Trước khi đến những bước tiếp theo về các chỉ báo hay kỹ thuật phân tích, chúng ta sẽ cần xử lý một bước đầu vào rất quan trọng: cách xem biểu đồ giá cổ phiếu như thế nào? Và xem biểu đồ giá ở đâu là tốt nhất?
Giả định quan trọng trong Phân tích Kỹ thuật
Tại sao các nhà giao dịch phải học cách xem biểu đồ giá? Không giống như Phân tích Cơ bản nhận định về cổ phiếu đang bị định giá quá cao hay quá thấp so với giá trị nội tại thực sự, phân tích kỹ thuật thừa nhận một giả định rằng “Giá phản ánh tất cả”. Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng, các thông tin cơ bản, tâm lý đám đông hay những yếu tố khác đều có thể tác động đến giá cả và chúng được phản ánh qua mức giá giao dịch trên thị trường. Phân tích kỹ thuật bao gồm việc đánh giá tất cả thông tin thể hiện qua biểu đồ giá, bất kể đó là thông tin nội bộ hay thông tin được công khai.
Phân tích Kỹ thuật sử dụng các dữ liệu đầu vào chính bao gồm giá (mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất trong phiên) và khối lượng giao dịch, được biểu diễn trên cùng một trục thời gian. Phân tích Kỹ thuật có một ưu điểm đó là bạn có thể sử dụng để phân tích bất kỳ một loại tài sản nào, không chỉ là cổ phiếu, hàng hóa hay forex. Giống như việc bạn học lái ô tô vậy, khi bạn biết lái ô tô và có bằng lái, bạn có thể nhảy lên bất cứ chiếc xe nào từ Mercedes đến Toyota hay Vinfast.
Điều này hoàn toàn khác biệt so với Phân tích Cơ bản, chẳng hạn, nếu bạn biết đọc các báo cáo tài chính hay định giá doanh nghiệp, bạn sẽ chỉ có thể áp dụng chúng vào việc phân tích cổ phiếu thay vì phân tích thị trường Forex hay hàng hóa. Với Phân tích Kỹ thuật thì khác, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các đường MA, chỉ báo RSI hay MACD đơn giản vào mọi biểu đồ của mọi loại tài sản. Việc học cách xem biểu đồ giá là vô cùng quan trọng.
Cách xem biểu đồ giá chứng khoán
Có 5 loại biểu đồ giá thường được các nhà giao dịch sử dụng nhất trong Phân tích Kỹ thuật:
- Biểu đồ nến Nhật (Candlestick Chart).
- Biểu đồ dạng đường (Line Chart).
- Biểu đồ hình thanh (Bar Chart).
- Biểu đồ nến Heiken Ashi.
- Biểu đồ Hình và Điểm (Point & Figure Chart).
Bài viết này sẽ hướng dẫn chung nhất về cách xem biểu đồ giá chứng khoán, dựa trên các nền tảng cung cấp dữ liệu biểu đồ phổ biến (ví dụ bên dưới là biểu đồ giá bạn có thể tra cứu tại fireant.vn), chúng ta sẽ đi sâu vào từng dạng biểu đồ được nêu trên ở các bài viết sau.
Trên biểu đồ giá, chúng ta sẽ nhìn thấy biểu đồ gồm có 5 vùng chính:
Vùng 1: Dữ liệu biến động giá
Biểu đồ được hình thành từ 2 trục chính:
- Trục dọc: Dữ liệu về biến động giá và chỉ báo kỹ thuật
- Trụng ngang: Dữ liệu thời gian.
Dữ liệu giá gồm có 4 mốc chính cần lưu tâm là: Giá mở cửa (Open), Giá đóng cửa (Close), Giá cao nhất (High), Giá thấp nhất (Low). Cùng với sự phát triển của trường phái phân tích kỹ thuật, các nhà phân tích kỹ thuật đã sáng tạo ra nhiều dạng biểu đồ khác nhau để hiển thị dữ liệu biến động giá theo thời gian. Dựa trên nền tảng kiến thức và chiến lược giao dịch của cá nhân mà các nhà giao dịch có thể lựa chọn các loại thiết lập biểu đồ giá phù hợp, tối ưu như: nến Nhật, hình thanh, dạng đường, … để có thể quan sát dữ liệu giá trên biểu đồ.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch từ 9h00 sáng đến 14h45 (sàn HOSE), giá mở cửa được xác định dựa trên phiên ATO từ 9h00 – 9h15, giá đóng cửa được xác định dựa trên phiên ATC vào 14h30-14h45. Trong phiên giao dịch, giá sẽ biến động lên xuống, và giá cao nhất chính là mức cao nhất của phiên hôm đó, và giá thấp nhất cũng tương tự. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về các khung thời gian giao dịch tại thị trường Việt Nam tại đây.
Vùng 2: Dữ liệu về khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch (volume) là số lượng cổ phiếu được giao dịch trong một khoảng thời gian tùy theo thiết lập biểu đồ như: 1 giờ, 4 giờ, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, … Thông thường, mỗi cây khối lượng sẽ có màu xanh – đỏ, màu xanh thể hiện giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa; ngược lại, màu đỏ thể hiện giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa.
Vùng 3: Thanh công cụ cài đặt chỉ báo
Trong vùng thanh công cụ cài đặt chỉ báo gồm có các mục như sau:
Mục 1: Điền tên mã cổ phiếu muốn quan sát
Mục 2: Điều chỉnh khung thời gian (Timeframe) ghi nhận dữ liệu giá.
Việc điều chỉnh này sẽ giúp ta quan sát dữ liệu biến động giá theo thời gian cụ thể, có nhiều khung thời gian khác nhau từ nhỏ đến lớn như: 30 phút, 1 giờ, 4 giờ, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, … Tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà các nhà giao dịch sẽ lựa chọn các khung thời gian phù hợp.
Mục 3: Điều chỉnh thiết lập dạng biểu đồ
Như đã nói ở trên, có rất nhiều dạng biểu đồ kỹ thuật thuật khác nhau như nến Nhật, dạng đường hay hình thanh, … Tùy theo mục đích cá nhân của mỗi nhà giao dịch sẽ lựa chọn các thiết lập phù hợp.
Mục 4: Mục này giúp nhà giao dịch có thể quan sát và so sánh nhiều mã cổ phiếu khác nhau trên cùng một biểu đồ
Mục 5: Thiết lập các chỉ báo kỹ thuật lên biểu đồ giá
Đây là mục giúp các nhà giao dịch tìm kiếm và thiết lập các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD, đường trung bình động (MA), … lên biểu đồ giá.
Mục 6: Giúp quay lại các thao tác đã thực hiện, tương tự như Undo – Repeat trong Word hay Excel mà mọi người đã quen thuộc
Vùng 4: Quan sát thông tin chi tiết
Ở vùng này, chúng ta có thể quan sát được chi tiết hơn về dữ liệu, thông tin của từng giao dịch (Từng cây nến) đang quan sát.
- O (Open): Giá mở cửa.
- H (High): Giá cao nhất.
- L (Low): Giá thấp nhất.
- C (Close): Giá đóng cửa.
- -0.40: Giá đóng cửa ngày giao dịch T giảm 0.40 (Nghìn đồng) so với ngày T – 1.
- -2.22%: Giá đóng cửa ngày giao dịch T giảm 2.22% so với ngày T – 1.
- Khối lượng (Volume): Thể hiện khối lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày T.
(Đơn vị đo: M = triệu, K = Trăm nghìn). - EMA: vùng này hiển thị các chỉ báo kỹ thuật được thiết lập trên biểu đồ (Trong ví dụ trên biểu đồ đang được thiết lập chỉ báo EMA).
Vùng 5: Thanh công cụ vẽ
Đây là vùng vô cùng quan trọng đối với rất nhiều nhà giao dịch bởi nó cung cấp các công cụ vẽ, đo lường, đánh dấu, … giúp các nhà giao dịch phân tích biểu đồ giá hiệu quả hơn.
Ví dụ như: Vẽ đường xu hướng, vẽ Hỗ trợ – Kháng cự, Vẽ đường Fibonacci, …
Các nguồn tra cứu biểu đồ giá (miễn phí) phổ biến nhất
TradingView (tradingview.com)
Đây là trang Web quốc tế có thể nói là phổ biến nhất, cung cấp biểu đồ giá của tất cả các nhóm tài sản giao dịch khác nhau, trong đó có cổ phiếu. Với ưu điểm về nguồn dữ liệu đa dạng và cập nhật, Website này cho phép bạn xem được biểu đồ giá của các chỉ số chung mà không có ở các Website miễn phí khác như VNMIDCAP, VNSMALCAP, VNFIN, … Điểm trừ đó là bạn chỉ có được dùng tối đa 3 chỉ báo kỹ thuật với bản miễn phí (Free).
Fireant (Fireant.vn)
Ưu điểm của Website này là khá thân thiện với người dùng khi có độ Việt hóa cao, rất thích hợp đối với những nhà đầu tư mới đang học cách xem biểu đồ giá chứng khoán. Đồng thời không giới hạn số lượng chỉ báo kỹ thuật như Tradingview. Ngoài ra, Fireant còn cung cấp khá nhiều thông tin kỹ thuật đáng chú ý khác như giao dịch của khối ngoại, tự doanh hay diễn biến tăng giảm của từng nhóm ngành. Điểm trừ đó là bạn không thể xem được diễn biến của biểu đồ giá chứng khoán phái sinh khi dùng bản Free.
Website của các công ty chứng khoán
Bên cạnh các Website chuyên dụng, mỗi công ty chứng khoán tùy vào mức độ hoàn thiện cũng cung cấp nguồn tra cứu biểu đồ giá cho khách hàng. Ví dụ, bạn có thể tra cứu biểu đồ giá của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thông qua Website của Chứng khoán MBS.
Khóa học Phân Tích Kỹ Thuật – CMT Ứng Dụng
Khóa học được Green Chart thiết kế nhằm mục đích giúp học viên hiểu và ứng dụng những kiến thức phân tích kỹ thuật theo tiêu chuẩn CMT vào thực tế phân tích và giao dịch trên thị trường tài chính. Nội dung khóa học bao gồm 08 buổi học với kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, rất phù hợp cho các nhà giao dịch mới bắt đầu hoặc có mong muốn tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. Học viên sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tự ôn thi chứng chỉ CMT Level 1+2 nếu có nhu cầu.
Tham khảo thêm về khóa học Tại đây.
Happy trading !