Chắc hẳn, hình ảnh đầu tiên mà những nhà đầu tư tìm kiếm trên Google về các nhà đầu tư chứng khoán, đó là những người ngồi trước một màn hình điện tử với các con số xanh đỏ “nhảy nhót” liên tục, đó chính là bảng giá chứng khoán, nơi hiển thị các mức giá và hành động mua bán của các nhà đầu tư trong mỗi phiên giao dịch.
Bảng giá thường được cung cấp bởi các công ty chứng khoán, thông qua việc lấy dữ liệu trực tiếp từ các sở giao dịch chứng khoán. Các bảng giá khác nhau có thể có một số sai khác về mặt hình thức, nhưng nhìn chung, các thông tin chính là như nhau. Việc có thể đọc và hiểu các thông tin trên bảng giá chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt tốt tình hình diễn ra trên thị trường để từ đó có thể phân tích và đưa ra những quyết định hiệu quả.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất của một bảng giá chứng khoán và cách đọc hiểu chúng. Bạn có thể lấy một ví dụ về bảng giá chứng khoán bất kỳ, bằng cách google “bảng giá chứng khoán” và chọn một trong những kết quả tìm kiếm đầu tiên.
Đọc bảng giá chứng khoán cơ sở như thế nào?
Mã chứng khoán (Mã CK)
Thông tin hiển thị đầu tiên trong cách đọc bảng giá chứng khoán là danh sách các mã chứng khoán của các công ty niêm yết đang được giao dịch trên thị trường. Mỗi công ty niêm yết trên sàn đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp cho 1 mã riêng, và thường là tên viết tắt của công ty đó.
Hầu hết những nhà đầu mới (F0) sẽ không biết nhiều mã chứng khoán, tuy nhiên qua thời gian, với việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu, chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là mã cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Mã cổ phiếu trên các bảng giá chứng khoán được sắp xếp theo thứ từ alphabet để các nhà đầu tư có thể tiện theo dõi và tìm kiếm.
Giá tham chiếu (TC)
Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán giá trần và giá sàn, và cũng là cơ sở để xác định mức tăng hay giảm của một cổ phiếu trong ngày trên bảng giá chứng khoán. Giá tham chiếu là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (đối với HOSE và HNX), hoặc giá bình quân gia quyền của phiên giao dịch gần nhất trước đó (đối với UPCOM).
Trên các bảng giá chứng khoán, những mức giá thấp hơn giá tham chiếu trên sẽ được hiển thị bằng màu đỏ, ngược lại nếu cao hơn giá tham chiếu được thể hiện bằng màu xanh.
Giá trần
Đây là mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Trên bảng giá chứng khoán, mức giá này được thể hiện bằng màu tím. Giá trần là giá cao hơn lần lượt 7%, 10%, 15% so với giá tham chiếu, đối với các sàn HOSE, HNX và UPCOM.
Giá sàn
Đây là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Trên bảng giá chứng khoán, mức giá này được thể hiện bằng màu xanh lam. Giá sàn là giá thấp hơn lần lượt 7%, 10%, 15% so với giá tham chiếu, đối với các sàn HOSE, HNX và UPCOM.
Khối lượng giao dịch
Là tổng khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh trong 1 phiên giao dịch, cho nhà đầu tư biết được tính thanh khoản của cổ phiếu.
Giá trị giao dịch
Là tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trong phiên giao dịch đó. Theo đó, giá trị giao dịch chính bằng khối lượng giao dịch nhân với giá cổ phiếu trung bình của phiên đó.
Bên mua – Dư mua là gì?
Mỗi bảng giá thường có 3 cột chờ mua, hiển thị các lệnh mua đang chờ khớp lệnh được đặt trên sàn. Mỗi cột bao gồm giá mua (giá 1, giá 2, giá 3) và khối lượng mua (KL 1, KL 2, KL 3) được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, giá cao nhất sẽ là giá 1. Hệ thống hiển thị 3 mức giá đặt mua cao nhất và tổng khối lượng ứng với giá đó.
Theo thứ tự ưu tiên khớp lệnh, các lệnh sẽ được xếp theo thứ tự ưu tiên về giá, vì vậy các lệnh mua với giá cao luôn có sự ưu tiên cao hơn với lệnh mua giá thấp.
Chẳng hạn như trong ảnh ví dụ, với cổ phiếu ACB: Giá 1 là 31,600 đồng, tức là trong số tất cả các lệnh chờ mua, giá đặt mua cao nhất là 31,600 đồng. Nếu có người muốn bán cổ phiếu ACB và muốn khớp lệnh ngay lập tức, người đó sẽ phải bán với giá 31,600 đồng.
Bên bán – Dư bán là gì?
Tương tự với bên mua, cột bên bán cũng bao gồm 3 cột con hiển thị các lệnh bán đang chờ khớp lệnh được đặt lên sàn. Mỗi cột bao gồm giá mua (giá 1, giá 2, giá 3) và khối lượng mua (KL 1, KL 2, KL 3) được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, giá thấp nhất sẽ là giá 1. Theo thứ tự ưu tiên khớp lệnh, các lệnh sẽ được xếp theo thứ tự ưu tiên về giá, vì vậy các lệnh bán với giá thấp luôn có sự ưu tiên cao hơn với lệnh bán với giá cao.
Chẳng hạn như trong ảnh ví dụ, với cổ phiếu ACB: Giá 1 là 31,650 đồng, tức là trong số tất cả các lệnh chờ bán, giá đặt bán thấp nhất là 31,650 đồng. Nếu có người muốn mua cổ phiếu ACB và muốn khớp lệnh ngay lập tức, người đó sẽ phải mua với giá 31,650 đồng.
Hiển nhiên chúng ta có thể thấy rằng, các giá chờ mua luôn thấp hơn giá chờ bán, bởi các mức giá mua cao hơn hoặc giá bán thấp hơn sẽ đều được khớp lệnh ngay lập tức.
Khớp lệnh
Cột này được hiển thị giữa hai cột bên mua và bên bán, và hiển thị thông tin về lệnh mua và bán gần nhất được khớp trong phiên. Cột này gồm 3 cột nhỏ hơn, là giá, khối lượng cổ phiếu được khớp, và cột cuối cùng thể hiện mức giá thay đổi so với giá tham chiếu.
Giá cao nhất trong phiên (Cao)
Là giá khớp ở mốc cao nhất trong phiên (chưa chắc đã phải là giá trần).
Giá thấp nhất trong phiên(Thấp)
Là giá khớp ở mốc thấp nhất trong phiên (chưa chắc đã phải là giá sàn).
Giá trung bình (Trung bình)
Là mức giá bình quân mà cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên hôm đó.
Đầu tư nước ngoài
Cột này thể hiện khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có hai cột, cột “Mua” thể hiện khối lượng mua, còn cột “Bán” thể hiện khối lượng bán.
Bảng giá chứng khoán lô lẻ
Khi giao dịch các cổ phiếu tại HNX với số lô chẵn 100 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ thường gặp phải trường hợp có số dư lẻ cổ phiếu sau khi được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Để trao đổi mua bán số lượng cổ phiếu lẻ này, HNX có thêm một bảng giá dành các giao dịch lô lẻ. Nhà đầu tư có tham khảo bảng giá lô lẻ của chứng khoán VDSC tại đây.
Cách đọc bảng giá chứng khoán hợp đồng tương lai
Hiện nay, tại Việt Nam mới triển khai hai loại sản phẩm phái sinh chính được giao dịch trên thị trường tập trung, là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và chứng quyền có đảm bảo (CW).
Bảng giá hợp đồng tương lai cũng có một số thành phần giống chứng khoán cơ sở, như giá tham chiếu, giá trần, sàn, các cột dư mua, dư bán, khớp lệnh. Chúng đều có ý nghĩa giống như tôi vừa trình bày. Tuy vậy, trong bảng giá cũng trình bày một số thông tin cơ bản liên quan đến các đặc điểm của hợp đồng tương lai.
Ngày đáo hạn (Ngày ĐH)
Là ngày hợp đồng tương lai đáo hạn và sau đó không thể giao dịch, khi đó các nhà đầu tư sẽ được thanh toán lãi/lỗ nếu còn nắm giữ hợp đồng.
Độ lệch (basis)
Là chênh lệch giữa giá của hợp đồng tương lai hiện tại và giá của tài sản cơ sở (ở đây chính là chỉ số VN30).
Khối lượng mở (OI)
Là tổng các vị thế Long hoặc vị thế Short đang được mở trên thị trường. Theo đúng nguyên tắc, khi một người mua 1 hợp đồng thì phải có người khác bán cho người đó 1 hợp đồng, do đó tổng vị thế Long trên toàn thị trường luôn luôn bằng tổng vị thế Short.
Nếu như một nhà đầu tư bắt đầu tham gia giao dịch và thực hiện Long 2 hợp đồng, khi đó người đó người đó có vị thế Long được “mở” bằng 2.
Nếu sau đó người đó thực hiện Short 2 hợp đồng đó, khi đó toàn bộ vị thế của người đó đã được “đóng”, và vị thế ròng của anh ta bằng 0. Khối lượng mở chính bằng tổng các vị thế Long được mở của tất cả các nhà đầu tư trên thị trường.
Khối lượng mở cho ta biết mức độ tham gia của thị trường. Nếu khối lượng mở thấp, chứng tỏ các nhà đầu tư trên thị trường đều nắm giữ một lượng vị thế ròng thấp, tức là thị trường đang không nắm giữ nhiều vị thế.
Cách đọc bảng giá chứng quyền có đảm bảo (CW)
Bảng giá chứng quyền cũng có các thuộc tính tương tự như 2 bảng giá tôi vừa đề cập. Tuy vậy vẫn có một số điểm khác biệt tôi muốn nhấn mạnh.
Mã chứng quyền
Nhìn vào mã chứng quyền, cột đầu tiên, chúng ta có thể thấy mã chứng quyền được cấu tạo bởi 8 ký tự: C + XXX + YY + ZZ. Trong đó, XXX là mã chứng khoán được sử dụng làm tài sản cơ sở, YY là hai số cuối của năm phát hành, và ZZ là ký hiệu số thứ tự phát hành của chứng quyền trong năm đó. Ví dụ: CHPG2102, nghĩa là chứng quyền có đảm bảo của cổ phiếu HPG năm 2021, và đây là đợt phát hành chứng quyền thứ 02 trong năm.
Công ty phát hành
Là các công ty chứng khoán phát hành chứng quyền. Các công ty có số lượng chứng quyền phát hành nhiều nhất là HSC, KIS, SSI,…
Giá chứng khoán cơ sở
Là giá hiện tại của cổ phiếu cơ sở trên thị trường, được sử dụng làm tài sản cơ sở cho chứng quyền.
Điểm hòa vốn
Đây là mức giá của chứng khoán cơ sở thấp nhất mà giúp nhà đầu tư sẽ hòa vốn khi thực hiện quyền. Mức giá này được tính toán dựa trên giá chứng quyền, giá chứng khoán cơ sở, tỷ lệ chuyển đổi.
Happy trading !