Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay, rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta đã được thực hiện hoặc hỗ trợ bởi máy móc và công nghệ hiện đại. Lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài chính đầu tư cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (Machine Learning)..v.v… đã dần được ứng dụng ngày càng nhiều hơn, trong đó đặc biệt phải kể đến các robot chứng khoán hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn là Bot chứng khoán giúp cải thiện hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư.
Robot chứng khoán là gì?
Khác với tưởng tượng của nhiều người khi nghe đến từ robot, các robot chứng khoán không tồn tại ở hình thái vật lý như chúng ta thường hình dung như Asimo – chú robot với hình dáng đáng yêu và là niềm tự hào của người dân Nhật Bản hay gần đây nhất là Sophia – Công dân robot đầu tiên của thế giới với khuôn mặt như một người phụ nữ.
Robot chứng khoán đề cập đến một công cụ có khả năng thực hiện các giao dịch (đặt lệnh) một cách tự động, dựa trên bộ quy tắc do người phát triển nó đặt ra. Những bộ quy tắc này được xây dựng trên thông tin đầu vào là các dữ liệu về thời gian, giá, khối lượng hoặc bất cứ mô hình toán học/định lượng nào (quantitative model).
Theo Investopedia, một robot giao dịch theo thuật toán (algorithmic trading robot) đề cập tới một chương trình lập trình máy tính có khả năng tạo và thực hiện các tín hiệu mua-bán trên thị trường. Robot giao dịch thường sẽ bao gồm các quy tắc gia nhập (entry rules) giúp báo hiệu đâu là thời điểm nên bán hoặc mua, quy tắc thoái lui (exit rules) cho biết thời điểm rời bỏ vị thế hiện tại và quy tắc giúp xác định được khối lượng giao dịch (position sizing rules).
Một số đặc điểm của Robot chứng khoán
Xây dựng chiến thuật giao dịch theo thuật toán
Một trong những bước đầu tiên để xây dựng và phát triển thuật toán giao dịch chính là thể hiện được một số đặc điểm cốt lõi mà mọi chiến lược giao dịch theo thuật toán cần phải có. Các chiến thuật cũng phải dựa trên sự quan sát tình hình thị trường và bối cảnh nền kinh tế, đồng thời mô hình toán học được sử dụng trong việc phát triển chiến lược cũng phải dựa trên các phương pháp thống kê hợp lý.
Tiếp theo đó, chúng ta cần xác định được những thông tin đầu vào cho quá trình phân tích của robot. Để chiến lược giao dịch diễn ra tự động, robot cần xác định được những điểm kém hiệu quả một cách liên tục của thị trường (persistent market inefficiencies). Theo lý thuyết kinh tế, thị trường không hiệu quả là thị trường mà tại đó giá cả của tài sản không phản ánh chính xác giá trị thực của nó vì một số lý do, từ đó dẫn đến sụt giảm phúc lợi xã hội. Trong thực tế, hầu hết các thị trường đều thể hiện một số mức độ kém hiệu quả, và trong trường hợp cực đoan, một thị trường kém hiệu quả có thể là một ví dụ về sự thất bại của thị trường.
Các chiến lược giao dịch theo thuật toán tuân theo một bộ quy tắc nghiêm ngặt sẽ tận dụng những “hành vi” của thị trường. Mà để hình thành nên hành vi thì cần phải được thực hiện lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Theo đó, thuật toán sẽ bám sát những hành vi như vậy để lập trình viên có thể xây dựng chiến lược cho riêng mình. Hơn nữa, nếu không xác định được nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả của thị trường thì sẽ không có cách nào xác định được sự thành công hay thất bại của chiến lược có phải do ngẫu nhiên hay không.
Hiện nay, việc xây dựng chiến thuật giao dịch cho các robot thường dựa trên việc khai thác lợi thế từ những khía cạnh như: tin tức vĩ mô (thay đổi lãi suất, thuế…), phân tích cơ bản (doanh thu, lợi nhuận…), phân tích thống kê (giá trị tương quan, phương sai…), phân tích kỹ thuật (đường trung bình động, chỉ số RSI…)…
Kiểm thử (Backtesting) và Tối ưu hóa (Optimization)
Backtesting tập trung vào việc xác thực liệu robot giao dịch có đang thực hiện những gì bạn muốn và hiểu cách chiến lược hoạt động qua các khung thời gian, loại tài sản hoặc điều kiện thị trường khác nhau hay không, đặc biệt là trong các sự kiện “thiên nga đen” như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 hay đại dịch Covid19 vừa qua.
Bên cạnh đó, khi sở hữu robot giao dịch, bạn cũng sẽ muốn tối đa hóa hiệu suất của nó đồng thời giảm mức độ thiếu khách quan (bias). Để tối đa hóa hiệu suất, trước tiên bạn cần chọn một thước đo hiệu suất tốt để bao quát được các yếu về tố rủi ro và lợi nhuận (risk and reward) (ví dụ: hệ số Sharpe).
Trong khi đó, xu hướng thiếu khách quan quá mức xảy ra khi robot của bạn quá phụ thuộc vào dữ liệu quá khứ từ đó tạo ra ảo tưởng về hiệu quả hoạt động tốt, nhưng do những diễn biến trong tương lai không bao giờ hoàn toàn giống với quá khứ, chính vì vậy mà kế hoạch trên có thể thất bại. Cho robot luyện tập với nhiều tệp dữ liệu hơn, loại bỏ các tính năng đầu vào không liên quan và đơn giản hóa mô hình có thể khắc phục được tình trạng trên.
Ưu và nhược điểm của Robot chứng khoán
Cũng giống như các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ thông tin và máy móc khác, việc sử dụng robot trong giao dịch chứng khoán có một số ưu và nhược điểm như sau:
Ưu điểm
Robot chứng khoán giúp việc mua bán được diễn ra tại mức giá tốt nhất, vào đúng thời điểm và ngay tức thì nhằm tránh xảy ra tình trạng giá chứng khoán thay đổi.
Khác với con người khi thực hiện bất kỳ công việc thủ công nào cũng sẽ tiềm ẩn những sai sót do chính chúng ta tạo ra (human errors), robot chứng khoán sẽ giúp chúng ta đặt lệnh giao dịch một cách chính xác, ít tồn tại lỗi thao tác và tránh trường hợp thao tác chậm do con người. Chẳng hạn, khi muốn đặt lệnh mua một cổ phiếu ở mức giá X, chúng ta hoàn toàn có thể nhập sai thành mức giá Y mà không hề hay biết, và cuối cùng khi khớp giá mua Y sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khoản đầu tư của chúng ta. Trong khi đó, khi sử dụng robot giao dịch chứng khoán, các giao dịch được diễn ra một cách tự động với xác suất xảy ra sai sót thấp hơn hẳn so với con người.
Bên cạnh đó, sử dụng robot giao dịch chứng khoán còn giúp loại bỏ yếu tố cảm xúc và tâm lý trong quá trình giao dịch. Vấn đề tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến mỗi quyết định đầu tư, đặc biệt là đối với nhóm nhà đầu tư F0. Họ dễ dàng bị tác động bởi ý kiến của người khác cùng rất nhiều thông tin trên thị trường. Là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, còn thiếu kinh nghiệm, tâm lý của nhóm F0 dễ bị giao động, cảm xúc bị chi phối và từ đó không thể giữ được kỷ luật đầu tư.
Trong khi đó, những chiếc robot giao dịch không có yếu tố cảm xúc, chúng sẽ tuân thủ theo quy tắc giao dịch do nhà phát triển đặt ra ngay từ đầu, chính vì vậy các giao dịch sẽ diễn ra khách quan và hiệu quả hơn.
Nhược điểm
Bên cạnh ưu điểm, việc giao dịch dựa trên hệ thống robot cũng tồn tại một số nhược điểm như sau:
Dữ liệu đầu vào cho các phân tích của các robot giao dịch chứng khoán thường là giá và thanh khoản, chứ khó bao gồm các yếu tố tài chính của doanh nghiệp – yếu tố tạo nên giá trị nội tại của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong trường hợp thị trường xảy ra tình trạng thao túng, robot hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định giao dịch thiếu chính xác hay những thông báo mua ở một cổ phiếu kém chất lượng.
Bên cạnh đó, robot giao dịch chỉ thực sự hiệu quả khi cổ phiếu có một xu hướng giá rõ ràng. Ở những giai đoạn cổ phiếu đi ngang, các robot này có thể đưa ra thông báo mua, sau đó ngay lập tức đưa ra thông báo bán, thay đổi liên tục khiến nhà đầu tư phải nhanh chóng đổi vị thế, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của họ.
Cuối cùng, với đặc điểm của robot giao dịch chứng khoán đã được nêu ở phía trên, do các robot này hoạt động theo thuật toán ban đầu do người lập trình xây dựng, chính vì vậy mà nhà đầu tư không thể can thiệp vào hệ thống để tìm được cổ phiếu cho riêng mình.
Tổng kết lại, robot chứng khoán sẽ là công cụ hữu ích đối với nhà đầu tư nếu chiến lược đầu tư đã được xây dựng một cách kỹ càng và hiệu quả. Việc có sử dụng robot trong giao dịch chứng khoán hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng và nhu cầu sử dụng của chúng ta, chính vì thế mỗi nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng trước khi đưa ra quyết định có nên sử dụng công cụ này hay không.
Happy Trading !