Vào một ngày đẹp trời nhưng thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng sau một chuỗi ngày dài downtrend, bạn xem xét và quyết định mua cổ phiếu HPG của Tập đoàn Thép Hòa Phát với hy vọng là “bắt đáy” được cổ phiếu này. Vậy tại thời điểm đó, bạn nghĩ có bao nhiêu nhà đầu tư khác sẽ đồng ý với quyết định của bạn?
Khi được hỏi một câu hỏi như vậy, nhiều người thường cho rằng sẽ có rất nhiều người khác cũng đưa ra quyết định tương tự như họ. Trong lĩnh vực tâm lý xã hội, sự thiên lệch trong việc ra quyết định này được coi là một loại thiên vị nhận thức, hay thường được biết đến với tên gọi là “thiên kiến đồng thuận”.
Thiên kiến đồng thuận là gì?
Theo đó, trong bất kể một vấn đề nào, cho dù quyết định được đưa ra là gì đi chăng nữa, các nhà tâm lý học xã hội đã chứng minh rằng con người có xu hướng ước tính quá cao số lượng người đồng tình với quyết định của họ. Chúng ta cho rằng các quyết định là tương đối bình thường, phù hợp và đa số mọi người đều có cùng quan điểm đó. Chúng ta sử dụng các quyết định của mình như một “mỏ neo” và đánh giá những gì người khác làm dựa trên những gì chúng ta sẽ làm.
Sự thiên vị trong việc ra quyết định này có thể góp phần gây ra cảm giác tự tin thái quá. Một khi đã đưa ra quyết định, chúng ta có xu hướng tự tin rằng quyết định đó là đúng và những người khác sẽ đồng ý với chúng ta. Tuy nhiên trên thực tế thì có thể không phải vậy.
Tại sao lại có thiên kiến đồng thuận?
Khi đưa ra quyết định, con người thường cố gắng chắp ghép các bằng chứng trong quá khứ lại với nhau để đi đến lựa chọn hợp lý nhất. Sau khi một quyết định được đưa ra, bằng chứng hỗ trợ cho quyết định đó sẽ “nằm” trong bộ nhớ của người đó và rất dễ để gợi nhớ lại. Thiên kiến đồng thuận xảy ra khi ở những lần ra quyết định sau, chúng ta nhớ lại những gì đã làm và cho rằng mọi người cũng sẽ có hành động tương tự như mình. Trên thực tế, việc nhận định về những gì người khác sẽ làm dựa trên những ký ức trong quá khứ là không chính xác mà nên nhìn nhận dựa trên sự thật khách quan.
Tuy nhiên, một số bằng chứng lại chỉ ra rằng thiên kiến đồng thuận phụ thuộc vào mức độ chắc chắn của một người đối với một quyết định. Ví dụ, TS. Gary Marks và Norman Miller trong một nghiên cứu của mình đã thực hiện chi phối mức độ chắc chắn của những người tham gia nghiên cứu về quyết định mà họ đưa ra. Bạn càng đặt nhiều niềm tin vào quyết định của mình thì sự nhận định về số lượng những người có quyết định hành động tương tự càng trở nên kém chính xác hơn. Do đó, khi người ta càng chắc chắn về một quyết định thì họ càng tin rằng những người khác cũng sẽ hành xử như họ. Chính vì vậy, những ước tính đồng thuận sai lầm này lại khiến chúng ta cảm thấy tự tin hơn nữa.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể chống lại thiên kiến đồng thuận?
Lời khuyên tốt nhất trong trường hợp này đó là bạn nên luôn có sự hoài nghi đối với những quyết định của mình. Chúng ta cần xem xét xu hướng tìm kiếm và xác nhận thông tin của con người và đưa ra quyết định dựa trên những thông tin có sẵn trong bộ nhớ. Việc đưa ra quyết định khó khăn đến mức chúng ta cần tất cả năng lượng tâm lý để ghép các thông tin hỗ trợ của mình lại với nhau, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải tìm kiếm thông tin để phản biện lại với quyết định của mình để tìm kiếm được một cổ phiếu tốt.
Vì vậy, sau khi bạn đã thu thập thông tin của mình và trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, hãy tạm dừng lại một chút và tự hỏi bản thân “Liệu quyết định mình đưa ra có đang thiếu khách quan hay không?”, “Liệu mình đã xem xét những yếu tố thực tế một cách khách quan hay chỉ đang cố gắng xác nhận lại một niềm tin đã có từ trước?”. Luôn nhớ rằng nhận thức của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều khuynh hướng ra quyết định phổ biến, trong đó có thiên kiến đồng thuận.
Happy trading !