Trong quá trình phân tích một mã cổ phiếu, bên cạnh thông tin về giá, nhà đầu tư còn quan tâm đến dữ liệu liên quan đến khối lượng giao dịch của cổ phiếu hay còn được gọi đơn giản là volume giao dịch. Vậy cụ thể volume là gì, nó có ý nghĩa như thế nào và được xác định ra sao? Để giải quyết những câu hỏi trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nội dung này trong các phần tiếp theo của bài viết này.
Khối lượng giao dịch chứng khoán là gì?
Khối lượng giao dịch chứng khoán hay volume giao dịch là một con số thể hiện số lượng chứng khoán được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định (theo phiên giao dịch) hay còn được hiểu là mức độ thanh khoản (đặc trưng bởi dòng tiền) của chứng khoán đó.
Ví dụ: Trong phiên giao dịch ngày 12/04/2022, có 4,356,200 cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes được giao dịch mua-bán thành công (khớp lệnh), vậy 4,356,200 chính là khối lượng giao dịch của cổ phiếu VHM trong ngày.
Khối lượng giao dịch chứng khoán có ý nghĩa như thế nào?
Khi theo dõi khối lượng giao dịch của một cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đưa ra một số những nhận định như sau:
Thứ nhất, khối lượng giao dịch giúp xác định nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường với cổ phiếu là như thế nào. Cụ thể, một cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn cho thấy nó đang được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.
Trong trường hợp khối lượng bán chiếm ưu thế, chúng ta cần đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy, có phải một thông tin tiêu cực nào đó ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khiến họ bán tháo cổ phiếu hay không. Ngược lại trong trường hợp khối lượng mua là chủ yếu, rất có thể nhà đầu tư đang “gom hàng” và kỳ vọng rất cao rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trong thời gian tới.
Thứ hai, thông qua khối lượng giao dịch, nhà đầu tư có thể đưa ra những dự đoán về xu hướng giá cổ phiếu để từ đó đưa ra những chiến lược đầu tư phù hợp. Cụ thể, nếu cung vượt cầu tức là nhu cầu bán tăng, khi đó giá cổ phiếu thường có xu hướng giảm để tăng tính thanh khoản. Ngược lại, khi nhu cầu mua tăng cao hơn nhu cầu bán thì giá của cổ phiếu có xu hướng bị đẩy lên cao hơn.
Thống kê khối lượng giao dịch chứng khoán ở đâu?
Để tìm kiếm dữ liệu thống kê về khối lượng giao dịch của các cổ phiếu, cách đơn giản mà chúng ta có thể làm đó là sử dụng trang thông tin tài chính-chứng khoán thông dụng tại Việt Nam đó là Vietstock. Cụ thể như sau:
Trong phần Thị trường, lựa chọn “Kết quả giao dịch”
Tại đây, chúng ta có thể điều chỉnh các thông tin theo mục đích tra cứu, bao gồm:
- Sàn: HOSE/HNX/VN30/HNX30/UPCOM
- Mã chứng khoán/Index bao gồm VN-Index, các chứng quyền và tất cả các mã cổ phiếu trên thị trường.
- Thời gian: Lựa chọn tùy theo khung thời gian cần quan sát khối lượng giao dịch
Sau khi lựa chọn đầy đủ các mục thông tin ở trên, chúng ta sẽ xác định khối lượng giao dịch trong bảng ngay phía dưới, trong cột Tổng KL (tức tổng khối lượng giao dịch, bao gồm cả giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận).
Trong ví dụ ở trên, tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đối với tất cả các loại chứng khoán từ ngày 13/03/2022 đến 13/04/2022 là 82,566,400, trong đó 58,261,200 được giao dịch theo hình thức khớp lệnh, 24,305,200 theo hình thức thỏa thuận.
Trong trường hợp muốn tìm kiếm thông tin khối lượng giao dịch riêng của một cổ phiếu nào đó, chúng ta có thể tìm kiếm tất cả các thông tin về thời gian, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch, vốn hóa… đều hiện thị chi tiết. Ví dụ: lựa chọn mã VHM để theo dõi khối lượng giao dịch trong thời gian từ ngày 01/04/2022 đến 13/04/2022, ta được kết quả như sau:
Chúng ta hoàn toàn có thể lưu dữ liệu trên dưới dạng Excel để sử dụng cho nhu cầu phân tích riêng. Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể điều chỉnh thêm/bớt các dữ liệu tùy vào mục đích sử dụng của mình bằng cách sử dụng ô “Tùy chỉnh cột hiển thị trên lưới”.
Như vậy, trong bài viết này chúng ta đã tìm hiểu về khối lượng giao dịch cũng như cách để tra cứu dữ liệu khối lượng giao dịch. Đây là một trong những dữ kiện quan trọng giúp nhà đầu tư nắm bắt được tính thanh khoản của cổ phiếu để từ đó đưa ra những nhận định có ảnh hưởng tới quyết định mua/bán trong tương lai.
Ở bước tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu một bài viết chi tiết hơn tập trung vào vấn đề phân tích và ứng dụng biến số khối lượng trong việc ra quyết định giao dịch.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy trading !