Là một người mới bắt đầu khi tìm kiếm một ý tưởng về cổ phiếu nào đó để giao dịch, cách thông thường nhất bạn thường áp dụng sẽ là: ĐI HỎI, hỏi những người bạn bè đang đầu tư chứng khoán hiện đang “chơi” mã nào, hỏi broker của bạn, hỏi những người bạn coi là chuyên gia, hoặc đơn giản là làm như thế này:
Tôi đã viết một bài viết khá chi tiết về việc bạn có thể tìm thấy một ý tưởng giao dịch cổ phiếu ở đâu, trong đó cách chủ động và hiệu quả nhất đó là tự tạo cho mình một bộ lọc cổ phiếu theo các tiêu chí phù hợp. Trở lại ví dụ ở hình phía trên, bạn hoàn toàn có thể tự mình trả lời câu hỏi này bằng cách tạo một bộ lọc cổ phiếu đơn giản với tiêu chí P/E < 5 lần.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu cách thức để xây dựng một bộ lọc cổ phiếu hiệu quả, dựa trên những tiêu chí đơn giản. Nếu có một tiêu chí nào đó bạn thấy khó hiểu, hãy tìm đọc bài viết tiếp theo có liên quan của Green Chart để hiểu rõ hơn.
03 yếu tố tạo nên một khoản đầu tư tốt
Lý do hầu hết các bộ lọc cổ phiếu không thể tìm ra các cơ hội đầu tư tốt, đó là việc nó chỉ chú trọng đến một số nhóm tiêu chí cụ thể, trong khi không bao quát được toàn bộ các yếu tố cần thiết để có được một cổ phiếu tốt. Bạn sẽ thường thấy những bộ lọc cổ phiếu quá thiên về phân tích kỹ thuật, khi tập trung vào sự đột biến của giá và khối lượng giao dịch (tôi cá là hầu hết các bộ lọc các bạn tìm thấy trên thị trường tập trung vào 2 yếu tố này), hay dựa trên các tín hiệu của chỉ báo kỹ thuật để sàng lọc ra những cổ phiếu có điểm mua tốt, và chẳng quan tâm gì đến yếu tố cơ bản, hoạt động kinh doanh hay định giá của cổ phiếu. Một số nhà đầu tư theo trường phái “giá trị” mà tôi biết lại tập trung quá vào yếu tố định giá “rẻ” của cổ phiếu, họ tìm kiếm các cổ phiếu có các chỉ số định giá ở mức được coi là thấp và hấp dẫn như P/E, P/B thấp hơn trung bình ngành, thậm chí một số cổ phiếu còn có giá thị trường thấp hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, các cổ phiếu này thường rơi vào 1 trong 2 trường hợp: do giá quá hời nên không ai bán – thanh khoản rất thấp không thể mua gom được số vốn lớn, hoặc là những cổ phiếu đang trong giai đoạn suy thoái – bão hòa rất khó có cơ hội tăng giá trở lại.
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, một cổ phiếu – khoản đầu tư tốt cần bao gồm cả 3 yếu tố: giá trị hợp lý, tiềm năng tăng trưởng và xu hướng giá. Một cổ phiếu có thể có mức định giá hấp dẫn so với giá trị nội tại, nhưng lại thiếu yếu tố tăng trưởng về hoạt động kinh doanh để đảm bảo mức định giá đó tiếp tục được duy trì và phát triển trong tương lai, hoặc ngay cả khi 2 yếu tố trên được xác nhận, chúng ta vẫn cần phải quan tâm đến xu hướng giá – để biết khi nào đám đông thị trường cũng nhận ra điều đó và hành động. Bạn sẽ không muốn bị chôn một khoản vốn đầu tư nhiều năm trời tại một cổ phiếu “tốt nhưng không tăng giá”, phải không?
Xây dựng tiêu chí lọc cổ phiếu như thế nào?
Một sự thật mà tôi muốn nói với bạn, đó là: rất khó tìm được một cổ phiếu hội tụ hết cả 03 tiêu chí này tại một thời điểm. Do đó, thông thường tôi sẽ chọn cách sàng lọc cổ phiếu theo những tiêu chí có tần suất dữ liệu thấp nhất, sau đó theo dõi các tiêu chí còn lại hàng ngày.
Rõ ràng trong 3 tiêu chí trên, có 2 yếu tố phụ thuộc và biến thiên hàng ngày theo giá trị thị trường của cổ phiếu, đó là định giá và xu hướng, bạn sẽ mất rất nhiều công sức khi hàng ngày đều phải chạy bộ lọc để sàng lọc các tiêu chí này. Mặt khác, yếu tố tăng trưởng về hoạt động kinh doanh lại có vẻ dễ dàng hơn khi các con số doanh thu, lợi nhuận hay hiệu quả hoạt động trên báo cáo tài chính chỉ được công bố mỗi quý một lần, và bạn sẽ không cần lặp lại công việc này cho tới 3 tháng sau.
Tôi thường sàng lọc cho mình một list các cổ phiếu đang có hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong một vài quý gần nhất, sau đó tập trung theo dõi diễn biến giá của chúng để tìm các cơ hội vào lệnh trong một xu hướng rõ ràng, đi kèm với một mức định giá (thường theo P/E, P/B) hấp dẫn.
Một trong những bộ lọc tăng trưởng ưa thích của tôi mà bạn có thể tham khảo, chúng khá đơn giản và phần lớn được lấy ý tưởng từ phương pháp CANSLIM nổi tiếng của William O’Neil:
- Doanh thu 4 quý gần nhất tăng trưởng > 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
- LNST 4 quý gần tăng trưởng > 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) trong 4 quý gần nhất > 0.
- Biên lợi nhuận gộp > 15% hoặc cao hơn trung bình ngành.
- ROE > 12% hoặc cao hơn trung bình ngành.
Các công cụ lọc cổ phiếu phổ biến
Một trong số nhưng bộ lọc cổ phiếu miễn phí tốt nhất mà tôi thường sử dụng, đó là bộ lọc cổ phiếu của Investing.com.
Bạn có thể cài đặt thêm các thông số tùy theo ý muốn, ví dụ như mức tăng trưởng EPS, tỷ lệ cổ tức, hay các chỉ số tài chính khác,…
Sau khi khoanh vùng được các cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí trên, thực hiện một số đánh giá kỹ hơn về mặt định tính, và theo dõi sát diễn biến giá hàng ngày của chúng để lựa chọn điểm mua bán phù hợp.
Happy trading !