Mục lục

Rủi ro hệ thống và phi hệ thống là gì?

Rủi ro hệ thống và phi hệ thống là gì?
Rủi ro hệ thống và phi hệ thống

Rủi ro là một khía cạnh trong thể thiếu, trước khi xét đến lợi nhuận trong đầu tư và giao dịch tài chính. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân loại rủi ro dựa trên nguồn gốc phát sinh của chúng. Đối với các trader, lợi nhuận của người này thường tương ứng với sự thua lỗ của người khác. Một cách tổng quát hơn, khi một nhóm những trader liên tục đạt được lợi nhuận, thì phải có một nhóm những trader khác liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, nhóm liên tục đạt được lợi nhuận thường là thiểu số trong khi nhóm liên tục thua lỗ lại chiếm số đông.

Sự khác biệt giữa hai nhóm này chính là sự hiểu biết của họ về rủi ro và các kỹ thuật quản lý dòng tiền. Trong cuốn sách “The Disciplined Trader” của mình, tác giả Mark Douglas đã từng nói: “giao dịch thành công phụ thuộc 80% vào quản lý vốn và 20% thuộc về chiến lược đầu tư đúng đắn”.

Quản lý vốn và các vấn đề liên quan chủ yếu dựa trên việc đánh giá rủi ro. Chính vì vậy, việc hiểu về rủi ro và các hình thái của nó thực sự rất cần thiết. Và để có một cái nhìn rõ ràng hơn về rủi ro, bạn cần chia chúng thành những dạng cơ bản để phân tích.

Trên thị trường chứng khoán, rủi ro thường được hiểu là “xác suất bị mất tiền” và đó chính xác là thứ mà bạn phải chấp nhận khi mua cổ phiếu của một công ty, dù có muốn hay không. Ở mức độ cao hơn, rủi ro có thể được chia thành hai loại là: Rủi ro hệ thống và Rủi ro phi hệ thống. Bạn nghiễm nhiên sẽ phải đối mặt với cả hai loại rủi ro này khi sở hữu một cổ phiếu.

Rủi ro phi hệ thống là gì?

Có muôn vàn lý do có thể làm cho cổ phiếu của bạn giảm giá, nhưng hãy để tôi liệt kê ra một vài ý như: triển vọng kinh doanh giảm sút, tỷ suất sinh lợi sụt giảm, ban quản lý doanh nghiệp có hành vi gian lận …v.v…

Có một điểm chung cho hầu hết các lý do này, đó là chúng đều là những rủi ro mang tính đặc thù của một công ty. Ví dụ, bạn có một khoản vốn đầu tư là $1000. Bạn quyết định đầu tư tất cả số tiền này vào cổ phiếu của công ty thép Hòa Phát (HPG). Một vài tháng sau, HPG tuyên bố rằng doanh thu của họ bị sụt giảm do một số nhà máy bị sự cố (chẳng hạn). Rõ ràng, giá cổ phiếu HPG cũng sẽ giảm theo và điều này đồng nghĩa là bạn sẽ bị mất một phần số tiền đầu tư của mình. Tuy nhiên, tin tức này lại không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép khác trong ngành như HSG, POM hay NKG. Tương tự như vậy, nếu ban lãnh đạo của HPG có hành vi gian lận, thì giá cổ phiếu của HPG sẽ giảm chứ không phải các đối thủ cạnh tranh của họ. Rõ ràng, những rủi ro này chỉ dành riêng cho một mình công ty này chứ không phải các công ty khác nói chung.

Một ví dụ điển hình tại Việt Nam mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua đó là trường hợp của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung với vụ thao túng giá chứng khoán mã MTM xảy ra vào năm 2016. Theo đó Chủ tịch HĐQT của công ty cùng nhiều thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có hành vi làm giả danh sách cổ đông, lập khống hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, làm khống hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu, phiếu chi… nhằm lừa dối các cơ quan chức năng để đăng ký là công ty đại chúng, sau đó niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, công ty còn lập 59 tài khoản giao dịch chứng khoán để tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu trên thị trường. Và khi hành vi gian lận này bị phát hiện, người bị hại chính là những nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Mặc dù ban lãnh đạo – những kẻ chủ mưu của vụ việc đã phải chịu những hình phạt từ pháp luật, song thiệt hại đối với nhiều nhà đầu tư vẫn là vô cùng đáng kể và gần như không thể lấy lại. Có những người đã sớm từ bỏ vụ việc và chấp nhận bị mất tiền. Cổ phiếu MTM thời điểm đó thuộc nhóm những cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất trên thị trường, đủ để cho thấy mức độ thiệt hại của vụ việc đối với nhà đầu tư là lớn như thế nào.

Như vậy, các yếu tố bên ngoài không có bất kỳ tác động nào đến việc cổ phiếu giảm giá, mà thay vào đó chính các yếu tố cụ thể mang tính đặc thù, nội bộ xảy ra với một công ty (trường hợp của MTM là hành vi gian lận của ban lãnh đạo). Rủi ro mất tiền vì những yếu tố kể trên thường được gọi là “Rủi ro phi hệ thống”.

Rủi ro phi hệ thống có thể được đa dạng hóa, nghĩa là thay vì đầu tư tất cả tiền vào một công ty, bạn có thể “đa dạng hóa” danh mục đầu tư của mình vào 2-3 công ty khác nhau (tốt nhất là thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau). Khi bạn đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình, rủi ro phi hệ thống sẽ giảm đáng kể. Quay trở lại ví dụ với HPG, hãy tưởng tượng thay vì mua HPG bằng tất cả số vốn của mình, bạn quyết định chỉ đầu tư $500 vào HPG và $500 còn lại vào cổ phiếu sữa Vinamilk (VNM), trong trường hợp này, ngay cả khi HPG giảm giá (do rủi ro phi hệ thống), thiệt hại sẽ chỉ xảy ra ở một nửa khoản đầu tư vì nửa còn lại đã được đầu tư vào một công ty khác. Trên thực tế, thay vì chỉ có hai cổ phiếu như ví dụ, danh mục đầu tư của bạn có thể bao gồm 5 hoặc 10 hay thậm chí là 20 cổ phiếu tùy quy mô vốn và khẩu vị rủi ro. Số lượng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của bạn càng nhiều thì tính đa dạng hóa càng cao và do đó rủi ro phi hệ thống càng ít.

Điều này dẫn chúng ta đến một câu hỏi rất quan trọng – một danh mục đầu tư tốt nên có bao nhiêu cổ phiếu để rủi ro phi hệ thống được phân tán hoàn toàn? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sở hữu tối đa 20 cổ phiếu trong danh mục sẽ giúp đạt được hiệu quả đa dạng hóa tối ưu và việc có nhiều hơn con số 20 sẽ không mang lại sự khác biệt đáng kể.

Biểu đồ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách đa dạng hóa làm phân tán rủi ro phi hệ thống: 

Rủi ro hệ thống và phi hệ thống là gì?
Biểu đồ thể hiện đa dạng hóa và sự phân tán rủi ro phi hệ thống

Như bạn có thể nhận thấy, rủi ro phi hệ thống giảm đáng kể khi bạn đa dạng hóa danh mục và sở hữu nhiều cổ phiếu hơn. Tuy nhiên sau khoảng 20 cổ phiếu, rủi ro phi hệ thống không thực sự được đa dạng hóa nữa, điều này thể hiện rõ khi đồ thị bắt đầu đi ngang sau mốc 20.

Tuy nhiên, có một loại rủi ro khác vẫn tồn tại ngay cả sau khi bạn đã đa dạng hóa danh mục, nó được gọi là “Rủi ro hệ thống”.

Rủi ro hệ thống là gì?

Rủi ro có hệ thống đề cập đến rủi ro vốn có đối với toàn bộ thị trường hoặc phân khúc thị trường. Rủi ro hệ thống, còn được gọi là “rủi ro không thể đảo ngược”, “sự biến động” hoặc “rủi ro thị trường”, ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chung, thay vì chỉ một cổ phiếu hoặc ngành cụ thể như đối với rủi ro phi hệ thống.

Rủi ro hệ thống là rủi ro chung cho tất cả các cổ phiếu trên thị trường, phát sinh từ các yếu tố chung của thị trường như tình hình kinh tế vĩ mô, chính trị, sự ổn định về địa lý, khung tiền tệ, v.v. Một số loại rủi ro hệ thống cụ thể có thể kéo giá cổ phiếu xuống bao gồm: 

  • Tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm, lạm phát tăng cao.
  • Chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất.
  • Thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao.
  • Rủi ro chính trị, chiến tranh, dịch bệnh.

Tương tự như rủi ro phi hệ thống, danh sách những loại rủi ro hệ thống còn có thể kéo dài hơn nữa, nhưng tôi cho rằng những ý chính ở trên đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về những gì hình thành nên loại rủi ro này.

Rủi ro hệ thống có ảnh hưởng đến tất cả các cổ phiếu trên thị trường. Giả sử, bạn có danh mục đầu tư gồm 20 cổ phiếu, tuy nhiên khi GDP sụt giảm, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả 20 cổ phiếu mà không có sự phân biệt nào cả, do đó, giá của các cổ phiếu trong danh mục trên sẽ đều giảm. Rủi ro hệ thống là thứ vốn đã tồn tại sẵn và nó không thể hạn chế bằng việc mua nhiều cổ phiếu hơn. Một lần nữa, bạn cần lưu ý rằng rủi ro phi hệ thống có thể được đa dạng hóa, nhưng rủi ro hệ thống thì không.

Lợi suất kỳ vọng

Chúng ta sẽ nói ngắn gọn về khái niệm “Lợi suất kỳ vọng” trước khi quay lại chủ đề về Rủi ro. Tất cả mọi người đều mong đợi một mức lợi suất cho các khoản đầu tư của mình. Lợi suất đầu tư kỳ vọng đơn giản chính là mức lợi nhuận mà bạn mong đợi từ khoản đầu tư của mình. Nếu bạn đầu tư tiền của mình vào cổ phiếu Vinhomes và kỳ vọng nó tạo ra mức lợi nhuận 20% trong một năm, thì đó chính là mức lợi suất kỳ vọng cho khoản đầu tư của bạn.

Tại sao chỉ số lại quan trọng trong khi nghe có vẻ rất bình thường? Đây chính là con số được các nhà đầu tư sử dụng cho rất nhiều các tính toán khác – phục vụ cho việc định giá cổ phiếu hay tối ưu hóa danh mục đầu tư. Vì vậy, việc kỳ vọng vào một mức lợi nhuận thực tế đóng một vai trò quan trọng trong quản trị danh mục đầu tư. Bây giờ, chúng ta hãy đi qua một số ý tưởng cơ bản để hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Cũng với ví dụ trên – nếu bạn đầu tư $1000 vào HPG (trong một năm) và mong đợi mức lợi nhuận 20%, thì lợi suất kỳ vọng từ khoản đầu tư của bạn là 20%. Thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đầu tư $500 vào HPG cũng với mức lợi nhuận kỳ vọng là 20% và $500 vào NKG với mức lợi nhuận kỳ vọng là 15%? – Tổng lợi nhuận kỳ vọng ở đây là bao nhiêu? Nó là 20% hay 15% hay một con số khác?

Chắc hẳn bạn có thể đã đoán ra, lợi nhuận kỳ vọng chắc chắn sẽ không phải là 20%, cũng không phải là 15%. Vì chúng ta thực hiện đầu tư vào 2 cổ phiếu để tạo thành một danh mục đầu tư và do đó, trong trường hợp này, lợi nhuận kỳ vọng là của một danh mục đầu tư chứ không phải là của một tài sản riêng lẻ. Lợi nhuận kỳ vọng của một danh mục đầu tư có thể được tính theo công thức sau:

E(RP) = W1R1 + W2R2 + W3R3 + … + WnRn

Trong đó:

E (RP) = Lợi suất kỳ vọng của danh mục đầu tư

W = Tỷ trọng đầu tư

R = Lợi suất kỳ vọng của từng tài sản riêng lẻ

Trong ví dụ trên, số tiền được đầu tư là $500 cho mỗi cổ phiếu, do đó tỷ trọng của mỗi cổ phiếu sẽ là 50%. Lợi suất kỳ vọng là 20% và 15% đối với 2 khoản đầu tư trên. Khi đó:

E (RP) = 50%*20% + 50%*15%

= 10% + 7,5%

17,5%

Mặc dù ví dụ này chỉ có hai cổ phiếu nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng công thức này với bất kỳ loại tài sản nào khác với số lượng tùy ý. Đây là một công thức khá đơn giản và điều quan trọng nhất là bạn cần phải hiểu rằng lợi suất kỳ vọng không phải lợi nhuận “chắc chắn”; mà chính xác hơn nó chỉ là một kỳ vọng có xác suất về mức lợi suất đầu tư. 

Hiểu về lợi suất kỳ vọng, chúng ta đã có thể xây dựng một số khái niệm định lượng như phương sai (variance)hiệp phương sai (covariance) nhằm đo lường kỹ hơn về khía cạnh rủi ro của danh mục đầu tư. Đây cũng chính là 2 chủ đề sẽ được bàn luận trong chương tiếp theo của chủ đề này.

Tham khảo Thư viện kiến thức chứng khoán miễn phí TẠI ĐÂY.
Học đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu? Tham khảo khóa học TẠI ĐÂY.

Happy Trading !

Nullam quis risus eget urna mollis ornare vel eu leo. Aenean lacinia bibendum nulla sed