Kênh giá (Price Channel) là một mô hình phân tích biểu đồ vô cùng hiệu quả nhưng thường bị bỏ qua. Các nhà giao dịch có thể kết hợp Kênh giá cùng với một số công cụ Phân tích Kỹ thuật khác để xác định các điểm mua và điểm bán tiềm năng. Trong bài viết này, bước đầu tiên, Green Chart sẽ giúp bạn tìm hiểu cách xác định Kênh giá trên biểu đồ. Các bước tiếp theo bao gồm xác định Điểm mua (Buy Point) và Thời điểm mua (Timing) khi sử dụng Kênh giá, điểm đặt lệnh cắt lỗ (Cut Loss) và điểm chốt lời (Take Profit).
Cách xác định và vẽ kênh giá
Trong bối cảnh của Phân tích Kỹ thuật, một Kênh giá được hình thành khi giá của một tài sản di chuyển giữa hai đường xu hướng song song. Đường xu hướng trên kết nối các đỉnh cao dần (Hoặc thấp dần) của đường giá, trong khi đường xu hướng dưới kết nối các đáy lại với nhau. Kênh giá có thể nghiêng lên, dốc xuống hoặc đi ngang trên biểu đồ
Nếu giá tăng phá vỡ qua kênh phía trên, điều đó có nghĩa rằng giá có thể sẽ tăng cao hơn nữa.
Ví dụ: Biểu đồ bên dưới hiển thị một kênh giá và một cú phá vỡ về cổ phiếu của Tập đoàn khách sạn Hyatt (H). Mặt khác, nếu giá phá vỡ cạnh dưới của kênh, thì xu hướng giảm có thể tiếp diễn sâu hơn nữa.
Kỹ thuật giao dịch với Kênh giá thường hoạt động tốt nhất trên các cổ phiếu có mức độ biến động trung bình. Điều này rất quan trọng trong việc xác định số tiền lãi/lỗ có thể có từ một giao dịch.
Ví dụ: Nếu độ biến động thấp thì kênh giá sẽ không lớn lắm, nghĩa là lợi nhuận tiềm năng sẽ nhỏ hơn. Các kênh giá lớn hơn thường liên quan đến sự biến động lớn hơn, có nghĩa là lợi nhuận tiềm năng cao hơn.
Các loại kênh giá chính
Một Kênh giá khi hình thành cần ít nhất 4 điểm tiếp xúc, bởi vì chúng ta cần ít nhất 2 đáy để kết nối với nhau và 2 đỉnh để kết nối với nhau. Nói chung, có 3 loại Kênh giá:
Kênh giá với xu hướng dốc lên được gọi là Kênh giá tăng (Ascending Price Channels).
Kênh giá có độ dốc hướng xuống là Kênh giá giảm (Descending Price Channels).
Các kênh giá tăng và giảm còn được gọi chung là các kênh xu hướng, vì giá sẽ di chuyển theo xu hướng của kênh đó.
Kênh giá mà có các đường xu hướng nằm ngang được gọi là các Kênh giá ngang, phạm vi giao dịch (Tranding Range) hoặc mô hình giá hình chữ nhật (Rectangles).
Chiến lược Mua hoặc Bán sử dụng Kênh giá
Các Kênh giá có thể cung cấp cho nhà giao dịch điểm mua và bán với một số quy tắc vào lệnh như sau:
- Khi giá tăng chạm đến cạnh trên của kênh, hãy đóng vị thế mua hiện tại của bạn và/hoặc mở một vị thế bán mới.
- Khi giá đang nằm ở giữa kênh, hãy đứng ngoài kiên nhẫn quan sát và chờ đợi nếu bạn không có vị thế giao dịch hoặc nếu có, tiếp tục giữ các vị thế giao dịch hiện tại trong danh mục của bạn.
- Khi giá chạm cạnh dưới của kênh, hãy đóng vị thế bán hiện tại của bạn (Trường hợp bạn đang thực hiện Bán khống) và/hoặc mở mới vị thế mua.
Có hai trường hợp ngoại lệ đối với các quy tắc này:
- Nếu giá phá vỡ qua cạnh dưới hoặc cạnh trên của kênh, thì kênh giá đã mất hiệu lực. Không nên mở bất kỳ giao dịch nào nữa cho đến khi một kênh giá mới được hình thành.
- Nếu đường giá di chuyển giữa các kênh trong một khoảng thời gian dài, một kênh mới với biên độ hẹp hơn có thể được thiết lập. Lúc này, ta có thể sử dụng kênh giá nhỏ hơn (Hay hẹp hơn) để mở các vị thế mới hoặc thoát ra tại các điểm cạnh trên hoặc cạnh dưới như quy tắc phía trên trình bày.
Trong một kênh tăng giá, hãy tập trung và kiên nhẫn chờ đợi mua ở điểm cạnh dưới của kênh và chốt lời ở cạnh trên. Hãy cẩn thận khi thực hiện bán khống, vì xu hướng giá hiện tại đang là tăng.
Ví dụ: Một kênh giá tăng được mô tả bên dưới với mã cổ phiếu của Tập đoàn NVIDIA (NVDA).
Trong kênh giá giảm, hãy tập trung tìm kiếm các vị thế bán ở cạnh trên của kênh và thoát ra tại cạnh dưới. Hãy cẩn thận khi mua hay bắt đáy trong một kênh giá giảm, vì xu hướng đang là đi xuống.
Các hình thức, công cụ Phân tích Kỹ thuật khác đôi khi được sử dụng kèm theo để tăng độ chính xác của các tín hiệu giao dịch từ Kênh giá và để kiểm tra động lượng của xu hướng đi lên hoặc đi xuống. Một số công cụ khác có thể sử dụng kết trong quá trình giao dịch với kênh giá bao gồm:
- Sự phân kỳ của Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) sẽ cảnh báo sự đảo chiều xu hướng. Hay Đường MACD (MACD Line) cắt qua Đường tín hiệu (Signal Line) cũng có thể xác nhận cho các tín hiệu mua tiềm năng ở các điểm cạnh dưới kênh hoặc các giao dịch bán ở cạnh trên của kênh.
- Sự giao cắt giữa 2 đường %K và %D của chỉ báo Stochastic cũng có thể báo hiệu cơ hội mua tại cạnh dưới kênh hoặc cơ hội bán tại gần cạnh trên.
- Khối lượng giao dịch cũng có thể giúp ích trong khi sử dụng Kênh giá. Khối lượng thường khá thấp khi giá di chuyển trong các kênh, đặc biệt là gần giữa kênh. Các cú phá vỡ kênh thường sẽ đi kèm với khối lượng lớn. Nếu khối lượng không tăng trong một cú phá vỡ, kênh nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực và ý nghĩa.
Xác định mức dừng lỗ và chốt lời với kênh giá
Dưới đây là những quy tắc cơ bản để xác định các mức chốt lời và cắt lỗ khi giao dịch với Kênh giá:
Nếu bạn đã mua ở cạnh dưới của kênh, hãy đóng vị thế và chốt lời tại điểm cạnh trên. Đối với điểm đặt lệnh cắt lỗ, đặt ngay phía dưới cạnh dưới của kênh, và đương nhiên, hãy để chừa thêm một khoảng giá nữa để tránh sự biến động đột ngột của đường giá (Quét Stoploss).
Ngược lại, nếu bạn đã thực hiện một vị thế bán ở cạnh trên của kênh, hãy chốt lời ở điểm cạnh dưới của kênh. Ngoài ra, hãy đặt lệnh cắt lỗ ngay phía trên cạnh trên của kênh, cộng thêm một khoảng giá nữa để tránh sự biến động giá đột ngột.
Ví dụ: Bạn có thể tìm thấy một kênh giá giảm trên biểu đồ mã cổ phiếu của BCE Inc. (BCE) cùng với các điểm dừng lỗ và chốt lời tiềm năng.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy trading!