Lý thuyết Dow được phát triển bởi Charles H. Dow, người được coi là “cha đẻ” của Phân tích kỹ thuật và ;à nhà sáng lập dịch vụ tin tức tài chính nổi tiếng Dow-Jones (Wall Street Journal). Ông đã viết một loạt bài báo bắt đầu từ những năm 1900 mà trong những năm sau đó được tổng hợp lại bởi các học trò của ông và gọi là “Lý thuyết Dow”. Phần lớn công lao trong số đó thuộc về William P Hamilton, người đã biên soạn những bài báo này với các ví dụ có liên quan trong khoảng thời gian 27 năm. Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ thời của Charles Dow, và do đó có luôn có những người ủng hộ và chỉ trích sự đúng đắn của lý thuyết này. Tuy vậy, lý thuyết Dow vẫn được xem như kim chỉ nam và là lý thuyết mang tính nền tảng, đặt nền móng cho Phân tích kỹ thuật.
Những nguyên lý nền tảng của Lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow được xây dựng dựa trên một số lý thuyết cơ bản, chúng được gọi là “các nguyên lý của Dow”. Charles H Dow đã phát triển những nguyên lý này qua nhiều năm quan sát thị trường. Có 06 nguyên lý được coi là phổ biến nhất, bao gồm:
Thứ tự | Nguyên lý | Ý nghĩa |
1 | Giá phản ánh tất cả | Các chỉ số thị trường chứng khoán (VNINDEX, VN30,..) sẽ phản ánh mọi thông tin được biết đến và chưa được biết đến trên thị trường. Nếu một sự kiện bất thường, không mong muốn xảy ra, các chỉ số thị trường chứng khoán sẽ nhanh chóng tự hiệu chỉnh lại để phản ánh giá trị chính xác những gì mà thị trường kỳ vọng. |
2 | 03 Xu thế chính của thị trường | Bao gồm: xu thế cấp 1, xu thế cấp 2 và xu thế cấp 3 – xu thế nhỏ (minor). |
Xu thế cấp 1 | Đây là xu thế chính của thị trường, thường kéo dài từ một đến vài năm. Đây thường là những con sóng lớn của thị trường, ví dụ như uptrend của thị trường chứng khoán giai đoạn 2020 – 2021. Lời khuyên của Dow dành cho các nhà giao dịch là không nên đi ngược lại xu thế cấp 1. | |
Xu thế cấp 2 | Xu thế cấp 2 được ví như những nhịp điều chỉnh đối với xu thế cấp 1. Xu thế cấp 2 thường đi ngược hướng với xu thế cấp 1 chính và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Chúng ta sẽ có một hình ảnh minh họa cho điều này ở phía dưới bảng. | |
Xu thế cấp 3 | Đây là những biến động nhỏ hàng ngày, mang tính chất ngẫu nhiên trên thị trường và thường khó dự đoán. | |
3 | Các chỉ số cần sự xác nhận lẫn nhau | Một xu thế tăng cần có sự xác nhận lẫn nhau của các chỉ số có mối liên quan. Ví dụ: chúng ta nên chờ đợi sự xác nhận tăng giá của chỉ số các cổ phiếu ngành xây dựng, trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu thép. |
4 | Khối lượng xác nhận cho xu hướng | Thông thường, khi một xu thế phát triển, nó thường đi kèm với sự gia tăng của khối lượng giao dịch. Ví dụ: cổ phiếu VNM ngày càng tăng giá, kéo theo càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến nó, dẫn đến khối lượng giao dịch của cổ phiếu này tăng lên. |
5 | Xu hướng tiếp diễn cho tới điểm đảo chiều | Một xu hướng có thể kéo dài rất lâu cho tới điểm đảo chiều. Hầu hết các tín hiệu đảo chiều trong một xu hướng là các tín hiệu nhiễu. Mục tiêu của một nhà phân tích kỹ thuật là tìm ra một xu hướng và đi theo nó xa nhất có thể. |
6 | Giá đóng cửa là quan trọng nhất | Quan điểm này của Dow tương tự như quan điểm của phân tích kỹ thuật phương Đông, khi coi trọng mức giá đóng cửa hơn các mức giá khác trong phiên. |
Các giai đoạn thị trường theo lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow cho rằng thị trường được tạo thành từ ba giai đoạn riêng biệt và lặp đi lặp lại. Chúng được gọi là giai đoạn Tích lũy (Accumulation), giai đoạn Bùng nổ (Mark up) và giai đoạn Phân phối (Distribution)
Giai đoạn Tích lũy thường xảy ra ngay sau một đợt bán tháo mạnh trên thị trường. Việc bán tháo mạnh trên thị trường sẽ khiến nhiều người tham gia thị trường thất vọng, mất niềm tin về bất kỳ xu hướng tăng giá nào. Giá cổ phiếu có thể đã giảm mạnh xuống mức định giá đáy, nhưng người mua vẫn còn do dự vì sợ một đợt bán tháo khác. Đây là khi những “dòng tiền thông minh” (smart money) tham gia vào thị trường.
Dòng tiền thông minh thường là thuật ngữ đại diện cho các nhà đầu tư tổ chức đầu tư, đi theo quan điểm dài hạn với số vốn đầu tư lớn. Họ luôn tìm kiếm các khoản đầu tư giá trị có sẵn sau các đợt bán tháo mạnh. Các nhà đầu tư tổ chức bắt đầu mua cổ phần thường xuyên, với số lượng lớn trong một khoảng thời gian dài. Đây là những gì tạo nên một giai đoạn tích lũy. Điều này cũng có nghĩa là những người bán cố gắng bán ra trong giai đoạn tích lũy sẽ dễ dàng tìm được người mua, và do đó giá không giảm thêm. Do đó, luôn luôn có giai đoạn tích lũy đánh dấu đáy của thị trường. Đây là cách các mức hỗ trợ được tạo ra. Giai đoạn tích lũy có thể kéo dài đến vài tháng thậm chí lâu hơn.
Khi các nhà đầu tư tổ chức (dòng tiền thông minh) thu gom đủ số lượng cổ phiếu, họ sẽ thực hiện các giao dịch đẩy giá ngắn hạn từ vùng hỗ trợ. Điều này thường trùng hợp với tình hình kinh doanh dần được cải thiện của doanh nghiệp. Những yếu tố này có xu hướng kết hợp đưa giá cổ phiếu lên cao hơn. Đây được gọi là giai đoạn bùng nổ. Trong giai đoạn bùng nổ, giá cổ phiếu thường tăng mạnh trong thời gian ngắn, với khối lượng giao dịch lớn. Dấu hiệu rõ nhất giai đoạn bùng nổ là tốc độ tăng của cổ phiếu. Bởi vì sự đột biến trong giá cổ phiếu diễn ra nhanh chóng và đa phần nhà đầu tư đã bỏ lỡ giai đoạn tăng giá trước đó sẽ bắt đầu tham gia ở thời điểm này.
Cuối cùng, khi giá cổ phiếu đạt mức cao mới (cao nhất trong 52 tuần, hoặc cao nhất mọi thời đại), là khi mọi người xung quanh đều nói về thị trường chứng khoán. Các bản tin nhận định lạc quan, thị trường đột nhiên sôi động và tất cả nhà đầu tư đều muốn tham gia vào thị trường. Đây là lúc giai đoạn phân phối xảy ra.
Các nhà đầu tư tổ chức – dòng tiền thông minh tham gia sớm trong giai đoạn tích lũy sẽ bắt đầu bán bớt cổ phiếu của họ một cách từ từ. Công chúng sẽ hấp thụ tất cả khối lượng mà các nhà đầu tư tổ chức đã phân phối ở đó bằng cách cung cấp cho họ sự hỗ trợ giá cần thiết. Giai đoạn phân phối có đặc tính giá cả tương tự như giai đoạn tích lũy. Bất cứ khi nào giá cố gắng tăng cao hơn trong giai đoạn phân phối, dòng tiền thông minh sẽ bán ra để giảm lượng cổ phiếu nắm giữ của họ. Trong một khoảng thời gian, hành động này lặp lại nhiều lần, tạo ra một mức kháng cự.
Cuối cùng, khi các nhà đầu tư tổ chức hoàn toàn bán hết số tiền nắm giữ của họ, lượng cung khi đó hoàn toàn áp đảo và không còn lực mua lớn hỗ trợ nữa. Do đó, những gì xảy ra sau giai đoạn phân phối là một đợt bán tháo mạnh trên thị trường, đi kèm theo đó là sự sợ hãi và thất vọng.
Sau khi một chu kỳ 3 giai đoạn được hoàn thành, những gì tiếp theo giai đoạn bán tháo là một vòng tích lũy mới và lặp lại. Nghiên cứu của Dow cho thấy rằng toàn bộ chu kỳ từ giai đoạn tích lũy đến bán tháo có thể kéo dài trong một vài năm.
Điều quan trọng cần lưu ý là không có hai chu kỳ thị trường nào hoàn toàn giống nhau. Đôi khi thị trường chuyển từ giai đoạn tích lũy sang giai đoạn phân phối trong thời gian kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, chuyển động tương tự từ trạng thái tích lũy sang phân phối có thể xảy ra trong vài tháng đối với một số cổ phiếu khác.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy Trading !