Biểu đồ giá là một bức tranh mô tả cho chúng ta thấy sự biến động của giá theo thời gian. Một biểu đồ đơn giản sẽ gồm 2 trục: trục ngang là thời gian, trục dọc là giá. Một điểm trên biểu đồ cho chúng ta thông tin về giá tại một thời điểm chúng ta xem xét.
Biểu đồ nến được sử dụng gồm 3 loại chính: biểu đồ đường, biểu đồ thanh và biểu đồ nến Nhật. Trong số đó, 2 loại cuối cùng được sử dụng nhiều nhất.
Biểu đồ đường (Line chart)
Biểu đồ đường là loại biểu đồ đơn giản nhất, được xây dựng bằng cách nối các mức giá đóng cửa của các phiên giao dịch khác nhau. Chẳng hạn nếu bạn muốn xây dựng một biểu đồ nến cho một cổ phiếu trong 60 phiên giao dịch, bạn cần thu thập 60 mức giá đóng cửa của 60 phiên giao dịch liên tiếp, sau đó nối liền chúng lại với nhau thành một đường vẽ như bên dưới.
Biểu đồ đường có ưu điểm là rất đơn giản và dễ sử dụng. Tuy vậy, chính vì sự đơn giản đó mà biểu đồ đường không mang lại đầy đủ thông tin. Chẳng hạn trong một phiên giao dịch, giá của một cổ phiếu giảm xuống 40,000 đồng trước khi đóng cửa ở mức 44,000 đồng, đối với biểu đồ đường, chúng ta không hề có thông tin về cú giảm mạnh 10% đó, trong khi đây là một biến động giá rất đáng quan tâm..
Một cách để có thể khắc phục được nhược điểm trên đó là sử dụng biểu đồ đường với khung thời gian ngắn, thay vì 1 điểm là 1 phiên giao dịch, bạn có thể thu thập dữ liệu 1 tiếng 1 lần để vẽ biểu đồ, hoặc thậm chí là 30 phút hay 15 phút. Tuy vậy, những biểu đồ như vậy sẽ vô cùng nhiễu, bạn có thể nhìn biểu đồ nến cổ phiếu VIC với khung thời gian 1h ở dưới đây, so với khung thời gian 1 ngày ở trên.
Do đó biểu đồ đường thường chỉ được sử dụng với mục đích hình ảnh, ví dụ như đăng lên các bản tin, thời sự,… Còn để phân tích kỹ thuật, chúng ta sẽ cần tới biểu đồ thanh hoặc biểu đồ nến Nhật.
Biểu đồ thanh (Bar chart)
Như bạn đã biết, trong một phiên giao dịch, chúng ta sẽ quan tâm đến 4 loại giá: mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất. Biểu đồ thanh sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ 4 dữ liệu giá nói trên trong một phiên giao dịch.
Một thanh được cấu tạo bởi 3 cấu phần: thân nằm dọc và hai tay trái, phải nằm ngang. 2 đầu trên và dưới của phần thân sẽ cho ta biết giá cao nhất và giá thấp nhất, trong khi tay trái cho ta biết giá mở cửa, tay phải biểu thị giá đóng cửa.
Thông thường để dễ nhìn, khi tay trái thấp hơn tay phải, thanh được vẽ màu xanh, ngược lại thanh được vẽ màu đỏ. Đây là biểu đồ từng rất được ưa chuộng tại Mỹ và Châu Âu, cho đến trước khi biểu đồ nến Nhật du nhập vào từ những năm 1990s.
Biểu đồ nến Nhật (Japanese Candlestick Chart)
Giống như biểu đồ thanh, biểu đồ nến cũng cung cấp 4 dữ liệu giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất. Tuy vậy biểu đồ nến Nhật dễ nhìn hơn biểu đồ thanh, vì vậy chúng được sử dụng nhiều hơn.
Biểu đồ nến được cấu tạo từ các cây nến. Nến Nhật có 2 bộ phận chính là thân nến và bóng nến (râu nến). Bóng nến dưới thể hiện giá thấp nhất trong một phiên giao dịch, trong khi bóng nến trên cho biết giá cao nhất trong phiên giao dịch. Thân nến có hai màu dùng để phân biệt nến tăng và nến giảm, thường là màu xanh và màu đỏ. Đối với nến xanh, phần dưới cùng của thân nến là giá mở cửa, phần trên là giá đóng cửa. Nến đỏ thì ngược lại.
Trong phần tôi vừa trình bày, tôi giả định khung thời gian của chúng ta là 1 ngày, tức là 1 nến đại diện cho 1 ngày giao dịch. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng những khung thời gian thấp hơn (1 phút, 5 phút, 15 phút, 1 giờ,…) hoặc dài hơn (1 tuần, 1 tháng,…). Khi đó, giá mở cửa sẽ là giá của đầu khoảng thời gian, giá đóng cửa sẽ là giá cuối cùng của khoảng thời gian đó.
Biểu đồ nến Nhật là biểu đồ được ưa chuộng nhất hiện nay do sự cung cấp đầy đủ thông tin cũng như phản ánh diễn biến giá một cách rất trực quan thông qua màu sắc, độ dài thân và bóng nến. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về loại biểu đồ nến Nhật tại các bài viết tiếp theo.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy trading !