Trước khi đi đến những bước tiếp theo về các chỉ báo hay kỹ thuật phân tích, chúng ta sẽ cần xử lý một bước rất quan trọng: xem biểu đồ giá cổ phiếu ở đâu tốt nhất?
Phân tích kỹ thuật sử dụng các dữ liệu đầu vào là giá (mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất) trong các phiên giao dịch và khối lượng. Do đó, phân tích kỹ thuật có một ưu điểm đó là bạn có thể sử dụng để phân tích bất kỳ một loại tài sản nào, không chỉ là cổ phiếu. Giống như việc bạn học lái ô tô vậy, khi bạn biết lái ô tô và có bằng lái, bạn có thể nhảy lên bất cứ chiếc xe nào từ Mercedes đến Toyota hay Huyndai và lao ra đường.
Điều này hoàn toàn khác biệt so với phân tích cơ bản, chẳng hạn, nếu bạn biết đọc các báo cáo tài chính hay định giá doanh nghiệp, bạn sẽ chỉ có thể áp dụng chúng vào việc phân tích cổ phiếu thay vì phân tích thị trường forex hay hàng hóa. Với phân tích kỹ thuật thì khác, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các đường MA, chỉ báo RSI hay đường MACD đơn giản vào mọi đồ thị của mọi loại tài sản.
03 giả định của phân tích kỹ thuật
Không giống như phân tích cơ bản nhận định về cổ phiếu đang bị định giá quá cao hay quá thấp so với giá trị nội tại thực sự, phân tích kỹ thuật chỉ quan tâm đến giá cổ phiếu trong quá khứ nhằm dự đoán xu hướng trong tương lai. Tuy vậy, phân tích kỹ thuật sẽ được áp dụng với 4 giả định:
Giá phản ánh mọi sự kỳ vọng của thị trường: các nhà phân tích kỹ thuật quan niệm rằng, mọi thông tin kể cả công khai hay nội bộ đều được phản ánh vào giá. Chẳng hạn, kế toán trưởng của một công ty sau khi biết trước việc lợi nhuận của doanh nghiệp quý hiện tại tăng trưởng mạnh mẽ đã mua vào cổ phiếu, và điều này khiến giá tăng lên, và có thể mang đến một tín hiệu kỹ thuật mua.
Giá vận động theo xu hướng: Tất cả các sự biến động trên thị trường đều tuân theo một xu hướng. Chẳng hạn, đà tăng của VN-Index từ 900 lên 1,300 không diễn ra trong 1 ngày, nó là cả một quá trình tăng trong 9 tháng. Xu hướng chính là cơ sở của mọi lý thuyết về phân tích kỹ thuật được xây dựng cho đến ngày hôm nay.
Lịch sử có xu hướng lặp lại: Đó là bởi vì phản ứng của các nhà đầu tư thường không thay đổi với cùng một sự kiện. Chẳng hạn, nếu một cổ phiếu thường giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp, trong lần tới nếu giá của cổ phiếu này tăng 3 phiên liên tiếp, các nhà đầu tư nghĩ rằng giá sẽ giảm, họ sẽ bán cổ phiếu, và hệ quả là giá trên thị trường thực sự giảm.
Từ 03 giả định trên, chúng ta có thể rút ra được tư duy nền tảng đối với việc tiếp cận phân tích kỹ thuật: “Như thế nào” quan trọng hơn “Tại sao”. Các nhà phân tích kỹ thuật sẽ không quan tâm đến việc tại sao tay kế toán trưởng kia lại mua vào cổ phiếu, thứ mà họ quan tâm đến là việc mua vào cổ phiếu của anh ta sẽ khiến giá di chuyển như thế nào.
Cách xem biểu đồ giá
Như đã nói ở trên, 4 mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất chính là đầu vào của các chỉ báo kỹ thuật, trong đó giá đóng cửa hay được sử dụng phổ biến hơn cả. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch từ 9h00 sáng đến 14h45 (sàn HOSE), giá mở cửa được xác định dựa trên phiên ATO từ 9h00-9h15, giá đóng cửa được xác định dựa trên phiên ATC vào 14h30-14h45. Trong phiên giao dịch, giá sẽ biến động lên xuống, và giá cao nhất chính là mức cao nhất của phiên hôm đó, và giá thấp nhất cũng tương tự.
Các nguồn tra cứu xem biểu đồ giá (miễn phí) phổ biến nhất
TradingView (tradingview.com)
Đây là trang web quốc tế có thể nói là phổ biến nhất, cung cấp biểu đồ giá của tất cả các nhóm tài sản giao dịch khác nhau, trong đó có cổ phiếu. Với ưu điểm về nguồn dữ liệu đa dạng và cập nhật, website này cho phép bạn xem được biểu đồ giá của các chỉ số chung mà không có ở các website miễn phí khác như VNMIDCAP, VNSMALCAP, VNFIN,… Điểm trừ đó là bạn chỉ có thể xem được biểu đồ giá của các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, và được dùng tối đa 3 chỉ báo kỹ thuật với bản free.
Fireant (Fireant.vn)
Ưu điểm của website này là khá thân thiện với người dùng khi có độ Việt hóa cao, đồng thời không giới hạn số lượng chỉ báo kỹ thuật như tradingview. Ngoài ra, fireant còn cung cấp khá nhiều thông tin kỹ thuật đáng chú ý khác như giao dịch của khối ngoại, tự doanh hay diễn biến tăng giảm của từng nhóm ngành. Điểm trừ đó là bạn không thể xem được diễn biến của biểu đồ giá chứng khoán phái sinh khi dùng bản free.
Website của các công ty chứng khoán
Bên cạnh các website chuyên dụng, mỗi công ty chứng khoán tùy vào mức độ hoàn thiện cũng cung cấp nguồn tra cứu biểu đồ giá cho khách hàng. Ví dụ, bạn có thể tra cứu biểu đồ giá của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thông qua website của chứng khoán MBS.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy trading !