Báo cáo thường niên (BCTN) một ấn phẩm hàng năm của công ty, được gửi cho các cổ đông, nhà đầu tư và các bên quan tâm khác. Báo cáo hàng năm được công bố chậm nhất là 20 ngày sau khi công bố báo cáo tài chính năm. BCTN thường có sẵn trên trang web của công ty (trong mục dành cho cổ đông) dưới dạng tài liệu PDF hoặc bạn có thể tra cứu dễ dàng trên cafef.vn và các trang thông tin cổ phiếu khác.
Báo cáo thường niên là nơi cung cấp thông tin trực tiếp và thích hợp nhất cho nhà đầu tư và truyền đạt thông điệp chính của doanh nghiệp. Đối với một nhà đầu tư, báo cáo thường niên phải là lựa chọn đầu tiên để tìm kiếm thông tin – điều mà Warren Buffet đã nhắc đến rất nhiều lần khi được hỏi về bí quyết phân tích và lựa chọn cổ phiếu của mình. Tất cả thông tin được đề cập trong báo cáo thường niên là thông tin chính thức do doanh nghiệp cung cấp, đặc biệt với số liệu tài chính đều là số liệu đã được kiểm toán.
Thu thập thông tin từ báo cáo thường niên
Chúng ta sẽ sử dụng báo cáo thường niên năm 2020 của Vinamilk (Mã VNM – HOSE) làm ví dụ:
Mục tiêu của chương này là cung cấp cho bạn định hướng ngắn gọn về cách đọc BCTN. Việc đọc qua tất cả các trang trong một BCTN là không thực tế; vì vậy, tôi muốn chia sẻ những hiểu biết của cá nhân tôi khi đọc BCTN và tìm hiểu những loại thông tin nào là quan trọng và thông tin nào chúng ta có thể bỏ qua.
Cấu trúc của một bản BCTN là không giống nhau với các doanh nghiệp, do chúng đều được thực hiện để phù hợp với đặc thù của từng công ty và lĩnh vực mà họ hoạt động. Tuy nhiên, về cơ bản một BCTN sẽ bao gồm những phần chính sau:
- Thông điệp của ban lãnh đạo.
- Thông tin chung về công ty: quá trình hình thành và phát triển, lĩnh vực kinh doanh, cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo.
- Báo cáo hoạt động của năm gần nhất.
- Định hướng phát triển những năm tiếp theo.
- Báo cáo quản trị công ty.
- Báo cáo quản trị rủi ro.
- Báo cáo tài chính.
Điểm nổi bật đầu tiên là cái nhìn toàn cảnh về tình hình tài chính của công ty trong những năm qua. Thông tin trong phần này có thể ở dạng bảng hoặc biểu đồ. Phần này của báo cáo hàng năm thường so sánh nhiều năm giữa các chỉ số hoạt động và kinh doanh.
Các số liệu trên cho bạn thấy một cái nhìn tổng thể về quy mô cũng như tình hình kinh doanh của công ty qua các năm, về cơ bản đây là một phần trích ra từ báo cáo tài chính. Sau này để đi sâu vào việc phân tích doanh nghiệp, chúng ta có thể sẽ tự mình tính toán những tỷ lệ này và nhiều chỉ số quan trọng khác khác, và khi làm như vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn về công ty và các con số của nó. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách đọc hiểu các báo cáo tài chính của nó và tính toán các tỷ số tài chính trong những bài viết tiếp theo. Nhìn vào ví dụ trên, chúng ta thấy rằng VNM có một sự tăng trưởng khá ổn định về mặt doanh thu, lợi nhuận, quy mô tổng tài sản, tuy nhiên tỷ suất sinh lời ROE và ROA có vẻ đang giảm đi trong 3 năm gần đây.
Tiếp theo, phần Thông điệp của chủ tịch HĐQT và Thông điệp của Tổng giám đốc là những thứ tôi quan tâm tiếp theo, vì nó liên quan khá nhiều đến các yếu tố định tính mà chúng ta đã liệt kê trong bài viết trước. Nhà đầu tư sẽ có được góc nhìn về cách người đứng đầu suy nghĩ về doanh nghiệp của mình. Tôi rất muốn xem liệu ban quản lý của công ty có vững vàng hay không và tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp được thể hiện qua lời nói của họ. Thông điệp của CEO Mai Kiều Liên, người đã có 27 năm giữ cương vị này tại VNM là rất đáng quan tâm.
Bạn có thể nhận ra một vài từ khóa quan trọng như “chuyển đổi số”, “hệ thống ERP” trong thông điệp của bà.
Phần đáng chú ý tiếp theo là Phân tích ngành, quan điểm về ngành sữa của một công ty sữa số 1 như VNM là rất đáng quan tâm, vì rõ ràng họ là người hiểu về lĩnh vực này hơn ai hết. Bạn có thể thu thập được những thông tin hữu ích về ngành sữa như: xu hướng M&A giữa các công ty sữa nội địa đang diễn ra, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của VN đang thấp hơn 18% so với các quốc gia lân cận, và cơ hội từ EVFTA cho ngành sữa.
Những vấn đề trọng tâm này tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề kinh doanh của mỗi công ty. Ví dụ, nếu tôi đang đọc báo cáo thường niên của một công ty ngành dệt may, tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến động mức lương và số lượng công nhân, do đây là một ngành rất thâm dụng lao động. Một số vấn đề khác cũng thường được nhắc đến trong phần Báo cáo của Ban điều hành như quy mô sản xuất, nguồn nguyên liệu, công tác nghiên cứu phát triển,…
Phần cuối cùng cần lưu tâm trong báo cáo thường niên chính là kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, cho thấy tầm nhìn của ban lãnh đạo và những thay đổi trong hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Đây được coi là yếu tố chính tác động đến sự thay đổi doanh thu, lợi nhuận – phản ánh trực tiếp lên giá cổ phiếu.
Bạn có thể theo dõi kỹ hơn những kế hoạch của doanh nghiệp trong năm tới thông qua một văn bản vô cùng quan trọng khác – Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên.
Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những bài viết tiếp theo, về một chủ đề hấp dẫn không kém: Hướng dẫn đọc hiểu báo cáo tài chính.
Happy trading !