Trong những ngành cung cấp dịch vụ yêu cầu chí phí mua sắm tài sản cố định lớn như ngành hàng không, hoạt động Sale and Leaseback là một thủ thuật nhằm tối ưu nguồn vốn được nhiều hãng hàng không áp dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hoạt động Sale and Leaseback của các doanh nghiệp hàng không, với điển hình là hãng hàng không Vietjet Air (VJC).
Sale and Leaseback là gì?
Sale and Leaseback (SLB) – Bán và tái thuê, là hoạt là một hình thức thuê trong đó: công ty chủ sở hữu bán tài sản của chính mình cho bên cho thuê (thường là công ty cho thuê tài chính), đồng thời kí luôn hợp đồng thuê mua lại chính tài sản mà họ vừa bán.
“Lease” trong tài chính có nghĩa là thuê tài sản (thường là tài sản có giá trị lớn). Hợp đồng thuê – Lease Contract là một hợp đồng trình bày các điều khoản mà theo đó một bên đồng ý thuê một tài thuộc sở hữu của một bên khác. Nó đảm bảo cho việc người thuê sử dụng tài sản và đảm bảo cho người cho thuê các khoản thanh toán thường xuyên trong một khoảng thời gian nhất định để trao đổi. Cả bên thuê và bên cho thuê đều phải đối mặt với hậu quả nếu họ không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng.
Vậy sale and lease back mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không?
Ưu điểm của hoạt động Sale and Leaseback
Tăng cường khả năng hoạt động của doanh nghiệp
Bình thường thì khi một công ty cần huy động tiền mặt, họ thường đi vay (nợ phát sinh) hoặc phát hành cổ phiếu. Điều này sinh ra rất nhiều rủi ro về khả năng trả nợ và tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc cần dùng tiền cho những mục đích khác. Chính vì thế, hình thức bán và tái thuê rất hấp dẫn, nó như một phương pháp để huy động thêm vốn mà không quá ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Cải thiện bảng cân đối kế toán
Khi sử dụng hình thức này, bản chất là doanh nghiệp đi vay tiền ở ngoài nên sẽ phát sinh một khoản nợ phải trả và hiển thị trên bảng cân đối kế toán của công ty. Khoản nợ này là khoản nợ dài hạn và sẽ được trả theo từng năm. Vì vậy giao dịch thuê lại thực sự có thể giúp cải thiện bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp:
- Nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm xuống (bằng cách tránh nợ nhiều hơn do chi phí thuê chỉ cần trả theo từng năm, so với việc đi vay một khoản tiền bằng giá trị của tài sản)
- Tài sản lưu động (current assets) sẽ tăng lên (dưới dạng tiền mặt và hợp đồng cho thuê, nói cách khác là quyền sử dụng tài sản – right of use asset).
- Vòng quay tài sản (asset turnover) của doanh nghiệp sẽ được cải thiện do tài sản cố định giảm nhưng khả năng tạo doanh thu của tài sản vẫn nằm trong tay doanh nghiệp
Giảm thuế phải chịu
- Việc đi thuê sẽ phát sinh chi phí thuê, dẫn đến giảm lợi nhuận và giảm phần thuế tương ứng.
- Doanh nghiệp có thể tránh phải trả thuế khi bán tài sản, bằng cách bán tài sản thông qua các công ty con, có trụ sở tại các khu vực được ưu đãi về thuế.
Giảm thiểu rủi ro phát sinh của tài sản
Sau khi bán, công ty không còn phải chịu những rủi ro phát sinh của tài sản mà người sở hữu tài sản phải gánh chịu trong trường hợp thị trường biến động nữa.
Giao dịch Sale and Leaseback được hạch toán theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế – IFRS 16 (Thay thế cho chuẩn mực kế toán IAS 17 được sử dụng trước đây). IFRS 16 đã loại bỏ sự phân biệt thuê hoạt động và thuê tài chính khi hạch toán cho bên đi thuê, cho nên cách hạch toán bắt buộc mà người bán – người đi thuê phải áp dụng cho giao dịch bán và cho thuê lại sẽ rõ ràng hơn. Ngoài ra, bổ sung cho IAS 17, IFRS 16 đã chỉ ra các yêu cầu kế toán đối với người mua – người cho thuê.
Vậy việc hạch toán cũng như lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hàng không sẽ diễn ra như thế nào? Ta sẽ cùng tính toán thử ví dụ rất nổi tiếng tại Việt Nam với họat động Sale and Leaseback của Vietjet Air năm 2016.
Họat động Sale and Leaseback của Vietjet Air
Năm 2016, Vietjet đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing với giá trị hợp đồng là 11,3 tỷ USD.
Người ta ước tính việc mua với số lượng lớn máy bay Boeing giúp cho Vietjet được chiết khấu tới 50% giá trị đơn hàng do đó ta ước tính đơn hàng này được giảm giá 5,6 tỷ đô la.
Vietjet cũng sẽ phải đặt cọc trước 1-5% giá trị đơn hàng và trong giả thiết này ta ước tính Vietjet phải trả 5% đơn hàng tương đương 565 triệu đô.
Sau đó Vietjet sẽ thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (Leasing companies, chẳng hạn là GECAS) trước thời điểm nhận bàn giao máy bay. Sau đó, tại thời điểm giao máy bay, Vietjet sẽ (1) tiếp nhận máy bay, (2) dùng tiền từ GECAS để thanh toán cho Boeing và (3) chuyển giao các giấy tờ sở hữu máy bay cho GECAS. Hợp đồng thuê thường kéo dài từ 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500 ngàn đến 750 ngàn USD/tháng tương đương 6 triệu đến 9 triệu đô/ năm cho 1 máy bay), ở đây ta sẽ giả sử mức giá thuê bình quân là là 600 ngàn USD.
Các công ty cho thuê tài chính có cái lý của họ để ký kết các hợp đồng SLB với Vietjet:
- Có những công ty không có tín nhiệm tín dụng tốt bằng các hãng hàng không. Do đó, họ không có khả năng mua trực tiếp với mức chiết khấu tốt bằng.
- Để được hưởng chiết khấu cao, các công ty cho thuê cũng phải mua máy bay với số lượng lớn. Tiền đầu tư cao, trong khi chưa chắc nhu cầu thuê máy bay đã nhiều. Thông thường, mỗi chiếc máy bay cần cho thuê trong 8-15 năm mới hòa vốn.
- Lợi nhuận mà các hãng hàng không thu được từ Sale and Leaseback cũng sẽ được cân nhắc vào giá cho thuê. Nói cách khác, lợi nhuận cao thì giá thuê cũng sẽ cao hơn và ngược lại. Như vậy, lợi nhuận được ghi nhận một lần vào lúc mua máy bay có thể nhiều, nhưng phần chi phí thuê hàng tháng sẽ bù trừ đáng kể khoản này theo thời gian.
Để thỏa thuận SLB (Sale and Leaseback) được đảm bảo, Vietjet hoàn toàn có thể chiết khấu cho công ty tài chính 10% trên mỗi máy bay Boeing và Vietjet sẽ thực hiện việc thuê 5 năm đối với số máy bay này.
Như vậy hợp đồng này nếu thành công như dự kiến sẽ đem về cho Vietjet số tiền là:
11.300.000.000 * 35% – 600.000*12*100*5 = 355.000.000 (USD)
Trừ đi các chi phí khác thì giao dịch này chẳng những không tiêu tốn của Vietjet 11.3 tỷ USD như báo chí đưa tin mà sẽ đem về cho Vietjet một số tiền lên tới trên 300 triệu USD tương đương hơn 6000 tỷ đồng trong khi lợi nhuận năm 2015 chỉ đạt 1170 tỷ đồng. Chính điều này đã giúp cho VJC tạo được cú hích lớn trong năm 2016 qua đó chứng kiến sự bùng nổ sau niêm yết ngày 28/02/2017.
Không chỉ riêng Vietjet, các hãng hàng không giá rẻ trên toàn cầu cũng thực hiện hoạt động Sale and Leaseback rất thường xuyên và mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù. Bản thân VJC sau năm 2016 cũng đã thực hiện nhiều thương vụ SLB khác và trở thành động lực tăng trưởng doanh thu trong một thời gian dài.
Sale and lease back – Phản ánh vào báo cáo tài chính
Doanh thu từ bán máy bay (Sale) của VJC là 11.581 tỷ đồng
Trong khi chi phí bán máy bay của VJC là 10.055 tỷ đồng thì Vietjet đã thu được hơn 1500 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động sale and lease back vượt qua lợi nhuận sau thuế của năm 2015 của chính doanh nghiệp này (1170 tỷ đồng).
Hạn chế của hoạt động Sale and Leaseback
Tuy nhiên, Sale and Leaseback trong hàng không cũng có những mặt hạn chế của nó.
Việc tài trợ đội bay bằng hình thức Sale and Leaseback thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỉ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa.
Do là đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định.
Tổng kết lại, Sale and Leaseback giúp các hãng hàng không phát triển đội bay mà không cần nhiều vốn. Tuy nhiên, việc đặt mua mà không tìm được đối tác thực hiện SLB sẽ dễ khiến các hãng hàng không gặp vấn đề về việc thanh toán các hợp đồng có giá trị lớn.
Happy trading !