Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường được nghe rất nhiều đến cụm từ “lãi chồng lãi”, hay “lãi mẹ đẻ lãi con”. Đây chính là một cách diễn đạt điển hình của một hình thức tính lãi đó là “lãi kép”. Mà đã có kép, thì thường cũng sẽ phải có đơn! Vậy lãi đơn và lãi kép cụ thể là gì? Hãy cùng Green Chart tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Lãi đơn là gì?
Lãi đơn (simple interest) là phương pháp tính lãi phổ biến nhất mà chúng ta vẫn thường gặp. Nó được hiểu đơn giản là khoản tiền được trả hoặc nhận trong một thời hạn nhất định, là một tỷ lệ phần trăm cố định của số tiền gốc đã được vay hoặc cho vay.
Lãi đơn được tính dựa trên công thức: Lãi đơn = P × i × n
Trong đó:
P = Số tiền gốc
i = Lãi suất hàng năm (%)
n = Thời hạn cho vay, tính bằng năm
Ví dụ: Anh A vay từ anh B một khoản tiền trị giá 100 triệu đồng. Hai người thống nhất kỳ hạn cho vay là 5 năm với mức lãi suất hàng năm là 10%, trả theo hình thức lãi đơn.
Khi đó, tổng số tiền lãi mà người đi vay phải trả trong 5 năm được tính là: 10% x 100 triệu x 5 = 10 triệu x 5 = 50 triệu.
Đây là hình thức tính tính lãi đơn giản nhất song trên thực tế, nếu người cho vay kỳ vọng vào một mức lợi tức cao chứ không phải một khoản lãi đều qua các năm thì lãi đơn không còn là một lựa chọn tối ưu. Lúc này, người cho vay có thể lựa chọn hình thức cho vay với lãi kép, mà ví dụ điển hình nhất mà chúng ta thường thấy đó là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Vậy:
Lãi kép là gì?
Lãi kép (compound interest) là số tiền lãi được xác định dựa trên cơ sở số tiền lãi của các thời kì trước đó được cộng gộp vào vốn gốc và lấy đó để làm căn cứ tính tiền lãi cho các thời kì tiếp theo.
Lãi kép được tính dựa trên công thức: P x (1 + R)n
Trong đó:
- P = Tiền gốc
- R = Lãi suất hàng kỳ
- n = Số kỳ trả lãi
Tại sao lãi kép lại được tính theo công thức trên? Ví dụ, cũng là khoản vay 100 triệu đồng anh A vay của anh B trong 5 năm với mức lãi suất là 10%/năm ở ví dụ trước, nhưng hiện tại tiền lãi mà anh B mong muốn được tính theo phương pháp lãi kép. Tiền lãi hàng kỳ (năm) mà anh A phải trả sẽ được tính như sau:
Lãi suất năm 1 = 10% x 100 triệu = 10 triệu đồng
Lãi suất năm 2 = 10% x (100 triệu + 10 triệu) = 11 triệu
Lãi suất năm 3 = 10% x (100 triệu + 10 triệu + 11 triệu) = 12,1 triệu
Lãi suất năm 4 = 10% x (100 triệu + 10 triệu + 11 triệu + 12,1 triệu) = 13,31 triệu
Lãi suất năm 5 = 10% x (100 triệu + 10 triệu + 11 triệu + 12,1 triệu + 13,31 triệu) = 14,641 triệu
Như vậy sau 5 năm, tổng số tiền lãi mà anh A phải trả anh B (hay anh B được nhận) sẽ là 61,051 triệu đồng. Tính cả gốc lẫn lãi, anh B nhận về 100.000.000 + 61.05.000 = 161.051.000 đồng và đây chính là kết quả khi chúng ta áp dụng công thức lãi kép ở trên:
100.000 x (1 + 10%)5
= 161.051.000 đồng
Có thể thấy, dưới góc độ của người đi vay, việc được vay bằng lãi đơn sẽ giảm bớt gánh nặng trả lãi hơn cho họ và ngược lại, người cho vay sẽ thích cho vay với lãi kép hơn vì nó đem lại mức lợi tức cao hơn, tiền lãi tăng trưởng nhanh hơn ở chu kỳ mới.
Hiệu ứng lãi kép
Nhà vật lý Albert Einstein đã từng mô tả “lãi kép” như một kỳ quan thứ 8 của thế giới. Lãi kép hay lợi nhuận kép trong giới tài chính đề cập đến khả năng tăng trưởng của tiền, với điều kiện lợi nhuận của năm 1 được tái đầu tư cho năm 2, lợi nhuận của năm 2 được tái đầu tư cho năm 3, v.v.
Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn đầu tư 100.000.000 đồng, dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 20% hàng năm (điều này còn được gọi là CAGR hoặc đơn giản là tốc độ tăng trưởng). Vào cuối năm đầu tiên, số tiền tăng lên đến 120.000.000 đồng.
Vào cuối năm 1, bạn có hai lựa chọn:
- Hãy để 20.000.000 đồng lợi nhuận vẫn được đầu tư cùng với số tiền gốc ban đầu là 100.000.000 đồng hoặc
- Rút lợi nhuận 20.000.000 đồng.
Bạn quyết định không rút 20.000.000 đồng lợi nhuận; thay vào đó, bạn quyết định tái đầu tư tiền cho năm thứ 2. Vào cuối năm thứ 2, 120.000.000 tăng 20% lên 144.000.000 đồng. Vào cuối năm thứ 3, 144.000.000 đồng tăng 20% lên 173.000.000, …
So sánh điều này với việc rút tiền lãi 20.000.000 đồng mỗi năm. Nếu bạn chọn rút 20.000.000 mỗi năm thì vào cuối năm thứ 3, lợi nhuận thu được sẽ là 60.000.000 đồng.
Tuy nhiên, vì bạn quyết định tiếp tục đầu tư, nên lợi nhuận sau 3 năm là 73.000.000 đồng. Đây là khoản lợi ích lên tới 13.000.000 đồng tương đương 21,7% so với thu nhập 60.000.000 đồng nếu bạn đã chọn không rút mộ đồng tiền lãi hàng năm nào cả và quyết định tiếp tục đầu tư.
Đây được gọi là hiệu ứng lãi kép.
Hãy để chúng tôi phân tích sâu hơn một chút, hãy xem biểu đồ dưới đây:
Biểu đồ trên cho thấy 100.000.000 đồng được đầu tư ở mức 20% tăng trưởng như thế nào trong khoảng thời gian 10 năm.
Các yếu tố tác động đến hiệu ứng lãi kép
Lãi kép và mức độ tác động của nó có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố chính như sau:
Kỳ hạn: Yếu tố kỳ hạn có thể được coi là quan trọng nhất đối với các khoản tiền gửi tính lãi kép. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy số tiền lãi thu về trong những năm đầu không chênh lệch nhiều so với lãi đơn. Tuy nhiên nếu thời gian tính lãi kéo dài (từ 10 năm trở lên) thì hiệu ứng lãi kép mới thực sự có tác động lớn đến tài sản của chúng ta. Quy tắc cơ bản là số kỳ hạn lãi kép càng cao thì số tiền lãi kép càng lớn.
Tiền gốc: Khoản tiền gốc này cũng đóng một vai trò quan trọng trong hiệu ứng lãi kép. Hiển nhiên là nếu tiền gốc càng lớn thì số tiền lãi tương ứng cũng sẽ lớn. Và khi kết hợp với hiệu ứng lãi kép, khả năng gia tăng tài sản của người nắm giữ sẽ cao hơn.
Lãi suất: Tương tự như tiền gốc, mức lãi suất càng cao thì số tiền lãi người gửi tiền nhận được sẽ càng lớn. Bản chất của lãi kép là tái đầu tư số tiền lãi nhận được bằng việc nhập lãi vào tiền vốn. Do đó, số tiền lãi cao thì tiền lời sẽ càng tăng trưởng mạnh hơn ở những kỳ tiếp theo.
Số kỳ tính lãi: Người gửi tiền và người đi vay có thể thống nhất về các mốc thời gian mà tiền lãi được gộp vào tiền gốc. Nó có thể là hằng ngày, hằng tháng, hằng quý hay hằng năm. Tuy nhiên, số tiền lãi sẽ tăng đều đặn hơn nếu số kỳ tính lãi cũng được lặp lại đều đặn, từ đó mang lại số lợi nhuận lớn trong tương lai.
Happy Trading !