Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các bước trong một lộ trình phát triển của doanh nghiệp, từ ý tưởng ban đầu cho đến khi trở thành công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (IPO). Bài viết hữu ích cho việc tìm hiểu về bản chất của thị trường cổ phiếu, đặc biệt với những người đang bắt đầu con đường khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.
IPO là gì?
IPO (Initial Public Offering) hay còn gọi là “Phát hành lần đầu ra công chúng”, hoạt động này mô tả việc các doanh nghiệp chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng, đây là hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư chứng khoán bằng việc niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên trên sàn chứng khoán hoặc phát hành thông qua các trung gian môi giới. Sau khi IPO, công ty cổ phần tư nhân (Private Equity) sẽ trở thành công ty đại chúng.
Chúng ta sẽ bắt đầu với ví dụ về một doanh nghiệp tưởng tượng, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch tên là Green Food, và cùng tìm hiểu về quá trình phát triển của nó.
Vòng 1 – Những nhà đầu tư thiên thần
Hãy tưởng tượng một doanh nhân trẻ với một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời – kinh doanh loại sốt cà chua sạch được chế biến từ chính trang trại của anh ấy. Với quy trình trồng trọt đảm bảo chất lượng, khả năng chế biến món sốt cà chua cực ngon thừa hưởng từ bà nội, và bao bì đóng hộp bắt mắt, anh ấy tin tưởng rằng công việc kinh doanh sẽ thành công và rất nhiệt tình với việc đưa ra ý tưởng thành lập doanh nghiệp.
Là một doanh nhân khởi nghiệp điển hình, vị CEO trẻ tuổi cũng gặp phải những vấn đề điển hình của các start up: đầu tiên – tiền đâu? Giả sử rằng với kinh nghiệp kinh doanh ít ỏi, anh ta gần như sẽ không thể thu hút được bất kỳ nhà đầu tư lớn và nghiêm túc nào ở giai đoạn đầu. Do đó, những người đầu tiên mà anh ấy sẽ tiếp cận là gia đình và bạn bè của mình để giới thiệu ý tưởng và quyên góp được một số tiền vốn ban đầu. Anh ấy cũng có thể tiếp cận ngân hàng để vay vốn, nhưng đây không phải là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này.
Chúng ta hãy giả sử rằng vị CEO này tự bỏ ra 400 triệu, và thuyết phục được thêm hai người bạn tốt đầu tư thêm 100 triệu vào công việc kinh doanh của anh ấy (Mark Zuckerberg cũng không may mắn hơn anh ấy là mấy ở giai đoạn đầu ông xây dựng Facebook). Hai người bạn này được coi là đang đầu tư vào giai đoạn trước khi công ty có doanh thu, và đặt cược “niềm tin” vào người CEO trẻ, họ được gọi là các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor). Xin lưu ý, tiền từ các nhà đầu tư thiên thần không phải là một khoản vay, nó thực sự là một khoản đầu tư.
Vì vậy, chúng ta hãy tưởng tượng rằng CEO trẻ cùng với các thiên thần (tôi xin phép gọi tắt là thiên thần, vì đối với vị CEO khởi nghiệp của chúng ta thì họ đúng là như thế) đã huy động được tổng cộng 500 triệu để bắt đầu dự án. Số tiền ban đầu mà anh ấy có được để bắt đầu công việc kinh doanh của mình được gọi là “Quỹ hạt giống” . Điều quan trọng cần lưu ý là quỹ hạt giống sẽ không nằm trong tài khoản ngân hàng cá nhân của CEO mà thay vào đó nằm trong tài khoản ngân hàng của công ty họ. Khi khoản vốn này đến tài khoản ngân hàng của công ty, số tiền đó sẽ được coi là vốn điều lệ ban đầu.
Đổi lại cho khoản đầu tư hạt giống ban đầu, ba người ban đầu (CEO và 2 thiên thần) sẽ được phát hành một số lượng cổ phiếu và trở thành cổ đông của Green Food.
Tài sản duy nhất mà công ty có trong giai đoạn này là khoản tiền mặt 500 triệu. Việc phát hành cổ phiếu khá đơn giản; công ty giả định rằng mỗi cổ phiếu trị giá 10k và phát hành ra 50,000 cổ phiếu. Trong trường hợp này, 10k được gọi là mệnh giá của cổ phiếu. Tổng cộng 50,000 cổ phiếu được gọi là lượng cổ phiếu được phép lưu hành của công ty. Những cổ phiếu này phải được phân bổ một phần cho cho CEO và hai thiên thần, và một phần giữ lại để phát hành thêm cho các cổ đông trong tương lai.
Do đó, giả sử CEO nhận 40% cổ phần và hai nhà đầu tư thiên thần nhận được 5% mỗi người, khi đó công ty còn lại 50% cổ phần để trống. Tỷ lệ sở hữu của công ty lúc này sẽ như sau:
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng, với khoản vốn góp 100 triệu để đổi lấy với 10% cổ phần của hai nhà đầu tư thiên thần, công ty Green Food hiện tại đang được định giá ở mức 1 tỷ.
Xin lưu ý rằng công ty vẫn giữ lại số dư 50% cổ phần tương ứng với 25,000 cổ phiếu vốn chủ sở hữu. Những cổ phiếu này được ủy quyền nhưng chưa được phân bổ.
Giờ đây, được hỗ trợ bởi sự góp sức của các cổ đông ban đầu và một quỹ hạt giống lành mạnh, CEO trẻ bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình. Anh ta muốn bắt đầu một cách thận trọng. Do đó, anh quyết định chỉ mở một xưởng sản xuất nhỏ và một cửa hàng để bán lẻ sản phẩm sốt cà chua của mình.
Vòng 2 – Nhà đầu tư mạo hiểm
Sự nỗ lực của CEO trẻ được đền đáp, và công việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc. Khi kết thúc hai năm hoạt động đầu tiên, công ty bắt đầu có lợi nhuận. Vị CEO trẻ giờ đây không còn là một người non nớt nữa. Thay vào đó, anh ta hiểu biết hơn về công việc kinh doanh của chính mình và tất nhiên, tự tin hơn.
Được hỗ trợ bởi sự tự tin của anh ấy, vị CEO muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của Green Food bằng cách bổ sung thêm một xưởng sản xuất và một vài cửa hàng bán lẻ số cà chua trong thành phố. Anh ấy vạch ra một kế hoạch và tính toán rằng khoản đầu tư mới cần thiết cho việc mở rộng kinh doanh của mình là 1 tỷ đồng.
Anh ấy hiện đang ở một vị thế tốt hơn nhiều so với hai năm trước. Sự khác biệt lớn là việc kinh doanh của anh ấy đang tạo ra lợi nhuận và dòng doanh thu lành mạnh củng cố cho tiềm năng của công ty. Giờ đây, vị CEO có thể tiếp cận đến nhiều nhà đầu tư hiểu biết và có tiềm lực tài chính lớn hơn. Giả sử anh ta gặp được một nhà đầu tư chuyên nghiệp như vậy, người đồng ý trả có anh 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần trong công ty Green Food (có thể bạn bắt đầu nhận thấy sự quen thuộc trong các chương trình Shark Tank).
Những người thường đầu tư vào giai đoạn đầu này của một doanh nghiệp được gọi là các Nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capital – VC) và số tiền mà doanh nghiệp nhận được ở giai đoạn này được gọi là vòng tài trợ Series A.
Sau khi công ty đồng ý bán 10% cổ phần cho VC từ vốn được ủy quyền, cơ cấu cổ đông sẽ thay đổi như sau:
Lưu ý, vẫn còn 40% cổ phần được giữ lại trong nội bộ công ty và chưa được phát hành cho bất kỳ ai. Có một điều thú vị bạn cần lưu ý ở đây: nhà đầu tư mạo hiểm đã định giá toàn bộ doanh nghiệp Green Food ở mức 10 tỷ đồng, bằng cách mua 10% cổ phần với giá 1 tỷ đồng. Với mức định giá ban đầu là 1 tỷ, giá trị hiện tại của công ty đã tăng gấp 10 lần (wow !). Đây là thành công đầu tiên của một kế hoạch kinh doanh tốt, được xác nhận bởi một dòng thu nhập lành mạnh.
Với việc định giá tăng, các khoản đầu tư của 2 nhà đầu tư thiên thần ban đầu cũng gia tăng gấp 10 lần. Đây chính là phần thưởng cho những người chấp nhận rủi ro khi tham gia vào công ty từ rất sớm (trong thực tế, 2 người bạn đầu tiên tham gia xây dựng Facebook cùng Mark đến nay đều đã trở thành tỷ phú).
Tiếp tục với câu chuyện của chúng ta, vị CEO trẻ đã có có thêm khoản vốn mà anh ta cần cho việc mở rộng kinh doanh. Công ty có thêm một xưởng chế biến và một vài cửa hàng bán lẻ nữa trong thành phố theo đúng kế hoạch. Mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời: sự phổ biến của sản phẩm nước sốt cà chua ngày càng tăng, dẫn đến doanh thu cao hơn. Đội ngũ quản lý trở nên chuyên nghiệp hơn, do đó gia tăng hiệu quả hoạt động, mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Vòng 3 – Nợ vay và lợi nhuận giữ lại
Ba năm nữa trôi qua và Green Food đã thành công một cách phi thường. Công ty quyết định mở rộng thêm chi nhánh tại 3 thành phố nữa. Để thực hiện mong muốn này, công ty có kế hoạch gia tăng năng lực sản xuất và đầu tư thêm máy móc cho xưởng chế biến, trong thuật ngữ tài chính, điều này được gọi là đầu tư vào “Capex” – Capital Expenditure.
CEO và ban lãnh đạo công ty ước tính cần số vốn 5 tỷ theo yêu cầu CAPEX của họ. Vậy làm thế nào để công ty có được số tiền này?
Có một số lựa chọn để huy động vốn trong thời điểm hiện tại:
- Công ty đã kiếm được một số lợi nhuận trong vài năm qua, do đó có thể sử dụng một phần lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, thay vì đem chia cổ tức cho các cổ đông.
- Công ty có thể tiếp cận một số nhà đầu tư mạo hiểm khác và huy động một vòng tài trợ VC mới bằng cách phân bổ 40% cổ phần còn lại- đây được gọi là vòng tài trợ Series B.
- Công ty có thể tiếp cận một ngân hàng và thực hiện một khoản vay. Ngân hàng sẽ rất dễ chấp nhận khoản vay này, miễn là công ty tài sản đảm bảo để thế chấp và đang hoạt động tốt.
Giả sử công ty quyết định thực hiện cả ba lựa chọn này: sử dụng 1,5 tỷ tái đầu tư từ nguồn lợi nhuận giữ lại, huy động từ các nhà đầu tư mạo hiểm vòng Series B – bán 5% cổ phần với mức giá 1 tỷ đồng và vay nợ 1,5 tỷ từ ngân hàng.
Lưu ý, với mức giá 1 tỷ cho 5% cổ phần, định giá của công ty lúc này đã lên tới 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Green Food tại thời điểm này như sau:
Ví dụ thực tế kinh điển về những câu chuyện như vậy có thể làm chúng ta liên tưởng đến Google, Facebook, Twitter, Whatsapp,… hay những doanh nghiệp Việt Nam thành công như VNM, HPG, MSN, VIC,…
Vòng 4 – Private Equity
Một vài năm trôi qua, với sự thành công ngày càng lớn mạnh của công ty Green Food trị giá 20 tỷ với hơn 10 năm thành lập, những tham vọng của vị CEO cũng ngày càng lớn dần lên. Công ty quyết định mở rộng quy mô và chi nhánh trên khắp cả nước. Họ cũng quyết định đa dạng hóa nguồn thu của công ty bằng cách bán nhượng quyền thương hiệu sốt cà chua đi khắp các tỉnh thành.
Yêu cầu vốn CAPEX cho tham vọng mới hiện được tính toán ở mức 10 tỷ đồng. Công ty không muốn huy động tiền thông qua vay nợ thêm nữa vì điều này làm gia tăng gánh nặng lãi vay và ăn mòn lợi nhuận của công ty.
Công ty quyết định sử dụng số cổ phần chưa phân bổ để huy động vốn vòng Series C. Với quy mô hiện tại, họ không thể tiếp cận thông qua các nhà đầu tư mạo hiểm VC riêng lẻ như trước đây. Đây là lúc nhà đầu tư Cổ phần Tư nhân (Private Equity – PE) xuất hiện.
Các nhà đầu tư (quỹ đầu tư) PE là những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ cao và kinh nghiệm đầu tư sâu sắc. Do nguồn vốn dồi dào, các cổ đông PE thường đầu tư với ý định tài trợ cho các nhu cầu mở rộng CAPEX lớn. Bên cạnh đó, họ không đầu tư vào giai đoạn đầu của một doanh nghiệp – thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro; thay vào đó, họ thích đầu tư vào các công ty đã có nguồn thu nhập và đã hoạt động trong một vài năm. Các nhà đầu tư PE thường yêu cầu gửi gắm người của họ vào Hội đồng quản trị của công ty được đầu tư, nhằm đảm bảo công ty điều được hành theo đúng định hướng. Việc huy động vốn PE và sử dụng vốn cho các yêu cầu CAPEX có thể mất đến vài năm.
Giả sử các nhà đầu tư PE đồng ý mua 20% cổ phần với giá trị 10 tỷ đồng, điều đó nghĩa là hiện tại họ đang định giá công ty ở mức 50 tỷ. Một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhìn lại cơ cấu cổ đông hiện tại.
Vòng 5 – Phát hành lần đầu ra công chúng (IPO)
Điều này có nghĩa là công ty cần đầu tư vào nghiên cứu thị trường quốc tế để hiểu về nhu cầu ở các quốc gia khác, đầu tư vào đội ngũ nhân sự phát triển thị trường và mở rộng năng lực sản xuất.
Giai đoạn này yêu cầu CAPEX là rất lớn và ban quản lý ước tính con số này lên tới 100 tỷ. Công ty có một số lựa chọn để tài trợ cho yêu cầu CAPEX này:
- Đầu tư Capex từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
- Huy động vốn vòng Series D từ một quỹ PE khác.
- Vay nợ ngân hàng
- Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (đây là một hình thức vay nợ khác)
- Huy động vốn từ công chúng – các nhà đầu tư cá nhân (IPO).
Để dễ hình dung, chúng ta hãy giả sử công ty quyết định tài trợ một phần cho CAPEX thông qua các khoản lợi nhuận giữ lại và số còn lại huy động qua IPO. Khi một công ty nộp hồ sơ IPO, họ phải chào bán cổ phiếu của mình ra công chúng. Công chúng – các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ đăng ký mua cổ phiếu Green Food bằng cách trả một mức giá nhất định và tham gia đấu giá công khai. Đây chính là khái niệm IPO mà chúng ta nhắc đến ở đầu bài biết.
Quay trở lại ví dụ của chúng ta, hiện tại công ty đang ở một thời điểm rất quan trọng, nơi mà một số câu hỏi cần được trả lời:
- Tại sao công ty quyết định IPO? Hay nói cách khác, tại sao các công ty lại muốn niêm yết và phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán?
- Tại sao công ty không nộp hồ sơ IPO ngay khi họ đang ở trong tình huống của các vòng huy động vốn Series A, B và C?
- Điều gì sẽ xảy ra với các cổ đông cũ hiện tại sau khi IPO?
- Công chúng tìm kiếm điều gì trước khi đăng ký mua cổ phiếu IPO?
- Quá trình IPO diễn biến như thế nào?
- Trung gian tài chính nào tham gia vào thị trường IPO?
- Điều gì xảy ra sau khi công ty IPO?
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Những vấn đề quan trọng cần biết về IPO
Một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên bạn cần biết vì thị trường IPO, hay còn được gọi là Thị trường sơ cấp, đó là đôi khi nó thu hút các công ty chào bán cổ phiếu của họ ra công chúng mà không thực sự trải qua các vòng gọi vốn lành mạnh trong quá khứ một cách bài bản như Green Food.
Một vài vòng tài trợ của các quỹ đầu tư VC và PE đáng tin cậy sẽ xác nhận chất lượng của doanh nghiệp và giúp các nhà đầu tư đặt niềm tin vào nó. Bạn có thể coi đây là một chỉ tiêu khi đánh giá một doanh nghiệp IPO, bằng việc xem xét cơ cấu cổ đổng của nó trước khi IPO có bao gồm nhiều tổ chức, quỹ đầu tư lớn đang tin cậy hay không.
Mục đích của việc IPO là gì?
Khi một công ty quyết định nộp hồ sơ IPO, lý do chính luôn là để huy động vốn nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Người chủ doanh nghiệp có 3 lý do quan trọng khi đưa công ty của mình ra công chúng:
- Anh ấy đang gây quỹ để đáp ứng yêu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, hay đầu tư vào CAPEX.
- Anh ta đang tránh phải tăng các khoản vay nợ, vì điều này có nghĩa là anh ta không phải trả thêm các khoản chi phí lãi vay, điều này giúp đảm bảo là khả năng sinh lời tốt hơn.
- Bất cứ khi nào bạn mua cổ phần của một công ty, về bản chất, bạn đang chấp nhận chia sẻ mức rủi ro cùng với người chủ doanh nghiệp. Tất nhiên, mức độ rủi ro lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu bạn nắm giữ. Tuy nhiên, dù bạn muốn hay không, khi bạn mua cổ phiếu, bạn cũng đang chấp nhận rủi ro. Vì vậy, khi công ty ra mắt công chúng, người chủ doanh nghiệp đang muốn phân tán rủi ro, cũng như lợi ích của mình cho những nhà đầu tư khác.
Một số lý do khác để IPO
- Thời điểm chốt lời cho các nhà đầu tư sớm: Sau khi công ty niêm yết cổ phiếu, cổ phiếu của công ty bắt đầu được giao dịch công khai trên thị trường. Bất kỳ cổ đông hiện tại nào của công ty, bao gồm CEO, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ PE có thể sử dụng cơ hội này để bán chốt lời cổ phiếu của họ trên thị trường sau nhiều năm chờ đợi.
- Khen thưởng cho nhân viên – Những nhân viên làm việc cho công ty sẽ được tặng thưởng cổ phần công ty như một sự khích lệ. Hình thức này gọi là ESOP (Employee Stock Ownership Plan). Cổ phiếu được tặng hoặc mua lại với mức giá ưu đãi cho các cán bộ công nhân viên lâu năm. Một khi công ty niêm yết cổ phiếu, các nhân viên có cơ hội kiếm lời từ sự tăng giá cổ phiếu.
- Tăng nhận diện thương hiệu và uy tín của công ty – Việc giao dịch công khai chắc chắn làm tăng khả năng tiếp cận của thương hiệu công ty đối với công chúng, đồng thờicải thiện vị thế của công ty trong mắt khách hàng và các nhà đầu tư.
Hãy tiếp tục quay lại với câu chuyện của chúng ta về Green Food, để tìm hiểu chi tiết hơn về hành trình IPO của công ty này.
Ở phần trên, công ty hiện đang cần một khoản vốn 100 tỷ cân thiết để tài trợ cho CAPEX của họ và ban lãnh đạo đã quyết định tài trợ một phần bằng lợi nhuận giữ lại và một phần huy động qua IPO. Hãy nhớ lại khi đó rằng công ty vẫn còn 15% vốn điều lệ tương ứng với 7,500 cổ phần chưa được phân bổ.
Vì vậy, nếu công ty đưa ra công chúng 15% cổ phần cuối cùng này, họ sẽ mong muốn thu về ít nhất là 100 tỷ – tất nhiên là càng nhiều hơn thì càng tốt. Nếu đợt phát hành này thành công vượt mong đợi, giả sử lượng cổ phần 15% này được mua hết với giá 150 tỷ, mức định giá khi đó của Green Food sẽ đạt mức 1,000 tỷ – gấp 1,000 lần so với thời điểm thành lập. Một lần nữa xin được chúc mừng các cổ đông sáng suốt !
Sự tham gia của Ngân hàng đầu tư (Investment Banking)
Sau khi quyết định việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, giờ đây công ty phải thực hiện một số công việc để đảm bảo đợt chào bán diễn ra thành công. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm một tổ chức chức tư vấn và bảo lãnh phát hành (Investment Banking – IB), thường là các công ty chứng khoán. Công việc của một IB là hỗ trợ công ty về các công đoạn khác nhau của quá trình IPO, bao gồm:
- Tiến hành thẩm định về công ty nộp hồ sơ IPO, đảm bảo tuân thủ pháp luật và sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước.
- Chuẩn bị các tài liệu niêm yết như Bản cáo bạch, Báo cáo tài chính, Báo cáo thẩm định giá,…
- Xác định số lượng cổ phiếu bán ra và mức giá khởi điểm.
- Giúp công ty thực hiện các buổi roadshow với các nhà đầu tư- đây giống như một hoạt động quảng cáo / tiếp thị cho đợt IPO của công ty.
- Tổ chức đấu giá cổ phần.
- Bảo lãnh phát hành cổ phiếu – Bằng cách bảo lãnh phát hành cổ phiếu, các tổ chức bảo lãnh về cơ bản đồng ý mua lại toàn bộ hoặc một phần lượng cổ phiếu IPO, sau đó nắm giữ hoặc bán lại cho công chúng.
Điều gì xảy ra tiếp theo sau khi IPO?
Trong quá trình đấu giá cổ phần (tại ngày phát hành IPO), các nhà đầu tư có thể đặt giá mua cổ phiếu ở một mức giá cụ thể trong biên độ giá quy định (ví dụ đối với cổ phiếu niêm yết trên HOSE là +/- 20%). Toàn bộ quá trình diễn ra tại ngày IPO, nơi một người đặt giá mua cổ phiếu phát hành lần đầu, được gọi là Thị trường sơ cấp.
Sau đó là thời điểm IPO, cổ phiếu bắt đầu được giao dịch công khai giữa các nhà đầu tư với nhau. Đây được gọi là thị trường thứ cấp.
Khi cổ phiếu chuyển đổi từ thị trường sơ cấp sang thị trường thứ cấp, cổ phiếu sẽ được giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là hoạt động giao dịch kiếm lời chính mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ chúng ta tham gia, và cũng là mục tiêu hướng tới của các học phần kiến thức sau này của Green Chart.
Một số thương vụ IPO lớn thành công tại thị trường Việt Nam
Ở bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số hình thức huy động vốn sau khi IPO và niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp. Đây cũng là những khái niệm gắn liền với thuật ngữ “game tăng vốn” – rất phổ biến trên thị trường chứng khoán.
Happy trading !