Phân tích cơ bản là gì?
Theo Wikipedia, Phân tích cơ bản cổ phiếu liên quan đến việc phân tích các báo cáo và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, các lợi thế quản lý, lợi thế cạnh tranh, các đối thủ cạnh tranh và các thị trường nó. Phân tích cơ bản nhằm mục tiêu tiến hành định giá cổ phiếu một công ty và dự đoán sự phát triển giá có thể xảy ra của nó.
Phân tích cơ bản đề cập đến phương pháp phân tích các yếu tố kinh tế và tài chính trên thị trường để đo lường giá trị nội tại của một chứng khoán. Các nhà phân tích cơ bản tin rằng bất kỳ yếu tố kinh tế vĩ mô nào như tình trạng nền kinh tế, lạm phát, bất kỳ chính sách tài khóa hoặc tiền tệ nào do Chính phủ thực hiện đều có thể ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Thông thường, Phân tích Cơ bản được thực hiện từ cấp độ vĩ mô trước tiên (top-down analysis), nơi các yếu tố quyết định chính sách của Chính phủ, Ngân hàng trung ương và ảnh hưởng của chúng đến trạng thái của nền kinh tế đang được phân tích. Sau đó, các nhà phân tích chuyển sang cấp độ vi mô, nơi họ tập trung vào sự tăng trưởng của một ngành cụ thể và xem xét các yếu tố cụ thể của công ty như thành phần của Ban quản lý,mô hình kinh doanh, tình hình tài chính,…
Cuối cùng, nhà phân tích cơ bản kết luận bằng cách tính toán xem cổ phiếu hiện đang được định giá quá cao hay được định giá thấp hơn so với giá trị thị trường hiện tại của nó và đưa ra các quyết định đầu tư tương ứng.
Phân tích cơ bản là một cách tiếp cận hiệu quả để nghiên cứu một doanh nghiệp cũng như cổ phiếu của nó. Khi một nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn vào một doanh nghiệp (ví dụ 3 – 5 năm), điều cần thiết là phải hiểu doanh nghiệp từ nhiều khía cạnh khác nhau. Điều quan trọng đối với một nhà đầu tư là tách biệt sự ồn ào ngắn hạn do biến động hàng ngày về giá cổ phiếu và tập trung vào hiệu quả kinh doanh cơ bản. Giá cổ phiếu của một công ty cơ bản tốt có xu hướng tăng giá trong dài hạn, theo giá trị mà công ty đó tạo ra cho các cổ đông từ hoạt động kinh doanh.
Ở thị trường Việt Nam, có lẽ bạn cũng không hề xa lạ với VNM, HPG, FPT, REE, BMP, VCS,… những doanh nghiệp top đầu với hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều đặn ở mức trên 20% trong suốt nhiều năm qua. Để dễ hình dung hơn, hãy nhớ đến bài toán lãi kép của chúng ta trong bài viết trước, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) 20%/năm, bạn có thể tăng gấp đôi số tiền đầu tư của mình trong khoảng thời gian 3.5 năm !
Tất nhiên ở phía còn lại, mọi thứ sẽ thật tồi tệ nếu bạn chọn phải những công ty có kết quả kinh doanh yếu kém.
Có một số thuộc tính chung của nhóm các công ty tuyệt vời giúp phân biệt chúng với các công ty yếu kém, và phân tích cơ bản có thể giải quyết vấn đề này. Nói tóm lại, nhà phân tích cơ bản coi việc nắm giữ cổ phiếu như một phần của doanh nghiệp và quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, cũng như những gì họ kỳ vọng nhận được từ doanh nghiệp đó. Hiệu quả kinh doanh là hệ quả và có thể được phản ánh qua rất nhiều yếu tố như đặc thù ngành nghề, mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo, tình hình tài chính,.. Việc hiểu rõ và đánh giá những yếu tố này đóng vai trò tiên quyết đối với hiệu quả giao dịch và đầu tư của bạn. Xin đừng cảm thấy lo lắng vì có quá nhiều thứ phải học, chúng tôi ở đây để giúp bạn, và chúng ta sẽ bắt đầu từng bước một.
Các yếu tố cơ bản tạo nên một doanh nghiệp – cổ phiếu tốt
Một công ty – khoản đầu tư tốt thường có một số đặc điểm tạo nên sự khác biệt so với phần còn lại. Những đặc điểm này có thể được phân loại thành 2 nhóm: nhóm định tính và nhóm định lượng. Quá trình đánh giá một công ty có nền tảng cơ bản tốt bao gồm việc nghiên cứu cả hai khía cạnh này. Ở góc độ cá nhân, tôi thường coi các khía cạnh định tính quan trọng hơn một chút so với các khía cạnh định lượng trong việc lựa chọn cổ phiếu.
Các yếu tố định tính
Việc xác định nhóm yếu tố này chủ yếu liên quan đến việc hiểu các khía cạnh phi tài chính của doanh nghiệp, trong đó đa số thuộc về các yếu tố quản trị, chẳng hạn như:
- Ban lãnh đạo: Họ là ai, lý lịch, kinh nghiệm và trình độ học vấn của họ. Cách thực tế nhất là lắng nghe những lời hứa hẹn và kế hoạch kinh doanh mà họ đề ra trong Đại hội cổ đông, sau đó kiểm nghiệm chúng trên thực tế 5-10 năm gần nhất.
- Đạo đức kinh doanh – công ty liệu có liên quan đến các vụ thao túng giá, hủy hoại môi trường, hoặc hành vi kinh doanh không lành mạnh? Có rất nhiều ví dụ cho việc này mà bạn có thể tìm thấy trên các mặt báo.
- Quản trị công ty – cơ cấu tổ chức của công ty có phù hợp hay không? Tính minh bạch trong bổ nhiệm ban lãnh đạo.
- Cổ đông lớn – những cổ đông lớn (sở hữu trên 5% tỷ lệ cổ phần), họ là ai và đóng vai trò như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
- Cổ đông thiểu số – Ban lãnh đạo đối xử với cổ đông thiểu số như thế nào, họ có cân nhắc lợi ích của cổ đông thiểu số khi thực hiện các hành động của công ty không. Một ví dụ điển hình là ban lãnh đạo thực hiện Esop hoặc phát hành riêng lẻ cổ phiếu ồ ạt với giá rẻ để tăng vốn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của cô đông nhỏ.
- Cổ đông nội bộ – cổ đông nội bộ hoặc người có liên quan có “mua đáy, bán đỉnh” thường xuyên hay không?
- Thù lao của ban lãnh đạo – ban lãnh đạo có tự trả lương, thưởng cho mình theo tỷ lệ % quá cao so với lợi nhuận hàng năm của công ty?
- Giao dịch với các bên liên quan – công ty có nhiều giao dịch bất thường với các bên liên quan, làm ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông hay không?
Tôi thường lựa chọn không đầu tư vào một công ty nếu nó vi phạm quá nhiều vấn đề về quản trị, ngay cả khi công ty đó có doanh thu và lợi nhuận lớn. Ví dụ, một công ty A có nhiều giao dịch không rõ ràng với các bên liên quan, như mua nguyên liệu đầu vào của công ty B – công ty riêng của CEO công ty A, với mức giá cao bất thường so với giá thị trường, đó là một dấu hiệu của sự không trung thực cần được loại bỏ. Bạn không thể chắc chắn là mình luôn đúng, nhưng ít nhất cũng có thể loại trừ những trường hợp có xác suất rủi ro cao.
Các khía cạnh định tính không dễ khám phá vì đây là những vấn đề rất tế nhị. Tuy nhiên, một nhà đầu tư siêng năng có thể nhận ra điều này bằng cách chú ý đến các báo cáo thường niên, phỏng vấn ban giám đốc, tin tức doanh nghiệp,…
Các yếu tố định lượng
Đây là những vấn đề liên quan đến các con số tài chính, khô khan nhưng đầy thực tế. Một vào thứ dưới đây thì đơn giản, trong khi một số khác thì không. Ví dụ, lượng tiền mặt trong bảng cân đối kế toán có thể nhìn được thấy ngay lập tức, nhưng “vòng quay hàng tồn kho” thì lại đòi hỏi một chút tính toán. Sau đây là một vài con số quan trọng mang tính chất liệt kê, vì chúng ta sẽ đi sâu vào chúng trong các bài viết tiếp theo.
- Tốc độ tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận.
- Biên lợi nhuận và khả năng sinh lời.
- Các chỉ số liên quan đến chi phí.
- Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động.
- Chính sách chi trả cổ tức.
- Các chỉ tiêu dòng tiền của doanh nghiệp.
- Các chỉ tiêu về nợ và đòn bẩy tài chính.
- Khả năng quản lý vốn lưu động.
- Tốc độ tăng trưởng tài sản và vốn chủ sở hữu.
- Các khoản đầu tư tài chính.
- Các vấn đề liên quan đến thuế.
Trong những bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ hiểu cách đọc hiểu báo cáo tài chính và báo cáo thường niên, đây là nguồn cung cấp tất cả các số liệu cần thiết để tính toán và nghiên cứu các khía cạnh định tính cũng như định lượng của doanh nghiệp.
Phân tích cơ bản cần học những gì?
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng chỉ những người làm trong ngành tài chính hoặc có background về tài chính – kinh doanh mới có thể là những nhà phân tích cơ bản giỏi. Điều này là không đúng sự thật nếu bạn có sự nỗ lực và chăm chỉ đào sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, để trở thành một nhà phân tích cơ bản, bạn sẽ cần một số kỹ năng cơ bản:
- Hiểu biết về báo cáo tài chính và cách phân tích các chỉ số tài chính, bao gồm một số chỉ tiêu quan trọng như biên lợi nhuận, vốn lưu động, dòng tiền, ROA, ROE,…
- Hiểu biết về phân tích vĩ mô – ngành: đánh giá được bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tác động đến triển vọng các nhóm ngành, chuỗi giá trị ngành, tình hình cạnh tranh của các công ty trong ngành. Những phân tích này giúp bạn nắm được các đặc thù của từng nhóm ngành, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời lựa chọn được những công ty tốt nhất trong một ngành đang tăng trưởng mạnh.
- Có được góc nhìn về giá trị của cổ phiếu thông qua các phương pháp định giá như: P/E, P/B, chiết khấu dòng tiền, chiết khấu dòng cổ tức,…
Mindset cần có của một nhà phân tích cơ bản
Xác định rõ mục tiêu của bạn
Bạn có thể lựa chọn trở thành một trader hoặc investor, miễn là nó phù hợp với tính cách và quỹ thời gian của bạn. Không có một ranh giới rõ ràng của việc giao dịch và đầu tư, tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất theo tôi nghĩ là thời gian nắm giữ cổ phiếu và tỷ trọng của các phương pháp phân tích trong việc đưa ra quyết định mua/bán. Bạn có thời gian nắm giữ lệnh càng dài, bạn càng thiên nhiều hơn về hướng đầu tư, và tỷ trọng của phân tích cơ bản trong việc đưa ra quyết định cũng nhiều hơn. Ở phía ngược lại, nhà giao dịch có xu hướng nắm giữ cổ phiếu với thời gian ngắn hơn, với tỷ trọng của phân tích kỹ thuật sẽ nhiều hơn trong việc đưa ra các quyết định.
Thấu hiểu về lãi kép
Lãi suất kép trong chứng khoán là một trong những khái niệm quan trọng nhất cần nắm bắt trước khi giao dịch và đầu tư. Giả sử với một khoản đầu tư ban đầu là 100 triệu VND, cùng với mức lãi kép tăng trưởng hàng năm là 20% (hay còn được gọi là CAGR 20%). Vào cuối năm thứ nhất, số tiền dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu. Khi đó, bạn có hai lựa chọn: để nguyên số tiền 120 triệu tiếp tục tái đầu tư, hoặc rút 20 triệu tiền lãi ra. Nếu bạn lựa chọn cách đầu tiên, vào cuối năm thứ 2 bạn sẽ có 144 triệu, và sau đó là 173 triệu vào cuối năm thứ 3,...
So sánh điều này với việc rút ra tiền lãi 20 triệu mỗi năm, đến cuối năm thứ 3 thì lợi nhuận bạn có sẽ chỉ là 60 triệu. Rõ ràng, quyết định tái đầu tư cả gốc lẫn lãi đã đem lại khoản lợi nhuận 73 triệu sau 3 năm, cao hơn 21.7%. Điều này được gọi là hiệu ứng lãi kép, chúng ta có thể hình dung hiệu quả của nó rõ hơn ở biểu đồ dưới đây:
Biểu đồ trên cho thấy khoản tiền 100 triệu vốn ban đầu được đầu tư ở mức 20% sẽ tăng trưởng như thế nào trong khoảng thời gian 10 năm. Nếu bạn để ý kỹ hơn, phải mất gần 6 năm để số tiền này tăng từ 100 triệu lên 300 triệu. Tuy nhiên, 200 triệu tiếp theo được tạo ra chỉ trong 3 năm, tức là với thời gian ngắn hơn 1 nửa, từ năm thứ 6 đến năm thứ 9 (nghe gần giống như khái niệm về gia tốc trong môn vật lý vậy).
Quy luật đơn giản ở đây là: bạn đầu tư càng lâu với tỷ lệ sinh lời vừa phải nhưng ổn định, bạn càng kiếm được nhiều tiền trong dài hạn. Kỳ vọng sinh lời x2, x3 thậm chí x10 lần số vốn trong một thời gian ngắn là một suy nghĩ viển vông. Một nhà phân tích cơ bản cần thấu hiểu được vai trò của thời gian và lãi kép quan trọng như thế nào đối với khoản đầu tư của mình.
Tôi phân tích kỹ thuật rất giỏi, vậy tôi có cần học phân tích cơ bản nữa không?
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis – TA) có thể giúp bạn thu được lợi nhuận ngắn hạn nhanh chóng, bằng việc xác định thời gian vào và thoát khỏi thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng phân tích kỹ thuật không phải là một cách tiếp cận hiệu quả để tạo ra một cơ hội đầu tư – giao dịch tốt. Lợi nhuận ổn định chỉ được tạo ra bằng cách duy trì hiệu quả đầu tư trong dài hạn một cách thông minh, khi đó, cả Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản phải cùng tồn tại và bổ khuyết lẫn nhau trong chiến lược của bạn.
Một ví dụ về đà tăng giá của cổ phiếu HPG trong năm 2021, khi doanh nghiệp này hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép và quy mô sản xuất của HPG được mở rộng từ dự án Dung Quất. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn nhận thấy một xu hướng chuyển dịch của các yếu tố cơ bản, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách gia tăng vị thế mua tại các nhịp điều chỉnh (màu vàng) của cổ phiếu, dựa trên phân tích kỹ thuật.
Điều cuối cùng, nếu bạn muốn trở thành một nhà phân tích cơ bản giỏi, hãy chăm chỉ và kiên nhẫn.
Chúc bạn thành công !