Theo lý thuyết kinh tế tiêu chuẩn, giá trị 100 USD phải như nhau bất kể nó được kiếm bằng cách nào. Tuy nhiên, lý thuyết tài chính hành vi lại không đồng ý với quan điểm trên. Theo tài chính hành vi, con người có xu hướng gán giá trị khác nhau cho các khoản tiền có giá trị tương đương với nhau dựa trên cách mà chúng được kiếm ra. Khái niệm này được thiết lập bởi nhà tâm lý học Richard Thaler và được gọi là “kế toán nhận thức”. Trong khuôn khổ nội dung của bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu sự thiên lệch kế toán nhận thức và ảnh hưởng của nó đối với hành vi đầu tư.
Kế toán nhận thức là gì?
Thuật ngữ “kế toán nhận thức” được Richard Thaler đề cập lần đầu tiên trong một bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Behavioral Decision Making có tiêu đề “Mental Accounting Matters”. Theo Thaler, nhận thức của con người về giá trị của tiền bạc khiến họ đưa ra những quyết định phi logic.
Về cơ bản, kế toán nhận thức khẳng định rằng các cá nhân có những định nghĩa không giống nhau về tiền bạc dựa trên các khía cạnh chủ quan và nó thường dẫn đến các quyết định chi tiêu và đầu tư không hợp lý. Nói cách khác, con người thường đưa ra những quyết định tài chính mang tính chủ quan (dựa trên phán đoán hay lập luận cảm tính) và điều này dễ gây ra những hệ quả bất lợi cho bản thân mà họ không nhận ra.
Ý tưởng về khái niệm này cũng chỉ ra rằng các cá nhân gán các khoản tiền với các mục đích sử dụng riêng chứ không thể thay thế cho nhau. Ví dụ: nếu một cá nhân có thành tích xuất sắc trong công việc và được nhận khoản tiền thưởng cuối năm là 20 triệu đồng, họ có thể cho phép mình chi tiêu số tiền này vào các mặt hàng xa xỉ, đi tới những nhà hàng sang trọng, các chuyến du lịch dài ngày… trong khi nếu 20 triệu đó là thu nhập hàng tháng, họ sẽ không bao giờ làm vậy.
Một số ví dụ về kế toán nhận thức
Các khoản thuế được hoàn lại, tiền thưởng hay tiền trúng xổ số được coi là những ví dụ điển hình cho thấy sự ảnh hưởng của kế toán nhận thức đến hành vi của con người, cụ thể như sau:
Các khoản thuế được hoàn lại
Đây là khoản tiền mà người đóng thuế cho cơ quan quản lý nhà nước đã nộp vượt quá so với nghĩa vụ được quy định và sẽ được hoàn lại. Trên thực tế, hầu hết những người nộp thuế coi tiền thuế được hoàn lại như một khoản tiền thưởng hoặc một khoản tiền không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách hàng năm của họ. Tuy nhiên việc nhìn nhận như vậy là không chính xác bởi đó thực chất là tiền thuộc về người nộp thuế, là của chính họ chứ không phải tiền thưởng.
Tiền thưởng
Tiền thưởng là một khoản tiền người lao động được nhận bên cạnh tiền lương hàng kỳ. Tiền thưởng đóng vai trò như một sự khích lệ, động viên cho nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân sự cấp cao của một công ty. Ngoài ra, các công ty sử dụng các biện pháp khuyến khích này để ghi nhận những thành tích đặc biệt hoặc một cột mốc quan trọng nhất định.
Trong khi đó, nhân viên thường nhìn nhận tiền thưởng theo một cách khác so với thù lao thông thường. Do đó, nhiều nhân viên chi tiền thưởng của họ cho những thứ không thực sự cần thiết tại thời điểm đó như xe cộ, du lịch hay quần áo đắt tiền,… Chi tiêu như vậy đi ngược lại với nguyên tắc thay thế. Trước khi chi tiền thưởng cho những khoản mua sắm quá mức, nhân viên nên cân nhắc xem số tiền đó có thể được chi vào việc gì khác hợp lý hơn hay không.
Trúng xổ số
Những người trúng xổ số và trở nên giàu có đôi khi lại đi phung phí tài sản của mình vào những món đồ không thực sự cần thiết, vốn chỉ có thể mua được nhờ khoản tiền kếch xù tự dưng họ nhận được như vậy. Kết quả là rất nhiều người trúng xổ số bị phá sản ngay sau khi giàu có chưa được bao lâu.
Kế toán nhận thức ảnh hưởng tới đầu tư như thế nào?
Về bản chất, hoạt động đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng rất lớn bởi những phán đoán hay nhận định chủ quan của nhà đầu tư. Chính vì vậy, đầu tư có liên quan mật thiết tới kế toán nhận thức.
Tác giả cho rằng tất cả các khoản tiền (chi tiêu cho bất kỳ mục đích nào) đều có thể hoán đổi cho nhau và mọi người nên xem xét chúng một cách bình đẳng, bất kể chúng được kiếm ra như thế nào và mục đích sử dụng là gì.
Theo Thaler, mọi người thường bỏ qua nguyên tắc thay thế trong các tình huống liên quan đến tiền thưởng, các khoản thuế được hoàn lại hay trúng xổ số.. Nghiên cứu chỉ ra rằng “tiền quà tặng”, “tiền trên trời rơi xuống” hay “tiền mất cũng chẳng sao” chính là những khoản tiền dễ bị chi tiêu bất hợp lý nhất. Do đó, tác giả khuyến nghị các cá nhân nên xử lý mọi khoản tiền một cách bình đẳng và chi tiêu theo cách tương tự như thu nhập thông thường bằng một chiến lược tài chính hợp lý.Kế toán nhận thức ảnh hưởng đến đầu tư như thế nào?
Nếu một người quyết định tái đầu tư bằng chính khoản lợi nhuận họ kiếm được, khả năng chấp nhận rủi ro của họ sẽ cải thiện đáng kể. Ví dụ, nếu một người sử dụng 10 triệu đồng từ kiếm được bằng công sức lao động vất vả, họ sẽ đầu tư chúng cực kỳ cẩn thận. Tuy nhiên, nếu 10 triệu đó là trích ra từ một phần lãi trước đó, thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không ngần ngại chịu những rủi ro lớn hơn với khoản lãi vốn đó mà họ coi là miễn phí đó.
Kế toán nhận thức có ưu điểm và nhược điểm gì?
Mặc dù đề cập đến những bất lợi vô hình mà cá nhân thường không nhận thức được, thuật ngữ kế toán nhận thức cũng có một số ưu điểm như sau:
Kế toán nhận thức có thể hỗ trợ cá nhân đạt được các mục tiêu đầu tư. Chẳng hạn, trong quá trình tích lũy đầu tư vào tài khoản hưu trí, điều quan trọng là chúng ta không rút tiền ra giữa chừng mà nên kiên trì và giữ kỷ luật tích lũy. Trong tình huống này, kế toán nhận thức giúp chúng ta phân định rạch ròi đây là khoản đầu tư vì mục đích tương lai chứ không phải tài khoản chi tiêu thông thường. Bằng cách này, chúng ta sẽ trở nên kỷ luật hơn, tránh chi tiêu lãng phí và tiết kiệm được một khoản tiền tương tự cho tương lai.
Thông qua kế toán nhận thức, nhà đầu tư sẽ biết phân định rõ ràng mình đang đầu tư vào những khoản gì, từ đó có thể kiểm tra và đánh giá hiệu quả đầu tư định kỳ và đưa ra những cân nhắc điều chỉnh một cách hợp lý.
Mặc dù có những ưu điểm như trên, kế toán nhận thức cũng tồn tại các nhược điểm như sau:
Kế toán nhận thức khiến mọi người có sự phân biệt giữa các khoản tiền từ nhiều nguồn khác nhau, khuyến khích mọi người chi tiêu cho những mục đích không phù hợp như các ví dụ ở trên. Bên cạnh đó, kế toán nhận thức còn khiến các cá nhân có tư duy muốn duy trì một lượng tiền mặt nhàn rỗi, giống như một quỹ sử dụng cho các mục đích khẩn cấp thay vì sử dụng nó để đầu tư hoặc sử dụng nó để thanh toán dứt điểm các khoản nợ với lãi suất cao mà họ đang gánh chịu.
Nhìn chung, kế toán nhận thức là thuật ngữ nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính hành vi. Do tồn tại cả ưu và nhược điểm, chúng ta cần xác định được sự hiện diện của kế toán nhận thức trong mỗi quyết định tài chính của mình để suy xét vấn đề một cách kỹ càng, từ đó đưa ra được những quyết định hiệu quả nhất.
Happy Trading!