Mô hình 5 áp lực cạnh tranh Porter (Porter’s Five Forces) là mô hình phân tích 5 yếu tố cạnh tranh trong một ngành, nhằm xác định các điểm mạnh và điểm yếu của ngành, từ đó có thể giúp công ty đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn. Lý thuyết này được phát minh bởi giảng viên Đại học Havard, Giáo sư Michael Porter.
Mô hình Porter là một mô hình phân tích ngành, giúp giải thích sự khác nhau trong tỷ suất sinh lời giữa các ngành khác nhau. Mô hình này hiện nay được sử dụng rộng rãi bởi các nhà phân tích để phân tích cấu trúc của một ngành, cũng như được các nhà lãnh đạo sử dụng để đưa ra chiến lược kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp.
Khi xem xét mô hình 5 nhân tố của Micheal Porter, chúng ta cần lưu ý: khi nhìn nhận theo “chiều dọc”, chúng ta đang xem xét các yếu tố tác động đến khả năng cảnh tranh của những doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành. Trong khi đó khi xem xét theo “chiều ngang”, chúng ta đang xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị ngành.
Mục tiêu cuối cùng của mô hình 5-Forces là để thể hiện khả năng sinh lời của một ngành và mức độ bền vững của tỷ suất sinh lời của ngành.
5 yếu tố trong mô hình 5-Forces là:
- Rào cản gia nhập ngành.
- Sự đe dọa của sản phẩm thay thế.
- Sức mạnh mặc cả của nhà cung cấp.
- Sức mạnh mặc cả của khách hàng.
- Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội bộ ngành.
Rào cản gia nhập ngành
Sức mạnh của một doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi đối thủ mới gia nhập thị trường. Việc đối thủ mới gia nhập vào ngành có thể làm giảm thị phần của các doanh nghiệp trong ngành qua đó tác động đến tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp hiện tại trong ngành. Thông thường, một doanh nghiệp khi mới gia nhập ngành sẽ phải đối mặt với một số rủi ro như sau:
- Rào cản từ Chính phủ: có một số ngành mà Chính phủ hạn chế các doanh nghiệp tham gia vì mang tính nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn đến ngành khác, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội … thì việc gia nhập ngành của những doanh nghiệp bên ngoài sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành với đối thủ tiềm ẩn ngoài ngành sẽ thấp. Tại Việt Nam, một số ngành mà Chính phủ thường có những yêu cầu nghiêm ngặt nếu doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh như hàng không, viễn thông, điện…
- Thương hiệu và bản quyền: trên thực tế, có nhiều ngành đòi hỏi kiến thức lớn, những yêu cầu nghiêm ngặt về bản quyền đối với những doanh nghiệp muốn gia nhập, do đó nó cũng là rào cản rất lớn cho những doanh nghiệp ngoài ngành gia nhập vào ngành. Ví dụ, tại Trung Quốc, ngành công nghiệp sản xuất pin lithium trước đây có những yêu cầu nghiêm ngặt về chứng nhận bản quyền.
- Rào cản về vốn đầu tư: những ngành yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn và điều này tạo ra rào cản cho những doanh nghiệp muốn gia nhập ngành.
- Lợi thế về quy mô (Economics of Scale): đây cũng được xem là yếu tố rào cản khi gia nhập vào ngành, khi mà những doanh nghiệp trong ngành có lợi thế về quy mô lớn thì việc những doanh nghiệp mới muốn gia nhập ngành càng trở nên khó khăn hơn.
Rủi ro từ sản phẩm thay thế
Trong phân tích mức độ cạnh tranh của ngành, sản phẩm thay thế là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Sản phẩm thay thế đề cập tới các hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này có thể thay thế hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác với cùng một mức giá, cùng chất lượng sản phẩm nhưng khác nhau về ưu đãi hoặc mẫu mã (chẳng hạn như thịt lợn và thịt gà).
Nếu một mặt hàng có nhiều loại sản phẩm khác có khả năng thay thế tốt, khách hàng sẽ càng có nhiều lựa chọn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, do đó sức mua của người dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp sẽ giảm sút. Ngược lại, nếu một mặt hàng có ít các sản phẩm có thể thay thế được hoàn toàn, sức mạnh của các doanh nghiệp sẽ tăng lên và họ có thể đưa ra giá bán cao nhằm tăng lợi nhuận.
Trong một số trường hợp, mối đe dọa từ sản phẩm thay thế sẽ gia tăng khi:
- Chi phí chuyển đổi từ sản phẩm của ngành sang sản phẩm thay thế là thấp (chi phí chuyển đổi thấp tức là người tiêu dùng càng dễ lựa chọn sản phẩm thay thế thay vì chọn sản phẩm của doanh nghiệp).
- Sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn so với sản phẩm của ngành.
- Chất lượng sản phẩm thay thế cao hơn hoặc bằng sản phẩm của ngành.
Sức mạnh mặc cả của nhà cung cấp
Yếu tố tiếp theo trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh đó là sức mạnh mặc cả của các nhà cung cấp. Trên thực tế, hầu như mọi ngành nào hay doanh nghiệp nào cũng cần có nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong khi đó có những ngành, nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng nhất hoặc chiếm nhiều chi phí nhất, do đó sức mạnh của nhà cung cấp là vô cùng quan trọng quyết định tỷ suất sinh lời của ngành.
Có nhiều yếu tố có thể tác động đến sức mạnh của nhà cung cấp, trong đó điển hình như:
- Có khả năng tăng giá nguyên liệu đầu vào dù không có biến động nào về nhu cầu hàng hóa.
- Có khả năng giảm chất lượng dù giá không đổi.
- Khi số lượng nhà cung cấp trên thị trường hạn chế, họ có thể cộng tác lại với nhau và điều chỉnh sản lượng để khiến giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.
- Không có nguyên liệu đầu vào thay thế.
- Sản phẩm của nhà cung cấp có vai trò quan trọng trong cơ cấu chi phí của ngành.
- Nhà cung cấp có thể áp đặt hay đưa ra hình thức “phạt” khi mà doanh nghiệp trong ngành chuyển sang nhà cung cấp khác.
- Nhà cung cấp có khả năng thực hiện mởi rộng chuỗi giá trị của họ mà không quá phụ thuộc vào ngành.
Sức mạnh mặc cả của khách hàng
Sức mạnh mặc cả/trả giá của khách hàng (người mua) cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến một ngành. Yếu tố này ảnh hưởng lớn đến sản lượng đầu ra của các doanh nghiệp trong ngành. Sức mạnh mặc cả của người mua có thể bị ảnh hưởng khi:
- Mức độ tập trung của khách hàng cao.
- Chi phí chuyển đổi của khách hàng thấp. Khách hàng có thể chuyển từ sản phẩm của ngành mình sang ngành khác một cách dễ dàng.
- Khách hàng am hiểu chi tiết về sản phẩm của ngành.
- Có nhiều người bán, tức khách hàng sẽ có thể thay đổi nhà cung cấp dễ dàng, đa dạng sự lựa chọn.
- Sản phẩm có ít sự khác biết so với nhưng sản phẩm ngành khác.
- Khách hàng có khả năng tự sản xuất.
Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội bộ ngành
Theo M.Porter, yếu tố đầu tiên tác động tới trong mô hình là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Đối thủ cạnh tranh trong ngành hiện tại là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm giống với doanh nghiệp của bạn, cùng mức giá, cùng phân khúc khách hàng, chất lượng sánh ngang nhau.
Để đánh giá yếu tố này, chúng ta có 2 chỉ số tương đối phổ biến đó là Chỉ số tập trung (Concentration Ratio) và Chỉ số Herfindahl – Hirschmann (HHI).
Cụ thể, Chỉ số tập trung là chỉ số thể hiện tỷ trọng của những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành so với toàn ngành. Nó phản ánh mức độ tập trung hóa người bán trên thị trường và vì vậy có thể dùng làm biến đại diện cho cơ cấu thị trường… VD: CR4 là tổng giá trị vốn hóa của 4 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, CR10 là tổng giá trị vốn hóa của 10 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành. Những ngành mà có chỉ số tập trung càng thấp thì mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành càng lớn và ngược lại.
Trong khi đó, HHI được sử dụng đề nhận biết mức độ cạnh tranh của thị trường là hoàn hảo hay độc quyền cao, chỉ số này được cơ quan cạnh tranh sử dụng để đánh giá mức độ độc quyền hay độc quyền nhóm trong hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp. HHI xác định bằng tổng bình phương thị phần của mỗi doanh nghiệp trong toàn hệ thống.
Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành được đặc trưng bởi một số yếu tố như:
- Sản phẩm giữa các doanh nghiệp không có nhiều khác biệt thì mức độ cạnh tranh càng cao.
- Số doanh nghiệp càng lớn thì mức độ cạnh tranh cũng càng lớn bởi các doanh nghiệp phải tranh giành thị phần của nhau để tồn tại.
- Mức độ tăng trưởng của ngành thấp sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh vì khi đó giá giảm, doanh số giảm khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tích cực gia tăng giữ thị phần của mình.
- Chi phí chuyển đổi thấp cũng sẽ khiến các doanh nghiệp gia tăng cạnh tranh để giữ khách hàng của mình.
- Chi phí tồn kho của một ngành lớn cũng buộc các doanh nghiệp trong ngành phải cố gắng tìm kiếm khách hàng để bán nhanh sản phẩm, khi đó mức độ cạnh tranh sẽ càng lớn.
- Một ngành có rào cản rời ngành lớn thì doanh nghiệp trong ngành cũng cố gắng hoạt động dù cho hoạt động của mình bị lỗ, khi đó mức độ cạnh tranh cũng gia tăng
- Chi phí cố định lớn kéo theo đó là chi phí định phí cao buộc doanh nghiệp phải gia tăng công suất hoạt động lớn hơn để hoạt động kinh doanh không bị lỗ và điều này cũng khiến mức độ cạnh tranh trong ngành gia tăng.
Ví dụ dưới đây minh họa việc áp dụng mô hình Porter cho phân tích ngành xi măng, được trích từ báo cáo ngành xi măng của FPTS.
Việc phân tích các lực lượng cạnh tranh giúp bạn hình dung được bức tranh tổng thể của ngành, đồng thời nhìn ra các cơ hội phát triển trong từng phân khúc để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư phù hợp. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là một công cụ hữu ích giúp chúng ta có cái nhìn khách quan khi Phân tích ngành và đây cũng là một học phần rất thú vị và cần thiết trong khuôn khổ khóa học Stock Trading Camp tại Green Chart.
Happy Trading !