Lợi nhuận luôn là thứ chúng ta nghĩ đến đầu tiên mỗi khi đầu tư vào cổ phiếu hay một công ty. Tuy nhiên, đôi khi lợi nhuận lại chưa hẳn là một thước đo hợp lý để đánh giá mức độ tốt hay xấu của một cổ phiếu, hay phản ánh hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một chi tiêu phản ánh chính xác hơn khả năng sinh lời, đó là Biên lợi nhuận (Margin Profit)
Ba chỉ tiêu Biên lợi nhuận phổ biến
Về cơ bản, biên lợi nhuận chỉ tiêu phản ánh khả năng tạo ta lợi nhuận trên một đồng doanh thu, sau khi trừ đi các chi phí cần thiết. Có ba loại biên lợi nhuận phổ biến, đó là: biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận hoạt động và biên lợi nhuận ròng. Sự khác biệt của 3 chỉ số này là những chi phí mà chúng ta loại bỏ từ doanh thu để tính toán con số lợi nhuận.
- Biên lợi nhuận gộp (Gross Margin) = (Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán)/ Doanh thu thuần
- Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Margin) = (Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán – Chi phí bán hàng và Quản lý doanh nghiệp)/ Doanh thu thuần.
- Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần
Đây là các khoản mục có thể dễ dàng tìm thấy và tính toán dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Mỗi loại biên lợi nhuận mang một ý nghĩa khác nhau. Biên lợi nhuận gộp phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp sau khi loại bỏ các chi phí trực tiếp cấu thành sản phẩm trong giá vốn hàng bán. Biên lợi nhuận gộp cao lợi thế cạnh tranh từ mức giá vốn thấp so với giá bán, thường có được một số nguyên nhân sau:
- Sự vượt trội về công nghệ, quy trình sản xuất, chuỗi giá trị khiến giá thành sản xuất thấp.
- Có lợi thế về các yếu tố đầu vào khác như nguồn nguyên liệu sẵn có, hay nhân công giá rẻ,…
- Lợi thế kinh tế của quy mô lớn.
- Công ty có thương hiệu mạnh dẫn đến giá bán của sản phẩm cao hơn các đối thủ cạnh tranh.
Biên lợi nhuận hoạt động cho thấy một cái nhìn rộng hơn so với biên lợi nhuận gộp, khi xét đến cả những chi phí khác tham gia vào quá trình vận hành kinh doanh, như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Chi phí bán hàng là một trong những khoản chi phí rất lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi muốn duy trì một nhận diện thương hiệu tốt thì ngân sách cho hoạt động quảng cáo, marketing là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực của ban lãnh đạo, khi duy trì được chi phí này ở một mức thấp so với doanh thu.
Biên lợi nhuận ròng cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp, khi tính thêm hai khoản lợi nhuận đến từ hoạt động tài chính và hoạt động khác, và trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là chỉ tiêu cuối cùng phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp, tuy nhiên cũng là phần thường dễ dàng bị thao túng nhất, do chứa đựng nhiều khoản doanh thu và chi phí tài chính – khác khó phân loại và đánh giá. Chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này trong phần sau của bài viết.
Biên lợi nhuận bao nhiêu là tốt?
Lẽ dĩ nhiên, biên lợi nhuận càng cao phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận càng cao của doanh nghiệp, và điều này là tích cực đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác vấn đề này, cần đặt mỗi chỉ tiêu trong trong từng bối cảnh cụ thể. Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét 2 khía cạnh của biên lợi nhuận: xu hướng của biên lợi nhuận và so sánh với trung bình ngành.
Xu hướng của biên lợi nhuận
Thông thường, các doanh nghiệp có xu hướng duy trì một mức biên lợi nhuận ổn định trong từng giai đoạn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn và có hoạt động kinh doanh ít yếu tố đột biến. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có yếu tố mùa vụ cao như bất động sản, xây dựng thường có biên lợi nhuận không đều và biến động lớn theo từng chu kỳ dự án.
Những thời điểm biên lợi của công ty tăng hoặc giảm đột biến sẽ là những thời điểm chúng ta cần lưu ý, vì đây có thể là yếu tố tạo nên các ý tưởng cho việc giao dịch. Các bạn có thể nhìn thấy sự đột biên trong biên lợi nhuận gộp của cổ phiếu DBC trong năm 2020, thời điểm giá thị lợn tăng phi mã sau có sốc cung từ dịch tả lợn châu Phi năm 2019.
Hay sự tăng trưởng về biên lợi nhuận của PNJ khi chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ vàng miếng sang vàng trang sức có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Biên lợi nhuận so với trung bình ngành như thế nào?
Một doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận cao vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành, hay trung bình ngành thường phản ánh một lợi thế cạnh tranh nhất định so phần còn lại.
Chúng ta sẽ cùng lấy một ví dụ về ngành thép: không khó để nhận ra biên lợi nhuận vượt trội của HPG so với canh nghiệp thép cùng ngành, lợi thế này đến từ quy mô, công nghê sản xuất dẫn đầu và giá trị thương hiệu nổi bật.
Một số thủ thuật tác động làm sai lệch Biên lợi nhuận
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng là yếu tố thường bị thao túng để làm đẹp báo cáo tài chính, đồng thời làm sai lệch hình ảnh thực tế của doanh nghiệp trong mắt cổ đông. Một số dấu hiệu bất thường bạn có thể nhìn thấy trên báo cáo tài chính.
Biến động lớn trong chi phí trích lập dự phòng
Đây là một trong những cách thức phổ biến doanh nghiệp thường dùng để điều tiết lợi nhuận, thông qua tăng/giảm khoản mục chi phí trích lập dự phòng – vốn rất khó để đưa ra được một ước lượng chính xác và hợp lý. Việc tăng/giảm trích lập dự phòng có thể làm thay đổi con số lợi nhuận từ hoạt động tài chính, tuy nhiên về bản chất không làm ảnh hưởng đến dòng tiền thực tế phát sinh của doanh nghiệp. Chúng ta có thể thấy ví dụ về sự biến động khá lớn trong khoản mục này qua các năm của cổ phiếu PPC:
Thay đổi các quy tắc kế toán
Một thủ thuật khác để tác động đến biên lợi nhuận đó là làm thay đổi cách hạch toán các khoản doanh thu, chi phí thông qua thay đổi các nguyên tắc kế toán. Trong ví dụ bên dưới, chúng ta thấy rằng việc kéo dài thời gian tính khấu hao của các giàn khoan từ 20 lên 35 năm giúp giảm đáng kể chi phí khấu hao và cải thiện biên lợi nhuận của PVD, nhưng về bản chất không làm thay đổi kết quả kinh doanh thực tế.
Các khoản thu nhập tài chính, thu nhập khác bất thường
Chúng ta có thể xem xét ví dụ về CTCP Đầu tư Nam Long – NLG, với khoản thu nhập khác bất thường hơn 427 tỷ vào Q1/2021, khiến cho lợi nhuận tăng 231% so với cùng kỳ.
Nếu xem xét kỹ hơn, bạn có thể thấy khoản thu nhập bất thường này đến từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Waterfront Đồng Nai, khi NLG nâng sở hữu từ mức 35% lên hơn 65% vào cuối Q1/2021.
Theo quy định kế toán hiện hành, khi một khoản đầu tư từ công ty liên kết trở thành công ty con, công ty mẹ phải thực hiện đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết ban đầu, và phần chênh lệch hơn 427 tỷ kia đến từ việc đánh giá này. Về bản chất khoản lợi nhuận này không làm phát sinh dòng tiền kinh doanh thực tế nào cho NLG, tuy nhiên lại khiến biên lợi nhuận gia tăng đáng kể.
Happy trading !