Thị trường hàng hóa là gì?
Thị trường hàng hóa là một trong những thị trường lâu đời nhất thế giới, được hình thành xuất phát nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các cá nhân, quốc gia, hay các khu vực trên thế giới. Thị trường giao dịch hàng hóa tập trung đầu tiên được ghi nhận vào năm 1848 với Sàn giao dịch Chicago (CBOT – Mỹ).
1. Sản phẩm giao dịch của thị trường hàng hoá là gì?
Các sản phẩm hàng hóa được phân làm 4 nhóm chính dựa trên mục đích sử dụng của chúng.
- Năng lượng: dầu thô, khí gas, xăng,…
- Nông sản: ngô, lúa mì, đậu tương, gạo,…
- Kim loại: đồng, vàng, bạch kim, quặng sắt,…
- Nguyên liệu công nghiệp: cà phê, ca cao, đường, cao su,…
Thực chất, các nhà đầu tư không mua, bán trực tiếp hàng hóa vật chất, mà giao dịch hợp đồng tương lai hàng hóa. Điều này giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường hàng hóa mà không làm thay đổi các tính chất cơ bản của mỗi loại hàng hóa.
Các hợp đồng tương lai hàng hóa được phát hành và giao dịch tập trung tại các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, và được chuẩn hóa theo quy định của mỗi sàn giao dịch. Chẳng hạn, HĐTL dầu thô WTI được phát hành trên NYMEX, độ lớn 1 hợp đồng là 1,000 thùng.
Không chỉ có vậy, mỗi sản phẩm cũng có nhiều loại kỳ hạn khác nhau, giúp các nhà giao dịch có nhiều lựa chọn sản phẩm giao dịch phù hợp. Chẳng hạn, dầu thô WTI có đầy đủ các kỳ hạn của 12 tháng trong năm.
Sàn giao dịch
Trên thế giới có rất nhiều sàn giao dịch hàng hóa, chúng là nơi các mặt hàng được giao dịch tập trung. Các sàn giao dịch cũng là nơi phát hành các hợp đồng tương lai hàng hóa. Chẳng hạn đây là một số sàn giao dịch lớn:
- Chicago Board of Trade (CBOT): Sàn giao dịch thuộc CME tại Mỹ, phát hành các sản phẩm ngô, lúa mì, đậu tương,…
- New York Mercantile Exchange (NYMEX): Sàn giao dịch thuộc CME, phát hành các sản phẩm dầu thô WTI, bạch kim,…
- Commodity Exchange Inc (COMEX): Sàn giao dịch thuộc CME, phát hành các sản phẩm vàng, đồng, bạc,…
- International Commodity Exchange (ICE): Sở giao dịch hàng hóa liên lục địa, phát hành các sản phẩm cà phê, ca cao, đường,… Sở giao dịch bao gồm nhiều sàn giao dịch nhỏ là chi nhánh, bao gồm Mỹ (ICE US), EU (ICE EU), Singapore, Abu Dhabi,…
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam – MXV) là nơi các nhà giao dịch tại Việt Nam giao dịch tập trung hàng hóa. MXV không phát hành bất kỳ sản phẩm nào, nhưng MXV hoạt động liên thông với các sở giao dịch khác trên thế giới như CME, ICE, LME, và thông qua đó, các nhà giao dịch hoàn toàn có thể giao dịch các mặt hàng trên các sàn giao dịch trên thế giới.
Dưới đây là danh sách các sản phẩm được giao dịch trên MXV.
Tính chất của thị trường hàng hóa
Vì là thị trường giao dịch hợp đồng tương lai, do đó thị trường hàng hóa cho phép các nhà đầu tư được giao dịch theo cả hai chiều. Các nhà giao dịch có thể mở vị thế mua để hưởng lợi từ đà tăng của giá, và mở vị thế bán để kiếm lợi nhuận từ sự sụt giảm của giá. Đây là điểm thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hơn các thị trường truyền thống như cổ phiếu, chỉ được giao dịch một chiều, không được bán khống.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có thể sử dụng đòn bẩy (vay ký quỹ) để có thể đầu tư thị trường hàng hóa, giống nhiều thị trường phái sinh khác. Mặc dù vậy, với đặc thù của sản phẩm hợp đồng tương lai, số vốn cần thiết để giao dịch của mỗi nhà đầu tư là không hề nhỏ. Nhà giao dịch cần tối thiểu 15-20 triệu đồng để có thể mở vị thế, tuy nhiên để có một cách quản lý vốn hiệu quả nhất cũng như có thể đa dạng hóa danh mục được dễ dàng, số vốn yêu cầu cho một nhà giao dịch sẽ từ 500 triệu đồng. Hiện nay, MXV cho phép các nhà giao dịch được miễn phí vay ký quỹ (không phải trả lãi suất), do đó đây là một điểm cộng của kênh giao dịch này.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm hàng hóa có thời gian giao dịch kéo dài 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, điều này giúp các nhà đầu tư có thể tham gia thị trường bất cứ lúc nào.
Một điều quan trọng trên hết của thị trường này đó là tính pháp lý. Thị trường hàng hóa tại Việt Nam đã được cấp phép bởi Bộ Công thương, điều này giúp đảm bảo sự an toàn của các nhà giao dịch khi nạp, rút tiền, cũng như đảm bảo sự minh bạch trên thị trường.
Đối tượng tham gia thị trường hàng hóa
Thị trường hàng hóa cũng như các thị trường phái sinh được thành lập với mục đích chính là phòng hộ rủi ro. Các nhà sản xuất và buôn bán các loại hàng hóa rất lo sợ những rủi ro liên quan đến giá hàng hóa, chúng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, nên họ sử dụng các hợp đồng tương lai để phòng hộ rủi ro. Chẳng hạn, một nông dân trồng ngô lo sợ giá ngô giảm sẽ khiến anh ta bị giảm lợi nhuận, anh ta sẽ mở vị thế bán (short) hợp đồng tương lai ngô. Tìm hiểu về bán khống – short sell tại đây.
Ngày nay, ngoài việc phòng hộ rủi ro, các nhà giao dịch cũng hướng tới thị trường hàng hóa để đầu cơ hưởng lợi từ chênh lệch giá. Các quỹ đầu cơ cũng như các nhà giao dịch chúng ta giao dịch trên thị trường với mục đích này.
Với việc được phép giao dịch 2 chiều và có sử dụng đòn bẩy, đây là điều thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và ưa thích giao dịch ngắn (lướt sóng). Bên cạnh đó, chắc chắn chỉ có các nhà đầu tư có số vốn lớn mới có thể tham gia thị trường này một cách hiệu quả. Tuy vậy, thị trường hàng hóa cũng là một kênh đầu tư có thể sinh lời trong dài hạn. Các nhà giao dịch chỉ cần nắm vững các yếu tố cơ bản về mùa vụ và chu kỳ của mỗi loại hàng hóa là có thể đạt được lợi nhuận.
Hơn nữa, bổ sung thêm hàng hóa vào danh mục đầu tư cũng là cách để đa dạng hóa danh mục, giảm thiểu rủi ro. Chẳng hạn, nếu bạn là một nhà đầu tư cổ phiếu, bạn lo sợ lạm phát, thì việc thêm hàng hóa vào danh mục đầu tư của bạn sẽ giúp bạn giảm thiểu được rủi ro này.
Happy trading !