơ bản sử dụng các dữ liệu của doanh nghiệp như: Doanh thu, thu nhập, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tăng trưởng trong tương lai, tỷ suất lợi nhuận và các dữ liệu khác để xác định giá trị cơ bản và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của một cổ phiếu. Do đó, đây là trường phái phù hợp với việc đầu tư lâu dài.
Hạn chế của phân tích cơ bản
Khi sử dụng phương pháp phân tích cơ bản nhà đầu tư cần phải tiếp cận và xử lý một khối lượng lớn thông tin về kinh tế và tài chính, có nhiều biến số phải tính đến và giá trị của các biến số này bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan. Đồng thời, mức độ chính xác của nó còn phụ thuộc vào tính chính xác của thông tin nhà đầu tư sử dụng.
Khi phân tích cơ bản xem xét các dữ liệu khác nhau từ báo cáo tài chính, triển vọng kinh tế và chu kỳ và thậm chí dự báo tăng trưởng trong tương lai bằng các mô hình dự báo, thì chúng ta không thể bỏ qua việc đưa ra các giả định cơ bản như: Giả định về tăng trưởng của công ty là X% hàng năm, giả định công ty sẽ nhận được nhận được một hợp đồng mới tốt. Có nghĩa là, các giả định CÓ THỂ hoặc CÓ THỂ KHÔNG trở thành hiện thực, do đó nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của một quyết định đầu tư cụ thể.
Ngoài ra, việc mua vào những cổ phiếu được định giá thấp với giá trị nội tại cao không có nghĩa là khoản đầu tư của bạn sẽ tăng giá trị vào ngày hôm sau (nó có thể mất vài tháng thậm chí đến vài năm). Bởi vì, thị trường không hợp lý và có thể không phản ánh giá trị nội tại cơ bản của giá cổ phiếu. Do đó, đối với một số quyết định đầu tư hoàn toàn do phân tích cơ bản thực hiện, sẽ cần rất nhiều kiên nhẫn để mọi việc diễn ra theo hướng có lợi cho mỗi người.
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis: TA)
Phân tích kỹ thuật – TA là một cách tiếp cận khác của nhà đầu tư thông qua phân tích biểu đồ giá. Thông qua biểu đồ giá, các nhà đầu tư có thể xác định các chi tiết quan trọng như xu hướng giá và động lượng giá của công ty. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ có thể đánh giá điểm mua/bán lý tưởng của họ.
Theo Clifford Pistolese: “Phân tích kỹ thuật là việc sử dụng biểu đồ giá và khối lượng giao dịch làm cơ sở cho các quyết định đầu tư. Cơ sở căn bản cho hướng tiếp cận này là ở chỗ các thông tin về giá và khối lượng trên biểu đồ phản ánh tất cả những gì diễn ra về việc mua hay bán một loại cổ phiếu. Vì biểu đồ cổ phiếu tóm tắt và phản ánh kết quả thực của các giao dịch đã thự hiện nên phân tích kỹ thuật là cơ sở duy nhất cho việc ra các quyết định của các nhà đàu tư”.
Đặc điểm của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật được dùng trong việc đánh giá các khoản đầu tư và xác định việc mua/bán chứng khoán dựa vào xu hướng và mô hình giá trên biểu đồ. Nếu nhà đầu tư sử dụng phân tích cơ bản để đánh giá những giá trị của một cổ phiếu dựa trên lịch sử, kết quả kinh doanh và các yếu tố khác của doanh nghiệp thì phân tích kỹ thuật sẽ tập trung vào quá trình nghiên cứu về giá cả và khối lượng giao dịch, các mẫu giá lịch sử hoặc xu hướng cổ phiếu.
Nhờ các công cụ mà phân tích kỹ thuật sử dụng mà các nhà đầu tư sẽ đánh giá được tác động của cung, cầu có ảnh hưởng thế nào đối với giá cổ phiếu đó. Với tính chất như vậy nên phân tích kỹ thuật thường được dùng trong những giao dịch đầu tư ngắn hạn.
Hạn chế của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật dựa vào quá khứ để xác định, tuy nhiên lịch sử thì không thể lặp lại chính xác. Trong phân tích kỹ thuật nếu có đủ người sử dụng các tín hiệu giống nhau thì họ có thể gây ra chuyển động được báo trước bởi tín hiệu hoặc có thể nói nó tạo thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Ví dụ: nhiều nhà đầu tư sử dụng kỹ thuật sẽ đặt lệnh cắt lỗ bên dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200) của một công ty nhất định. Nếu một số lượng lớn các nhà đầu tư đều làm như vậy thì khi cổ phiếu đạt đến mức giá này sẽ có một số lượng lớn các lệnh bán sẽ được đặt, điều này sẽ làm giá cổ phiếu bị đẩy xuống, thì đây chính là lúc nhà đầu tư tự xác nhận rằng dự đoán khi giá cắt xuống dưới đường trung bình động 200 thì nên cắt lỗ là chính xác. Các nhà đầu tư khác sẽ thấy giá giảm và cũng bán các vị thế của họ từ đó lại càng củng cố sức mạnh của xu hướng. Áp lực bán ngắn hạn này các nhà đầu tư có thể thấy được là nó tự hoàn thành, tuy nhiên việc giảm giá chỉ mang tính chất ngắn hạn, điều này gây tác động rất ít đến giá của tài sản trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Phân tích kỹ thuật lại có rất nhiều trường phái và phương pháp phân tích khác nhau như: Đồ thị nến Nhật (Candlestick Charting), nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory), mô hình đảo chiều (Reversal) và mô hình tiếp tục (continues), lý thuyết Dow (Dow Theory), đường xu hướng (Trendline Charting), dãy số fibonacci (Fibonacci Series), hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator), ứng dụng điểm Pivot (Pivot Point), phương pháp đầu tư CANSLIM của ông William O’Neil, phương pháp phân tích của Wyckoff – Wyckoff Analysis. Mỗi trường phái và phương pháp sẽ có một ưu nhược điểm riêng, vì vậy khi giao dịch nhà đầu tư cần kết hợp phương pháp này và phương pháp khác để bù trừ cho nhau.
So sánh FA và TA trong chứng khoán
Đầu tiên, cả hai phương pháp này đều được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá cổ phiếu trong tương lai, và giống như bất kỳ chiến lược hay triết lý đầu tư nào, cả hai phương pháp đều có những người ủng hộ và tranh cãi về chúng.
Phân tích cơ bản là một phương pháp được nhà đầu tư sử dụng để đánh giá chứng khoán bằng cách cố gắng đo lường giá trị nội tại của chứng khoán mà cụ thể là cổ phiếu trên thị trường. Các nhà phân tích cơ bản sẽ thực hiện nghiên cứu mọi thứ từ nền kinh tế tổng thể, điều kiện ngành đến tình trạng tài chính và quản lý của các công ty. Các yếu tố thu nhập, chi phí, tài sản và nợ phải trả,… đều là những đặc điểm quan trọng đối với các nhà phân tích cơ bản.
Phân tích kỹ thuật khác với phân tích cơ bản ở việc đánh giá khối lượng và giá của cổ phiếu chính là yếu tố đầu vào cốt lõi. Giả định quan trọng nhất là tất cả các yếu tố cơ bản đã được biết đến đều đã được phản ánh vào giá cả; do đó, không cần phải chú ý đến chúng nữa. Các nhà phân tích kỹ thuật sẽ không cố gắng đo lường giá trị nội tại của chứng khoán mà thay vào đó họ sử dụng biểu đồ chứng khoán để xác định các mẫu và xu hướng cho thấy chứng khoán sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai.
Hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư có kinh nghiệm đều sử dụng kết hợp và linh hoạt cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật vì chúng đều có giá trị theo cách riêng mà chúng mang lại. Vì vậy, thay vì dựa vào cái này hay cái kia, việc sử dụng cân bằng và hợp lý hai phương pháp trên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Happy trading !