Trên thị trường chứng khoán, bên cạnh nhóm nhà đầu tư cá nhân, chúng ta còn có nhóm những nhà đầu tư là các tổ chức. Nhiều người đặt ra một câu hỏi đó là liệu một công ty chứng khoán có thể giao dịch mua bán chứng khoán được như những khách hàng cá nhân hay tổ chức khác hay không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể và hoạt động trên của công ty chứng khoán được gọi là hoạt động tự doanh chứng khoán. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thuật ngữ trên cũng như một số nội dung có liên quan, trước hết:
Tự doanh chứng khoán là gì?
Tự doanh chứng khoán được hiểu một cách đơn giản là hoạt động mà các công ty chứng khoán tiến hành mua bán giao dịch chứng khoán cho mình để hưởng lợi từ chênh lệch giá hoặc từ lợi tức chứng khoán (cổ tức, trái tức, lợi tức cổ phần quỹ đầu tư v.v…).
Theo Luật Chứng khoán Việt Nam (số 54/2019/QH14 ban hành năm 2019) quy định: “Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình” (Khoản 30, Điều 4).
Tự doanh là một trong 4 loại nghiệp vụ kinh doanh phổ biến của các công ty chứng khoán bên cạnh hoạt động môi giới, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Mục đích của tự doanh chứng khoán
Là một hoạt động kinh doanh điển hình của các công ty chứng khoán, mục đích của tự doanh chứng khoán không gì quan trọng hơn đó là đem lại lợi nhuận cho công ty chứng khoán.
Để thấy rõ vai trò của loại hình kinh doanh này, hãy chú ý tới khoản mục doanh thu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán tại Việt Nam, tỷ trọng của nghiệp vụ này luôn là rất cao trong cơ cấu doanh thu.
Ví dụ:
Doanh thu từ nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán chủ yếu được thể hiện thông qua các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Trong năm 2021, lãi từ FVTPL chiếm tới hơn 40% tổng doanh thu hoạt động của chứng khoán Vndirect.
Với lợi thế về thông tin, đồng thời sở hữu đội ngũ những nhà phân tích chuyên nghiệp trên thị trường, các công ty chứng khoán có thể thực hiện đầu cơ chênh lệch giá. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh còn giúp các công ty chứng khoán tham gia vào hoạt động kinh doanh góp vốn tại các công ty, doanh nghiệp. Cụ thể, khi nắm giữ cổ phiếu hay trái phiếu có thể chuyển đổi, các công ty chứng khoán đã trở thành cổ đông của các công ty cổ phần.
Ngoài ra, khi thị trường biến động mạnh, thông thường theo chiều hướng tiêu cực, hoạt động tự doanh chứng khoán giúp các công ty chứng khoán can thiệp bảo vệ giá để bình ổn thị trường. Cụ thể, khi thị trường có dấu hiệu sụt giảm, các công ty chứng khoán sẽ được phép thực hiện các giao dịch mua bán để bình ổn lại thị trường theo yêu cầu can thiệp của cơ quan quản lý và tự bảo vệ mình hay khách hàng của mình khi thực hiện các đợt phát hành hay bảo lãnh phát hành.
Tuy nhiên, để làm được việc này, các công ty chứng khoán phải hợp lực với nhau để tự phát hành dưới hình thức “tổ chức bảo trợ thị giá” tức là lập một tập đoàn tài chính (consortium) (Theo Nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, PGS.TS.Thái Bá Cẩn và ThS. Đặng Lan Hương, 2014).
Từ này 17/05/2022, HOSE đã tiến hành công bố thông tin số liệu về giao dịch của nhóm tự doanh trên trang chủ của mình, các bạn có thể tham khảo tại đây.
Những quy định về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
Căn cứ theo khoản 2, Điều 72 Luật Chứng khoán Việt Nam về nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán, quy định: Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng phải được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh rồi thì mới được phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cần phải đảm bảo được những điều kiện nghiêm ngặt dưới đây thì mới được thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán:
Quy định về vốn pháp định
Theo Mục b, điều 175, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Quy định Vốn pháp định cho hoạt động tự doanh chứng khoán tại các công ty chứng khoán Việt Nam có Vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng Việt Nam.
Quy định về hoạt động TDCK
Theo Điều 22, Thông tư số 121/2020/TT-BTC, các quy định hoạt động của công ty trong nghiệp vụ TDCK như sau:
“1. Công ty chứng khoán phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình.
Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán phải được thực hiện với danh nghĩa chính mình, không được mượn danh nghĩa của người khác hoặc thực hiện với danh nghĩa cá nhân hoặc cho người khác sử dụng tài khoản tự doanh.
Các trường hợp sau không được coi là tự doanh chứng khoán:
- Mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch;
- Mua, bán cổ phiếu của chính mình.
Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình.
Công ty chứng khoán phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng.
Trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, công ty chứng khoán không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó.
Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty chứng khoán không được mua hoặc bán cùng chiều cùng loại chứng khoán đó cho mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.”
Quy định về tài khoản
Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bổ sung hướng dẫn chi tiết quy định về việc Công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch tự doanh tại Thông tư 120/2020/TT-BTC như sau:
“Công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh và là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tự doanh tại chính công ty”.
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ nghiên cứu về một nghiệp vụ quan trọng khác của công ty chứng khoán: nghiệp vụ môi giới.
Happy Trading !