Mô hình Cốc Tay Cầm (Cup and Handle) là một mô hình giá tiếp diễn xu hướng. Nó được phát triển bởi nhà đầu tư huyền thoại William O’Neil và được giới thiệu trong cuốn sách năm 1988 của ông có tên “How to Make Money in Stocks”.
Như tên gọi của nó, mô hình này gồm hai phần: Cốc và Tay cầm. “Chiếc cốc” hình thành sau một nhịp tăng giá trước đó và có hình dạng lõm xuống giống như phần thân một chiếc cốc. Khi chiếc cốc được hình thành, một phạm vi giá phát triển phía bên phải và hình thành chiếc “Tay cầm”. Một sự bứt phá (Break out) từ phạm vi giá của tay cầm sẽ báo hiệu sự tăng giá của cổ phiếu.
Phần Cốc (Cup)
Phần cốc có hình dạng giống như một cái cốc, bát hoặc một vật có đáy tròn, được hình thành sau một xu hướng tăng giá trước đó (một số lý thuyết yêu cầu mức tăng này >30%). Giai đoạn này có thể được xem là khởi đầu hoàn hảo cho sự bứt phá vọt lên ngay sau khi tay cầm được xác nhận hoàn chỉnh.
Ban đầu, đường giá đang ở trong xu hướng tăng rồi bắt đầu giảm điều chỉnh tạo thành phần thân bên trái của chiếc cốc. Sau đó, giá tạo đáy đi lên (Tạo thành phần đáy của cốc) và tiếp tục tăng giá hoàn thiện phần thân bên phải của chiếc cốc.
Phần Tay cầm (Handle)
Sau khi phần Cốc được thiết lập, đường giá sẽ có một đợt điều chỉnh nhẹ với độ sâu thường là bằng khoảng ⅓ và không vượt quá ½ độ sâu của cốc.
Sau khoảng thời gian tích lũy từ 1 – 4 tuần, giá bước vào xu hướng tăng tạo thành Tay cầm (Handle) hoàn chỉnh. Sau đó, nếu giá tiếp tục tăng và phá vỡ ra khỏi cạnh trên của Tay cầm, đây là thời điểm Mô hình Cốc Tay Cầm được xác nhận.
Đôi khi, phần Tay cầm có cấu tạo giống như một mô hình lá cờ, mô hình chữ nhật hoặc mô hình cái nêm,… Còn lại trong đa số trường hợp, nó sẽ giống như là một nhịp điều chỉnh ngắn trong một xu hướng tăng giá. Các cổ phiếu chiến thắng (tăng mạnh) thường bắt đầu một con sóng tăng mạnh mẽ bằng cách thiết lập mẫu hình này !
Cách nhận biết mẫu hình Cốc Tay Cầm
Xu hướng tăng giá trước đó: 30% hoặc nhiều hơn
Để hình thành một “nền giá” hoặc mẫu hình chính xác, bạn phải có một xu hướng tăng trước đó. Ý tưởng đằng sau nền giá đó là sau khi tạo ra một đợt tăng giá khá dài, cổ phiếu giờ đây tích lũy để chờ đợi một nhịp tăng mới. Mức tăng giá khuyến nghị từ đáy nên từ 30% trở lên.
Chiều cao hoặc độ sâu chiếc cốc: 15 – 30%
Chiều cao của chiếc cốc (Được tính từ đỉnh bên trái chiếc cốc xuống đáy thấp nhất – chính là đáy chiếc cốc) nên vào khoảng từ 15% đến 30%. Trong một số thị trường giảm giá mạnh, độ sâu chiếc cốc có thể lên tới 40% – 50%. Theo quy tắc chung, bạn hãy tìm kiếm những cổ phiếu giữ được nền giá tốt trong khi thị trường chung đang giảm giá. Vì thế, nếu một số cổ phiếu trong danh sách theo dõi giảm 35% trong khi một số cổ phiếu khác chỉ giảm 20% (Hay độ sâu chiếc cốc chỉ 20%) thì cổ phiếu giảm 20% sẽ tạo nền giá mạnh hơn.
Chiều dài chiếc cốc phải kéo dài ít nhất 7 tuần
*Lưu ý: Tuần giảm đầu tiên, nơi bắt đầu nền giá, được đếm là Tuần #1
Chiều dài tối thiểu của mẫu hình Cốc Tay Cầm là 7 tuần, một số mẫu hình thậm chí còn dài hơn, từ vài tháng đến hơn một năm. Hãy thận trọng với tất cả mẫu hình nào có hình dạng Cốc Tay Cầm nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chẳng hạn như dưới 5 tuần.
Một số đặc điểm của tay cầm
- Khối lượng giao dịch ở phía tay cầm nên ở mức thấp
- Độ sâu của tay cầm nên ở mức khoảng 10% – 20%
- Tay cầm nên ở nửa trên chiều cao chiếc cốc
- Đỉnh của tay cầm chỉ nên cách đỉnh cao nhất ở phía bên trái chiếc cốc trong biên độ 15%
Phần tay cầm nên có mức điều chỉnh nhẹ và với thanh khoản ở mức thấp. Thật tốt khi tay cầm có những phiên “rũ bỏ” nhằm loại bỏ các nhà đầu tư yếu, là những người không cam kết nắm giữ (Hold) cổ phiếu lâu dài. Một mức giảm sâu ở tay cầm, chẳng hạn như trên 15% với khối lượng lớn có thể đang cho thấy lực bán tháo ở cổ phiếu mạnh và khó có thể tăng giá mạnh. Các tay cầm như vậy thường dẫn đến các mô hình thất bại.
Một yêu cầu quan trọng khác là cổ phiếu phải thiết lập hoặc ở gần đỉnh cao 52 tuần gần nhất trước khi xảy ra điểm phá vỡ. Đây là dấu hiệu của sức mạnh xu hướng và giúp chúng ta nhớ lại nghịch lý “vĩ đại” của thị trường chứng khoán:
- Các cổ phiếu thiết lập đỉnh cao mới thường sẽ có khả năng tăng giá cao hơn
- Các cổ phiếu thiết lập đáy mới thường có khuynh hướng tiếp tục tạo đáy thấp hơn nữa.
Hướng dẫn giao dịch với Mô hình Cốc Tay Cầm
Điểm mua lý tưởng
- Điểm mua lý tưởng: khi xác nhận điểm tăng đột phá tăng giá – breakout tại tay cầm.
- Vùng mua lý tưởng: không vượt quá 5% tính từ điểm breakout.
Tại sao bạn không nên mua tại đáy chiếc cốc?
Sau khi cổ phiếu hoàn tất mẫu hình Cốc Tay Cầm, bạn lại dễ dàng nhìn lại và nói:”Ồ, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu như mua tại đáy chiếc cốc.” Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn đứng tại điểm mẫu hình đã hoàn tất và nhìn lại. Nhưng khi mẫu hình này vẫn còn đang hình thành, làm sao bạn để biết cổ phiếu này có thật sự tạo đáy?
Nếu bạn cố gắng mua trước khi mẫu hình hoàn tất, bạn chỉ đang đặt cược vào một rủi ro không thật sự chắc chắn.
Mẫu hình Cốc Tay Cầm thường tạo ra sóng tăng mạnh mẽ
Nếu mô hình Cốc Tay Cầm được hình thành và xác nhận, giá sẽ có xu hướng tăng mạnh trong ngắn hạn đến trung hạn. Dưới đây là một số ví dụ về các siêu cổ phiếu có sóng tăng giá rất mạnh mẽ từ mẫu hình Cốc Tay Cầm.
Nhận biết các mẫu hình Cốc Tay Cầm thất bại
Đôi khi, cách tốt nhất để biết thế nào là đúng là bạn phải biết như thế nào là sai.
Hãy quan sát một vài ví dụ sau, và xem chúng không tuân thủ những đặc điểm nào của mẫu hình Cốc Tay Cầm đúng. Học cách phát hiện các sai lầm sẽ cải thiện kỹ năng chọn lựa cổ phiếu của bạn.
Mô hình Cốc không có Tay Cầm
Chiếc cốc không có tay cầm cũng có thể được xem là nền giá hình hình chiếc cốc hoặc gọi đơn giản là chiếc cốc. Đây là một biến thể của mẫu hình Cốc Tay Cầm. Giống như tên gọi, nó giống hệt mẫu hình Cốc Tay Cầm, trừ việc không có tay cầm.
Tiếp theo là ví dụ cho thấy SSI hình thành chiếc cốc như thế nào, trước khi tăng giá 340% trong vòng 12 tháng.
Những hạn chế của mô hình Cốc Tay Cầm
Giống như tất cả các chỉ báo kỹ thuật, mô hình Cốc Tay Cầm nên được sử dụng cùng với các tín hiệu hành động giá và chỉ báo khác trước khi đưa ra quyết định giao dịch. Cụ thể hơn, đối với mô hình Cốc Tay Cầm, các nhà phân tích kỹ thuật đã chỉ ra những hạn chế nhất định.
Đầu tiên, cần mất một khoảng thời gian dài để mô hình có thể hình thành hoàn chỉnh, điều này có thể dẫn đến các quyết định mua bán của nhà giao dịch chậm hơn và không có lợi thế giá vốn tốt. Mặc dù từ một tháng đến một năm là khoảng thời gian phổ biến để hình thành một mô hình Cốc Tay Cầm, nhưng sai lệch về độ dài quá lớn khiến cho việc xác định mô hình trở nên mơ hồ trong một số trường hợp.
Một hạn chế khác liên quan đến độ sâu của phần cốc trong mô hình khó có thể xác định đúng theo một quy chuẩn % cố định.
Ngoài ra, mô hình Cốc Tay Cầm có thể được hình thành mà không có phần tay cầm đặc trưng, điều này dẫn đến khó khắn trong việc xác định điểm mua hợp lý.
Cuối cùng, một hạn chế nữa về mô hình Cốc Tay Cầm mà cũng giống như nhiều mô hình giá khác, đó là nó có thể không đáng tin cậy đối với các cổ phiếu có tính thanh khoản kém.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy Trading !